(Kỳ 13d: The Federalist No 41)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần cuối của bản dịch The Federalist No 41 do James Madison chấp bút. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

19 tháng Giêng 1788*

Thưa Đồng Bào Tiểu Bang New York,

…Quyền lực để điều động và huy động vệ binh cũng đã được chứng minh và giải thích đầy đủ (xem The Federalist No 29. ND).

Quyền áp thuế và vay tiền, thuộc nhu cầu quan trọng cho quốc phòng, đã được xếp đúng vào cùng loại quyền lực với nó. Loại quyền lực này cũng đã được xem xét thận trọng và, tôi tin, đã được chứng minh rõ ràng là cần thiết cả ở quy mô lẫn dạng thức như bản Hiến Pháp thiết kế (xem The Federalist No 30-No 36. ND).

Tôi sẽ chỉ đề cập thêm một vấn đề cho những người cho rằng quyền lực này cần phải được phân vào thuế vụ ngoại địa với ý của họ là các sắc thuế đánh trên các sản phẩm nhập từ các nước khác. Không thể nghi ngờ đây sẽ luôn là một nguồn thu quan trọng; và trong một thời gian dài cũng vẫn còn là một nguồn lực chính; vào lúc này là một nguồn thu có tính sống còn. Nhưng chúng ta có thể mắc các suy nghĩ rất sai lầm đối với vấn đề này nếu chúng ta không thận trọng trong tính toán để thấy rằng tổng thu nhập từ ngoại thương sẽ dao động theo sự biến động cả về tổng lượng lẫn chủng loại nhập cảng; và các biến đổi này không tương ứng với sự gia tăng dân số – thước đo tổng quát cho nhu cầu của toàn xã hội. Chừng nào nông nghiệp vẫn còn là nơi duy nhất thu hút lực lượng lao động, việc nhập cảng các sản phẩm chế tạo sẽ còn tăng cùng với số người tiêu dùng gia tăng. Chừng nào các sản phẩm chế tạo nội địa còn được sản xuất bởi những người thừa ra từ nông nghiệp, các sản phẩm chế tạo nhập cảng sẽ suy giảm theo sự tăng lên của dân số. Ở giai đoạn sau, nhập cảng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguyên vật liệu để chế ra các sản phẩm xuất cảng và, vì vậy, chúng sẽ đòi hỏi phải có hỗ trợ khuyến khích hơn là bị bổ thêm các sắc thuế gây nản lòng. Một hệ thống chính quyền, nhằm mục đích lâu dài, phải thấy được các diễn tiến đó, và có khả năng tự đáp ứng được các đòi hỏi này.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Những người không phủ nhận sự cần thiết của quyền áp thuế đã tấn công dữ dội bản Hiến Pháp về mặt từ ngữ dùng để định danh quyền này. Họ luôn đòi hỏi và nhắc lại rằng quyền “đặt và thu các loại thuế, lệ phí, và trả nợ, và cung cấp ngân khoản cho phòng vệ chung, cho phúc lợi của Hợp Chúng Quốc” phải tương đương với một ủy nhiệm vô giới hạn để thực thi tất cả những nhu cầu cần thiết cho phòng vệ chung hay phúc lợi chung (đây là quan điểm của bút danh Brutus trong Lá thư số 5. ND). Thật chẳng có điều gì cho thấy rõ hơn sự bấn loạn của những người chỉ trích này bằng việc họ đang cúi mình trước một diễn giải sai lạc như thế.

Nếu như chẳng tìm thấy được một liệt kê hay định danh khác trong bản Hiến Pháp cho các quyền lực của Quốc Hội ngoài những diễn tả tổng quát như đã nêu thì hẳn các tác giả của phản đối này đã có một phần lý lẽ; cho dầu thật khó để tìm được lý lẽ trong một bản mô tả thậm vô lý quyền lập pháp trong mọi trường hợp có thể. Một quyền lực sẽ phá hủy tự do báo chí, xét xử bằng bồi thẩm đoàn, hoặc thậm chí điều chỉnh tiến trình thừa kế, hoặc các dạng chuyển giao tài sản lại được diễn tả một cách quá bất thường bằng những từ ngữ “huy động tiền bạc cho phúc lợi chung.”

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Song lý lẽ nào phản đối này có thể có một khi sự chi tiết hóa các đối tượng được ám chỉ qua các ngôn từ chung đó lại tiếp nối ngay sau, và thậm chí còn không được tách ra bằng một dấu phẩy? Nếu các bộ phận khác nhau của cùng một đạo luật phải được trình bày rời hẳn ra, để cho mỗi phần có một ý nghĩa riêng, vậy một thành phần của cùng một câu văn chắc cũng phải bị loại ra khỏi sự tham gia vào ý nghĩa của cả câu; và liệu các chữ không rõ ràng hoặc ít xác định hơn sẽ vẫn được giữ lại toàn bộ, còn những bày tỏ rõ ràng và chính xác thì lại bị từ chối với bất cứ ý nghĩa nào? Vậy, việc liệt kê các quyền lực riêng biệt đã có nhằm mục đích gì nếu như những quyền này và mọi quyền khác đã được thiết kế nằm trong toàn bộ quyền lực tổng quát đã nêu? Lẽ tự nhiên và thông thường là đầu tiên phải đưa ra một trình bày khái quát sau đó sẽ giải thích và làm rõ bản chất của vấn đề được nêu thông qua các trình bày chi tiết. Nhưng ý định đưa ra một liệt kê các chi tiết mà không giải thích cũng không định rõ tính chất cho ý nghĩa khái quát và chẳng có tác dụng gì ngoài việc gây lẫn lộn và sai lầm là một sự bất tri khiến chúng ta phải băn khoăn giữa việc hoặc phải coi thường các tác giả của sự phản đối hoặc phải coi thường các tác giả của bản Hiến Pháp nhưng sự tự do trong tư duy buộc chúng ta phải nói rằng sự bất tri chẳng liên quan gì tới các tác giả của Hiến Pháp.

Sự phản đối ở đây còn quá đặc biệt hơn ở chỗ nó cho rằng ngôn ngữ dùng trong hội nghị là sự sao chép lại từ Các Ðiều Khoản Bang Liên (The Articles of Confederation.). Các mục tiêu của Liên Hiệp giữa các Tiểu Bang như được mô tả trong điều thứ 3 là “phòng vệ chung của họ, an ninh cho các tự do của họ, và phúc lợi cùng chia nhau và của toàn bộ.” Các ngôn từ của điều thứ 8 còn giống hệt hơn nữa: “Tất cả mọi phí tổn chiến tranh và mọi khoản chi phí khác khi được bổ vào sự phòng vệ chung hoặc phúc lợi chung và được phê duyệt bởi Hợp Chúng Quốc tại Quốc Hội thì sẽ được ngân khố chung thanh toán” v.v. Ngôn ngữ tương tự cũng lại xuất hiện ở điều thứ 9.  Bây giờ quý vị hãy diễn dịch tất cả các điều khoản này theo hướng ủng hộ cấu trúc quyền lực đã có trong bản Hiến Pháp mới, và theo hướng chúng trao cho Quốc Hội hiện hành thẩm quyền thiết lập pháp luật trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng nghị hội này sẽ thành cái gì nếu người ta tự gắn bó với các quyền lực tổng quát của nó nhưng lại bác bỏ các quyền lực cụ thể nhằm xác định và giới hạn uy lực tổng quát mà trước đó nó đã thực thi một uy quyền vô hạn cho nhu cầu phòng vệ chung và phúc lợi công? Tôi kêu gọi bản thân những người phản đối hãy trả lời, phải chăng trong trường hợp này họ sẽ dám dùng cùng một lập luận mà họ đang dùng để bác bỏ hội nghị để biện hộ cho Quốc Hội? Nếu như vậy, họ sẽ không thể tránh được tự kết án mình!

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

(còn tiếp)

PHS (11/04/2021)

* Bài này xuất hiện lần đầu ngày 19 tháng Giêng 1788 trên báo The Independent Journal; 22 tháng Giêng 1788 trên The New York Packet; ngày 23 tháng Giêng 1788 trên The Daily Advertiser. Đây là các tờ báo của New York lúc đó. Bài này được đánh số 40 trên các báo. Trong ấn bản sách tập 2 của Nhà McLean tháng Năm 1788, bài này được đánh số 41. Số của các bài trong bản dịch theo cách đánh số của Nhà McLean. (ND)