(Kỳ 12f: Đàn Hặc- Impeachment-The Federalist No 66)

Trân trọng giới thiệu bản dịch Việt ngữ The Federalist No 66 do Alexander Hamilton chấp bút:

Từ the New York Packet

Thứ Ba, 11 tháng Ba 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

Việc xem xét lại các phản đối chính đang chống lại đề xuất về tòa xét xử các impeachment không phải không thể tẩy trừ được mọi cảm giác bất lợi có thể vẫn còn tồn đọng trong vấn đề này.

ÐẦU TIÊN trong số các phản đối này cho rằng, tòa như đề xuất sẽ trộn lẫn quyền lập pháp và tư pháp vào trong một thực thể, phạm vào quy tắc hệ trọng và tôn nghiêm về sự tách rời giữa các quyền lực. Ý nghĩa thực sự của quy tắc này đã được bàn luận và xác định rõ ở một số bài trước đây, và được chứng minh hoàn toàn phù hợp khi các quyền lực pha trộn một phần với nhau vì các mục đích đặc biệt nhưng, về cơ bản, chúng vẫn giữ được khác biệt và tách rời nhau.

Thậm chí sự pha trộn cục bộ này, nhiều lúc, không chỉ đúng mà còn cần để tạo ra sự tự vệ chung cho các bộ phận trong chính quyền kìm giữ lẫn nhau. Quyền phủ quyết tuyệt đối hay tương đối của hành pháp trên các quyết định của thực thể lập pháp được những chuyên gia tài năng nhất trong khoa học chính trị thừa nhận là rào chắn phải có cho bộ phận trước chống lại sự xâm lấn của bộ phận sau. Và, có thể cũng không kém đúng đắn hơn khi cho rằng các quyền liên quan tới impeachment, như đã nêu, là một phanh hãm thiết yếu để bộ phận đó chống lại các xâm lấn của hành pháp. Sự phân chia các quyền này cho hai nhánh lập pháp, một nhánh được quyền cáo buộc còn nhánh kia quyền phán xét, là để tránh các hệ lụy của việc để cho cùng một người vừa cáo buộc vừa phân xử; và để phòng chống nguy cơ triệt hạ bè phái, vấn nạn vẫn lan tràn trong cả hai nhánh lập pháp. Do sự kết tội phải được 2/3 Thượng Viện cùng chuẩn thuận, an ninh cho người vô tội, với điều kiện thêm vào như thế, sẽ được bảo đảm nguyên vẹn như mong muốn.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Ðiều khó hiểu là phần này của bản dự thảo lại bị công kích kịch liệt, dựa vào quy tắc vừa nêu, bởi tất cả những người đều đang tỏ ra ngưỡng mộ hiến pháp của Tiểu Bang New York; trong khi bản hiến pháp này thâu cả Thượng Viện, chancellor và các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thành không chỉ tòa impeachment mà còn thành cơ quan tư pháp tối cao của Tiểu Bang cho mọi sự việc, cả dân sự lẫn hình sự. Tỷ lệ về số lượng giữa chancellor, thẩm phán so với số thượng nghị sĩ lại hết sức nhỏ thành ra quyền tư pháp của New York, chung cuộc, và đúng thực, có thể nói rằng nằm ngay trong Thượng Viện. Vậy, nếu bản dự thảo của Hội Nghị, trong vấn đề này, bị buộc tội đã rời xa quy tắc lừng danh, rất hay được trích dẫn và thường được hiểu rất sơ sài, thì bản hiến pháp của New York phải mắc tội gấp nhiều lần (1).

Phản đối THỨ HAI chống lại Thượng Viện làm tòa impeachment cho rằng điều này sẽ đưa tới một tích tụ quyền lực nguy hiểm vào thực thể này, sẽ đẩy chính quyền trở thành dạng siêu quý tộc. Thượng Viện, như đang thấy, sẽ có quyền cùng Hành Pháp trong tạo lập hiệp ước và bổ nhiệm viên chức: phản đối cho rằng nếu các đặc quyền này lại được bổ sung thêm đặc quyền phán định tất cả các impeachment, thì ảnh hưởng của Thượng Viện chắc chắn thành thống soái. Với một phản đối hết sức thiếu chính xác, thật không dễ tìm ra một câu trả lời cho thật chính xác. Dựa vào đâu, giải pháp hay tiêu chuẩn nào, để chúng ta có thể xác định Thượng Viện được nhận quá nhiều, quá ít, hoặc vừa đủ mức ảnh hưởng? Chẳng phải sẽ chắc chắn và đơn giản hơn nếu bỏ đi tất cả những loại tính toán mù mờ và bấp bênh như thế rồi đánh giá từng quyền lực bằng chính bản thân chúng và dùng những nguyên tắc tổng quát để xác định nên đặt chúng ở đâu sao cho có tối đa thuận lợi và tối thiểu bất lợi?

Xem thêm:   Tự tin

Nếu dùng cách này, chúng ta sẽ tiến tới một kết quả dễ hiểu hơn, nếu không phải là vững vàng hơn. Việc sắp đặt quyền tạo lập hiệp ước như nêu trong bản dự thảo Hội Nghị, rồi sẽ, nếu tôi không lầm, được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn bằng những thẩm xét đã nêu trong một bài trước, và bằng những đánh giá khác trong phần sắp tới của cuộc tìm hiểu của chúng ta. Sự thức thời của việc kết nối Thượng Viện với Hành Pháp trong thẩm quyền bổ nhiệm viên chức, tôi tin, sẽ được luận giải chẳng kém thuyết phục trong các bàn thảo cũng trong phần đó. Và tôi tự cho phép nói rằng những nhận xét của tôi trong bài gần nhất chắc hẳn không tồi trong việc chứng minh rằng sẽ không dễ, nếu còn có thể, tìm được một nơi khác tốt hơn cho quyền phán quyết impeachment ngoài lựa chọn đã nêu. Nếu điều này là đúng, thì mối lo có tính giả thuyết về ảnh hưởng quá lớn của Thượng Viện cần được đưa ra khỏi các lập luận của chúng ta.

Nhưng giả thuyết này, như thể hiện, đã bị bác trong các nhận xét về nhiệm kỳ dành cho thượng nghị sĩ. Các nhận xét này, vừa dựa trên khả tín của các sự kiện lịch sử vừa dựa trên lý tính của vấn đề, đã chứng minh rằng nhánh có tính NHÂN DÂN VÀ ÐÔNG ÐẢO (“POPULAR branch” –  chữ popular ở đây vừa có nghĩa nổi tiếng, được yêu quý, tin cậy, vừa có nghĩa có nguồn gốc từ nhân dân, từ đa số cộng đồng. ND) nhất trong mọi chính quyền có thiên tính cộng hòa, cũng luôn là nhánh được nhân dân ưu ái nhất, sẽ thường là đối thủ hoàn toàn ngang sức, nếu không phải áp đảo, mọi nhánh khác của Chính Quyền.

Tuy nhiên, ngoài nguyên lý phòng ngừa tích cực và hiệu quả nhất này, để bảo đảm sự thăng bằng cho Cơ Quan Ðại Diện (“House of Representatives” tức Hạ viện. ND) quốc gia, bản dự thảo của Hội Nghị đã tạo cho cơ quan này thêm nhiều quyền lớn đối lại những quyền được phân thêm cho Thượng Viện. Ưu quyền độc nhất được đệ trình các dự luật chi tiêu sẽ thuộc Cơ Quan Ðại Diện. Cơ quan này cũng sẽ có độc quyền khởi tố impeachment: đây chẳng phải là đối trọng nặng đúng bằng quyền phán xử impeachment sao? Cơ Quan Ðại Diện sẽ còn là trọng tài phân định trong tất cả các cuộc bầu cử Tổng Thống không tập hợp được đa số phiếu tuyệt đối của đại cử tri; đây là trường hợp không thể nghi ngờ có lúc, nếu không phải thường xuyên, sẽ xảy ra. Khả năng thường trực này chắc chắn sẽ là nguồn tạo ảnh hưởng mạnh cho Cơ Quan Ðại Diện. Càng gẫm xét chúng ta sẽ càng thấy tầm quan trọng của thẩm quyền tối hậu, dầu thỉnh thoảng mới có, được quyết định người thắng trong các cuộc tranh cử giữa những công dân nổi danh nhất của Liên Hiệp vào chức vụ đứng đầu. Có lẽ sẽ không phải là hấp tấp khi đoán rằng, là một công cụ ảnh hưởng, thẩm quyền này sẽ có sức mạnh vượt tất cả các quyền đặc biệt của Thượng Viện.

Xem thêm:   Quả ngọt

Loại phản đối THỨ BA trước việc Thượng Viện được làm tòa impeachment xuất phát từ việc Thượng Viện sẽ có quyền trong việc bổ nhiệm viên chức. Phản đối tưởng tượng rằng các thượng nghị sĩ sẽ quá khoan dung khi phán xử hành vi của những người giữ các chức vụ do chính họ đã góp phần tạo ra. Tuy nhiên, nguyên lý của phản đối này lại lên án một tập tục sẽ thấy trong tất cả các chính quyền Tiểu Bang, nếu không phải trong tất cả các chính quyền mà chúng ta đã biết: ý tôi là tập tục làm cho các công chức có nhiệm kỳ bấp bênh (“during pleasure” – Nhiệm kỳ có hạn định nhưng có thể bị truất quyền, phế bỏ chức vụ bất cứ lúc nào khi người dân cảm thấy không hài lòng (pleasure). Thuật ngữ này đối ngược với nhiệm kỳ phẩm hạnh “during good behavior”. ND) phải lệ thuộc vào sự tùy thích của những người bổ nhiệm…

(còn tiếp)

PHS (12/03/2021)