Năm nào cũng vậy, cứ đến Tháng Tư hàng năm thì người Việt hải ngoại và người Việt quốc nội (“phe đỏ” tôn thờ chủ nghĩa cộng sản,) lại khẩu chiến gay gắt vấn đề (gọi theo cách của nhà nước Việt cộng) “hòa hợp hòa giải.” Không phải chờ tới Tháng Tư Ðen người ta mới khẩu chiến, mà hầu như quanh năm suốt tháng, triền miên từ năm này qua năm khác kể từ Tháng Tư Ðen 1975. Có điều đến Tháng Tư thì “phe đỏ” ầm ĩ ăn mừng “thắng trận,” “đánh bại đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngụy quyền Sài Gòn,” thì “phe vàng” tổ chức các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân cộng sản, nhắc lại “tội ác” của cộng sản, “phe đỏ” phản công bằng cách xua đoàn quân tuyên giáo ra bô lô ba la “bọn ba que” là “tiểu nhân,” “thù dai,” “không biết xóa bỏ hận thù chung sống hòa bình,” “48 năm rồi còn mê ngủ,” v.v. Và đẩy cuộc khẩu chiến lên cao trào quyết liệt nhứt trong năm.

Tại sao người cờ vàng không chịu quên? Câu hỏi này, phía tuyên giáo Việt cộng không bao giờ dám trả lời tường tận, mà chỉ khỏa lấp, đổ lỗi cho các nạn nhân chế độ cộng sản. Hôm nay, tôi xin nói luôn, người ta không quên, không chịu quên, không muốn quên, và không thể quên vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không cho các nạn nhân của họ cơ hội để quên. Chúng ta thấy sau cuộc Nội Chiến Bắc – Nam ở Hoa Kỳ, các binh sĩ đã tử trận của hai phe được chôn cất chung trong một nghĩa trang, người còn sống trở về nhà lo cày cấy, sản xuất, kinh doanh, không ai nhắc tới chuyện cũ nữa. Nếu có, thì cũng là lập ra các Hội từ thiện để giúp đỡ cựu binh cả hai bên hàn gắn vết thương thể xác, tinh thần. Không có người Mỹ nào bô lô ba la “tự hào” rằng thời đó tôi đã bắn, đã giết được bao nhiêu “tên địch” của phía bên kia. Không có người Mỹ nào “kể công” rằng nhờ ơn “chúng ông” đã “giải phóng” cho “chúng nó.” Không ai quan tâm ông A, ông B, ông C,… gì đó ngày trước thuộc phe bại trận hay thắng trận. Họ xin lỗi nhau vì những điều đã gây ra cho đối phương, không có trả thù, không có cướp bóc tài sản của bên thua trận.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Những việc người Mỹ đã làm với đồng hương của họ (“The rebels are our countrymen,” chữ dùng của tướng Grant) thì nhà cầm quyền Việt cộng làm ngược lại hết. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tỏ ý hối tiếc, xin lỗi nạn nhân chiến tranh đã bị họ cướp bóc, tàn sát trong chiến tranh; xin lỗi và trả lại tài sản cho những người tay không tấc sắt vì họ mà mất mạng, tan nhà nát cửa sau ngày 30 Tháng Tư Ðen. Tóm lại, nhà nước cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tỏ thiện chí “hòa hợp hòa giải.”

Chủ nhân chiếc xe được suy đoán là một người Trung Hoa lưu vong, nạn nhân cộng sản, dán decal có dòng chữ “End the evil Chinese Communist Party” – Hãy chấm dứt tội ác của đảng CS Trung quốc. (Chụp tại Little Sài Gòn Photo Tạ Phong Tần)

Thời gian gần đây, trong đồng hương quận Cam, Nam Cali, đã bùng phát tranh cãi hai luồng ý kiến trái chiều về việc người Việt tỵ nạn chống cộng thì cứ lên truyền thông hô hào chống cộng, còn xài đồ Việt cộng (quốc doanh, tư bản đỏ) thì cứ xài đồ Việt cộng vì chính trị cộng và kinh tế cộng không liên quan. Luồng ý kiến ngược lại cho rằng hễ chống Việt cộng thì không dùng sản phẩm của Việt cộng, không giao du với bất cứ thành phần kinh tế nào “hút máu hút mủ” dân đen quốc nội. Trong Tháng Tư Ðen năm nay, việc tranh cãi càng trở nên nóng hổi khi người cờ vàng cho rằng họ đã bị một số đồng hương tỵ nạn “phản bội.” Sản phẩm Việt cộng được hiểu là quốc doanh và tư bản đỏ.

Quay ngược thời gian, chúng ta thấy sau Ðệ Nhị Thế Chiến, cả thế giới phẫn nộ khi biết rằng ngành công nghiệp thời trang tóc giả, chụp đèn, đồ trang trí nội thất… ở Ðức có xuất xứ từ các trại tập trung tử thần, cụ thể hơn, từ chính bộ phận thân thể của tù nhân, từ máu, mồ hôi và nước mắt của họ. Khi phá trại tập trung, quân đồng minh phát hiện các nhà kho chứa hàng tấn tóc của tù nhân, và chủ nhân của số tóc ấy đã “lành ít dữ nhiều.”

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Mới đây, thế giới lại kêu gọi tẩy chay những sản phẩm từ sợi bông vải, da, lông thú, đồ thủ công mỹ nghệ… có xuất xứ từ các trại cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công. Mua và tiêu dùng các sản phẩm này của Trung cộng tức là tiếp tay nhà cầm quyền Trung cộng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công.

Với xứ Việt Nam cộng sản, người tỵ nạn cờ vàng chống các tập đoàn, doanh nghiệp quốc doanh (100% vốn nhà nước) và các đại gia đỏ làm giàu nhờ lập “dự án,” phân lô bán nền, xây dựng khu đô thị, khách sạn, khu nghỉ mát, chung cư, siêu thị… bán giá cao gấp 1,000 lần giá đền bù cho người dân- chủ nhân của những mảnh đất ấy. Thủ đoạn này, người dân quốc nội có một nhóm từ chung để gọi, đó là “bọn sân sau bộ chính trị cướp đất.”

Theo thống kê Tháng Tư năm 1976, miền Bắc có khoảng 30 triệu người, miền Nam hơn 19 triệu người. Ðất dĩ nhiên không tự nở ra, sau mấy chục năm cộng sản Việt Nam cai trị còn bị “teo lại” ở khu vực biên giới, trong khi dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người đang sống ở quốc nội, dẫn tới tình trạng đất hẹp người đông, không có chỗ nào là đất hoang. Vì vậy, phàm ở các “khu đất vàng,” nếu không dựa quyền lực nhà nước để bỏ tù, cướp đất của dân làm “dự án” thì lấy đất ở đâu ra? Các thế lực “cướp đất” này được gọi là “đại gia đỏ,” họ mở rộng “kinh doanh” sản xuất này nọ rồi đem sản phẩm qua các nước khác chào bán nhằm rửa trắng nguồn gốc bẩn đồng tiền của họ, mà thực chất ai cũng thấy “đại gia đỏ” kia không có cơ sở hạ tầng đủ tiềm lực sản xuất sản phẩm công nghiệp nào ra hồn hết.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Doanh nghiệp quốc doanh 100% vốn nhà nước (từ tiền thuế của dân) năm nào cũng báo cáo “lỗ” hàng chục ngàn tỷ đồng hồ tệ (nhiều tỷ Mỹ kim,) nhưng đem tiền vung ra ăn chơi xa xỉ ở xứ Mỹ. Nhà nước Việt cộng thì nợ nước ngoài đầm đìa ngập mặt, mỗi người dân, tính cả đứa bé mới sanh, phải cõng món nợ công 40 triệu/người (1,700 Mỹ kim.)

Rõ ràng, thực tế cho thấy, trong các quốc gia cộng sản, độc tài thì kinh tế không thể tách rời chính trị, cho dù chế độ cộng sản cố gắng che đậy bằng chiêu bài “kinh tế thị trường tự do” nhưng vẫn lòi ra cái đuôi cộng sản ăn cướp.

Tôi được tin đứa cháu ruột 8 tuổi mồ côi cha (con đứa em gái út) suốt 3 năm liền đi học ở trường tiểu học Lê Văn Tám, Bạc Liêu bị giáo viên cái trường ấy chống lưng cho các học sinh lớn khác vô lớp cháu tôi (nhỏ hơn 2 lớp) đánh cháu tôi để “giải trí” trong khi cháu tôi chẳng quen biết, xích mích gì với mấy trò lớn kia. Hết trò lớp trên tới trò lớn cùng lớp, mà giáo viên không có biện pháp bảo vệ cháu tôi, dù em gái tôi đã khiếu nại, thưa gởi nhiều lần. Tôi biết nhà nước Việt cộng muốn thể hiện quyền lực với tôi. Em tôi nghèo làm gì có tiền cho con đi học trường quốc tế để tránh sự trả thù dơ bẩn của nhà cầm quyền cộng sản nhằm vào đứa con nít.

Tôi không thể quên, không bao giờ quên mối hận thù vì sự hèn hạ của chế độ cộng sản VN, tôi biết nhiều đồng hương tỵ nạn khác cũng không thể quên. Còn ai nói rằng hô hào “Ðả đảo Việt cộng” và xài đồ Việt cộng là khác nhau, chính trị Việt cộng và kinh tế Việt cộng không liên quan, thì tôi cho rằng, đối với chế độ Việt cộng, tâm trí họ nhẹ tênh nên họ không có gì để nhớ???

TPT