Ðưa tin về chuyến đi của cựu hoàng Bảo Ðại tới Paris nhằm thương thuyết với chính phủ Pháp về quan hệ giữa hai quốc gia và sự tự chủ, độc lập, thống nhất của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp, báo Le Monde lên tin vào lúc 00h00 ngày 23 tháng 02 năm 1949:

«Ðiều rõ ràng là, cho tới nay, cựu hoàng vẫn không hài lòng với những lời hứa bảo đảm (của người Pháp- ND) cho ông; mọi người biết rằng ông đã đòi hỏi trong suốt mấy tuần qua phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Pháp để giải quyết dứt khoát vấn đề thống nhất ba Kỳ (Cochinchine-Nam, Annam-Trung, Tonkin-Bắc- ND) và tăng cường quân số cho lực lượng viễn chinh tại Ðông Dương. Ngoài những mối lo có tính chất riêng tư cho Việt Nam, ông còn nhắc tới vấn đề cộng sản tại Trung Hoa đã giành chiến thắng».  (…il apparaît que l’ex-empereur ne s’estime pas encore satisfait par les promesses de garantie qui lui ont été faites jusqu’à présent; on sait qu’il a demandé au cours des dernières semaines un vote du Parlement français réglant définitivement la question de l’union des trois Ky, le renforcement des effectifs du corps expéditionnaire en Indochine. A ces préoccupations d’ordre proprement vietnamien s’ajoute le succès des communistes en Chine.)

Vào thời điểm này, đọc lại lịch sử chúng ta sẽ thấy, trên đất nước Việt Nam có hai chính quyền khác nhau tự tuyên cáo thành lập và đi theo hai đường lối khác nhau. Một, đó là chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh tuyên cáo vào ngày 02 tháng 09 năm 1945; hai, chính quyền lâm thời Quốc Gia Việt Nam do một nhóm các nhân sỹ, trí thức phi cộng sản công bố ngày 27 tháng 05 năm 1948 mở đường cho việc thành lập chính thức chính quyền Quốc Gia Việt Nam do Cựu Hoàng Bảo Ðại đứng đầu.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Nói một cách gọn ghẽ, chính quyền của Hồ Chí Minh kêu gọi người dân chống Pháp để giành độc lập, tự do hoàn toàn cho Việt Nam; chính quyền của Bảo Ðại kêu gọi người dân hợp tác với người Pháp để chống cộng sản-Việt Minh và giành lại tự do, độc lập, thống nhất cho toàn Việt Nam gồm cả ba Kỳ (Nam-Trung-Bắc).

Về mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam gồm cả ba Kỳ (Nam-Trung-Bắc), Hồ Chí Minh đã thất bại hoàn toàn khi hạ bút ký vào bản Hiệp định sơ bộ ngày 06 tháng 03 năm 1946 và kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1946.

Nguồn: indomemoire.hypotheses.org

Tuy nhiên, nếu nhìn hay nghe những mục tiêu gọn ghẽ của hai chính quyền kể trên, và nếu đặt ở vị thế của những người dân thường Việt Nam trong bối cảnh năm 1949, chúng ta sẽ rất khó lựa chọn ủng hộ cho chính quyền Bảo Ðại – một chính quyền chọn sự gắn bó với kẻ xâm lược ngoại bang-thực dân Pháp để giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc. Ngay cả khi Hồ Chí Minh lúc đó không cố tình che giấu tung tích cộng sản, cũng rất khó có khả năng người dân thường Việt Nam an tâm chọn đi theo chính quyền Bảo Ðại bởi tâm lý bài Tây và những bất công, ngang trái trong thời thuộc địa Pháp hiển hiện rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều những nguy cơ của một chế độ cộng sản đang trong giai đoạn giấu mặt. Chưa kể những tuyên truyền của Việt Minh-cộng sản luôn dụng công dựng lên hình ảnh về một Cựu Hoàng mất gốc, hoang đàng.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Có lẽ, hiểu được tâm lý đó, và khi thấy viễn cảnh chính quyền Bảo Ðại sẽ giành được sự thống nhất toàn vẹn cả ba Kỳ cho Việt Nam bằng biện pháp hòa bình-thương thảo, Hồ Chí Minh từ chiến khu đã phát ra thông điệp có tính chặn trước, cũng theo bài báo của Le Monde nói trên :

«Qua một cuộc phỏng vấn phát trên radio, Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm của ông về các cuộc thương thảo của Bảo Ðại. Hồ Chí Minh xác quyết rằng : ‘Việt Nam từ lâu đã là một người bạn của Trung Hoa’, Hồ còn nói rõ rằng ‘kể cả khi Nguyễn Vĩnh Thụy, tức Bảo Ðại, trở về Việt Nam với một hiệp ước mang lại sự thống nhất, độc lập cho tổ quốc thì nhân dân Việt Nam vẫn sẽ không hạ vũ khí». (À cet égard une interview diffusée par la radio du Vietminh a permis à Ho Chi Minh de déterminer sa position. Il a affirmé que «le Vietnam était traditionnellement ami de la Chine « ; il a précisé que « si Nguyen Vinh Thuy, alias Bao Daï, rentrait au Vietnam, même avec des accords consacrant l’unité et l’indépendance de la patrie, le peuple du Vietnam ne déposerait pas les armes.)

Ðúng như lo lắng của Hồ, ngày 08 tháng 03 năm 1949 tại điện Élysée-dinh Tổng thống Pháp, Quốc trưởng Bảo Ðại đã ký với Tổng thống Pháp Vincent Auriol một hiệp ước (accord de l’Élysée) công nhận Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp nhưng có sự thống nhất toàn vẹn về lãnh thổ ba miền, gồm cả Nam Kỳ (Cochinchine) – vùng lãnh thổ đã thuộc Pháp hoàn toàn từ năm 1862.

Song, Hiệp ước Élysée, và cả bản tin xúc tích của Le Monde, không có tác dụng thức tỉnh nhiều cho người dân Việt Nam về thảm họa cộng sản từ chính quyền Hồ Chí Minh. Trong số những người chọn lựa đi theo Hồ Chí Minh có rất nhiều người không phải dân thường, như Nguyễn Khắc Viện, Trần Ðức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Ðình Hòe, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu Thọ, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Ðình Huỳnh, Trịnh Văn Bô, Trần Duy Hưng, Hoàng Ðạo Thúy, Trần Hữu Tước, Bùi Bằng Ðoàn, Vũ Trọng Khánh, Tạ Quang Bửu, Trần Ðại Nghĩa, Võ Quí Huân, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long,…

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Ngay cả một áp-phích tuyên truyền bằng tiếng Việt rất bắt mắt của chính quyền Bảo Ðại đã nói rõ con đường theo Hồ Chí Minh là đường chết, « chớ để quá muộn mới quay trở lại », cũng gần như không tác dụng cho dư luận Việt Nam đương thời trong việc chọn lựa đường đi cho dân tộc.

Y như lời, Hồ Chí Minh đã giữ tình bạn chung thủy trọn đời với Trung Hoa của Mao Trạch Ðông và đã huy động được nhiều người Việt đi theo, tiếp tục cầm súng đánh nhau với Pháp, chống lại chính quyền Quốc Gia Việt Nam của Bảo Ðại cho đến tận ngày Hồ Chí Minh chiến thắng tại Ðiện Biên Phủ, tháng 05 năm 1954, và lập nên một chính quyền thuộc dạng tàn bạo, phản động nhất trong lịch sử dân tộc.

Hơn 70 năm đã trôi qua, Ðảng Cộng sản Việt Nam lại vừa gây ra một biến cố bi thương tại Ðồng Tâm, trong đó có việc sát hại dã man một người đã tận tụy đi theo nó – ông Lê Ðình Kình, tấm áp-phích này vẫn hoàn toàn chưa thể lỗi thời.

PHS

(30 Tết Canh Tý, 24/01/2020)