(Kỳ 14a: The Federalist No 52)

Cuộc cải cách chính trị lịch sử tại Miến Điện diễn ra cách đây hơn một thập niên là một cuộc thỏa thuận, chuyển đổi ôn hòa chính trị theo xu hướng dân chủ-tự do giữa hai phái, giới cầm quyền độc tài quân sự và các lực lượng khát khao dân chủ – nhân vật đại diện là nhà đấu tranh kỳ cựu, bà Aung San Suu Kyi. Cuộc cải cách này đã đưa tới một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp với kết quả đã lập ra bản Hiến Pháp 2008 có khả năng mở ra dân chủ nhưng có tính chất thỏa hiệp về quyền lực giữa hai phái. Bản Hiến Pháp 2008 quy định cơ quan lập pháp Miến Điện là một quốc hội lưỡng viện; Thượng Viện (Amyotha Hluttaw) gồm 224 ghế đại diện bình đẳng cho các tiểu bang-vùng; Hạ Viện (Pyithu Hluttaw) gồm 440 ghế đại diện cho các thị trấn theo tỷ lệ dân số. Hạ Viện có thẩm quyền bầu ra lãnh đạo quốc gia. Mỗi Viện đều có nhiệm kỳ 5 năm trong đó ¾ đại biểu được chọn trong một cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp; ¼ đại biểu còn lại là sự đặc cách dành riêng cho người của giới quân sự. Ngoài ra, giới quân sự còn giữ ảnh hưởng hoặc có đặc quyền nắm giữ các bộ quan trọng như Quốc Phòng, Biên Giới và Nội Vụ. Song, bản Hiến Pháp 2008 chỉ có hiệu lực từ ngày 31 tháng Giêng 2011. Các thay đổi chính trị và xã hội theo chiều hướng tự do đã liên tiếp diễn ra trong những năm sau, đáng kể nhất là các quan sát viên quốc tế được phép vào theo dõi các hoạt động chính trị, kể cả các cuộc bầu cử; các tổ chức dân sự, đảng phái, báo chí tự do phát triển rầm rộ; đảng NLD (Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ) của Aung San Suu Kyi được phép tranh cử, bản thân cá nhân Aung San Suu Kyi được tham chính và đã trở thành một lãnh đạo quốc gia từ năm 2016. Sau cuộc bầu cử 2015, cuộc tổng bầu cử lần thứ hai theo Hiến Pháp 2008 được tổ chức vào ngày 08 tháng Mười Một 2020 và đảng NLD đã chiến thắng vang dội, giành được đa số ghế trong cả hai viện của Quốc Hội. Đa số dân chúng Miến Điện và giới quan sát quốc tế đều hài lòng về tính chất tự do (free), công bằng (fair) của cuộc bầu cử. Theo lịch trình đã định, ngày 2 tháng Hai 2021 Quốc Hội lưỡng viện của Miến Điện sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho các đại biểu mới đắc cử, rồi Hạ Viện sẽ bầu ra lãnh đạo quốc gia cho nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, ngày 1 tháng Hai 2021, giới quân đội Miến Điện đã bất ngờ tuyên bố cuộc bầu cử bất hợp pháp và tiến hành bắt giữ tất cả các đại biểu của đảng NLD đồng thời bắt giữ cả Tổng Thống đương nhiệm Win Myint, Cố Vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi, cùng nhiều nhân vật chủ chốt của chính phủ. Quốc Hội Miến Điện bị đình chỉ hoạt động, quyền lực điều hành tối cao của hệ thống nhà nước được trao hoàn toàn cho Tổng Chỉ Huy Quân Đội, Tướng Min Aung Hlaing.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Cho dù Quốc Hội Miến Điện, vừa bị đình chỉ, không hoàn toàn được xây dựng qua lá phiếu bầu của dân chúng vì ¼ số ghế vẫn phải để cho giới quân sự tự ý bổ nhiệm, Quốc Hội trước chính biến vừa qua của Miến Điện vẫn có thể được coi là một quốc hội chính đáng (legitimate) vì nó hợp với một bản hiến pháp đã được toàn dân phúc quyết.

Dựa theo tinh thần The Federalist, Quốc Hội trước chính biến của Miến Điện, về cơ bản là một quốc hội dựa trên ý dân vì có tới 75% số đại diện do dân bầu ra một cách tự do. Vì vậy, chính biến tại Miến Điện ngày 1 tháng Hai 2020 là một cuộc lật đổ chính quyền dựa trên ý dân (government by consent of the people) để dựng trở lại chính quyền độc đoán, ở đây là độc đoán quân sự, bất chấp ý dân. Đối với The Federalist và cả The Anti-Federalist, sự chuyển đổi này không thể chấp nhận vì cả hai phái, dù đối nghịch nhau về quan điểm trước bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ 1787, đều cùng muốn xây dựng và bảo vệ một chính quyền dựa trên ý dân. Nhưng ngay cả khi đã chấp nhận một quốc hội được hình thành thực sự từ các cuộc bầu cử thường kỳ, tự do và công bằng, việc để có được ĐÚNG ý dân vẫn là một vấn đề không đơn giản.

Xem thêm:   Chiếc ghế gỗ đu đưa

Trong Essay III, đăng trên The Boston American Herald ngày 5 tháng Mười Một 1787, John DeWitt, một tác giả của The Anti-Federalist tại Tiểu Bang Massachusetts, đã nêu ra nhiều băn khoăn, nghi vấn về khả năng Hạ Viện phản ánh đúng nguyện vọng của dân chúng. Một trong những nghi vấn này là nhiệm kỳ của dân biểu-hạ nghị sĩ được dự kiến 2 năm, theo John DeWitt là quá dài để nhân dân có thể kiểm soát, ràng buộc trách nhiệm các đại diện của mình. Ông thuyết phục nhân dân Massachusetts như thế này:

“In the one case the elections would be annual, the persons elected would reside in the center of you, their interests would be yours, they would be subject to your immediate control, and nobody to consult in their deliberations. But in the other, they are chosen for double the time, during which, however well disposed, they become strangers to the very people choosing them, they reside at a distance from you, you have no control over them, you cannot observe their conduct, and they have to consult and finally be guided by twelve other States, whose interests are, in all material points, directly opposed to yours.” (Khi bầu cử Hạ Viện được tổ chức hàng năm, những người đắc cử sẽ ở ngay giữa tầm tay của quý vị, lợi quyền của họ cũng là của chính quý vị, họ sẽ luôn bị quý vị kiểm soát, và không ai có thể can thiệp vào công việc của họ. Song, trong trường hợp họ được tại vị với thời gian gấp đôi, họ sẽ trở nên xa lạ với chính những người đã chọn ra họ dù họ có mong mỏi chừng nào, họ sẽ ở cách quý vị một quãng xa, quý vị chẳng còn gì để kiểm soát và chẳng thể nào theo sát được các hành xử của họ, và cuối cùng họ sẽ phải đi tìm hiểu và bị điều khiển bởi 12 Tiểu Bang khác mà về mọi phương diện vật chất đều có lợi ích ngược hẳn với quý vị.)

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

The Federalist đã đáp lại những băn khoăn, phản đối này bằng một loạt bài bàn về Cơ Quan Đại Diện. Sau đây là bản dịch The Federalist No 52. Trân trọng giới thiệu:

The New York Packet

Thứ Sáu, 08 tháng Hai 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Bốn bài trước đã xét các vấn đề có tính tổng quát, trong bài này tôi chuyển sang xem xét kỹ hơn các bộ phận của chính quyền. Tôi sẽ bắt đầu với Cơ Quan Ðại Diện (“House of Representatives” (thường được dịch là Hạ viện) là một trong hai viện của cơ quan lập pháp (quốc hội) Mỹ, viện kia là Thượng Viện (senate). Hạ Viện gồm các thành viên có tính đại diện cho nhân dân nói chung, mỗi thành viên được bầu trực tiếp từ dân chúng và đại diện cho một số lượng dân chúng xác định. Trong khi đó, Thượng Viện gồm các thành viên có tính đại diện cho các Tiểu Bang, mỗi Tiểu Bang, lớn, nhỏ, đều có hai đại diện tại Thượng Viện. (Xem thêm FP 62. ND).

Ðối với bộ phận này của chính quyền điều đầu tiên cần xét là điều kiện trở thành cử tri và người được bầu. Ðiều kiện của người trước cũng sẽ như điều kiện của cử tri cho bộ phận đông thành viên nhất trong các cơ quan lập pháp ở các Tiểu Bang (tức Cơ Quan Đại Diện tại các Tiểu Bang. ND). Quyền bầu cử đã được xác định rất rõ là một bộ phận cơ bản của chính thể cộng hòa. Vì vậy, Hội nghị (tức Hội Nghị Lập Hiến Philadelphia. ND) đã có trách nhiệm xác định và thiết lập quyền này vào Hiến pháp. Với lý do vừa nêu, sẽ là không đúng đắn nếu để ngỏ quyền này cho Quốc Hội tự phát điều chỉnh…

(còn tiếp)

PHS (01/05/2021)