(Kỳ 16b: The Federalist No 62)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần hai của bản dịch The Federalist No 62. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

Thứ Tư, 27 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

…Một chính quyền chung, có các nhánh quyền lực bình đẳng như nhau trước các mục tiêu trị quốc, đang là đòi hỏi của nhân dân Mỹ và còn là đòi hỏi cấp thiết hơn trong thực trạng chính trị của Mỹ hiện nay. Một chính quyền có nguyên tắc nền tảng thiên về nguyện vọng của các Tiểu Bang lớn sẽ không thể nhận được đồng tình từ các Tiểu Bang nhỏ. Vậy, đối với các Tiểu Bang lớn, sự lựa chọn chỉ còn là giữa mô hình chính quyền đang được đề xuất hoặc một mô hình chính quyền sẽ bị phản đối mạnh hơn. Trong tình thế này, sự khôn ngoan và thận trọng buộc phải chấp nhận điều ít xấu hơn; và, thay vì miên man vào việc tiên đoán vô ích các rắc rối có thể, chúng ta nên xem xét kỹ các hệ quả có lợi có thể bù đắp những gì đã phải hy sinh.

Với tinh thần này, có thể thấy ngay rằng quyền bỏ phiếu bình đẳng dành cho mỗi Tiểu Bang là sự xác nhận hiến định về một phần chủ quyền được giữ lại trong từng Tiểu Bang và là một công cụ để bảo toàn cho quyền chủ tể đọng lại (“residuary sovereignty” – đây là thuật ngữ sáng tạo của tác giả. Thuật ngữ này đã được dùng trong FP 39. ND) này. Vì vậy, tính chất bình đẳng này không hề ít có lợi hơn cho Tiểu Bang lớn so với Tiểu Bang nhỏ; vì họ cũng muốn không kém phải bằng mọi cách chống lại một sự hợp nhất không đúng đắn các Tiểu Bang thành một nước cộng hòa đơn giản.

Ðặc tính này của Thượng Viện còn sinh ra một ưu tính khác: tạo thêm một ngáng trở nữa cho các hành động lập pháp sai trái. Luật hoặc nghị quyết sẽ không thể thiết lập khi thiếu sự phê chuẩn đồng thời, trước, của đa số nhân dân và, sau, của đa số Tiểu Bang (note: Ở đây chúng ta lại thấy tư duy phân biệt hai nhánh lập pháp của tác giả, coi Hạ Viện là đại diện của dân và Thượng Viện là đại diện của thực thể Tiểu Bang, mặc dầu về bản chất chung đều là đại diện. ND). Nhưng phải nhận thấy rằng sự kiểm soát phức tạp này đối với việc lập pháp, trong một số trường hợp, là vừa tác hại vừa sinh lợi (“có hại” tác giả ngụ ý ở đây chính là sự bế tắc của lập pháp có thể xảy ra khi Thượng Viện bác bỏ các dự luật do Hạ Viện trình lên. Vấn đề này cũng đã được nêu trong FP 58. ND); và sự phòng vệ đặc biệt này, có tính ưu ái cho các Tiểu Bang nhỏ, sẽ tỏ ra hữu lý hơn nữa vì, nếu thiếu nó, các Tiểu Bang này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi có một số quyền lợi chung khác biệt với quyền lợi của các Tiểu Bang lớn. Nhưng do các Tiểu Bang lớn luôn có khả năng, vì có sức mạnh về nguồn lực, đánh đổ các nỗ lực bất hợp lý trong việc sử dụng đặc quyền này của các Tiểu Bang nhỏ, và do các chính quyền của chúng ta thường rất dễ mắc các căn bệnh lập pháp và lập pháp thái quá (ở đây chúng ta nên nhớ lại ý tưởng của Thomas Jefferson về “sự độc tài của lập pháp”. ND), nên không phải không thể có khả năng trên thực tế sự thiết kế này của Hiến Pháp còn mang lại nhiều tiện ích hơn nữa so với những gì đang được hình dung trong tâm tưởng của nhiều người.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

IV. Số lượng thượng nghị sĩ và thời gian tại nhiệm sẽ được bàn ở đây. Ðể đánh giá chính xác hai điểm này chúng ta cần phải đi sâu vào các nhiệm vụ của một thượng viện; và để biết rõ những nhiệm vụ này, chúng ta sẽ phải xem lại các rắc rối một nước cộng hòa sẽ phải chịu đựng khi thiếu vắng một thiết chế như thế.

Ðầu tiên, một điều không may cho chính quyền cộng hòa, dù ở mức nhỏ hơn so với các dạng chính quyền khác, là những người quản trị chính quyền có thể lãng quên các bổn phận đối với cử tri và phản bội sự phó thác lớn lao của công chúng dành cho họ. Xem như vậy, một thượng viện, với tư cách là nhánh thứ hai của cơ quan lập pháp, có cấu tạo khác nhưng cùng chia quyền lực với nhánh thứ nhất (tức Hạ Viện. ND), sẽ là một chiếc phanh hãm đáng hoan nghênh (“salutary check”.) lên chính quyền trong mọi tình huống. Nó tăng gấp đôi sự an toàn cho dân chúng bằng cách đòi hỏi phải có sự nhất trí của hai thực thể riêng biệt mới có thể thực hiện được sự lạm quyền hoặc phản trắc mà, nếu khác, chỉ cần lòng tham hoặc tha hóa của một thực thể thôi là đủ.

Ðây là một biện pháp đề phòng được dựng trên những nguyên tắc đã rất sáng tỏ, và hiện được mọi người ở Hợp Chúng Quốc hiểu rất rõ tới mức sẽ làm phiền khi nói nhiều thêm.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Tôi sẽ chỉ nói thêm rằng, dựa trên cơ sở độ dị biệt về cấu tạo giữa hai cơ quan này càng tăng thì càng làm cho khả năng câu kết hắc ám giữa chúng với nhau càng khó xảy ra, vì thế cần phải sáng suốt làm cho chúng tách biệt nhau bằng tất cả các điều kiện miễn là vẫn mang lại một sự hòa hợp đúng mực trong mọi hành động đúng đắn và chúng nhất quán với các nguyên lý chân thực của chính thể cộng hòa.

Thứ hai, sự cần thiết của thượng viện có nguồn gốc không kém quan trọng là: do khuynh hướng của tất cả các nghị hội đơn thể và đông đúc thường nhượng bộ trước xung lực của các xúc cảm bạo liệt, bất ngờ, và thường bị các thủ lãnh bè phái dụ dỗ kéo vào các quyết định bốc đồng, nguy hại. Không thể nêu hết các ví dụ cho sự thể này; từ các diễn tiến trong Hợp Chúng Quốc và từ lịch sử của các quốc gia khác.

Nhưng một quan điểm không có mâu thuẫn sẽ không cần phải chứng minh. Tất cả những điều cần phải ghi nhận là: cái bộ phận dành để sửa chữa tính chất ngả nghiêng như thế thì bản thân nó cần phải thoát khỏi tính chất này, tức là nó cần phải có ít thành viên hơn. Nó cũng cần phải có tính thật vững vàng, và, vì thế cần phải giữ quyền của nó trong một nhiệm kỳ có thời gian dài.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Thứ ba, một thượng viện sẽ giải quyết được một khuyết tật khác thường có là: sự thiếu hiểu biết đầy đủ các đối tượng và nguyên tắc của pháp luật. Không thể có một tập hợp người – mà phần lớn họ phải từ bỏ các mưu cầu cá nhân để đảm trách việc công trong một thời gian ngắn và không có động cơ thường trực để tận hiến thời gian nghỉ ngơi vào việc trau dồi, tìm hiểu pháp luật, công việc và các lợi ích đầy đủ của đất nước – khi được phó mặc hoàn toàn lại sẽ tránh được các sai sót nghiêm trọng khác nhau trong khi thực thi sứ mệnh lập pháp.

Chúng ta có thể xác quyết, dựa trên những cơ sở chắc nhất, rằng một phần không nhỏ trong những rối bời hiện có của Mỹ sẽ phải quy cho các sai phạm của các chính quyền của chúng ta; và, hầu hết những sai phạm này có nguyên nhân từ trí tuệ hơn là con tim của những người đã tạo ra chúng.

Quả thật, tất cả những điều luật để bãi bỏ, giải thích và tu chỉnh luật, đang làm đầy và làm mất giá những bộ luật dày cộm, còn là cái gì khi chúng chứa đầy các dấu chứng của thiểu trí; đầy những hạch tội của phiên sau đối với phiên trước; đầy những cảnh báo nhân dân về giá trị của các trợ giúp có thể đến từ một thượng viện đã được xây dựng rất cẩn thận?…

(còn tiếp)