(Kỳ 15c: The Federalist No 53)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần hai của bản dịch The Federalist No 53. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

Thứ Bảy, 09 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

…Có một khác biệt quan trọng được hiểu rất rõ ở Mỹ là, giữa Hiến Pháp do nhân dân thiết lập và không thể bị thay đổi bởi chính quyền, với luật do chính quyền làm ra và chính quyền có thể thay đổi. Ðây là những điều dường như vẫn chưa được biết đến nhiều và cũng ít thấy hiện diện ở bất kỳ quốc gia nào khác. Từ trước tới nay, ta thường thấy bất cứ bộ phận nào sinh ra quyền tối cao về lập pháp thì luôn được coi là nơi có đầy đủ thẩm quyền để thay đổi dạng thức chính quyền (ở đây tác giả muốn phê phán việc cơ quan lập pháp từ trước tới nay luôn có quyền thay đổi cấu trúc chính quyền bất kỳ khi nào. Theo tác giả, việc tu chính Hiến Pháp (luật gốc về chính quyền) chỉ có thể do nhân dân quyết định vì nhân dân là nguồn của Hiến Pháp. ND).

Ngay ở Ðại Anh quốc – nơi các nguyên lý về tự do chính trị và tự do dân sự được bàn luận nhiều nhất và cũng là nơi chúng ta nghe thấy nhiều nhất về các quyền của Hiến Pháp thì thẩm quyền Nghị Viện vẫn là siêu việt và bất khả kiểm soát so với cả Hiến pháp lẫn các đối tượng lập pháp thông thường. Vì vậy, bằng hành động lập pháp, Nghị Viện Anh đã nhiều lần thay đổi cả một số bộ phận cơ bản nhất của chính quyền. Ðặc biệt, nhiều lần họ còn thay đổi cả thời hạn bầu cử; và, lần gần đây nhất, họ chẳng những thay bầu cử 3 năm thành 7 năm lại còn, bằng cùng điều luật, tự cho bản thân tiếp tục tại vị thêm 4 năm vượt quá thời hạn do nhân dân đã ấn định khi bầu họ.

Những hành động nguy hiểm đó vẫn liên tục làm các môn đệ của chính thể tự do – chính thể có hòn đá tảng là bầu cử thường kỳ – phải giật mình và buộc họ phải tìm biện pháp an ninh để chống lại nguy hiểm mà tự do đang đối mặt. Ở đâu Hiến Pháp – cơ sở tối quan trọng cho chính quyền – không tồn tại hoặc không thể thiết lập – ở đó sẽ không thể có an ninh hiến định để thực thi (“constitutional security”, tức sự bảo vệ do hiến pháp định ra để bảo đảm cho tự do và chính thể tự do không bị xâm hại hay thay đổi một cách tùy tiện. Đây là một triết lý mới về quản trị quốc gia vào lúc nước Mỹ thiết lập và cũng là triết lý xa lạ đối với các xã hội hiện đang phải sống trong các chính thể độc tài, nhất là độc tài cộng sản. ND) giống như đã được thiết lập ở Hợp Chúng Quốc.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Vì vậy, người ta đã phải tìm thêm biện pháp an ninh khác; và trong trường hợp này có biện pháp an ninh nào tốt hơn việc chọn và dựa vào một thời đoạn vừa đơn giản vừa thân quen như một tiêu chuẩn để đo lường sự nguy hiểm của những cải biến, để chỉnh sửa tình cảm quốc gia và để tập hợp các nỗ lực ái quốc? Thời đoạn đơn giản nhất và thân quen nhất cho vấn đề này đã được coi là một năm; và vì thế mà nguyên lý có tính tổng quát này vẫn đang được tích cực quảng bá bằng những nỗ lực quý giá để dựng lên rào chắn chống lại các biến cải từ từ của loại chính quyền vô giới hạn có mức độ bạo quyền thường được xác định bằng khoảng cách nó rời xa điểm cố định: bầu cử thường niên. Nhưng nhu cầu nào khiến cần phải áp dụng biện pháp này vào một chính quyền đã bị giới hạn bởi thẩm quyền tối cao của một Hiến pháp, như chính quyền Liên Bang trong tương lai? Hoặc ai sẽ cho rằng các tự do của nhân dân Mỹ, với bầu cử chu kỳ hai năm hằng định do Hiến Pháp quy định, sẽ không được bảo đảm bằng ở những quốc gia có bầu cử thường niên hoặc mau hơn nhưng lại có thể bị thay đổi bởi quyền lực thông thường của chính quyền? (ở đây tác giả nêu ra một rủi ro trong cấu trúc chính trị của nước Anh. Nước Anh không có hiến pháp thành văn nhưng vẫn có bầu cử để chọn ra các đại diện của dân. Vì thế các đại diện được bầu của dân Anh có thể tùy tiện đưa ra các luật làm lợi cho họ nhưng gây hại cho lợi ích chung của xã hội. ND)

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Câu hỏi thứ hai chính là nỗi băn khoăn phải chăng bầu cử chu kỳ hai năm là cần thiết và thiết thực. Các phân tích rất rõ ràng sau đây sẽ cho thấy sự trả lời đúng đắn cho câu hỏi này là khẳng định: đúng thế!

Không ai có thể thành nhà lập pháp giỏi nếu khả năng đánh giá sáng suốt và tâm nguyện thẳng thắn của ông ta không được bổ sung một hiểu biết nhất định về các chủ đề lập pháp liên quan. Một phần của hiểu biết này có thể thu được bằng tiếp nhận thông tin trong cộng đồng con người, cả chốn riêng tư lẫn nơi công cộng. Phần hiểu biết còn lại chỉ có thể đạt được, hoặc ít nhất đạt được một cách đầy đủ, qua trải nghiệm thực sự trong công việc yêu cầu phải có sự hiểu biết đó. Vì vậy, thời gian phục vụ, trong các công việc này, phải nên tỷ lệ với quy mô hiểu biết thực tế tối thiểu để có đủ năng lực phục vụ. Thời đoạn phục vụ trong nhánh lập pháp có số thành viên đông nhất trong phần lớn các Tiểu Bang, như chúng ta thường thấy, đã thành lệ là một năm. Vậy, vấn đề có thể diễn đạt đơn giản thế này: phải chăng thời đoạn hai năm không mang lại mức độ hiểu biết cần thiết cho công việc lập pháp Liên Bang tốt hơn thời đoạn một năm ở các Tiểu Bang? Chính sự diễn đạt vấn đề theo cách này đã gợi cho ta thấy câu trả lời cần có rồi.

Xem thêm:   Cá đuối món nào gia vị đó!

Trong riêng một Tiểu Bang, hiểu biết cần có là những gì liên quan tới các luật hiện hành, thường có tính đồng nhất trong toàn Tiểu Bang, và ít nhiều mọi công dân đều đã biết; đối với công việc chung của Tiểu Bang, thường ở trong một phạm vi nhỏ, các luật đó không quá đa dạng và luôn thu hút được nhiều chú ý, bàn luận của mọi tầng lớp dân chúng. Nhưng quy mô rộng lớn của Hợp Chúng Quốc sẽ đưa tới một tình trạng rất khác.

Khi đó, các luật đều không đồng nhất vì chúng thay đổi ở mọi Tiểu Bang; đồng thời việc quản trị Liên Hiệp lại trải trên một khu vực rất rộng và hết sức đa dạng do liên đới với các sự vụ địa phương khác nhau, và sẽ khó có thể truyền đạt chính xác sự quản trị liên hiệp cho các nơi nếu không thực hiện điều này tại các hội đồng trung ương – nơi tập hợp các tri thức về quản trị công do các đại diện của mọi miền trong đế quốc ( “empire”, trong tư duy của các chính trị gia Mỹ và học giả đương thời, từ “đế quốc” hay “đế chế” không có nghĩa xấu. Đế quốc nhằm chỉ một quốc gia độc lập về chủ quyền, hùng mạnh về năng lực và rộng lớn về lãnh thổ với nhiều sắc tộc khác nhau. Từ “đế quốc” đã được sử dụng nói về Hợp Chúng Quốc trong FP 40.) đem tới.

Tuy nhiên, các đại biểu từ mỗi Tiểu Bang cần phải có sự hiểu biết nhất định về công việc, và cả về luật, của tất cả các Tiểu Bang. Làm sao có thể điều chỉnh đúng đắn hoạt động ngoại thương bằng khuôn khổ pháp luật đồng nhất nhưng thiếu sự thông thuộc về thương mại, cầu cảng, tập quán và các quy định của các Tiểu Bang? Làm sao có thể điều chỉnh hợp lý thương mại giữa các Tiểu Bang nếu không có chút hiểu biết nào về hoàn cảnh riêng của họ đối với vấn đề này hay vấn đề khác?…

(còn tiếp)

PHS (01/06/2021)