(Kỳ 15a: Tính Đại Diện)

Trong The Federalist No 52 tại Kỳ 14b chúng ta đã thấy bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ 1787 đề ra 4 tiêu chuẩn để trở thành người Ðại Diện Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ:

(1) Tuổi đời tối thiểu 25 năm.

(2) Thời gian làm công dân Hợp Chúng Quốc tối thiểu 7 năm.

(3) Là cư dân cùng Tiểu Bang với các cử tri sẽ bỏ phiếu bầu chọn.

(4) Khi nhậm chức Ðại Diện Hợp Chúng Quốc phải từ bỏ mọi chức vụ (nếu có) liên quan tới toàn Hợp Chúng Quốc.

Nhìn vào tiêu chuẩn (3) chúng ta có thể thấy thâm ý của các nhà lập quốc Mỹ muốn người có thể trở thành đại diện cho dân phải là người tối thiểu hít thở cùng một bầu khí quyển tự nhiên và xã hội với những người được đại diện. Từ tiêu chuẩn này chúng ta sẽ thấy lại ngay bản chất giả trá của cái gọi là “bầu cử” trong các chế độ độc tài cộng sản. Trong cuộc “Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” tại Việt Nam vào ngày 23 tháng Năm vừa qua, nhìn thoáng qua danh sách “ứng cử” chúng ta thấy rõ sự kỳ cục của cái gọi là “đại diện của dân”: Phạm Minh Chính, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Chính Phủ, quê gốc Thanh Hóa, cư dân Hà Nội nhưng lại ứng cử đại biểu quốc hội tại tận thành phố Cần Thơ hay Phạm Bình Minh, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Chính Phủ, quê gốc Nam Ðịnh, cư dân Hà Nội nhưng lại ứng cử đại biểu quốc hội tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự giả dối rất nhỏ so với sự giả mạo của toàn bộ mọi cuộc bầu cử dưới chế độ do đảng Cộng sản Việt Nam dựng nên.

Bốn tiêu chuẩn nêu trên dành cho người Ðại Diện Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vẫn được giữ nguyên trong Hiến Pháp Mỹ kể từ khi bản dự thảo hiến pháp được phê chuẩn ngày 21 tháng Sáu 1788 cho tới tận ngày nay. Bốn tiêu chuẩn này hiện diện trong Section 2 và Section 6 thuộc Article 1 của Hiến Pháp Mỹ. Article 1 là phần dành riêng cho cơ quan lập pháp Mỹ, theo mô hình lưỡng viện (the bicameral legislative). Bốn tiêu chuẩn vừa nói chỉ liên quan tới thành viên của một viện mà người Việt chúng ta thường gọi là Hạ Viện, các thành viên của nó người Việt thường gọi là Dân Biểu.

Tuy nhiên, về mặt lịch sử và bản chất chính trị, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

– Các nhà lập quốc Mỹ gọi viện lập pháp này là Cơ Quan Ðại Diện (The House of Representatives); các thành viên của nó là Ðại Diện cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, tức người có tư cách đại diện cho quyền lợi chung của tất cả các Tiểu Bang.

– Tính chất đại diện cho toàn Hợp Chúng Quốc của những người này căn bản dựa trên hai trụ cột: một, cách thức tạo lập; hai, các thẩm quyền, trách vụ được trao. Về trụ cột thứ hai, chúng ta có thể hình dung ra ngay đó là các thẩm quyền ảnh hưởng tới quyền lợi chung của toàn liên bang như ấn định ngân sách chung và phân bổ ngân sách cho từng tiểu bang hay tạo các điều luật áp đặt cho tất cả các tiểu bang. Về trụ cột thứ nhất, cách thức tạo lập các đại diện, điều này liên quan tới một ý niệm chính trị có tính cách mạng đương thời và là kết quả đấu tranh, mày mò của nhân loại trong nhiều thế kỷ được đa số học giới đương thời ủng hộ, đó là quyền lực công (quyền thống trị-quản trị xã hội) phải được đặt căn bản trên sự ưng thuận của người dân – những người sẽ bị quyền lực công cai trị. Ðể xác định mức độ ưng thuận (hay không ưng thuận) của dân thì cần phải tổ chức các cuộc lấy ý trong dân chúng (a suffrage). Cách lấy ý dân theo thông lệ là việc để người có tư cách công dân bỏ phiếu trực tiếp với hai đặc điểm kín và tự do. Kín với nghĩa lá phiếu của dân là vô danh, không công khai; Tự Do với nghĩa không có sự đe dọa hay mua chuộc. Hai đặc tính này nhằm bảo đảm để người bỏ phiếu an tâm, tự nguyện thể hiện ý muốn thực của mình về những người/luật lệ sẽ cai trị mình. Ðây là hai đặc điểm cơ bản dành cho công dân (cử tri) với sự ngầm định các điều kiện cần thiết khác cho một vấn ý dân cũng phải hội đủ (như ứng cử viên hay vấn đề liên quan tới quyền lực công phải được công khai bày tỏ, cạnh tranh, không bị thao túng độc đoán; tổng kết cuộc bỏ phiếu/lựa chọn phải bảo đảm trung thực…)

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

– Từ khi Hiến Pháp Mỹ được thông qua cho tới nay, các thành viên của Cơ Quan Ðại Diện Hợp Chúng Quốc luôn được lựa chọn theo cách vừa nêu, tức trực tiếp từ lá phiếu kín, tự do của công dân trên toàn Liên Bang.

– Viện lập pháp còn lại của Mỹ là The Senate, người Việt chúng ta thường gọi là Thượng Viện, các thành viên của cơ quan này người Việt gọi là Thượng Nghị  Sĩ. Trong bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ 1787, Thượng Viện (The Senate) không dự trù mang tính đại diện cho toàn Liên Bang như Hạ Viện. Thượng Viện, về cơ bản, là cơ quan lập pháp nhằm tạo lập cơ chế kìm soát và đối trọng (checks and balances) và nhằm vào tính chất đại diện cho quyền lợi riêng của từng Tiểu Bang. Tính chất đại diện Tiểu Bang được đặt trên hai cột trụ chính: Mỗi Tiểu Bang lớn hay nhỏ đều có 02 (hai) đại diện tại Thượng Viện; Cách thức tạo lập các đại diện này không thông qua bỏ phiếu trực tiếp từ dân như các thành viên của Hạ Viện (Cơ Quan Ðại Diện Hợp Chúng Quốc). Bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ 1787 trao quyền tạo lập Thượng Nghị của Hợp Chúng Quốc cho các cơ quan lập pháp từng Tiểu Bang đảm nhiệm, có nghĩa họ không do dân bầu trực tiếp. Tới đây, hẳn sẽ có độc giả bất mãn với cách tạo lập Thượng Nghị vì Thượng Nghị vẫn có thể tác động tới quyền lợi của toàn Liên Bang do bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ quy định mọi điều luật liên bang muốn có hiệu lực đều phải thông qua Thượng Viện. Tuy nhiên, đó đã là lịch sử. Tu Chính Hiến Pháp số 17, do Quốc Hội Mỹ thông qua ngày 13 tháng Năm 1912 và được sự phê chuẩn của các Tiểu Bang ngày 08 tháng Tư 1913 quy định Thượng Nghị  phải được thông qua các cuộc bầu trực tiếp từ dân giống như các thành viên của Hạ Viện. Do vậy, trước năm 1913, nếu người Việt chúng ta gọi thành viên của Hạ Viện Mỹ là Dân Biểu thì đây là cách gọi rất chính xác và sâu sắc vì cách gọi này nêu đúng bản chất tạo lập và lại phân biệt được với cách tạo lập các Thượng Nghị Sĩ (lúc đó không phải do dân biểu, dân bầu). Tuy nhiên, sau Tu Chính Hiến Pháp 17, các Thượng Nghị Sĩ Mỹ cũng có bản chất dân biểu, dân bầu như các thành viên của Hạ Viện. Do đó, từ Dân Biểu dùng để gọi thành viên của Hạ Viện Mỹ ngày nay không còn tính chất độc đáo và chính xác nữa vì, về bản chất, cách gọi này có thể gây nhầm lẫn với các Thượng Nghị Sĩ. Có lẽ chúng ta chỉ nên gọi các thành viên của Hạ Viện Mỹ (The House of Representatives) là Hạ Nghị Sĩ.

Quay trở lại với Cơ Quan Ðại Diện do bản dự thảo Hiến Pháp 1787 quy định. Vào thời kỳ này, có thể nói, Cơ Quan Ðại Diện là linh hồn của một chính thể tự do (a free government) hay của một nền cộng hòa (a republicanism), hai cách gọi khác nhau cho cùng một mô hình chính quyền được các nhà lập quốc Mỹ ước vọng, tán thưởng. Lúc này, từ Dân Chủ (democracy) không phải là từ gợi ra những điều tốt đẹp. Chúng ta sẽ thấy lý do của sự mất thiện cảm đối với từ democracy trong bài tới đây.

Xem thêm:   The good Samaritans

(còn tiếp)

PHS (01/06/2021)