Kính thưa bà con cô bác, huờn này bổ nhất, tật bệnh tiêu trừ, phẻ như ông kẹ, tể này thậm phê, ông uống bà khen… mại dô, mại dô, tiền trao cháo múc, mua một tặng hai… mại dô, mại dô…”, gánh sơn đông mãi võ của nhóm Thập Môn Ðường vừa múa võ vừa bán thuốc tể, cao đơn hoàn tán… Anh lực sĩ nằm trên bàn chông cho người khác lấy búa tạ đập mà không hề hấn gì. Người ta xếp lớp vòng trong vòng ngoài, vừa coi vừa reo hò thán phục; tiếng vỗ tay rào rào, tiếng bạc cắc quăng vào lon bơ lẻng xẻng.

Xéo bên góc đường Trần Bình, một nhóm khác đang biểu diễn môtô bay. Cái thùng gỗ như thùng nước mắm nhưng to ơi là to. Các tay xiếc cho xe máy chạy vòng vèo bên trong thùng, tiếng reo hò ầm ĩ, tiếng xe inh ỏi gầm rú, mùi khói xăng dầu xông lên muốn ngạt thở… ấy vậy mà gã cùng cậu em họ coi say mê, một xuất chưa đủ phải chen lấn mua coi thêm xuất nữa…

Chợ Lớn những tháng ngày năm ấy thật đẹp và êm đềm. Gã thích ra Chợ Lớn đi dạo quanh tượng ông Thông Hiệp (tên thật là Quách Ðàm) có bốn con rồng chầu phun nước. Sở dĩ người ta kêu là Thông Hiệp vì có người tặng ổng câu đối:

Thông thương sơn hải

Hiệp quán càn khôn

Chợ Lớn – Tạp chí Kiến trúc 

“Thông thương sơn hải” thì hợp lý, có lẽ vì ông là tay thương lái cự phách, mua bán nông-lâm-hải sản cự phách. Tất cả sản vật của núi rừng, biển cả hay ruộng vườn ông mua và xuất đi khắp các xứ xa gần. Câu sau thì đại ngôn quá lối, làm gì mà đến “hiệp quán càn khôn”, kẻ viết câu đối tâng bốc quá đáng.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Ðã ra Chợ Lớn thì phải ghé qua hàng trái cây, chạy dọc mé Trần Bình. Mùi sầu riêng, xoài, mít, nhãn… thơm bể lỗ mũi. Không chỉ mùi trái cây mà còn mùi sình lầy cống rãnh bốc lên, mùi rác rến úng thối nó quyện vào nhau làm thành một cái mùi không sao tả được, dù đã hai mươi mấy năm mà không thể quên được mùi trái cây ở mé đường Trần Bình.

Gã và người em họ đèo nhau trên chiếc xe đạp rong ruổi quanh Chợ Lớn, những khu vực sau lưng Chợ Lớn như cầu Ba li Kao, những con kinh đặc quánh rác, đen ngòm, những địa danh như: lò Gà, lò Ðất… rặt người Hoa, không có một mống Việt. Những khu này nó giống những thị trấn nào đó bên Tàu ở thế kỷ 18. Cuộc sống, lịch sử gần như dừng ở đây, mặc ngoài kia xe cộ nườm nượp phát triển thế nào thì phát. Gã thích ăn hàng, những xe bột chiên, trái cây, sương sáo… quả thật bá cháy. Ðặc biệt, không thể nào quên món kem sầu riêng của xe kem Tân Lạc Viên. Sau hai mươi mấy năm nhưng bây giờ nó vẫn còn đấy, những xóm người Hoa vẫn như ngày nào. Dù chưa về ghé thăm nhưng qua những người thân thì những xóm ấy vẫn thế, không có thay đổi gì mấy, vẫn mãi giống như những tiểu trấn Tàu ngày xưa.

Xem thêm:   The good Samaritans

Mặt tiền bên ngoài với những đường Trang Tử, Ðồng Khánh, Châu Văn Liêm… vẫn là những China town như những China town khác trên thế gian này, cái đặc trưng tương đồng nhau: tiếng Hoa thống trị, mua bán đủ thứ, ồn ào, dơ dáy… và thức ăn thì người Việt mê tít thò lò.  Người Hoa dù đi đâu, sống ở đâu, dù bao đời, họ vẫn nói tiếng Tàu, viết tiếng Tàu. Họ chỉ biết có Tàu của họ thôi. Họ ở đâu cũng cứ như người ngụ cư chứ chẳng quan tâm đến vùng đất dung chứa họ. Tâm hồn họ, ngôn ngữ họ, chủng tộc họ, phong cách họ… chỉ có một chữ Tàu, cho dù họ sống ở Chợ Lớn, Paris, London, Los Angeles… thậm chí ở mặt trăng. Họ có thể là những ông trùm, những băng đảng hay những người lao động hiền lành chất phác…

Tượng ông Thông Hiệp – saigonnamxua.wordpress.com

Chợ Lớn không phải là trái tim của Sài Gòn nhưng nó là đãy bạc, là nồi cơm của Sài Gòn. Những ngày tháng ấy, Chợ Lớn cung cấp cho Sài Gòn, cho cả nước… những món hàng gia dụng phục vụ đời sống hàng ngày. Ông Thông Hiệp là một tay cự phách, từ người di cư nghèo khổ mà gầy dựng nên cơ nghiệp lẫy lừng, hàng hoá nông sản xuất sang các xứ: Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba… và cả Pháp nữa. Ngày nay cơ nghiệp vẫn còn đấy: nhà lồng Chợ Lớn, các dãy nhà quanh Chợ Lớn. Ông ra người thiên cổ, con cháu di cư sang các xứ khác nhưng gia sản vẫn còn đây.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Cứ mỗi mùa hè là gã được ngoại dắt lên Sài Gòn chơi. Gã với người em họ đèo nhau rong ruổi khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Người em họ của gã là một tay tháo vát, chiếc xe đạp của y gắn toàn đồ xịn nên chạy nhẹ và êm lắm. Những năm ấy xe máy rất ít, chỉ có vài nhà còn giữ được chiếc Honda Dame hay chiếc Honda 67. Nhớ có lần hai đứa đèo nhau từ Chợ Lớn lên Sài Gòn chơi. Gã sờ vào cánh cổng dinh tổng thống mà thấy xốn xang lạ lùng, một cảm giác thật không sao tả nổi (rồi nhiều năm sau đi chơi Huế, gã lại sờ phiến đá của tường thành lại có một cảm giác cũng lạ lùng y như thế).

Sài Gòn năm ấy còn ít người, xe cộ không bao nhiêu nên còn sạch sẽ, thơ mộng, xanh và đẹp lắm. Người ta đồn đại: “Ăn quận Năm, nằm quận Ba, hát ca quận Nhất” quả không sai tí nào. Muốn ăn ngon thì nhất định phải về Chợ Lớn. Người Hoa là vua mua bán, nấu nướng mà. Mấy ông xì thẩu bụng phệ, cởi trần trùng trục, giắt cái khăn vào cạp quần xà lỏn, tay cầm hai cái xẻng xúc, cào lẻng xẻng trong cái chảo… Mùi thức ăn thơm nức mũi, khách ngồi chờ nuốt nước miếng cái ực khi dĩa mì xào, hay hủ tiếu xào được mang ra.

Chợ Lớn là thế, hai mươi mấy năm rồi mà mùi trái cây và mì xào Chợ Lớn vẫn cứ thơm trong hốc mũi không phai.

TLTP

Ất Lăng Thành