(Kỳ 14c: The Federalist No 52)

The New York Packet

Thứ Sáu, 08 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

… Bầu cử ở Ireland, mãi gần đây, vẫn hoàn toàn bị điều khiển bởi quân vương và hiếm khi được bầu lại, trừ những lúc có quân vương mới hoặc có biến cố đặc biệt. Nghị viện thời George II (George II (1683-1760) vua của Great Britain và Ireland từ 1727-1760. Ông là vua Anh cuối cùng được sinh ở ngoài Great Britain. ND) đã cứ thế suốt cả triều đại của ông, trong khoảng 35 năm. Lệ thuộc duy nhất của các đại diện vào nhân dân là ở quyền của người dân thỉnh thoảng được bỏ phiếu bầu một vài đại diện mới để trám một số chỗ bị khuyết và ở cơ hội mỗi lúc có một biến cố nào đó buộc phải có tổng tuyển cử mới. Khả năng của nghị viện Ireland bảo đảm quyền cho cử tri, trong phạm vi có thể của khả năng này, cũng bị khóa rất chặt bằng sự kiểm soát của quân vương về các chủ đề bàn luận.

Những xiềng xích vừa nói, nếu tôi không nhầm, gần đây mới được phá bỏ; nhưng nghị viện chu kỳ 8 năm vừa mới được thiết lập. Cải cách phiến diện này sẽ đem lại những hệ quả nào, chỉ có tương lai mới có thể biết (tác giả của The Federalist thường có tư duy thận trọng trong việc đánh giá những sự kiện đương thời và thường có tư duy: cần phải có thời gian mới có thể hiểu được thấu đáo một vấn đề đương thời, gọi là “kinh nghiệm tương lai”, “futher experience” hoặc “future experience”. Xem thêm FP 37 ghi chú 6; FP 64 ghi chú 15. ND).

Nhưng những gì đã xem ở đây cho thấy mô hình Ireland không có mấy giá trị cho vấn đề đang bàn. Kết luận lớn nhất có thể rút ra được từ Ireland là nếu nhân dân của đất nước này với tất cả những bất lợi vừa kể còn có khả năng duy trì được sự tự do nào đó thì ưu thế của bầu cử chu kỳ 2 năm sẽ bảo đảm cho họ có mọi mức độ tự do – điều có lẽ cần phải được đặt trên mối quan hệ đúng đắn giữa những người đại diện cho họ và chính bản thân họ.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu những gì gần chúng ta hơn. Thực trạng các Tiểu Bang khi vẫn còn là thuộc địa Anh là những ví dụ vừa đặc biệt vừa quá rõ để không cần nhiều lời. Nguyên tắc đại diện, ít nhất ở một nhánh của lập pháp (tức Assembly. Xem Thuật ngữ mục “Assembly” và “Council”.), đã được thiết lập trong tất cả các Tiểu Bang. Nhưng chu kỳ bầu cử khác nhau, thay đổi từ một tới 7 năm. Với việc xem lại tinh thần và ứng xử của các đại diện của dân trước Cách Mạng, liệu chúng ta có lý do nào để suy rằng bầu cử chu kỳ 2 năm gây nguy hiểm cho các quyền tự do của xã hội? Tinh thần đã biểu tỏ ở khắp mọi nơi khi cách mạng bùng nổ và vượt được mọi trở ngại để đi đến độc lập là bằng chứng tốt nhất cho thấy dân chúng khắp nơi đã được hưởng một bầu tự do đủ để vừa biết say mê giá trị của tự do vừa biết khao khát có tự do nhiều hơn một cách đúng mực.

Thực trạng này đúng với tất cả các thuộc địa khi đó, cả những nơi từng có bầu cử thưa nhất hay mau nhất. Virginia là thuộc địa đầu tiên đã đứng lên kháng lại các lạm quyền của nghị viện Anh; đây cũng là nơi đầu tiên có cơ quan lập pháp đưa ra quyết nghị độc lập. Tuy nhiên, nếu thông tin của tôi không sai, tại Virginia các cuộc bầu cử trước đó đã có chu kỳ 7 năm. Trường hợp đặc biệt này được đưa ra xem xét không phải vì nó là bằng chứng cho một giá trị đặc biệt nào, bởi việc nêu trường hợp này phần lớn có tính ngẫu nhiên; và với những lợi thế ít hơn trong các bầu cử chu kỳ BẢY NĂM, khi so với bất kỳ chu kỳ mau hơn nào, cũng đều không thể chấp nhận được; nhưng đây là một bằng chứng, tôi coi là một bằng chứng rất quan trọng, để thấy các tự do của nhân dân không thể bị đe dọa bởi các cuộc bầu cử chu kỳ HAI NĂM (lưu ý: một trong những lý do để nhóm The Anti-Federalist phản đối bản Hiến pháp là chu kỳ bầu cơ quan lập pháp được đề xuất là hai (2) năm, theo họ là quá dài dễ làm cho lập pháp lạm quyền, họ muốn là hàng năm. ND).

Xem thêm:   Nhớ ca sĩ Ngọc Lan mặt trời đã xa mùa Hạ

Xem lại 3 tình huống sau chúng ta sẽ càng thấy kết luận vừa rút từ những mô hình trên là thuyết phục. Thứ nhất, cơ quan lập pháp liên bang sẽ chỉ có một phần thẩm quyền lập pháp tối cao – điều được giao hoàn toàn cho Nghị Viện Anh (có lẽ ý tác giả là Quốc Hội Mỹ có quyền lập pháp nhưng không có tuyệt đối, vì mọi dự luật khi đã được Quốc hội thông qua còn phải được Tổng thống ký duyệt mới có hiệu lực. Để bác bỏ sự phủ quyết (veto) của Tổng thống thì Quốc hội lại phải thông qua lần nữa với tối thiểu 2/3 thành viên Quốc Hội (cả hai viện) đồng ý. ND); và, trừ một vài ngoại lệ, thẩm quyền này cũng đã được giao hoàn toàn cho các Nghị Hội thuộc địa (“colonial assemblies”. Xem phần Thuật ngữ mục “Assembly”. ND), và cơ quan lập pháp Ireland. Một thành ngữ nổi tiếng và rất có lý là, nếu không phải trong hoàn cảnh đặc biệt, quyền lực càng lớn thì thời gian cho nó càng phải ngắn và, ngược lại, quyền càng nhỏ thì càng an toàn nếu thời gian dành cho nó càng dài. Thứ hai, như đã được chứng minh (xem FP 46. ND), chúng ta đã thấy cơ quan lập pháp liên bang sẽ không chỉ bị kiềm chế, như mọi cơ quan lập pháp khác, bởi sự lệ thuộc của nó vào nhân dân, mà còn sẽ luôn bị để ý và khống chế bởi nhiều cơ quan lập pháp phụ cận khác (tức các cơ quan lập pháp riêng của các Tiểu Bang. ND) – đây là điều mọi cơ quan lập pháp khác không có. Thứ ba, các phương tiện trong các nhánh quyền lực có nhiệm kỳ dài hơn của chính quyền Liên Bang có thể dùng để dụ dỗ Cơ Quan Ðại Diện rời xa bổn phận đối với nhân dân không thể nào mạnh bằng các phương tiện trong các nhánh quyền lực khác của chính quyền (đã nêu trước đây) có thể dùng để kiểm soát nhánh quyền lực mạnh mẽ này (nguyên văn: “popular branch” – tức Cơ Quan Đại Diện, chữ popular ở đây vừa có nghĩa nổi tiếng, được yêu quý, tin cậy, vừa có nghĩa có nguồn gốc từ nhân dân, từ đa số cộng đồng. ND). Do vậy, với ít quyền lực hơn để lạm dụng, Cơ quan Ðại diện Liên bang sẽ vừa ít có nguy cơ bị dụ dỗ lại vừa bị kiểm soát gấp đôi.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

(còn tiếp)

PHS (01/05/2021)

Publius.

* Bài này xuất hiện lần đầu ngày 08 tháng Hai 1788 trên báo The New York Packet; 09 tháng Hai 1788 trên báo The Independent Journal. Đây các tờ báo của New York lúc đó. Bài này được đánh số 51 trên các báo. Trong ấn bản sách tập 2 của Nhà McLean tháng Năm 1788, bài này được đánh số 52. Số của các bài trong bản dịch theo cách đánh số của Nhà McLean. (ND)

Tác giả của bài này có thể Alexander Hamilton hoặc James Madison. Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) có hai nguồn (oll.libertyfund.org; và bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012), cho rằng bài này của James Madison. Còn lại ba nguồn kia vẫn để tồn nghi giữa Alexander Hamilton và James Madison. Ở đây người dịch theo sự tồn nghi này.