Đó là hai lần đầu tiên tôi được gặp lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Trước đây, hồi còn ở Việt Nam, tôi đã rất nhiều lần gặp lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đó chỉ là lá cờ qua phim, ảnh, tài liệu, Internet. Hai lần gặp này không như thế.

Cách đây vài tháng, trên đường đi tìm việc làm, tôi được một người đồng bào giới thiệu tới một người mà theo ông người này có thể giúp tôi trong việc kiếm được một công việc phù hợp. Qua điện thoại làm quen và trao đổi, tôi cảm thấy phấn khởi vì người ở đầu dây bên kia nói giọng miền Nam (Việt Nam), đã ở Paris ngót nghét 40 năm, nhưng tỏ ra ân cần, chu đáo đối với một kẻ lớ ngớ, mới sang Paris từ Hà Nội như tôi.

Nơi tôi cần đến là khu vực tôi chưa hề đặt chân từ khi sang Pháp, nhưng hệ thống giao thông công cộng của Paris đã giúp tôi chẳng mấy khó khăn có mặt y hẹn. Đó là một khu phố rất sáng sủa trong đô thành Paris. Nhưng nơi gặp gỡ chỉ là một văn phòng nhỏ khiêm nhường, có phần dân dã giống như một mái nhà tranh lọt giữa sân cung điện Versailles. Tuy nhiên, sự niềm nỡ của người đón làm cho tôi quên luôn mọi sự xét nét, so sánh hết sức lạc đề. Chưa kịp cầm cốc cà phê thơm nóng hổi được mời, ánh mắt của tôi sựng lại trước một vật thể. Một lá cờ vàng-ba sọc đỏ cắm rất ngay ngắn bên trái chiếc bàn làm việc – nơi thể hiện sự nghiêm trang nhất của văn phòng. Và miệng tôi như lắp bắp nói với chính tôi: “Ôi, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa !”

Lần đầu tiên gặp lá cờ. ảnh: Phạm Hồng Sơn

Không đúng nếu nói là tôi vui sướng hay mừng rỡ. Càng không đúng nếu nói là tôi giật mình e ngại, hoảng sợ hay băn khoăn. Hồi còn trong nước tôi đã nêu quan điểm về việc cần trân trọng, lưu giữ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng việc bất chợt gặp Lá Cờ đã gây cho tôi một cảm giác đặc biệt. Có lẽ đó là phản xạ trung thực từ một con người đã bị nhào nặn từ bé về “chế độ ngụy quyền tay sai, bán nước, dã man, tàn bạo”. Cái tiềm thức (nhồi sọ), cùng với sự hung bạo, thù địch luôn có của chính quyền cộng sản đối với mọi thứ liên quan tới Việt Nam Cộng Hòa, đã tạo ra trong tôi một cái gì đó giống và không hoàn toàn giống với sự dị ứng, phản kháng, sợ hãi hay e ngại thường trực đối với Việt Nam Cộng Hòa.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Dù gần 20 năm qua tôi đã có ý thức nhận chân và trân trọng Việt Nam Cộng Hòa. Song có lẽ cái lý trí đó vẫn chưa đủ át được cái phần chìm quá lớn trong tiềm thức “iceberg” nhồi sọ đó. Chính vì vậy, những khoảnh khắc đầu tiên của lần đầu tiên được giáp mặt với Lá Cờ “bằng xương, bằng thịt” đã gây ra một cảm xúc phức tạp không thể diễn tả. Dĩ nhiên cái phần chìm tiềm thức đó, sau vài khắc, phải chìm ngay trở lại, nhường chỗ cho sự thiết tha, thương mến, an bình với Việt Nam Cộng Hòa do lý trí đã tạo ra. Tôi phải nói là lý trí, bởi những hệ quả đó đa phần là kết quả của sự thu nạp, phân tích, so sánh, cân nhắc các thông tin, dữ liệu. Tôi đã bao giờ được sống trong nước Việt Nam Cộng Hòa đâu?

Lần thứ hai, vào ngày 03 tháng 11 vừa qua, tôi đến dự một hoạt động nhằm tưởng niệm ngày qua đời của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em của ông, cố vấn Ngô Đình Nhu. Sự kiện diễn ra tại một Nhà thờ Công giáo ở quận 13 Paris, trong một ngày mưa tầm tã và lạnh do ảnh hưởng của cơn bão Amélie đang đánh vào vùng Tây-Nam nước Pháp. Sự kiện gồm hai phần: Thánh lễ Công giáo và cuộc trao đổi về Việt Nam Cộng Hòa. Thánh lễ trang trọng, uy nghiêm; những gương mặt mới, những cuộc gặp mặt lần đầu, những cuộc giới thiệu, trao đổi làm tôi quên hẳn theo thông lệ chắc chắn sẽ có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Ngô Đình Quỳnh, con trai ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân. ảnh: PHS

Khi vào hội trường để dự buổi trao đổi, màu sắc chủ đạo thu hút ngay mắt tôi chính là màu cờ Việt Nam Cộng Hòa. Một Lá Cờ khổ to, lại “bằng xương, bằng thịt”, được treo trang trọng ngay giữa khán phòng. Lần này, nhìn lá cờ không còn gây cho tôi một cảm giác lạ thường gì nữa. Lá Cờ đã thực sự gần gũi với tôi. Song, đến lúc làm lễ chào cờ, nhạc tấu lên và mọi người đồng thanh cất lời hòa bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, “Này Công Dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…” tôi cảm giác như đang bay chìm vào một thế giới khác.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Cuộc đời tôi phải có đến hàng trăm lần tôi hát và làm lễ chào cờ, lá cờ đỏ-sao vàng của chính thể cộng sản. Rồi tôi phát hiện ra sự tồi tệ, ác độc, man dã của chính thể này. Và sau hơn nửa đời người, hôm nay tôi như được sống chính trong lòng của chế độ mà tôi ngưỡng mộ nhất trong suốt dòng lịch sử của dân tộc Việt. Hôm nay, tôi được đứng cạnh, đứng gần những con người, những nhân vật lịch sử, những chứng nhân, viên chức, binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa – những người đã là, đã làm nên Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khoảnh khắc được sống trong Việt Nam Cộng Hòa đó lại là ở Paris, không phải Việt Nam. Song, chính sự chạnh lòng này làm cho tôi hiểu rõ hơn cái sức mạnh tự nhiên thuyết phục, trường tồn của chính nghĩa, của con đường đúng cho dân tộc. Sự chạnh lòng cũng nhắc tôi thấy thêm nhiều tấm lòng bền bỉ, hy sinh vẫn âm thầm và tin tưởng vào những điều đúng đắn, tốt đẹp, bất chấp nghịch cảnh, gian khó.

Khi rời sự kiện trở về nhà, tôi vui nhưng áy náy. Trong mọi cuộc chuyện trò hay lắng nghe các nhân vật lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa trao đổi, từ một vị Linh mục uy nghiêm, một con nhà “quan to”, cho tới cựu viên chức cao cấp hay một cựu sĩ quan dù “khét tiếng” của Việt Nam Cộng Hòa, tôi đều nhận thấy mọi người luôn toát ra sự lịch lãm, khiêm nhường, chừng mực kể cả khi phải lên án chế độ tàn bạo cộng sản. Nói ngắn gọn là “hiền”, “hiền lành” quá so với những gì tôi chiêm nghiệm trên đất Bắc cộng sản.

Lễ tưởng niệm và trao đổi về VNCH ở Paris. ảnh: PHS

Và tôi chợt nhận ra trong những cuộc trao đổi, hiện diện ở đó, cái con người thô kệch của tôi chắc “nổi bật” lắm, vì có những lúc do hào hứng, tâm đắc với người đối diện đã khiến tôi hình như quên hẳn những lễ phép giao tế tối thiểu phải tuân thủ. Tôi cảm thấy cái giáo dục và văn hóa cộng sản thô lậu đã thấm vào tôi sâu quá. Sâu đến nỗi tôi đã không ý thức được những yếu kém, thiếu hụt đó có thể là do chính tôi chứ không phải do bị nhồi sọ. Giống hệt các lãnh đạo cộng sản luôn tìm cách đổ cho hoàn cảnh về những sai lầm, tội ác của họ.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

PHS (04/11/2019)