(Kỳ 11c: The Federalist No 73)

Đây là phần cuối của bản dịch rút gọn The Federalist No 73 nói tiếp về quyền phủ quyết của tổng thống. Trân trọng giới thiệu:

… Có thể nói rằng quyền ngăn ngừa luật xấu cũng bao hàm cả quyền ngăn ngừa luật tốt; và có thể được dùng cho mục đích tốt cũng như cho mục đích tồi. Nhưng sự phản đối này sẽ không có mấy trọng lượng với những người có khả năng lượng định đúng đắn các thiệt hại từ tính bất nhất và dễ thay đổi của luật pháp, những điều đang gây ra tỳ vết xấu nhất cho khí chất và thiên tính của các chính quyền của chúng ta. Những người này sẽ cân nhắc đến từng thiết chế được tạo ra để ước chế tính thái quá của việc lập pháp, và giữ cho mọi thứ ở trong một trạng thái luôn có xu hướng sinh ra điều lành hơn điều dữ; bởi vì chính trạng thái này thuận lợi cho hệ thống pháp luật có sự ổn vững lớn hơn. Tổn hại do có thể gạt bỏ mất một vài luật tốt sẽ được đền bù hậu hĩnh bằng ích lợi trong việc ngăn ngừa được nhiều luật xấu (xem thêm The Federalist No 62. ND).

Vẫn chưa hết. Trọng lượng và ảnh hưởng lớn hơn của thực thể lập pháp trong một chính thể tự do, và sự bất trắc đối với Hành Pháp trong cuộc đọ sức với thực thể này, cũng là một an ninh khiến mọi người hài lòng là quyền phủ quyết sẽ thường được dùng một cách rất thận trọng; và khi thực hiện quyền này sự rụt rè sẽ luôn to lớn hơn sự hấp tấp. Một ông vua Ðại Anh, với tất cả những quyền lực tối cao, và với mọi ảnh hưởng ông ta có thể rút ra từ vô số nguồn, sẽ, vào ngày hôm nay, phải đắn đo khi đặt một phủ quyết lên các quyết nghị chung của hai viện của Nghị Viện. Ông sẽ không từ khước các nguồn lực cao nhất của ảnh hưởng đó để bóp nghẹt một biện pháp trái ý ông ta trước khi được đưa tới ngai vàng để tránh phải đối mặt với thế lưỡng nan hoặc phải cho phép biện pháp đó có hiệu lực, hoặc phải chịu rủi ro của việc sẽ bị toàn dân bất bình do đã chống lại ý chí của thực thể lập pháp. Cũng không có khả năng ông ta sẽ cố cùng bất chấp mạo hiểm dùng tới các đặc quyền, trừ khi sự thể quá đúng đắn, hoặc vì một nhu cầu tối cần. Mọi quý ông thông hiểu của vương quốc đó sẽ phải đồng ý với sự công bằng của nhận xét này. Ðã có một quãng thời gian rất dài trôi qua kể từ lần cuối quyền phủ quyết của quân vương đó được lấy ra sử dụng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Nếu một viên chức hành pháp đầy quyền uy và được gia cố quyền lực rất mạnh như quân vương Anh cũng sẽ phải do dự rất nhiều trong việc thực thi loại quyền lực đang xem xét thì hẳn sẽ phải có sự cẩn trọng lớn hơn bao nhiêu nữa đối với một ông Tổng Thống của Hợp Chúng Quốc, người được giao thẩm quyền hành pháp trong thời gian ngắn ngủi bốn năm và ở trong một chính quyền hoàn toàn và thuần túy theo mô hình cộng hòa?

Rõ ràng có nhiều nguy cơ ở việc ông ta không sử dụng quyền lực này khi cần hơn là việc ông ta sẽ sử dụng nó quá nhiều hoặc quá mạnh. Quả thật, với đúng lý do này người ta đang nêu ra một lập luận nhằm bác bỏ tác dụng của quyền này. Với lập luận đó, họ cho rằng đây là một loại quyền hữu danh vô thực. Nhưng không nên suy rằng, vì nó có thể rất ít được dùng nên nó sẽ không bao giờ được dùng. Khi xảy ra các tình huống đã được dự trù khi thiết kế cho quyền này, đó là khi có một tấn công trực tiếp vào các quyền hiến định của Hành Pháp, hoặc khi phúc lợi của cộng đồng bị xâm phạm một cách hiển nhiên và rõ ràng, thì một người có sự quả quyết ở mức trung bình cũng sẽ tự biết lấy các phương tiện hiến định để phòng vệ, và sẽ phải hành động theo sự thúc giục của trách nhiệm và bổn phận. Trong giả định đầu, sự kiên định của ông ta sẽ được kích hoạt bởi sự ham muốn trực tiếp đối với quyền lực được giao phó của ông ta; ở trường hợp sau, là do khả năng sẽ được sự ủng hộ của các cử tri, những người, cho dù trong những tình huống mập mờ thường có xu hướng ủng hộ thực thể lập pháp, cũng sẽ rất khó chấp nhận thiên vị để tự hại mình trong một tình huống đã hết sức rõ ràng. Ðấy là tôi nói về một viên chức chỉ sở đắc sự quả quyết ở mức trung bình. Thực tế, có những con người, trong mọi hoàn cảnh, luôn dũng cảm để làm trọn bổn phận của họ bất chấp mọi bất trắc.

Xem thêm:   Những điều lý thú của tháng Ba

Nhưng Hội Nghị đã đưa ra một giải pháp trung dung cho vấn đề này nhằm tạo thuận lợi cho cả việc thực thi loại quyền lực này của Hành Pháp, và làm cho sự thực thi phải phụ thuộc vào ý chí của một số đông của thực thể lập pháp. Thay vì quyền phủ quyết tuyệt đối, giải pháp đó đề xuất trao cho Hành Pháp quyền phủ quyết có điều kiện như đã mô tả. Ðây là một loại quyền sẽ được sẵn sàng thực thi nhiều hơn loại kia. Một người còn e ngại ngăn chặn một luật chỉ bằng PHỦ QUYẾT của mình có thể sẽ không đắn đo trả ngay luật đó; vì luật này sẽ chỉ bị bãi bỏ khi cuối cùng có hơn 1/3 thành viên trong mỗi viện đồng ý với sự chống đối của ông ta. Ông ta sẽ được khích lệ khi nghĩ rằng nếu sự phản đối của mình thành công ông sẽ có được sự ủng hộ rất nể trọng của thực thể lập pháp cho các hành xử đúng đắn của ông ta trước công luận. Một quyền phủ quyết trực tiếp và bất tranh cãi có một vẻ ngoài khắc nghiệt hơn, và dễ chọc tức hơn so với chỉ là việc nêu ra phản đối để cho người khác tán thành hoặc bác bỏ. Càng ít có vẻ gây hấn hơn sẽ càng có khả năng được thực thi hơn; và vì vậy, sẽ càng hữu dụng hơn trên thực tế. Chúng ta hy vọng sẽ không thường xuyên có các quan điểm sai trái khống chế được cả một bộ phận lớn của hai nhánh lập pháp tới mức 2/3 tổng số thành viên đều bị mua chuộc cùng một lúc; và chúng ta cũng hy vọng như thế kể cả khi Hành Pháp có quyền uy đủ sức đối trọng. Ðiều đó còn khó xảy ra hơn nhiều so với việc các quyết nghị và một đa số mỏng bị một quan điểm sai trái điều khiển. Một âm mưu như thế của Hành Pháp sẽ thường phải vận động âm thầm và kín đáo dầu nó nóng lòng đến đâu. Khi con người can dự vào những mục đích bất chính biết rằng sẽ có những ngăn cản có thể đến từ một bộ phận mà họ không thể kiểm soát, thì riêng nỗi sợ bị chống đối đã khiến họ phải tránh làm những việc mà lẽ ra họ sẽ lao ngay vào nếu như họ không phải sợ những ngáng trở từ bên ngoài như thế.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Quyền phủ quyết có điều kiện, như đã được phân tích trước đây, ở Tiểu bang này được trao vào một hội đồng gồm thống đốc, cùng với chancellor và các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện, hoặc gồm bất kỳ hai người trong số họ. Quyền này vẫn được tự do sử dụng trong rất nhiều tình huống khác nhau, và thường xuyên có tác dụng. Và tính hữu dụng của nó đã rõ ràng tới mức khiến những người đã từng phản đối nó kịch liệt trong khi xây dựng Hiến Pháp thì nay, qua chứng nghiệm, đã trở thành những người hâm mộ. (1)

Ở một bài khác tôi đã từng nhận xét rằng, Hội Nghị, trong khi xây dựng phần này của bản Hiến Pháp, đã từ bỏ mô hình hiến pháp của Tiểu bang này để chọn mô hình hiến pháp của Massachusetts. Sự lựa chọn này có thể có hai lý do mạnh. Một, các thẩm phán, những người sẽ đóng vai trò diễn giải pháp luật, có thể sẽ có sự thiên vị bất chính từ việc phải có ý kiến trước trong các việc tái xét của họ; lý do kia là do thường xuyên cộng tác với trưởng Hành Pháp, họ có thể sẽ bị nhiễm quá nhiều quan điểm chính trị của viên chức hành pháp này, và do đó có thể sẽ gây ra một sự câu kết chặt chẽ nguy hiểm ở nhiều mức độ giữa hai bộ phận hành pháp và tư pháp. Do không thể nào giữ cho các thẩm phán quá tách khỏi mọi công việc ngoài công việc giải thích pháp luật. Vì vậy, sẽ đặc biệt nguy hiểm khi đưa họ vào tình thế bị mua chuộc hoặc bị ảnh hưởng bởi Hành Pháp.

(còn tiếp)

PHS (14/01/2021)