Nhiều kỳ – Kỳ 7B:

(The Federalist No 51)

Nhìn một cách hậu nghiệm (a posteriori), trong kỳ trước, chúng ta đã thấy sự giả dối, lừa bịp của các tên độc tài cộng sản đã bị The Federalist No 51 lật tẩy từ trước khi Tuyên Ngôn Cộng Sản được công bố đúng một hoa giáp – 60 năm.

Tuy nhiên, mục đích chính của The Federalist No 51 không phải thế.

Khi tìm hiểu các động lực của Hiến Pháp Mỹ 1787, chúng ta thường nghe tới các lý giải theo hướng mục đích cao thượng; song cũng có những tác giả cho rằng Hiến Pháp Mỹ 1787 xuất phát từ những lý do rất tầm thường, như sử gia Howard Zinn (1922-2010) cho rằng Hiến Pháp Mỹ là sự tính toán của giới nhà giàu muốn có một chính quyền trung ương mạnh để giữ vững các quyền lợi kinh tế cho bản thân họ và đối phó với các nguy cơ nổi dậy từ tầng lớp dưới. Song, nếu đọc The Federalist No 51, chúng ta sẽ thấy mục đích của tác giả là nhằm thuyết phục độc giả thấy rõ bản dự thảo Hiến Pháp Mỹ đã có sáng tạo xuất chúng trong việc tạo ra những cơ chế đặc biệt để kiểm soát chính quyền nhằm duy trì tự do cho tất cả mọi người. Ðây là một nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng như sự thừa nhận của chính tác giả:

[K]hi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị; tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát chính nó.

Ðây cũng chính là nhu cầu kép có tính nghịch lý đương thời của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ non trẻ trong những năm tháng đầu tiên tự dứt khỏi bầu vú quản trị của Anh quốc: chính quyền trung ương có tính lâm thời của 13 tiểu bang không đủ thẩm quyền và nguồn lực để giải quyết các vấn đề rắc rối giữa các tiểu bang, nhưng người dân, đặc biệt là giới trí thức tinh hoa, lại rất e ngại, đúng ra là rất lo sợ, một chính quyền trung ương mạnh sẽ lạm quyền, tước đoạt mất các tự do của họ. Sự lo sợ này chính là nền tảng tinh thần của nhóm The Anti-federalist – nhóm phản biện sâu sắc và gay gắt có tính chống đối bản dự thảo hiến pháp. Nhìn ở góc độ này chúng ta có thể nói chính quyền Mỹ phôi thai đã được hợp tử trên một ý thức sâu sắc về nhu cầu bảo vệ, duy trì được tự do một cách thực tế cho các công dân, chứ không phải trên những khẩu hiệu, những tờ truyền đơn hay diễn văn hùng hồn. Ðây là một ý thức không chỉ đặc biệt, độc nhất trong bối cảnh lịch sử đương thời của hậu bán thế kỷ XVIII (cuộc Cách Mạng Pháp vô cùng vang dội, xảy ra sau Cách Mạng Mỹ 15 năm, đã hoàn toàn không có ý thức này là một minh chứng), ý thức tự do sâu sắc này vẫn không được quan tâm trong nhiều cuộc cách mạng của các thế kỷ sau cho tới tận ngày nay.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Nếu chỉ đọc riêng bản The Federalist No 51 chúng ta cũng có thể thấy giới trí thức tinh hoa Mỹ đương thời, cả The Federalist lẫn The Anti-federalist, đã có những sự thống nhất rất lớn về các yêu cầu căn bản để có một chính quyền, gọi theo ngôn ngữ ngày nay, có tính chất dân chủ-tự do (a liberal democracy).

Mở đầu, The Federalist No 51 viết:

Rốt cuộc chúng ta sẽ trông cậy vào công cụ nào để trên thực tế duy trì được sự chia tách cần thiết giữa các nhánh quyền lực khác nhau như đã chỉ định trong Hiến pháp? Vì tất cả các biện pháp phòng tránh từ bên ngoài đã thể hiện không đủ hiệu lực, nên câu trả lời duy nhất chỉ có thể là phải bằng cách tạo ra một cấu trúc nội tại của chính quyền sao cho các bộ phận cấu thành, thông qua các tương tác với nhau, là các công cụ giữ cho mỗi bộ phận ở nguyên trong các vị trí của chúng.”

Qua kinh nghiệm lịch sử, hoạt động chính trị của bản thân và qua lĩnh hội các trước tác chính trị của nhân loại, thế hệ lập quốc Mỹ đã nhìn chính quyền là một bộ máy quyền lực cần thiết nhưng nguy hiểm. Ðể ước chế sự nguy hiểm, bộ máy này phải bị phân thành ba phần khác nhau: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sự phân chia này không chỉ là sự phân công chức năng mà, quan trọng hơn hết, chính là sự chia cắt sức mạnh của một cỗ máy có khả năng đè bẹp con người theo cả nghĩa đen. Sự phân chia, định rõ chức năng, cách thức hoạt động và quy mô của ba nhánh quyền lực này là một phần cơ bản trong bản văn gọi là hiến pháp. Ðây là một nhận thức có tính căn bản, hiển nhiên đối với tất cả giới trí giả tinh hoa Mỹ đương thời.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Nhưng, các nhà lập quốc Mỹ cũng nhận ngay ra được tính chất lý thuyết, quan liêu của hiến pháp: trên thực tế, các nhánh quyền lực (đúng ra là những người cầm quyền) có xu hướng, nếu không phải là luôn luôn, thực thi các thẩm quyền vượt ra khỏi hiến pháp, tức lạm dụng quyền lực gây tổn hại tới lợi ích của cộng đồng và cá nhân công dân.

Nhằm giải quyết nan đề này, tác giả của The Federalist No 51, khẳng định:

[C]âu trả lời duy nhất chỉ có thể là phải bằng cách tạo ra một cấu trúc nội tại của chính quyền sao cho các bộ phận cấu thành, thông qua các tương tác với nhau, là các công cụ giữ cho mỗi bộ phận ở nguyên trong các vị trí của chúng.

“cấu trúc nội tại” này là gì?

Ðể giúp con người dễ nắm bắt được sự vận hành của một hệ thống quyền lực thống trị thường phức tạp, vừa hữu và vô hình lại vô cùng biến hóa, các nhà tư tưởng phương Tây đã rút gọn chính quyền thành một mô hình có tính cơ học gồm ba thành phần: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng bộ máy này, các thành phần của nó đều có các phần tử căn bản là con người, do vậy, sau khi rút gọn, lại vẫn cần phải xem xét, phân tích nó một cách sâu lắng, chi tiết và linh hoạt hơn nữa cho tương xứng với bản chất thật và đầy đủ của chính quyền.

Do vậy, “cấu trúc nội tại” của chính quyền nhằm “buộc được chính quyền tự kiểm soát chính nó” không thể nằm ngoài vấn đề con người, không thể không bỏ công suy tư về con người như tác giả của The Federalist No 51 đã rất cẩn trọng nhưng tha thiết chia sẻ với độc giả bằng một câu hỏi tu từ:

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Nhưng bản thân chính quyền là gì nếu không phải là một suy tư vĩ đại nhất về bản thể con người?

Tại sao lại là “vĩ đại nhất”? Có lẽ là bởi đối với The Federalist, để bảo đảm vừa có chính quyền đồng thời lại vẫn có tự do thì cần phải suy tư thật sâu về bản chất con người.

Với tư cách là người Việt yêu nước, yêu giống nòi, chúng ta phải dũng cảm thừa nhận rằng những suy tư và ý tưởng vừa trình bày hoàn toàn không thấy trong mọi tác phẩm, tư tưởng, thành văn hay truyền khẩu, trong suốt lịch sử Việt Nam trước khi người phương Tây tới gặp người phương Ðông.

Các nhà lập quốc Mỹ cũng coi bầu cử là một thiết chế hiển nhiên tối thiểu để kiểm soát chính quyền, nhưng thiết chế này cũng hoàn toàn chưa đủ để kìm giữ các hành động quá đà của kẻ cầm quyền:

[K]iểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân; nhưng kinh nghiệm đã dạy nhân loại rằng phải cần thêm một số biện pháp đề phòng khác nữa.

Những “biện pháp đề phòng” này cũng được The Federalist No 51 đề xuất dựa trên các phân tích về bản thể con người một cách rất thực dụng.

Về cách nhìn nhận bản thể con người, theo giới nghiên cứu, các nhà lập quốc Mỹ, điển hình là The Federalist, chịu ảnh hưởng của dòng triết học Ánh Sáng Scotland với những triết gia nổi bật như David Hume (1711-1776), Adam Smith (1723-1790). Theo dòng triết học này, bản thể con người có những đặc tính với những tên gọi thường gợi ra sự phản đối như lòng tham, vị kỷ, kèn cựa, nhưng chính những tính “xấu” này lại có thể tự âm thầm, hoặc khi được khéo sử dụng, mang lại lợi ích tổng thể cho toàn cộng đồng.

(còn tiếp)

(19/08/2020)