(Kỳ 12e: Đàn Hặc-Impeachment-The Federalist No 65)

Trân trọng giới thiệu bản dịch Việt ngữ (phần cuối) của The Federalist No 65 do Alexander Hamilton chấp bút:

Từ the New York Packet

Thứ Sáu, 07 tháng Ba 1788

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

… Những phân tích đó có lẽ đủ để đưa ra một kết luận rằng, Tối Cao Pháp Viện là một thay thế không hợp lý cho Thượng Viện trong vai trò tòa impeachment. Vẫn còn một lý do khác trợ lực không ít cho kết luận này, đó là: Sự trừng phạt – hậu quả có thể của kết án impeachment – không phải đã chấm dứt mọi hình phạt khác đối với thủ phạm. Sau khi đã bị kết án chung thân loại khỏi mọi kính trọng và tin cậy, mọi danh dự và lương bổng của đất nước, ông ta (đại từ “ông ta” (he) ở đây cho thấy sự phân biệt nam-nữ trong xã hội đương thời. ND) vẫn còn có thể bị truy cứu và trừng phạt theo trình tự pháp luật thông thường. Liệu sẽ đúng đắn nếu những người đã tước đi danh tiếng cùng những quyền công dân giá trị nhất của ông ta trong một cuộc xét xử cũng là những người sẽ lại tước đi cuộc đời và số mệnh của ông ta trong một cuộc xét xử khác với cùng một tội trạng?

Ðó chẳng phải là lý do rõ nhất làm cho ta phải lo sợ là, sai lầm trong bản án đầu sẽ là mẹ của sai lầm trong bản án thứ hai? Chẳng phải khi con người đã cố thiên lệch trong một quyết định thì họ sẽ sẵn sàng gạt hết ảnh hưởng của mọi chứng cứ mới, những điều có thể sẽ đưa tới một quyết định khác? Những ai đã biết ít nhiều về tố chất con người sẽ không do dự đáp lại những câu hỏi này: Vâng, đúng thế; và sẽ tin chắc ngay rằng, nếu cả hai cuộc đều do cùng các thẩm phán giống nhau xét xử thì những người bị truy tố sẽ bị tước gần hết sự bảo vệ kép do thủ tục xét xử hai lần đã dành cho họ. Sự mất mát cả cuộc sống lẫn của cải đã luôn nằm sẵn trong một bản án có nội dung không mang lại điều gì hơn sự phế truất khỏi chức vụ hiện tại và tước hết mọi cơ hội tham chính trong tương lai. Cũng có thể sự can dự của một bồi thẩm đoàn trong cuộc xét xử thứ hai sẽ chặn được tai ương này. Nhưng các bồi thẩm đoàn vẫn thường xuyên bị tác động bởi ý hướng của thẩm phán. Ðôi khi họ còn bị thúc phải đưa ra ý kiến kỳ lạ rằng phải giao vấn đề chính cho tòa quyết định. Vậy ai còn dám mạo hiểm cho sự sống và tài sản của mình trước phán quyết của một bồi thẩm đoàn đã quyết định theo sự bảo trợ của các thẩm phán, những người đã ấn định tội trạng cho bị cáo trước đó rồi?

Xem thêm:   Nhẫn

Chẳng phải bản dự thảo đã có cải tiến khi phối hợp Tối Cao Pháp Viện với Thượng Viện để làm thành tòa impeachment? Phối hợp này hẳn đã mang lại nhiều ưu điểm; nhưng chúng có không bị triệt tiêu bởi các nhược điểm trầm trọng đã nói, vì bị cáo sẽ phải chịu sự phán xử của cùng một nhóm thẩm phán trong hai lần truy tố? Trong một chừng mực, các lợi ích của việc phối hợp này sẽ được đảm bảo khi chánh án của Tối Cao Pháp Viện được làm chánh tòa impeachment đúng như dự thảo đã định; và lại tránh được gần hết các nguy hiểm của việc nhập toàn bộ cơ quan đầu vào cơ quan sau. Có lẽ đây đã là giải pháp khôn ngoan. Nhưng tôi đang phải kìm không nói ra cái lý cớ khiến cho sự chống đối nhánh tư pháp càng thêm mạnh, vì, theo cách đó, quyền uy tư pháp được gia tăng quá nhiều.

Phải chăng không phải là điều mong muốn nếu lập tòa impeachment bằng những người hoàn toàn không ở trong hai nhánh quyền lực kia của chính quyền? (xin nhắc lại: impeachment là thủ tục khởi tố, truy tố đặc biệt chủ yếu nhằm vào các viên chức của nhánh hành pháp. ND) Ðương nhiên, đang có những ý kiến mạnh mẽ, cả ủng hộ lẫn phản đối ý tưởng này. Một số người cho rằng sẽ không có phản đối nhỏ đâu, vì cỗ máy chính trị sẽ thành phức tạp hơn, và chính quyền phải có thêm một cơ quan mới mà sự hữu ích của nó chắc chắn còn đầy nghi ngờ. Nhưng có một phản đối mà ai cũng phải chú ý, là: tòa lập theo ý tưởng này sẽ rất tốn kém hoặc khi hoạt động sẽ gặp rất nhiều bất trắc và rắc rối. Tòa kiểu này buộc phải lập từ các viên chức thường trực, luôn phải chực sẵn trong chính quyền, và đương nhiên họ phải được cấp ngân khoản cố định, thường xuyên, hoặc một số viên chức của chính quyền Tiểu Bang sẽ bị huy động mỗi khi khởi tố impeachment. Sẽ không dễ để nghĩ ra một cách thứ ba khác hẳn và có tính thuyết phục. Với những lý do đã nêu, vì tòa cần phải có nhiều thành viên, nên giải pháp đầu sẽ bị bác bởi bất cứ ai biết so sánh mức độ đòi hỏi của xã hội với những gì tòa này có thể đem lại. Giải pháp thứ hai sẽ gây lo lắng cho những người biết rõ sự nan giải trong việc tập hợp những người ở tản mát khắp Liên Hiệp; hay nguy hại cho người vô tội vì sự chậm chạp trong việc làm rõ cáo buộc chống lại họ; hay có lợi cho kẻ có tội bởi các trì hoãn sẽ tạo thuận lợi cho các mưu toan, đổi chác bất chính thực hiện; và trong một số trường hợp còn gây tổn hại cho Tiểu Bang bởi sự ngưng chức kéo dài của những viên chức có hành xử trách nhiệm và tận tụy sẽ làm cho họ bị phơi ra trước các bách hại của một đa số quá khích hay giảo quyệt trong Cơ Quan Ðại Diện (“House of Representatives”, tức Hạ viện. Xem thêm Thuật ngữ mục “Cơ Quan Đại Diện”. ND). Dầu giả thiết cuối có vẻ quá nặng nề và khó có thể thường xuyên xảy ra, nhưng chúng ta đừng nên quên rằng con quỷ bè phái chắc chắn có lúc sẽ khoát bàn tay lông lá của nó lên tất cả các thực thể đông đúc của con người (xem thêm The Federalist No 10 để thấy các tác giả The Federalist nhận định về các đặc tính tiêu cực của bè đảng, phe phái. ND).

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/14/2024)

Nhưng cho dù giải pháp nào trong số vừa được xem xét, hoặc bất cứ giải pháp nào khác có thể được nghĩ ra, sẽ được coi là hay hơn giải pháp do Hội Nghị đã đề ra trong vấn đề này, cũng không nên kết luận bản Hiến Pháp dự thảo phải bỏ đi vì lý do này. Nếu loài người đã dứt khoát không chấp nhận bất kỳ một thiết chế chính quyền nào cho tới khi mọi thành phần của nó được chỉnh sửa đạt mức toàn hảo thì toàn xã hội sẽ sớm trở thành cảnh tượng của rối loạn vô chính quyền, và thế giới sẽ là một hoang mạc. Nhưng sẽ tìm tiêu chuẩn toàn hảo ở đâu? Ai sẽ gom được mọi ý bất đồng của toàn cộng đồng thành một ý giống nhau về vấn đề này; và thuyết phục được một người tự phụ từ bỏ nguyên tắc BẤT KHẢ SAI LẦM của ông ta để nhận lấy nguyên tắc CÓ THỂ SAI LẦM của người hàng xóm còn TỰ PHỤ HƠN HẲN ÔNG TA?

Ðể đạt được mục đích của mình, những người phản đối bản Hiến Pháp cần phải chứng tỏ rằng không chỉ những điều khoản nào đó của Hiến Pháp không đạt được mức tốt nhất như trong tưởng tượng, mà toàn bản dự thảo còn kém cỏi và hết sức nguy hại.

(còn tiếp)

PHS (11/03/2021)