Có dạo Thư là chúa đổ thừa. Làm việc gì sai, hỏng Thư cũng nhanh chóng, dễ dàng tìm ra cớ biện minh. Thi hỏng là vì đề bài thầy ra quá khó, đi học trễ là tại trời mưa hoặc tại tắc đường. Mất đồ là vì thời buổi này kẻ gian tham nhiều quá… Cứ thế riết rồi câu nói: “Không phải đâu, tại vì A, B, C, D… nào đó mà Thư mới thế” đã trở thành câu cửa miệng. Mà lạ thật, thời gian đó Thư thấy mình thật đáng thương làm sao. Lúc nào cũng là nạn nhân của người khác, của sự việc khác. Không phải vì Thư bất tài, ẩu tả hay kém cỏi, chỉ vì mấy việc xui rủi, không như ý ấy cứ ám riết lấy Thư.

Rồi một ngày mẹ nhờ Thư làm một việc quan trọng. Biết tính Thư nên mẹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thư tự tin chắc nịch nói như đinh đóng cột: “Mẹ đừng lo, việc đơn giản như thế con nhớ rồi. Mẹ cứ yên tâm”.

Ấy vậy mà Thư quên để rồi nhỡ việc. Ðúng ra là Thư không quên, không phải Thư quên đâu mà tại vì… Khi Thư chưa kịp mở lời thì mẹ đã giận gắt: “Không phải con quên đâu mẹ ơi, tại vì…”-con định nói thế phải không? “Ðến bao giờ con mới đủ chín chắn để nhận ra rằng đổ thừa không giải quyết được việc gì cả. Con sẽ chẳng bao giờ sửa đổi được nếu lúc nào cũng chỉ biết nhìn sự việc không phải do lỗi của con. Thay vì than thầy ra đề thi khó, sao con không biết tự nhận mình học kém, phải ráng chăm chỉ rèn luyện hơn? Thay vì bao biện cho việc đi học trễ, sao con không ráng dậy sớm để đến lớp đúng giờ? Có những lúc đúng là vì lý do chính đáng, nhưng ngay cả khi không chính đáng thì cũng tìm cho được lý do. Cứ như thế, rồi cả đời con sẽ chỉ loay hoay mãi trong một vòng tròn luẩn quẩn. Rồi cứ ngồi đó mà than sao cuộc đời bất công, sao mình không may mắn”.

Bảo Huân