1

Phong Nha bây giờ không nhộn nhịp như lần đầu tiên tôi đến cách đây 20 năm bởi danh thắng này ít còn là sự ưu tiên lựa chọn của du khách với các tour trong nước. Ðộng Thiên Ðường cách đó không xa (khai thác du lịch sau Phong Nha) có vẻ đẹp tuyệt vời hơn với hệ thống hang động vừa hùng vĩ vừa kỳ ảo, có nhiều khối thạch nhũ và măng đá độc đáo.

Tuy nhiên, đặc thù của động Phong Nha (1) thường khách chỉ đi thăm động ướt, không phải leo hàng trăm bậc cấp lên núi nên vẫn là sự yêu thích của khách du lịch đi theo kiểu nhẹ nhàng. Và, có thể kết hợp hai nơi Phong Nha và Thiên Ðường.

Tôi còn đến Phong Nha hai lần nữa, đi lại động ướt và thêm động khô trên núi (Tiên Sơn). Nhưng với tôi, ấn tượng để lại không phải là các thạch nhũ trong động mà là lúc đi thuyền trên dòng sông Son để vào động Phong Nha, khi nhìn thấy chóp nhà thờ nổi lên trên nền trời màu xám bạc đẹp nhưng buồn, nhất là vào buổi chiều.

Vậy nên, nếu có ai nhắc đến Phong Nha, tôi chỉ nhớ cái cảm giác “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (2) lúc ngồi trên thuyền, để lăn tăn nghĩ ngợi liệu có khi nào mình ghé đến nhà thờ ấy?

Mộng thành hiện thực, tháng Mười vừa rồi, tôi có một đêm nghỉ lại Phong Nha và dự Thánh lễ chiều Chúa Nhật ở Nhà thờ Giáo xứ Hà Lời (3).

Hôm ấy chúng tôi đi từ Ninh Bình về, với quãng đường 400 cây số chỉ đủ thời gian cho đoàn dừng lại thăm viếng một nơi là Ðền Thánh An Tôn Trại Gáo, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Bữa ăn trưa ở một quán lươn đặc sản xứ Nghệ. Ai nấy tùy chọn, cháo, miến hay bánh mì với súp lươn… Chúng tôi đến Phong Nha thong thả giờ lễ 7 giờ tối Chúa Nhật sau khi ngắm hoàng hôn no mắt trên con đường nhỏ (qua cầu sông Gianh rẽ phải). Rừng thông xanh mướt hai bên, màu chiều huyền ảo, đẹp tuyệt vời.

Thị trấn Phong Nha được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi nên khí hậu đêm tháng Mười se lạnh. Lúc đi lễ, tôi cố ý ngồi bên ngoài trời để tận hưởng không khí lạnh và sạch hiếm có với người thành phố. Một cô gái ngồi cạnh tôi, dáng cao, thanh mảnh, bên cô lẩn quẩn đứa bé, thỉnh thoảng níu áo mẹ đòi gì đấy rồi chạy ra xa chơi. Hầu như đám con nít cứ xà quần như thế quanh nhà thờ khiến tôi không tránh khỏi ý nghĩ rằng, đây là nơi để chúng chơi vui vẻ. Và cha mẹ chúng phải dõi mắt trông chừng.

Bến thuyền đi vào động Phong Nha  

Bắt chuyện với cô gái tên là Thỏa, năm nay 30 tuổi mà đã có 3 con. Ðứa 10 tuổi, đứa 5 tuổi  và đứa bé quanh quẩn bên cô 3 tuổi. Tôi nhìn Thỏa, em có gương mặt ưa nhìn, da trắng, trẻ hơn số tuổi 30. Thỏa kể, trước kia em làm trong bếp một nhà hàng, em nghỉ từ khi dịch Covid bùng phát, nhà hàng đóng cửa đến giờ em chưa tìm được việc làm mới. Chồng em hơn em ba tuổi. Mấy năm trước hai vợ chồng vay mượn 150 triệu đồng cho chồng em đi lao động ở Ðài Loan. Qua Ðài Loan, công ty nơi chồng em làm việc ngừng sản xuất, không có việc làm, chồng em mới trốn ra ngoài làm “chui”. Bị bắt, đưa trở về Việt Nam. Tiền nợ chưa trả hết mà vẫn phải chi tiêu hàng ngày. Thời gian đầu, còn có số tiền nhỏ nhoi dành dụm khi chồng làm việc ở Ðài Loan gửi về. Ðến giờ thì vay mượn hai bên họ hàng để nuôi con. Cô muốn có việc làm nhưng không có nghiệp vụ về du lịch, nhà hàng ở đây không còn nhiều như trước và ít khách. Chồng cô cũng vậy, ai kêu gì làm nấy, công việc không ổn định.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Thỏa cho biết, thanh niên ở đây hầu hết đều đi “xuất khẩu lao động”. Hên thì có tiền gửi về nhà, không may mắn thì như chồng của cô.

Nghe câu chuyện của Thỏa tôi không biết mình nên an ủi hay khích lệ em điều gì, vì tôi đâu biết gì nhiều về nơi đây. Một câu nói nào của tôi nếu sơ ý, trong hoàn cảnh này có thể sẽ kém duyên, cứa thêm vào nỗi buồn của em. Tôi nhìn quanh, đa phần các cô gái, chàng trai trẻ. Tôi cảm giác đi lễ là dịp để họ gặp nhau, chuyện trò và trông chừng lũ trẻ chạy nhảy. Nghĩ thầm, có một nơi ấm áp  ở vùng nông thôn như thế này quả thật quá tốt. Lời Cha xứ còn đọng lại trong tôi khi Cha nhắc nhở phụ huynh, cho tiền con cái phải biết chúng có sa vào trò chơi điện tử hay không.

Xong lễ, tôi đi một vòng quanh nhà thờ, có lẽ lâu lắm rồi tôi mới thấy lại những cái ghế gỗ đóng sơ sài, mộc thô, không sơn phết gì mà ngày xưa hay gọi là “con ngựa”, thời tôi còn bé học đánh vần ở trường làng. Bên trong nhà thờ, các soeur bận rộn tới lui dặn dò lũ trẻ. Bài kinh đêm vang lên, cảm giác thật buồn. Phải chăng, định mệnh là có thật, sắp đặt sẵn, mỗi người một cuộc đời, có tránh cũng không được?

Dòng sông Son

2

Chủ nhà nghỉ chúng tôi ở là đôi vợ chồng trẻ, mau mắn, nhanh miệng, chu đáo ân cần. Khi đến, chúng tôi đặt cơm tối, hai vợ chồng đồng thanh: “Các anh chị đi lễ về là có cơm nóng”. Quả vậy, khi chúng tôi ngồi vào bàn, cơm và các món bốc khói với cá, tôm được cho biết là sản phẩm của dòng sông Son khiến ai nấy cảm giác như bị bỏ đói lâu lắm rồi!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Cách phục vụ cũng khá dễ thương là có cậu con trai năm nay học lớp 12 cũng phụ một tay với ba mẹ. Ðúng nghĩa, lấy công làm lời.

Nhà nghỉ hai tầng, có hồ bơi. Chi phí làm hồ bơi trên sân thượng như vầy khá cao, nhưng họ cho biết khách Tây thích như vậy, mình phải có. Phía trước còn có quán cà phê cũng thuộc sở hữu của hai vợ chồng trẻ.

Sáng hôm sau chúng tôi đi động Thiên Ðường và đặt cơm trưa ở nhà nghỉ, thuận tiện trả phòng luôn. Bữa trưa chân tình, chan hòa và lưu luyến do cách đối đãi mến khách của chủ nhà. Họ cho biết, sắp tới có thể họ sẽ mua một chiếc xe để thuận tiện chở khách du ngoạn. Mỗi người một số phận, họ thật sự là những người may mắn ở vùng này, tôi nghĩ thế!

3

Có một chuyện vui vui là sáng sớm hôm ấy, tôi đi bộ một vòng quanh thị trấn, đến bến thuyền, vòng các con đường. Qua một gian hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, một chị đang hí húi dọn hàng. Tôi hỏi mua cái nón lá theo kiểu “lính thú đời xưa”. Tôi đã mua một cái ở Tràng An (4) và đã tặng lại cho chị chèo đò. Sau khi trả giá, tôi mới nhớ là không mang tiền. Chị bán hàng mau mắn: “Can chi mô, cô chuyển khoản được mà”. Tôi quả thật ngạc nhiên. Chị ta nhanh nhẩu đọc số tài khoản cho tôi. Cái nón 40 ngàn đồng, “giao dịch thương mại điện tử” mau lẹ. Sau đó, chị ta cứ hỏi đi hỏi lại tôi là có trục trặc gì không mà thấy tôi vẫn còn chúi mắt vào điện thoại. Tôi cười: “À, tôi đang đọc tin nhắn”.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Tôi chợt nhớ ngày xưa, nhà tôi có một bà vú người Quảng Bình. Bà nói giọng rất khó nghe, trong nhà chỉ mình tôi nghe được. Tôi làm bạn với bà khi tôi chưa đi học, được một thời gian rồi bà đi đâu tôi không biết. Nhớ mãi vóc gầy nhỏ, gương mặt khắc khổ, tiết kiệm nụ cười, chưa bao giờ tôi thấy bà cười “thả ga”. Từ đó cho đến lớn, tôi luôn nghĩ về người vùng nông thôn Quảng Bình, họ rất hiền lành, mộc mạc, đáng yêu.

ĐTTT

(1) Động Phong Nha là một hang động thuộc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình. Một danh thắng tiêu biểu nhất trong quần thể hang động tại đây. Để vào động phải đi thuyền dọc theo sông Son.

(2) Thơ Huy Cận trong bài “Tràng giang”.

(3) Nhà thờ Giáo xứ Hà Lời nằm ngay tại khu vực vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

(4) Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, Việt nam.