(Kỳ 10a: The Federalist No 67)

Ngày nay chúng ta đã thấy thiết chế Tổng Thống (the Presidency) của nhánh Hành Pháp (the Executive) trong chính quyền Mỹ là một nhân vật uy lực, luôn nổi trội nhất trên chính trường. Nhưng vào thời lập quốc, chính thiết chế tổng thống là một trong những vấn đề bị phản đối dữ dội nhất. Không chỉ thế, bản thân những người lập hiến, khi tìm tòi thiết kế cấu trúc quyền lực (tenure) cho thiết chế tổng thống cũng phải thừa nhận đây là một vấn đề khó nhất đối với họ. Trong The Federalist No 67 được giới thiệu trong hai kỳ trước (Kỳ 9a, 9b), ngay đoạn mở đầu, Alexander Hamilton viết:

Gần như không có bộ phận nào của hệ thống khi thiết kế lại gặp nhiều khó khăn hơn bộ phận này; và có lẽ cũng không có bộ phận nào lại bị phản đối một cách ít chân thật và bị chỉ trích một cách thiếu suy nghĩ hơn.

Thực tế chính trường tại 13 Tiểu Bang nước Mỹ trong thời kỳ đầu độc lập, đa phần các thống đốc đều là kết quả do lập pháp bầu chọn, không những thế, các quyết định của thống đốc đều phải thông qua sự tham vấn của một hội đồng và nhiệm kỳ của thống đốc chỉ có 01 năm. Tại Virginia và Maryland, hiến pháp còn quy định người nào giữ chức thống đốc trong 03 nhiệm kỳ liên tục, tức 03 năm, thì sẽ không được ứng cử trong 04 năm sau đó. Thế nhưng sự thận trọng này vẫn bị chỉ trích, bị cho là dễ gây ra lòng ham muốn quyền lực làm sao nhãng bổn phận. Năm 1777, Hiến Pháp New York đánh dấu một bước ngoặt lớn khi cho phép thống đốc do dân bầu ra trực tiếp cho nhiệm kỳ 3 năm, tức được thoát khỏi sự lệ thuộc vào lập pháp nhưng thống đốc New York, trong nhiều việc, vẫn phải thông qua một hội đồng. Năm 1780, Hiến Pháp Massachusetts cho phép dân bầu trực tiếp thống đốc với nhiệm kỳ 01 năm và quyền lực của thống đốc cũng phải phụ thuộc vào một hội đồng. Ðây là những thực tế chính trị không chỉ phản ánh truyền thống chính trị lâu dài tại thuộc địa (xin xem lại Kỳ 4) mà còn là vấn đề của tư tưởng, học thuật chính trị đương thời.

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Thế kỷ XVIII, phổ quát, vẫn là thế kỷ của quân chủ tuyệt đối với hình ảnh uy nghi, ngạo nghễ và hung tợn của ông vua (rất hiếm nữ hoàng). Từ thế kỷ XVII tại Anh, sau nhiều biến động và lần mò của lịch sử, mới nổi lên nhóm chính trị the Whig chủ trương ủng hộ trao quyền cho nghị viện và thiết lập nền quân chủ lập hiến (a constitutional monarchy) nhằm ước chế quyền lực thường tùy tiện và hung bạo của vua. Cuộc Cách Mạng Mỹ 1776, nói rút gọn, cũng là cuộc nổi dậy chống lại một ông vua: Vua George Ðệ Tam của Anh quốc. Hình ảnh một đàn ông đầy quyền uy vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm khảm dân chúng Mỹ, thế mà có những nhà lập quốc Mỹ lại đi đến ý tưởng tạo ra một chức vụ đầy quyền lực dành riêng cho một nam nhân.

Từ giữa thế kỷ XVII chạy dài sang giữa thế kỷ XVIII toàn thế giới mới xuất hiện ba nhà tư tưởng, John Lock (1632-1704), Montesquieu (1689-1755), Adam Smith (1723-1790) nói đến một biện pháp cụ thể và bao quát nhằm ước chế tính trấn áp của mọi chính quyền: The Separation of Powers (phân tách quyền lực công). Trong ba người đó, chỉ Montesquieu là người đề cập rõ ràng và đầy đủ nhất: Quyền lực công phải phân thành ba nhánh (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Song, việc cấu tạo chúng như thế nào, nhất là hành pháp, vẫn là vấn đề còn rất mờ mịt. Thiết chế tổng thống (the presidency) – mô hình hành pháp đơn nhân (the individual executive) chưa bao giờ được đề cập. Trong một lá thư gửi cho Thomas Jefferson, ngày 24 tháng Mười 1787, sau khi Hội nghị Philadelphia kết thúc, James Madison đã thổ lộ những lo lắng và khó khăn về thiết chế tổng thống khi xây dựng hiến pháp:

“…The first of these objects as it respects the Executive, was peculiarly embarrassing. On the question whether it should consist of a single person, or a plurality of co-ordinate members, on the mode of appointment, on the duration in office, on the degree of power, on the re-eligibility, tedious and reiterated discussions took place. The plurality of co-ordinate members had finally but few advocates. Governour Randolph was at the head of them. The modes of appointment proposed were various, as by the people at large-by electors chosen by the people-by the Executives of the States-by the Congress, some preferring a joint ballot of the two Houses-some a separate concurrent ballot allowing to each a negative on the other house-some a nomination of several canditates by one House, out of whom a choice should be made by the other… The expedient at length adopted seemed to give pretty general satisfaction to the members. As to the duration in office, a few would have preferred a tenure during good behaviour-a considerable number would have done so in case an easy and effectual removal by impeachment could be settled. It was much agitated whether a long term, seven years for example, with a subsequent and perpetual ineligibility, or a short term with a capacity to be re-elected, should be fixed.” (Vấn đề đầu tiên liên quan tới Hành Pháp đã gây ra rất nhiều phiền phức. Nhiều cuộc tranh luận căng thẳng, mệt mỏi đã quay vòng quanh các điểm: đó sẽ là đơn nhân hay đa nhân, về cách thức hình thành, về độ dài nhiệm kỳ, về quy mô quyền lực, về khả năng tái nhiệm. Mô hình đa nhân rốt cuộc chỉ có vài người ủng hộ. Thống Ðốc Randoplph là người chủ xướng ý tưởng này. Có nhiều cách hình thành được nêu ra, qua bầu cử diện rộng, qua các đại cử tri do dân chọn lựa, qua Hành Pháp của các Tiểu Bang, qua Quốc Hội, và một số người còn đề xuất qua việc đồng bỏ phiếu giữa hai viện của Quốc Hội, số khác thì đề xuất qua việc chọn lựa thông qua một số ứng viên do một viện đề cử và sẽ được duyệt bởi viện kia… Cuối cùng, giải pháp đã được thông qua có thể đã làm các đại biểu có một sự hài lòng nào đó. Còn về vấn đề nhiệm kỳ, một vài người muốn hành pháp có nhiệm kỳ phẩm hạnh (during good behavior) – nhiều người đã tán thành với điều kiện phải thiết lập được cơ chế đàn hặc (impeachment) để có thể dễ dàng phế truất ngay khi cần. Nhưng không khí trở nên nóng bỏng khi đề cập tới nhiệm kỳ dài, ví dụ 7 năm cùng với điều kiện sau đó không được ứng cử suốt đời, hoặc nhiệm kỳ ngắn hơn với khả năng tái cử.)

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Bản thân Madison cũng cảm thấy ngại khi nghĩ tới thiết kế hành pháp. Trong thư gửi cho George Washington, ngày 17 tháng Tư 1787, Madison viết rằng:

A national Executive must also be provided. I have scarcely ventured as yet to form my own opinion either of the manner in which it ought to be constituted or of the authorities with which it ought to be cloathed.” (Cần phải xây dựng quyền lực hành pháp cho quốc gia. Nhưng tôi rất ít khi dám nghĩ sâu để có quan điểm riêng về cách cấu tạo hay về các quyền lực dành cho bộ phận này.)

Những tâm sự sau hậu trường của James Madison cho chúng ta thấy chính trị quả là rắc rối nhưng là thách thức trí tuệ thú vị và tối quan trọng cho đời sống con người. Nếu không tìm hiểu chắc chắn chúng ta “vẫn mãi là người đến sau” như lời một bài hát của nhạc sĩ Trúc Hồ, nhưng là đến sau những kẻ độc tài quỷ quyệt như dân Việt chúng ta đang phải hứng chịu.

Năm 1996, trong cuốn sách được trao giải Pulitzer về chủ đề lịch sử, Original Meanings, Politics and Ideas in the Making of the Constitution, Jack N. Rakove, giáo sư tại Ðại học Stanford đã nhận định thiết chế tổng thống là “công việc có tính sáng tạo nhất” của các nhà lập quốc Mỹ.

Ðể thấy rõ sự sáng tạo táo bạo này, chúng ta cần tiếp tục xem thêm một số bài trong loạt 12 bài do Alexander Hamilton chấp bút dành riêng cho nhánh hành pháp. Tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau xem The Federalist No 70 – bản văn sâu sắc về chính trị, lịch sử.

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

(còn tiếp)

PHS (05/12/202)