(Kỳ 13a: The Federalist No 41)

Trong năm 2020, dư luận của người Việt, cả trong nước lẫn hải ngoại, có sự phân ly thành hai cực đối ngược trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đúng ra là xoay quanh ông Tổng Thống Mỹ thứ 45 Donald John Trump. Cuộc xung đột có tính lịch sử không chỉ về quy mô, tính chất gay gắt (nhiều tình thân trở thành tình thù, liên kết bền chắc trở nên tan nát) nó còn che mờ hết thảy những vấn đề nóng bỏng, quan trọng, thiết thực khác ngay tại Việt Nam như vụ khủng bố Đồng Tâm, trấn áp giới hoạt động nhân quyền hay việc Nguyễn Phú Trọng bất chấp mọi “luật lệ và lời nói” của chính y để tiếp tục nắm giữ ghế tổng bí thư lần ba. Bên cạnh những dấu chỉ xấu này có một dấu chỉ lạc quan đó là chứng cớ cho thấy “chính trị” không hoàn toàn khô khan, tẻ nhạt, người dân Việt Nam không hoàn toàn thờ ơ “chính trị”. Tuy nhiên, sự phân cực tuyệt đối về quan điểm vẫn là một đặc tính, theo người viết, bao trùm lên cuộc tranh luận lịch sử vừa nói. Sự phân cực tuyệt đối này, ở đây chúng ta không đi vào nguyên nhân, đưa tới ít nhất ba hậu quả xấu: Một, gây chia rẽ, suy yếu sức mạnh cộng đồng; Hai, gây che mờ/bóp méo các sự thật quan trọng lẽ ra cần phải thấy; Ba, là hệ quả của hai hậu quả vừa nói, tạo thuận lợi cho các thế lực Ác-Độc tài Phi Nhân phát triển, thâm nhập làm suy yếu các yếu tố dân chủ-tự do.

Đối chiếu với The Federalist có thể nói The Federalist là kết quả của một cuộc xung đột quan điểm rất gay gắt về chính trị và cũng có tính chất phân đôi trước một mô hình chính quyền (Hiến Pháp dự thảo Philadelphia) có nhiều đặc tính mới lạ cho nước Mỹ non trẻ vẫn còn choáng váng sau cuộc chiến giành độc lập (1776-1783).

Chỉ 8 ngày sau khi Hội Nghị Lập Hiến Philadelphia kết thúc (17 tháng Chín 1787), phe chống (Anti-Federalist) đã lên tiếng dồn dập, gay gắt trên công luận nhằm kéo dư luận theo hướng bác bỏ mô hình chính quyền mới trong khi mô hình đương nhiệm đã tỏ rõ bất lực trước các rối ren, bạo loạn và nguy cơ nước Mỹ tan rã. Sự mong manh của mô hình mới còn nằm ở chỗ: phe chống đối có nhiều nhân vật thuộc hạng uy tín nhất về chính trị và thuộc các Tiểu Bang quan trọng, như George Clinton là Thống Đốc New York ( Tiểu Bang thủ đô). Trước sự gay cấn này, Alexander Hamilton, James Madison và John Jay đã cùng nhau “đứng lên” bút chiến cũng để lôi kéo dư luận, nhưng ngược hướng, nhằm giúp mô hình chính quyền mới được thông qua.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Theo giới nghiên cứu, khi bắt tay viết The Federalist, không ai trong số ba tác giả mảy may nghĩ rằng những gì họ sẽ viết, rất vội vã, lại trở thành những bản văn chính trị có giá trị kinh điển, vẫn tác động và cần thiết cho đời sống chính trị của ngày hôm nay và, nhiều khả năng, cho cả tương lai dài lâu. Điều gì đã giúp The Federalist trở thành bất tử? Có ít nhất ba điều: Một, The Federalist không sa đà vào tấn công, mạ lỵ cá nhân; chỉ chú ý vào phân tích, phê phán quan điểm của đối thủ. Hai, The Federalist đứng trên nền tảng phúc lợi chung của tất cả, kể cả của đối thủ. Ba, The Federalist nêu ra những góc nhìn không cực đoan/một chiều/bè phái mà là tỉnh táo, sâu sắc có tính cân bằng âm-dương, trong âm có dương, trong dương lại có âm về chính trị – chính quyền – con người nói chung và về mô hình chính quyền cộng hòa-dân chủ-tự do nói riêng. Đương nhiên, giống như trong mọi cuộc bút chiến, tranh luận hấp dẫn, The Federalist cũng không thiếu các ngôn từ sục sôi, nóng bỏng.

Cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng nhau xem bản dịch trọn vẹn The Federalist No 41 do James Madison chấp bút. Bản văn này, khi nghiền ngẫm kỹ, còn cho chúng ta hiểu thêm một số nhiệm vụ nan giải có tính nghịch lý của một chính quyền dân chủ đích thực. Trân trọng giới thiệu:

Xem thêm:   Một đời lan

The Independent Journal 19 tháng Giêng 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York,

Chúng ta có thể đánh giá bản Hiến Pháp do hội nghị đề xuất qua hai vấn đề tổng quát. Vấn đề Thứ Nhất liên quan tổng số hay số các quyền được Hiến Pháp trao cho chính quyền, kể cả các biện pháp khắc chế lên các Tiểu Bang. Vấn đề Thứ Hai là cấu trúc đặc biệt của chính quyền, và sự phân phối quyền lực cho các nhánh của nó.

Trong vấn đề Thứ Nhất, hai câu hỏi quan trọng nổi lên: 1. Liệu có phần nào trong số quyền lực dành cho chính quyền trung ương không cần thiết hoặc không đúng đắn? 2. Liệu toàn bộ khối quyền lực này có đe dọa thẩm quyền được để lại cho các Tiểu Bang?

Liệu khối quyền lực của chính quyền trung ương có lớn hơn những gì cần cho nó? Ðây chính là câu hỏi Ðầu Tiên.

Những người đã quan tâm một cách nghiêm chỉnh tới các lập luận chống lại các quyền lực lớn dành cho chính quyền không thể nào bỏ qua câu hỏi này bởi các tác giả của chúng rất ít chú ý tới mức độ cần thiết của các quyền lực này nhằm đạt được một mục tiêu cần thiết. Thay vào đó, họ lại thường tập trung vào các bất tiện không thể tránh được của tất cả những lợi thế chính trị; và vào các lạm dụng có thể của mọi quyền lực hoặc tín nhiệm nhằm hưởng lợi. Sự tinh tường của nhân dân Mỹ không thể nào chấp nhận được cách đánh giá này. Nó có thể cho thấy sự tế nhị của người viết; nó có thể tạo ra một diễn đàn vô tận cho ngôn từ và diễn thuyết; nó có thể khuấy động các hỷ nộ của những kẻ vụng nghĩ, và có thể củng cố các thành kiến của những người nghĩ lầm: song những người tỉnh táo và cương trực sẽ ngay lập tức cho rằng những hành động thiện tâm tinh khiết nhất cũng vẫn bị một phần bất tiện, lạm dụng nào đó; và rằng người ta luôn luôn phải quyết định chọn, nếu không đỡ kinh khủng thì ít ra phải TỬ TẾ hơn, nếu không là HOÀN HẢO thì phải tốt; và rằng trong mọi thiết chế chính trị, một quyền lực để gia tăng hạnh phúc chung luôn hàm chứa một cẩn quyết (“discretion”, từ Anh ngữ này mang một ý nghĩa phức tạp Việt ngữ chưa có. “cẩn quyết”: có nghĩa sự cân nhắc cẩn trọng và sự tự ý quyết định không quan tâm tới ý kiến của người khác, tức có thể mang lại hiệu quả tốt hoặc xấu một cách độc đoán. ND) có thể bị dùng sai hay bị lạm dụng. Do đó, điểm đầu tiên họ sẽ phải xem để xác quyết là, khi một quyền lực được giao phó, liệu quyền lực đó có trở thành cần thiết cho phúc lợi công; và tiếp sau sẽ là, nếu câu trả lời ở thể khẳng định, phải phòng chống một cách hiệu quả nhất có thể để quyền lực này không trở mặt gây tổn hại cho cộng đồng.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Ðể có cách đánh giá đúng cho chủ đề này, chúng ta sẽ phải thẩm tra các quyền được trao cho chính quyền Liên Hiệp; và để thẩm tra tốt hơn, chúng phải được chia thành các nhóm quyền theo từng đối tượng sau: 1. An ninh chống nguy cơ từ ngoại bang; 2. Ðiều chỉnh các trao đổi với ngoại bang; 3. Bảo trì hòa hiếu và quan hệ đúng đắn giữa các Tiểu Bang; 4. Các vấn đề của dịch vụ công; 5. Kìm chế các gây hấn giữa các Tiểu Bang; 6. Các hỗ trợ để tất cả các quyền có hiệu lực.

Các quyền lực thuộc nhóm ÐẦU TIÊN bao hàm việc tuyên chiến và phát hành letters of marque (giấy phép của chính quyền cấp cho cá nhân được quyền bắt giữ công dân hoặc tịch thu tài sản của công dân một nước khác – nước này thường đang trong tình trạng thù địch. ND); cung cấp quân đội và chiến thuyền; điều động và huy động vệ binh; áp thuế và vay tiền…

(còn tiếp)

PHS (11/04/2021)