(Kỳ 12a: Đàn Hặc-Impeachment)

Ngày 13 tháng Giêng 2021 đã đi vào lịch sử Mỹ. Ðó là ngày Hạ Viện Hoa Kỳ, có đa số thuộc Ðảng Dân Chủ, đã biểu quyết thuận để đàn hặc (to impeach) lần thứ hai đối với Tổng Thống thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ Donald John Trump nhằm truất phế ông khỏi chức vụ tổng thống chỉ bảy ngày trước khi quyền lực tổng thống của ông tự động chấm dứt (ngày 20 tháng Giêng 2021). Ðây là lần đàn hặc thứ hai sau lần thứ nhất (tháng Mười Hai 2019) đã bị tòa đàn hặc tại Thượng Viện, đa số thuộc Ðảng Cộng Hòa, bác bỏ. Hiến Pháp Mỹ (Article 1, Section 3…) có quy định rõ:

Judgment in Cases of Impeachment shall not extend further than to removal from Office, and disqualification to hold and enjoy any Office of honor, Trust or Profit under the United States…” (Xét xử các Vụ Ðàn Hặc không vượt quá phạm vi phế truất đương sự khỏi Chức Vụ, và tước mọi khả năng được nắm giữ và hưởng thụ mọi Chức Vụ có tính chất Danh Dự, Tín Nhiệm hoặc Có Lương Bổng thuộc hệ thống Liên Bang…).

Như vậy chỉ trong vỏn vẹn 4 năm cầm quyền một tổng thống Hoa Kỳ, thường được coi là nhân vật có uy lực lớn nhất trần gian, đã hai lần phải đối diện với nguy cơ bị đuổi khỏi chức vụ và chấm dứt vĩnh viễn mọi khả năng quay lại chính trường quốc gia liên bang. Ngoài ra, ông cựu tổng thống (nếu) bị kết tội trong đàn hặc còn phải chịu nguy cơ đối diện với các cáo buộc, hình phạt khác theo pháp luật thông thường (but the Party convicted shall nevertheless be liable and subject to Indictment, Trial, Judgment and Punishment, according to Law – Hiến Pháp Mỹ, Article 1, Section 3).

Bản thân Tổng Thống Trump đã có lần phải than thở công khai về sự vất vả khi đảm nhiệm chức tổng thống.

Tuy nhiên, những gì ông Trump phải đối mặt gay go với Hạ Viện và dư luận (thông qua các cơ quan truyền thông) trong suốt bốn năm qua đã nằm trong sự trù liệu của các nhà lập hiến Mỹ, của The Federalist. Tổng thống Mỹ được trao nhiều quyền lực để thuận lợi, nhanh chóng trong trị quốc nhưng đồng thời phải kèm các biện pháp đề phòng, kiểm soát để ngăn sự quá đà, lạm quyền gây tổn hại an ninh chung của toàn xã hội. Quyền lực lớn phải đi cùng trách nhiệm, ràng buộc tương ứng (“…a due dependence on the people, a due responsibility…”– The Federalist No 77).

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Tất cả những bất đồng, xung đột, công kích, tranh giành quyền lực huyên náo thậm chí rối ren, chát chúa, bất nhã, kể cả biến thái bạo lực, phô diễn công khai giữa hai phe hoặc giữa hành pháp (Tổng Thống) và lập pháp (Ðảng Dân Chủ) cũng đã được The Federalist dự liệu (“Khuynh hướng hằn thù lẫn nhau của con người còn trầm trọng tới mức nếu không có một tác động đặc biệt thì những khác biệt tầm phào và vô lý nhất cũng có thể đủ khơi lên những dục vọng kình địch và gây ra những xung đột vô cùng khốc hại.”- The Federalist No 10), được các nhà lập hiến Mỹ sử dụng vào nguyên lý kìm soát và đối trọng (checks and balances) nhằm mục đích tối hậu: Bảo vệ Tự Do cho người dân, giữ gìn Phúc Lợi Công ở mức cao nhất.

Nhìn vào hệ thống chính trị, xã hội Việt Nam, có thể nói tình trạng và biểu hiện của Việt Nam trái hẳn Mỹ. Toàn xã hội Việt Nam gần như lúc nào cũng có cái vẻ an bình, yên ắng kể cả khi có những cuộc tập kích bắn giết, bắt bớ thẳng tay của kẻ cầm quyền vào bất cứ tự do, bất cứ người dân nào. Nhưng nếu nhìn theo con mắt của The Federalist, sự tàn bạo ngang nhiên của kẻ cầm quyền Việt Nam là tất yếu bởi: Mọi quyền lực công (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều nằm trong tay một nhóm người; tất cả những kẻ nắm quyền đều không bị ràng buộc trách nhiệm trước nhân dân.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Trong bản Hiến Pháp 1946, được coi là hiến pháp tiến bộ nhất (trên phương diện văn bản) của chế độ Việt Nam hiện thời, Ðiều 50 còn ghi rõ rằng: “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.

Trên thực tế, quyền lực của “Chủ tịch nước” Hồ Chí Minh – trưởng hành pháp khi đó – là vô giới hạn nhưng trách nhiệm là số không, kể cả tội phản quốc. Học giả, nhà sử học, cựu Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã nhìn thấy rất sớm cấu trúc quyền lực độc tài trong chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:

Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái hay không có đảng phái vào làm Bộ Trưởng là cốt làm cái bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả… Cái thực quyền trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở Tổng Bộ Cộng Sản điều khiển hết cả…Tổng Bộ có ưng thuận mới được thi hành. Ðó mới thực là chính phủ, một chính phủ bí mật mà có quyền thế vô hạn.” (Lệ thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Vĩnh-Sơn, Sài Gòn, 1969, tr.110, 112)

Học giả họ Trần còn lên tiếng nhắc, một cách ý nhị, cho người đương thời và hậu thế biết rõ về sự lập hiến có tính chất giả tạo của cái chính quyền “có quyền thế vô hạn” đó:

Khi việc dàn xếp của các Tướng Tàu xong rồi, đến ngày mồng 2 tháng ba, thì mở cuộc họp Quốc Hội. Quốc Hội này có cái đặc sắc hơn cả Quốc Hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định và thừa nhận một chính phủ Liên Hiệp do Ông Hồ-chí-Minh làm chủ tịch. Quốc Hội lại giao toàn quyền cho một ủy ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử và để Ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn, Quốc Hội giải tán. Nếu Quốc Hội các nước mà biết làm lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí.” (Sđd, tr. 106)

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Bản chất độc tài (a dictatorship) và tính chất hiến định gian trá (a fake constitutionalism) đó vẫn giữ y nguyên suốt gần 80 năm qua. Song, nếu hôm nay những kẻ cầm quyền Việt Nam lại tổ chức cái gọi là “cải cách, sửa đổi hiến pháp” vẫn sẽ có không ít trí giả, kể cả các nhà hoạt động, lại hào hứng tham gia. Sự nhiệt tình dễ dàng này cũng trái hẳn với xã hội Mỹ ngay từ thuở lập nước.

The Federalist không chỉ là một trứ tác về chính quyền cộng hòa-dân chủ mà còn là bằng chứng cho thấy dân Mỹ ngay từ thuở lập nước, đặc biệt giới tinh hoa, đã rất thận trọng và cảnh giác trước các vấn đề chính quyền.

Khi Hội Nghị Philadelphia kết thúc, chỉ có 39/55 đại biểu đồng ý ký vào bản dự thảo Hiến Pháp. Một phong trào phê phán, chống đối bản dự thảo tức thì được khởi động và lan rộng trên toàn 13 tân quốc gia nhằm làm sáng tỏ các nghi vấn và đòi hỏi thêm các bảo đảm chắc chắn cho tự do và quyền lợi dân chúng một khi họ sống chung với nhau dưới một chính quyền trung ương (liên bang). Riêng vấn đề đàn hặc (impeachment), The Federalist đã phải đề cập và biện giải trong một loạt bài (The Federalist No 38, 39, 47, 62, 64, 65, 66, 79, 81, 83.) nhằm thuyết phục những người phê phán, chống đối nhận thấy sự hợp lý và các ưu tính của thủ tục tư pháp đặc biệt này.

Trong các kỳ tới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn vấn đề đàn hặc (impeachment).

(còn tiếp)

PHS (17/01/2021)