Nhắc tới nước Mỹ, người ta không nói tới số lượng xe hơi sản xuất và đang lưu thông nhiều nhất thế giới, cũng không nói nước Mỹ là công xưởng sản xuất vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới, cũng không phải là nơi tập trung công nghệ hiện đại, phát minh sáng chế vĩ đại nhất thế giới… Nếu chỉ so sánh ở những điều đó thì các quốc gia khác trên thế giới như Đức, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc cũng sêm sêm nước Mỹ. Nhưng có một điều nước Mỹ vượt hẳn lên các quốc gia khác, khi nói đến điều đó, người ta phải “đính kèm” theo nước Mỹ, đó là giá trị của TỰ DO. Không một quốc gia nào trên thế giới được coi là biểu tượng của tự do như nước Mỹ, tự do về mọi phương diện. Chính nhờ tự do không giới hạn mà trí tưởng tượng, sự sáng tạo được chắp cánh, bay bổng, tạo ra những điều mà ở các quốc gia độc tài không làm được.

Indian princess and Columbia

Cuối thập niên 70 (thế kỷ 20), cuốn truyện thiếu nhi có tên “Hai Vạn Dặm Dưới Ðáy Biển” của nhà văn Pháp Jules Verne được xếp loại “Khoa học viễn tưởng” ở thư viện quê tôi; thì ngày nay, tất cả những điều được mô tả trong truyện, từ chiếc tàu ngầm xuyên đại dương đến các thiết bị nghiên cứu đáy biển… đều được người Mỹ sản xuất nhiều bán ra khắp thế giới, và không có chi tiết nào mô tả trong truyện còn là “viễn tưởng” nữa.

Tự do không giới hạn về tư tưởng, tự do không giới hạn về ngôn luận, tự do sáng chế, tự do không giới hạn về thân thể, tự do không giới hạn về hành vi… miễn sao đừng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì sự tự do này được luật pháp bảo vệ tối đa.

Bạn có quyền suy nghĩ, sáng tạo ra một hệ tư tưởng, học thuyết, giáo lý, giáo phái nào đó, thậm chí khác biệt, lập dị, khùng điên nhứt và có quyền viết sách, trình bày suy nghĩ của bạn… miễn sao mớ tư duy hỗn độn của bạn đừng gây hại tới ai thì bạn làm gì kệ bạn. Cảnh sát không bắt giam, bỏ tù bạn vì những suy nghĩ của bạn.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Bạn không bị buộc tội “chống nhà nước” hay “lợi dụng tự do dân chủ” để phát ngôn về các vấn đề tình cảm, chính trị, xã hội, các mối quan hệ, sáng tác văn thơ, ca kịch không cần qua kiểm duyệt. Bạn có quyền chỉ trích bất cứ ai mà bạn cảm thấy bất bình (kèm theo bằng cớ cụ thể về hành vi của nhân vật bị chỉ trích, gọi là “Nói có sách, mách có chứng.”)

Sự đời sẽ rất êm đẹp, thuận buồm xuôi gió nếu không có chữ tuy nhiên, mà người Việt cụ thể hóa thành câu thành ngữ “Ðược voi đòi tiên.” Tự do không giới hạn không có nghĩa là ta chỉ biết có quyền tự do của ta, còn quyền của người khác thì ta mặc kệ hoặc sẵn sàng vì quyền của ta mà đạp lên quyền của người khác.

Có ông cụ người Mỹ nọ vô nhà bank “cướp” 10 Mỹ kim và điềm nhiên ngồi chờ cảnh sát tới bắt vô tù vì ở tù được yên ổn hạnh phúc hơn ở nhà với bà vợ. Với người già, vô tù nhiều khi là lựa chọn tối ưu, nhưng với người trẻ một lần “nhúng chàm” có khi lại làm hỏng cả đời. Trẻ thì “hăng máu” cho là “tự do vui chơi,” mà không hiểu tầm tác hại của sự “vui chơi” ấy.

Cùng một sự vật, hiện tượng khi người ta trẻ có cách suy nghĩ khác, đứng tuổi có suy nghĩ khác, già đi lại có suy nghĩ khác. Tỷ như khi tôi 15 tuổi, lần đầu đọc Thủy Hử, thấy hai nhân vật Tống Giang, Ngô Dụng quá anh hùng đáng nể, 10 năm sau đọc lại Thủy Hử tôi thấy Tống Giang, Ngô Dụng có phần tiểu nhân, tầm thường…; Bây giờ tôi thấy Tống Giang, Ngô Dụng là “hai thằng” ngụy quân tử vừa ác vừa hèn vừa tham, mở sách ra thấy trang viết về “hai thằng” ấy là tôi lật lướt qua trang khác.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Tôi chú ý đến người vị thành niên vì tương lai của bọn trẻ còn rất là dài, và thường có nhiều sự “hoang tưởng” về quyền lực của bản thân, chớ “bọn già” cỡ tuổi tôi trở lên thì không cần phải nói nhiều, quyết định tự do của mình ra sao là tự mình nghiền ngẫm, tự mình định đoạt và tự chịu, không hối tiếc. Không biết từ lúc nào, lớp trẻ bị “tiêm” vào đầu khái niệm tự do nghĩa là “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.” Thật là vô cùng tai hại khi người ta tưởng tự do xứ Mỹ là trên trời dưới đất chỉ một mình ta là cao nhứt, ta có quyền muốn làm gì tùy thích, bất chấp cảm nhận, quyền lợi của người khác lẫn quy định pháp luật ràng buộc.

Thứ Sáu tuần rồi, lực lượng cảnh sát quận Cam tăng cường an ninh hàng loạt ở tất cả các trường học trong khu vực, đặc biệt quan tâm tới các trường high school khi mà tình hình gần đây cho thấy những bất an đều xảy ra ở lứa tuổi choai choai này. Việc tăng cường an ninh được thực hiện bởi một lời cảnh báo nổ súng được đăng tải trên mạng xã hội mà không xác định được ở trường nào. Vài ngày sau, một nữ sinh high school ở Florida bị bắt vì “liên quan tới lời đe dọa nổ súng,” còn ai là “vai chánh” trong vụ đe dọa này vẫn chưa được nhà chức trách công bố. Tưởng đâu trò đùa của bọn trẻ tới đây là hết, ai ngờ ngày hôm qua (Thứ Tư, ngày 10-5-2023) cảnh sát quận Cam lại phát đi thông báo gia tăng cảnh giác ở tất cả trường học trong quận sau khi lời đe dọa nổ súng và gây ra bạo lực trong trường học khác được lan truyền trên mạng xã hội khắp nước Mỹ. Học sinh lẫn phụ huynh lo sợ phập phồng, có người cẩn thận cho con ở nhà hoặc tự mình đưa rước con đến tận cửa lớp học.

Tôi vừa coi một đoạn video clip (được cho xảy ra ở thành phố Chicago) thấy hàng trăm thanh thiếu niên đang đập phá xe, cửa tiệm ở một quảng trường, còn cảnh sát bất lực không thể ngăn chặn đám đông quá khích, họ chỉ còn cách đưa những người vô can và khách du lịch rời khỏi vụ hỗn loạn được an toàn. Sau những phút bốc đồng, liều lĩnh, đu trend thì ai cũng biết rằng mọi hành vi quá khích hủy hoại tài sản tư, tài sản công, sử dụng vũ khí trái phép… đều có thể kết thúc ở một tòa án nào đó, và một vệt đen được bôi lên một cuộc đời non trẻ.

Xem thêm:   Máy làm biếng

Trang NBC News vừa công bố đoạn clip cảnh sát thành phố Chicago thông báo kế hoạch ngăn chặn người vị thành niên gây rối trật tự khi thời tiết bắt đầu cho “mùa tụ tập.” Thông báo như một cách gián tiếp nhắn gởi lời đe dọa về hậu quả sẽ dành cho hành vi quá trớn, và cảnh báo về một “tấm lưới” rộng đã giăng sẵn chờ những “con mồi” non nớt nhưng “hăng máu” lao đầu vào rọ.

Bạn tôi, nhiều người sống lâu năm ở Mỹ nói rằng thực tế người lớn quá bất lực để giáo dục cho đám trẻ Mỹ hiểu được giá trị của tự do. Khi mà sinh ra đã được thừa hưởng thừa mứa, không phải mất giọt mồ hôi, giọt máu nào để chiến đấu giành lấy tự do như các bậc tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ đã làm, thì cái tự do thừa mứa ấy bị xem thường.

Tôi nửa đùa nửa thật, trả lời rằng luật pháp ở Mỹ để xử phạt các hành vi phạm pháp của người vị thành niên quá nhân đạo. Có lẽ nước Mỹ cần ban hành thêm luật quy định ai không biết quý trọng tự do đang có của bản thân, cũng như không biết quý trọng tự do, tài sản, quyền sống của người khác thì phải phạt bằng cách cho nhập quốc tịch Việt Nam cộng sản, đẩy qua Việt Nam sống như một người Việt Nam thực thụ thì may ra họ mới hiểu ra giá trị của tự do.

TPT