(Kỳ 16a: The Federalist No 62)

Trong 3 nhánh quyền lực cơ bản của chính quyền Hoa Kỳ, nhánh quyền lực lập pháp (the lesgislative) được cấu tạo theo mô hình lưỡng viện (bicameral) gồm hai bộ phận: The House of Representatives (cơ quan đại diện-hạ viện) và The Senate (thượng viện). Bộ phận trước được The Federalist bàn trong 10 bài từ The Federalist No 52 tới The Federalist No 61. Chúng ta đã nói tới The Federalist No 52 và The Federalist No 53 trong 7 Kỳ trước (14a-14c, 15a-15d). Có thể nói The House of Representatives – Cơ Quan Đại Diện là thiết chế linh hồn của một chính thể dân chủ theo nghĩa sơ đẳng và chắt lọc nhất. Tính cơ sở và chắt lọc này quan trọng tới mức mọi chính thể độc tài, kể cả độc tài toàn trị cộng sản, đều phải bằng mọi cách lập ra và duy trì thiết chế đại diện, dĩ nhiên là trá hình, qua những trò bầu cử rất ầm ĩ, tốn kém. Nhưng đối với The Senate (thượng viện), thiết chế lập pháp này mang một ý nghĩa khác.

Như tên gọi trong tiếng Anh, the senate có nguyên gốc từ senatus tiếng La Tinh, ngôn ngữ của La Mã cổ đại. “senatus” lại bắt nguồn từ senex – người già cả, bậc trưởng thượng. Dù là thời quân chủ hay cộng hòa, Senatus của La Mã cổ đại đều là một thiết chế chính trị chỉ gồm các thành viên thuộc tầng lớp trưởng thượng về mặt tuổi đời, kinh nghiệm, gia sản, quyền thế, uy tín trong xã hội; giới trẻ, người thuộc tầng lớp nghèo, bình dân không thể có chân trong Senatus. Chức năng chính của Senatus là tư vấn, tham mưu cho quân vương (thời quân chủ La Mã) hay thẩm tra, duyệt xét các chính sách, quyết định của giới hành pháp (consul) trong thời Cộng Hòa La Mã. Senatus không đặt trên cơ sở đại diện cho dân mà đặt trên sự khôn ngoan, thận trọng, điềm đạm của con người.

Khi Cách Mạng Mỹ nổ ra, chính thể Đại Anh đã áp dụng từ vài trăm năm mô hình Senatus vào một nhánh lập pháp với tên gọi the House of Lords, gồm các thành viên thuộc giới quý tộc thâm niên hay tăng lữ cấp cao.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Ban đầu, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tạo ra cơ quan lập pháp độc viện (unicamecal) có tính chất đại diện là chính (the Continental Congress). Nhưng sau cách mạng, họ đã phải tìm cách để chỉnh sửa chính thể, trong đó có cơ quan lập pháp. Là những người chuộng tư duy khoa học của thời Ánh Sáng, họ đã tìm hiểu và nhận ra giá trị của cả Senatus lẫn the House of Lords. Song, việc áp dụng các mô hình này không dễ vì, trong nhiều lý do, chúng không chỉ gợi ra một chính thể đã bị họ chống đối (the House of Lords) mà còn tỏ ra không tương thích với lý tưởng cách mạng nhằm lập ra một chính thể bảo đảm tự do, bình đẳng cho “mọi người” (“We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness” – Tuyên Ngôn Độc Lập 1776). Nhưng cuối cùng họ đã áp dụng các mô hình vừa nói với những sáng tạo đặc biệt. Chúng ta sẽ thấy những sáng tạo này cùng những lý luận thuyết phục trong các kỳ tới đây. Trân trọng giới thiệu bản dịch The Federalist No 62:

The Independent Journal

Thứ Tư, 27 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Sau khi vừa xem xét cấu trúc của Cơ Quan Ðại diện (“the House of Representatives” tức Hạ Viện. ND), và trả lời các phản bác đáng được ghi nhận, nay tôi sẽ chuyển sang xem xét Thượng Viện.

Các mục chính cần xem xét cho thành phần này của chính quyền là: I.  Ðiều kiện để ứng cử thượng nghị sĩ. II. Sự bổ nhiệm bởi cơ quan lập pháp Tiểu Bang. III. Tính bình đẳng về đại diện trong Thượng Viện. IV. Số lượng thượng nghị sĩ và nhiệm kỳ của họ. V. Các quyền giao cho Thượng Viện.

  1. Các điều kiện dự định cho thượng nghị sĩ, khác với điều kiện của đại diện (“representatives”, tức các thành viên của Cơ quan Đại diện (Hạ Viện) thường được dịch là “hạ nghị sĩ” hay “dân biểu”, được nhân dân bầu theo thể thức trực tiếp. Nhưng từ “dân biểu” chỉ đại diện của Hạ Viện sẽ dễ gây hiểu lầm vì từ sau năm 1913 đến nay các thượng nghị sĩ cũng do dân bầu. ND), là có tuổi đời cao hơn và thời gian làm công dân lâu hơn. Thượng nghị sĩ phải ít nhất 30 tuổi; còn đại diện 25 tuổi. Thượng nghị sĩ phải đã là công dân được ít nhất 9 năm; trong khi đại diện là 7 năm. Sự đúng đắn của các khác biệt này xuất phát từ trong cốt lõi bổn phận của Thượng Viện: không chỉ yêu cầu phải có thông tin nhiều hơn và có tính ổn định lớn hơn, mà còn đòi hỏi thượng nghị sĩ phải là người đã có một thời gian sống đủ để có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đó; và, khi tham gia trực tiếp vào các sứ vụ với ngoại quốc, bổn phận này không bị thực hiện bởi một người không tuyệt đối lìa khỏi các thành kiến, tập quán liên đới tới giáo dục và nguồn gốc sinh ra ở ngoại quốc. Thời gian 9 năm rõ ràng là một trung dung thận trọng để tránh hai thái cực: sự loại bỏ hoàn toàn mọi công dân nhập cư có công trạng, tài năng đáng được công chúng tin tưởng, và sự chấp nhận bừa bãi, hấp tấp có thể gây sơ hở cho ngoại bang tác động tới các cơ quan quốc gia.
  2. Cũng không cần thiết phải nói nhiều về việc các thượng nghị sĩ được bổ nhiệm bởi các cơ quan lập pháp Tiểu Bang (Tu chính Hiến Pháp số 17 vào năm 1913 đã thay đổi cách bổ nhiệm này thành do dân bầu trực tiếp tại các Tiểu Bang. Và như thế, từ 1913 tới nay các thượng nghị sĩ về bản chất cũng là “dân biểu”. ND). Trong nhiều phương án có thể đã được thiết kế dành cho nhánh chính quyền này thì phương án do Hội Nghị (Hội Nghị lập hiến Philadelphia. ND) đề xuất có thể là cách thức hòa hợp nhất với công luận. Phương án này được đưa ra là vì nó có một ưu tính kép: vừa khuyến khích sự bổ nhiệm tinh lọc (“a select appointment”), vừa tạo cho các chính quyền Tiểu Bang một thiết chế để tác động vào quá trình hình thành chính quyền liên bang hầu giữ an toàn cho quyền lực của họ, và lại tạo được một liên kết tốt đẹp cho hai hệ thống (Hệ thống chính quyền Tiểu Bang và Liên Bang. ND).
Xem thêm:   The good Samaritans

III. Sự bình đẳng về đại diện trong Thượng Viện, là kết quả thỏa hiệp rõ ràng giữa các mong muốn đối lập nhau giữa các Tiểu Bang lớn và nhỏ, là điểm hiện không cần phải bàn luận nhiều. Nếu quả thật hai điều này đúng đắn: trong một cộng đồng người đã gắn kết hoàn toàn với nhau thành một dân tộc thì mỗi bộ phận của cộng đồng cần phải có đại diện TỶ LỆ tương ứng trong chính quyền; và trong các Quốc gia độc lập, có chủ quyền riêng biệt đã cùng nhau hiệp thành một thực thể thì các thành phần đó, dù quy mô không bằng nhau, phải có đại diện BẰNG NHAU trong các cơ quan chung, thì rõ ràng không phải không có lý khi trong một nước cộng hòa phức hợp (“compound republic”. ND) (mang cả đặc tính quốc gia và liên bang) chính quyền cần được xây trên nguyên tắc hỗn hợp, vừa theo đại diện tỷ lệ vừa theo đại diện bình đẳng. Nhưng sẽ là thừa để thử thách về lý thuyết một phần nào đó của bản Hiến Pháp đã được tất cả công nhận là kết quả không phải từ lý thuyết mà là từ “tinh thần thân ái, và sự đồng tôn trọng và cùng nhân nhượng lẫn nhau do tình thế chính trị đặc biệt của chúng ta đòi hỏi.” (Phần trích này thuộc lá thư của Georges Washington gửi Chủ Tịch Quốc Hội ngày 17 tháng Chín 1787. ND)…

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

(còn tiếp)