Mùa đông năm nay Đà Lạt không tổ chức festival hoa. Nhưng không phải vì thế mà dịp cuối năm thành phố ngàn hoa này vắng lặng. Từ Sài Gòn xe hơi, xe mô tô theo quốc lộ 20, qua Định Quán, Bảo Lộc, Di Linh,vượt đèo Prenn, đổ khách du lịch xuống Đà Lạt đều đặn. Người Đà Lạt không thích sự bát nháo, ồn ào nhưng thích du khách vì những nguồn lợi không nhỏ do du khách mang lại. Họ vừa vung dao chặt chém vừa vui vẻ sốt sắng chỉ khách những chỗ ăn ở tốt, những danh lam thắng cảnh nên xem, những mặt hàng lưu niệm nên mua. Một trong những danh thắng và đặc sản kết hợp đang được điểm 10 hiện nay có thể kể tới Cầu Đất và ‘Hồng gió môi son’.

hong-gio-doi-nguoi1

Cầu Đất – Thiên đường sót lại

Thành phố Ðà Lạt có 12 phường (gọi theo số thứ tự) và 4 xã nông nghiệp là Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ. Cầu Ðất thuộc xã Xuân Trường. Với địa hình và khí hậu phù hợp cho việc trồng trà quy mô lớn, dưới thời Pháp thuộc, Cầu Ðất đã có sở trà nổi tiếng. Hiện nay, những đồn điền trà và nhà máy chế biến trà từ những năm ba mươi thế kỷ trước vẫn tồn tại và phát triển. Song song đó, cà phê và hồng cũng được trồng nhiều, đem lại công ăn việc làm cho cả xã. Danh thơm về trà Cầu Ðất, cà phê Cầu Ðất không còn phải bàn. Càng ‘thơm’ hơn thế là cảnh tiên bồng Cầu Ðất hàng năm, từ sau Noel, Tết Tây lúc khí hậu se lạnh, có mưa nhẹ, có hoa quỳ, có sương giăng…. Ðứng trên đồi trà Cầu Ðất chập chùng nhìn ra xa, sẽ thấy nhiều lớp sương trắng, nắng vàng đan xen, thoắt ẩn thoắt hiện, đẹp nhức nhối, sững sờ. Chẳng thế mà mấy năm nay, cứ từ tiết Lập Ðông trở đi, khi hoa đào, hoa quỳ, mimosa khoe sắc thì dân phượt, dân nhiếp ảnh bốn phương lại đổ về Cầu Ðất săn hình. Căn cứ vào bộ điệu, dàn ‘đồ chơi’ mang theo, không khó để biết đâu là thợ chụp đám cưới, phóng viên chuyên nghiệp, đâu là dân a-ma-tơ. Thời điểm đẹp nhất để lang thang ngắm cảnh và diễn cảnh ‘váy cưới trao duyên’ trên đồi trà (không bị thu phí) là trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Khi mỏi chân, khát nước, khách có thể ghé quán bên đường thưởng thức đặc sản Cầu Ðất là cà phê và ‘hồng gió môi son’.

hong-gio-doi-nguoi6

Sở trà Cầu Đất năm 1927 (hình ST)

Hồng gió môi son

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

Cái sự ‘hồng gió môi son’ này, nói ngay, dù phục vụ khách hảo ngọt tối đa, nhưng chả phải là môi thiếu nữ hồng như son, nhẹ mềm như gió mà đơn giản chỉ là… trái hồng treo gió hàng tháng liền. Bên ngoài hơi nhăn, bên trong dẻo ngọt, cắn một miếng, mật tươm ra hồng hết môi nên gọi thơ mộng là hồng gió môi son! Vậy thôi!

hong-gio-doi-nguoi4

Hồng chín cây, ăn tươi

Với khí hậu ôn đới, đất Ðà Lạt trồng hồng rất thích hợp. Ngoài Cầu Ðất- Xuân Trường, hồng trồng nhiều ở chân đèo Prenn, Mimosa, Trại Mát (xã Xuân Thọ), Trại Hầm, Khe Sanh (phường 10)… Dáng và lá cây hồng không có gì đặc biệt, đại khái giống cây mận Mỹ Tho (miền Bắc gọi là cây doi). Trái hồng hình oval (hồng trứng) hoặc hình vuông (gọi là hồng vuông), lúc non màu xanh, khi già chuyển sang màu cam. Ngoài ăn tươi, hồng có thể đem sấy khô hoặc làm hồng giòn. Muốn làm hồng giòn không cần ngâm vôi, đơn giản chọn trái hồng già, vỏ hườm, cho vào túi nilon, bên dưới lót giấy báo. Cột miệng túi thật kín, 10-15 ngày sau mở ra.  Trái hồng vẫn cứng, vỏ vẫn tái xanh, trông bề ngoài không hấp dẫn nhưng gọt vỏ, bỏ miệng, nhai giòn rôm rốp, mát lịm, ngọt thanh. Ăn một trái lại muốn ăn thêm. Vào mùa hồng chín, từ chân đèo Prenn về tới chợ Ðà Lạt, đi đâu cũng gặp những sạp hồng ven đường. Người bán đồng thời là người trồng, rất xởi lởi mộc mạc. Hồng đựng từng túi 5 ký, 10 ký. Ðầu mùa 20,000 đồng một ký, giữa mùa xuống phân nửa, thậm chí hồng ‘dạt’ còn rẻ hơn – 5,000 đồng một ký. Bốn năm trở lại đây, ngoài hồng tươi, hồng sấy, hồng giòn quen thuộc, Ðà Lạt còn thêm mặt hàng mới là ‘hồng gió môi son’ (gọi nôm na là hồng gió, hồng treo).

hong-gio-doi-nguoi

Hồng gió môi son

Lần đầu tiên kẻ viết bài được trông thấy những quả hồng lạ mắt, bị ‘treo cổ’ lủng lẳng trên giá nhựa, là ở festival hoa Ðà Lạt năm 2015. Người chủ gian hàng triển lãm hồng gió là một thanh niên từng sang Nhật Bản, Hàn Quốc học quy trình chế biến. Du khách bị hút vào câu chuyện lý thú của anh, càng mê mệt hơn khi nếm vị ngọt của những quả hồng lấy xuống từ giàn treo, dẻo quẹo, trong suốt, màu hổ phách.Cảm giác được thử sản phẩm đệ nhất tân kỳ trong nghề chế biến hồng Ðà Lạt đang lâng lâng, bỗng khựng lại khi nghe báo giá 700,000 đồng một ký, mà phải order trước mấy tuần mới có… Ðầu năm 2017, trải qua nhiều thử nghiệm, nghề làm hồng gió chính thức được Trung tâm Nông Nghiệp Ðà Lạt dạy cho các nhà vườn ở Cầu Ðất (xã Xuân Trường), Trại Hầm (Phường 10), Trại Mát (xã Xuân Thọ). Từ lớp học viên đầu tiên này, các hợp tác xã (HTX) được thành lập. Nhiều xã viên mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để sản xuất hồng gió.

hong-gio-doi-nguoi2

Chị em xúm xít chọn mua hồng dạt (5,000 đồng một ký)

Ðể có một quả hồng gió đẹp mắt, ngon miệng, đạt chuẩn vệ sinh, rất mất thời gian. Ðầu tiên chọn quả già, vỏ còn xanh, rửa sạch rồi gọt vỏ (phải chừa núm để treo). Lúc chưa có máy gọt, giai đoạn gọt vỏ rất lâu công đông người. Thấy hồng gọt tay vừa chậm chạp, không láng mịn, lại hao nhiều ‘thịt’,  HTX  đầu tư máy gọt. Chỉ mất 6 giây máy gọt xong vỏ một quả hồng, thân quả láng mịn, đẹp đều hơn gọt tay. Sau công đoạn gọt, trái được hóa trị cho bớt chát, rồi cột núm vào dây. Mỗi dây, treo cách quãng nhiều trái, rũ dài xuống. Khách mua hồng, nếu khéo nói, có thể được chủ cơ sở cho vào xem nhà sấy, bảo đảm không lạ mắt và đẹp rực rỡ không lấy tiền! Trái hồng bị treo lủng lẳng hàng tháng trời, từ màu vàng chuyển dần sang đỏ rồi đỏ cánh gián. Thịt quả hồng co lại, bên ngoài hơi nhăn, bên trong dẻo ngọt. Nếu được thời tiết khô hanh, lạnh gió, việc làm hồng coi như thuận lợi. Còn trúng mưa bão ẩm ướt, bao nhiêu công xá coi như đổ sông đổ biển. Anh Lê Văn Chung, chủ nhiệm hợp tác xã hồng gió Trường Gia Phát ở xã Trạm Hành hồi tưởng. Cơn bão số 12 quét qua Ðà Lạt, bóc hết mái tôn của phòng sấy 70m2 phía sau nhà anh khiến 2 tấn hồng gió bị ngấm nước, hư mốc. Thiệt hại ước tính 25 triệu đồng. Người làng hồng Trại Hầm cho biết trung bình để có một ký hồng gió thành phẩm, phải mất từ 6 tới 8 ký hồng tươi. Tùy độ to nhỏ của trái mà giá dao động từ 300,000 đồng tới 450,000 đồng một ký. Dự đoán về tương lai nghề làm hồng gió, bác Vân từ Trại Hầm tỏ ra khá dè dặt. Bác bảo dù cuối năm khách du lịch đông, hồng gió tiêu thụ khá mạnh, nhưng nhìn chung cả năm bán chậm. Ðã vậy còn bị hàng Trung Quốc, hàng Hà Nội, hàng giả, hàng chất lượng kém cạnh tranh ráo riết. Do đó, người làm hồng gió phải xen thêm cà phê, làm thêm nghề phụ kiếm sống, chưa an tâm mở rộng mặt hàng mới mẻ này.

hong-gio-doi-nguoi3

Hồng giòn bán tại chợ Đà Lạt

Rời Ðà Lạt, cánh mày râu đi phượt không ai bảo ai đều mua hồng gió làm quà tặng ‘môi son’ Sài Gòn. Riêng kẻ viết bài, cầm trên tay quả hồng gió đỏ au, thấy đẹp như trái tim son Ðà Lạt. Bẻ đôi, xé một miếng nhỏ, nhai thật chậm, nghe tan trong miệng màu trời xanh, nắng vàng thời xưa và sự ngọt ngào da diết của bàn tay người Ðà Lạt thời 4.0.

hong-gio-doi-nguoi5

Chủ nhiệm Hợp tác xã hồng gió Trường Gia Phát trong phòng sấy hồng gió

XH

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/28/2024)

Sài Gòn, VN