(Kỳ 11a: The Federalist No 73)

Giai thoại kể rằng George Washington quan tâm tới thú vui làm vườn, đồng áng hơn làm tổng thống sau khi 13 thuộc địa trở thành nước Mỹ độc lập. Nhưng sự thật rõ ràng là Washington là người duy nhất cả hai lần đắc cử Tổng Thống với 100% phiếu phổ thông trong cuộc bầu tổng thống theo bản Hiến Pháp 1787. Khi chấp nhận làm tổng thống sau khi có kết quả bầu cử do Hạ Viện công bố, Washington tuyên bố sẽ không lãnh lương do Hiến Pháp quy định vì ông cảm thấy trách nhiệm đòi hỏi ông phải phục vụ đất nước không lương giống như hồi ông giữ chức Tổng Chỉ Huy quân đội trong cuộc chiến giành độc lập. Tuy nhiên, Washington đã không được phép làm như thế với chức Tổng Thống. Như ý kiến của John Page, Dân Biểu đương thời từ California, Hiến Pháp Mỹ (Article 1, Section 2) yêu cầu (require) Tổng Thống phải nhận thù lao (compensation). Quốc Hội Mỹ đã ra ngay một đạo luật ấn định lương hàng năm $25,000 cho Tổng Thống Mỹ. George Washington là người đầu tiên nhận khoản lương này và đã dành phần lớn tiền lương vào việc làm phúc. Theo một cách tính của Quốc Hội Mỹ, lương $25,000/năm của Washington tương đương gần 5 triệu đô-la Mỹ hiện nay. Sau Washington, cũng có 3 tổng thống Mỹ không muốn nhận lương nhưng đều phải nhận và đã dùng để tặng cho nhiều người hoặc tổ chức, đó là các Tổng Thống Herbert Hoover, John F. Kennedy và Donald J. Trump.

Trong một cuộc điều trần của Hạ Viện Mỹ vào tháng Năm 1999 nhằm tăng lương cho tổng thống theo một đề xuất từ $200,000/năm lên $400,000/năm (mức hiện nay), tất cả các diễn giả được tham vấn đều đồng ý với việc tăng lương cho tổng thống; nhiều ý kiến còn muốn tăng cao hơn nữa dù tất cả đều đồng ý những người tìm kiếm chức vụ tổng thống Mỹ không bao giờ nhằm mục đích kiếm lợi vật chất. Hiến Pháp Mỹ còn quy định lương của tổng thống không được điều chỉnh, tăng hay giảm, trong suốt nhiệm kỳ; và ngoài lương đã tuyên bố, tổng thống Mỹ không được nhận bất kỳ thù lao nào của Liên Bang hay của Tiểu Bang. Những quy định này đã dẫn đến hệ quả đáng ngạc nhiên là lương của phó tổng thống Mỹ có thể cao hơn lương tổng thống vì phó tổng thống được phép nhận nhiều lương từ các cơ quan công khác nhau, ví dụ như lương từ Thượng Viện. Dựa trên cơ sở nào các nhà lập quốc Mỹ đã ấn định những nguyên tắc rất đặc biệt cho lương của tổng thống, người đứng đầu bộ phận hành pháp? Alexander Hamilton sẽ cho chúng ta thấy những lý do rất tinh tế về chính trị và cũng rất thường tình của con người qua The Federalist No 73.

Nhưng trong bản văn này Hamilton còn biện luận cho một vấn đề khác, có thể quan trọng hơn và luôn gây ra sự sôi nổi trên chính trường, đó là quyền phủ quyết tương đối (a qualified veto) của tổng thống: Tổng Thống Mỹ có quyền bác bỏ dự luật (a bill), chỉ lệnh (an order), quyết nghị (a resolution), quyết định (a vote) đã được cả hai viện Quốc Hội thông qua; tuy nhiên phủ quyết của Tổng Thống sẽ mất hiệu lực khi có tối thiểu 2/3 thành viên của Thượng Viện và Hạ Viện phản đối.

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Ở điểm này, chúng ta nên dừng một chút để nói về một sai lầm phổ biến thường thấy trong các cuộc tranh luận, cổ xướng về dân chủ của người Việt Nam chúng ta; đa phần thường kêu gọi “cần phải có tam quyền phân lập. Ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp phải độc lập, tách rời nhau.” Nhưng thực ra, các chính quyền dân chủ thuộc dạng tốt nhất hiện nay hoàn toàn không có sự “độc lập, tách rời” như thế. Quyền phủ quyết tương đối của tổng thống Mỹ là một trong những chứng cứ cho thấy hành pháp có quyền can thiệp vào công việc của lập pháp và ngược lại. Còn nhiều dẫn chứng khác chúng ta có thể đã thấy trong các Kỳ khác. Sai lầm này của nhiều người Việt chưa gây hậu quả quan trọng nhưng về lâu dài sai lầm này cần phải được sửa chữa.

Quay trở lại với quyền phủ quyết của tổng thống Mỹ, đây cũng là một sự thay đổi lớn trong tư duy chính trị của các nhà lập quốc Mỹ. Như trong Kỳ 10a chúng ta đã nói tới tâm lý của dân Mỹ trong buổi đầu độc lập thường e ngại, chống đối quyền lực hành pháp mạnh. Riêng về quyền phủ quyết của hành pháp, dân Mỹ còn mất cảm tình nhiều hơn vì đã phải chịu rất nhiều vất vả và thiệt thòi trong các cuộc đối đầu với các quyền phủ quyết tùy tiện từ các thống lãnh hoàng gia (royal governor) trong thời kỳ thuộc địa. Không chỉ bị veto của các thống lãnh kìm chế, nghị hội (assembly) của dân thuộc địa còn bị một veto khác từ mẫu quốc Ðại Anh khống chế, đó là veto của The Board of Trade and Plantations of the Privy Council (ban thương mại và đồn điền của hội đồng cơ mật). Vì những quan ngại đó, tuyệt đại đa số hiến pháp của các Tiểu Bang thời kỳ đầu độc lập và ngay cả Thỏa Ước Liên Bang (The Articles of Confederation) đều đặt hành pháp phụ thuộc vào lập pháp. Quyền phủ quyết cho hành pháp đương nhiên là vấn đề không được bàn tới.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Tuy nhiên, các nhà tư tưởng, giới hoạt động chính trị của Mỹ rất nhanh nhạy. Khi đối mặt với các vấn đề quyền lực thực tiễn, họ đã quả quyết để thích nghi, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu, hoài bão của họ. Từ chỗ e sợ hành pháp, họ đã tạo hẳn ra mô hình hành pháp đơn nhân (individual executive) trao nhiều quyền lực vào tay chỉ một cá nhân. Lý do, triết lý đằng sau mô hình táo bạo này chúng ta đã thấy rõ trong 4 Kỳ trước khi nói về The Federalist No 70.

Riêng về quyền veto của tổng thống, giới chính trị Mỹ cũng có những thử nghiệm điều chỉnh khá sớm. Hiến pháp 1776 của South Carolina đã trao cho Thống Ðốc không chỉ quyền phủ quyết mà là quyền phủ quyết tuyệt đối (an absolute veto) – quyền phủ quyết bất khả đảo ngược. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, quyền phủ quyết này của Thống Ðốc South Carolina bị bãi bỏ. Như một sự học hỏi và điều chỉnh, Hiến Pháp 1777 của New York cho Thống Ðốc có quyền phủ quyết với điều kiện phải được một hội đồng (gồm một số thẩm phán) chấp thuận. Tới năm 1780, Massachusetts thông qua Hiến Pháp cho phép Thống Ðốc có quyền phủ quyết tương đối với khả năng bị đảo ngược bởi 2/3 thành viên của Lưỡng Viện.

Nhìn vào Article 1, Section 7 của Hiến Pháp Mỹ hiện nay chúng ta sẽ thấy các nhà lập hiến Mỹ 1787 đã copy lại quyền phủ quyết trong Hiến Pháp 1780 của Massachusetts.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Nếu chúng ta nhớ lại triết lý kìm soát và đối trọng (checks and balances) đã đề cập trong Kỳ 6, Kỳ 7c, quyền phủ quyết của tổng thống lên các hành động của lập pháp chỉ là một “công cụ hiến pháp cần thiết” để làm cho “chính quyền tự kiểm soát chính nó” (The Federalist No 51). Nghĩ lại triết lý này, chúng ta có thể tự lý giải được ngay tại sao chỉ sau 2 năm South Carolina đã phải bãi bỏ quyền phủ quyết tuyệt đối dành cho thống đốc; và tại sao cuối cùng các nhà lập quốc Mỹ lại chấp nhận quyền phủ quyết tương đối cho tổng thống – có thể bị đảo ngược bởi 2/3 thành viên của lập pháp.

Tuy nhiên có thể vẫn còn một số câu hỏi chúng ta vẫn chưa thể lý giải:  Tại sao không theo mô hình phủ quyết của New York 1777 để tránh bớt khả năng lấn quyền của tổng thống, cũng như tăng thêm sự sáng suốt cho phủ quyết? Tại sao lại là 2/3 thành viên, không phải là 1/3 hay 3/4 để đảo ngược phủ quyết? v.v.

The Federalist No 73 do Hamilton chấp bút sẽ giúp chúng ta tìm thấy những lý lẽ cho các vấn đề này. Và như thường lệ, với văn phong nhiệt huyết, bộc trực và sắc bén, Hamilton cũng sẽ mang lại cho chúng ta nhiều suy tư sâu lắng về bản thể người và những vấn đề chính trị.

(còn tiếp)

PHS (17/12/2020)