(Kỳ 10d: The Federalist No 70)

Phần cuối của bản dịch rút gọn The Federalist No 70. Trân trọng giới thiệu:

Từ the New York Packet

Thứ Ba, 18 tháng Ba 1788

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

… Những nhận định vừa nêu cho thấy rõ sự đa nguyên của Hành Pháp có khuynh hướng tước của nhân dân hai công cụ an ninh quan trọng nhất có thể đảm bảo cho mọi quyền lực họ ủy thác được thực thi một cách trung thành, thứ nhất, các kiểm soát của dư luận đang mất hiệu lực, vừa do sự kiểm duyệt các chính sách tồi phải bổ cho nhiều người vừa do sự thiếu rõ ràng của người phải chịu kiểm duyệt; và, thứ hai, dư luận mất cơ hội phát hiện nhanh chóng và chính xác hành vi sai trái của những người được họ tín nhiệm nhằm phế truất họ khỏi chức vụ hoặc trừng phạt họ như vụ việc đòi hỏi.

Ở Anh, vua là một viên chức muôn năm; đây là một cách ngôn nhằm vào sự bình yên của cộng đồng, cho rằng ông ta không thể bị ràng buộc trách nhiệm với sự quản trị của ông, và thân thể của ông ta là thiêng liêng. Do đó, chẳng có gì có thể khôn ngoan hơn cho vương quốc đó bằng việc buộc vua vào một hội đồng hiến pháp, những người có thể phải chịu trách nhiệm trước quốc gia cho những ý kiến họ đã đưa ra. Thiếu điều này, sẽ hoàn toàn không có một trách nhiệm nào trong bộ phận hành pháp – ý tưởng không thể chấp nhận trong một chính thể tự do. Nhưng vua cũng không bị ràng buộc bởi các quyết nghị từ hội đồng của ông ta, cho dầu hội đồng có thể được vua hồi đáp về các khuyến nghị. Ông ta là ông chủ tuyệt đối trong mọi hành xử của bản thân trong việc thực thi chức vụ của ông ta, và ông ta có thể độc đoán chấp nhận hay bác bỏ mọi khuyến nghị gửi tới ông ta.

Nhưng trong một nước cộng hòa, khi mọi viên chức phải chịu trách nhiệm riêng cá nhân cho hành vi của họ trong thực thi phận sự, lý do mà Hiến pháp Anh lấy làm nền tảng cho sự đúng đắn của một hội đồng không chỉ phải chấm dứt mà nó còn trái ngược với chính thiết chế này. Trong chế độ quân chủ trị của Ðại Anh, hội đồng là một sự thay thế cho trách nhiệm đã bị bỏ đi của viên chức trưởng hành pháp, nó có chức năng làm con tin cho công lý quốc gia để đảm bảo ông ta phải hành xử tốt. Nhưng trong nước cộng hòa Mỹ, một hội đồng sẽ phá hủy, hoặc làm tổn hại trầm trọng trách nhiệm đã định và buộc phải có của chính viên chức Trưởng Hành Pháp.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Ý tưởng về hội đồng áp dụng cho Hành pháp, điều đang được chấp nhận quá nhiều trong hiến pháp các Tiểu Bang, được lấy từ cách ngôn về sự đố kỵ cộng hòa coi quyền lực sẽ an toàn hơn khi giao vào tay nhiều người thay vì một người duy nhất. Nếu cách ngôn này được đồng ý cho áp dụng ở đây, tôi cần phải nói rằng lợi ích đó sẽ không đối trọng được các bất lợi quá nhiều ở phía ngược lại. Tôi còn nghĩ rằng nguyên lý này hoàn toàn không thích hợp cho quyền lực hành pháp. Ở điểm này, tôi rất đồng ý với quan điểm của một tác giả mà Junius vang tiếng đã coi là người “sâu sắc, chắc chắn và tinh tường,” rằng “quyền lực hành pháp sẽ dễ dàng khống chế hơn khi chỉ có MỘT”(2); sẽ an toàn hơn rất nhiều khi chỉ có duy nhất một đối tượng để nhân dân soi xét và theo dõi; và, ngắn gọn, rằng tất cả mọi gia tăng số lượng trong Hành pháp đều mang lại nhiều nguy hiểm hơn an bình cho tự do.

Một điều nhỏ nữa sẽ làm chúng ta yên tâm, là mô hình Hành pháp đa nguyên không thể mang lại các biện pháp an ninh chúng ta đang cần. Số lượng người buộc phải rất lớn mới có thể làm cho các câu kết trở nên khó khăn, nếu không chúng sẽ trở thành một nguồn đe dọa hơn là an ninh. Uy tín và ảnh hưởng của nhiều người kết lại chắc chắn sẽ đe dọa tự do nhiều hơn so với uy tín và ảnh hưởng của từng người riêng biệt. Do đó, khi quyền lực được đặt vào tay một số rất ít người cũng tức là chấp nhận khả năng sẽ có một kẻ mưu mẹo dễ dàng thâu tóm được quyền lợi và ý muốn của tất cả vào một âm mưu chung nào đó, và quyền lực sẽ trở nên dễ bị lạm dụng, và nguy hiểm hơn so với khi được trao vào tay một người; người này, do hoàn cảnh đơn độc, sẽ bị theo dõi chặt chẽ hơn và nhanh chóng bị cảnh giác, và người này sẽ không thể quy tụ được ảnh hưởng quá lớn kể cả khi liên kết được với những người khác. Các Thập đại pháp quan Decemvirs (là một hội đồng gồm 10 thành viên được thiết lập năm 451 Tr. CN của Cộng hòa La Mã theo yêu cầu của giới plebeian nhằm pháp điển hóa các luật bất thành văn của La Mã. Hội đồng này chỉ tồn tại ngắn ngủi trong khoảng 2 năm, nhưng đã tạo dựng cơ sở luật pháp La Mã thông qua bộ Luật Law of Twelve Tables bằng cách học hỏi kinh nghiệm Hy Lạp. ND) của thành Rome, có tên thể hiện số người (3), đã đe dọa lấn quyền người khác nhiều hơn so với khi chỉ MỘT người trong họ cầm quyền. Sẽ không ai dám nghĩ đến việc đề xuất một Hành pháp có nhiều người hơn thực thể này; từ sáu tới mười hai là số người thường được gợi ý cho hội đồng này. Số lớn nhất của gợi ý này không quá nhiều để không có sự câu kết dễ dàng; và nước Mỹ sẽ phải lo lắng nhiều hơn về một sự câu kết như thế so với tham vọng của bất cứ một nhân vật đơn độc nào. Một hội đồng cho một viên chức hành pháp, người phải tự chịu trách niệm cho những việc làm của mình, nói chung không gì khác hơn một ngáng trở cho những dự định tốt đẹp của ông ta, và còn thường là công cụ, kẻ đồng lõa cho các dự định xấu xa và cũng gần như luôn luôn là tấm áo choàng khoác lên các sai trái của ông.

Xem thêm:   The good Samaritans

Tôi không đi sâu vào vấn đề chi phí; mặc dù điều hiển nhiên là nếu hội đồng có số người đủ để đáp ứng mục đích chính của thiết chế này, thì lương bổng cho các thành viên hội đồng, những người buộc phải rời nhà đến sống ở nơi đặt trụ sở chính quyền, sẽ làm cho danh sách chi tiêu công đã quá nặng lại phải cõng thêm một khoản lớn mà ích lợi của nó còn khá mù mờ. Tôi chỉ xin nói thêm rằng, trước khi xuất hiện bản Hiến pháp, tôi đã gần như không gặp một quý ông thông thái từ một tiểu bang nào lại không thừa nhận, dựa trên kinh nghiệm, rằng tính ÐƠN ÐỘC của hành pháp ở tiểu bang này (tức New York. ND) là một trong những đặc tính tốt nhất trong bản hiến pháp của chúng ta.

(còn tiếp)

PHS (05/12/2020)

(1). New York không có hội đồng, ngoại trừ hội đồng dành cho mục đích duy nhất để bổ nhiệm viên chức; New Jersey có một hội đồng để thống đốc tham vấn. Nhưng theo tôi, dựa vào những điều khoản của bản hiến pháp, có thể nói các quyết nghị của hội đồng không ràng buộc ông ta.

(2). De Lolme ((1741-1806), tên đầy đủ là Jean Louis De Lolme, người Thụy Sĩ, do bất đồng chính trị, ông đã phải trốn sang Anh lưu vong nhiều năm, nơi đây ông làm báo và viết nhiều tác phẩm về chính trị học cho đến gần cuối đời mới trở về Thụy Sĩ và tham chính. Trích dẫn thuộc tác phẩm The Constitution of England; Or, an Account of the English Government, viết năm 1784. ND)

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

(3). Mười.