Nếu quý vị hỏi bất cứ một người nào quý vị gặp, rằng làm nghề gì nguy hiểm? Thì sẽ có rất nhiều người trả lời ngay rằng đó là nghề cảnh sát, quân nhân, chữa cháy, thợ điện, phi công, du hành vũ trụ, ngư dân, thợ săn… Ít ai nghĩ rằng nghề phát thư hay giao hàng lại là nghề nguy hiểm. Vậy mà có khi “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí,” không ai ngờ rằng một ngày kia bỗng dưng người phát thơ, người giao hàng hiền lành đó lại lăn đùng ra vì “tai nạn nghề nghiệp” là.. chó cắn. Vì vậy, trong bất cứ việc gì, đề phòng không bao giờ là thừa.

Trẻ em VN tắm sông (Internet) 

Ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, bơi lội vừa là hoạt động thể chất giúp cơ thể linh hoạt, khỏe mạnh, mà còn là thú vui đối với những trẻ em miền sông nước như miền Tây, Nam kỳ. Ai đã từng trải qua thời thơ ấu ở miền Nam Việt Nam thì dù sanh ra trong gia đình nghèo khó hay giàu sang, bơi lội là cách vui chơi với chúng bạn, là những kỷ niệm thật khó quên. Người miền Tây dạy trẻ em bơi sớm vì quanh nhà ở có rất nhiều ao, đìa, sông, rạch lớn, nhỏ lủ khủ. Rất nhiều đứa trẻ thời ấy giống như tôi là chúng biết bơi lội trước khi biết học chữ. Leo lên cây ở cạnh bờ sông nhảy xuống sông, chạy ra giữa cầu đúc rồi nhảy xuống sông bơi vô bờ, rồi lặp lại như vậy liên tục là cách chơi phổ biến thời ấy. Nước ấm, sạch, tha hồ mà nhảy lên nhảy xuống.

Tuy nhiên, khi chúng ta thay đổi môi trường sống từ một quốc gia quanh năm nóng bức sang một nơi mà các dòng hải lưu đều lạnh ngắt như nước đá mới tan thì mọi chuyện lại trở nên khác hẳn hoàn toàn. Khi ở Việt Nam coi phim Titanic, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao thuyền trưởng, thủy thủ đoàn là những người bơi lội rất giỏi mà rơi xuống biển thì cũng chung số phận giống như người không biết bơi, vì chính tôi có thể nổi phập phều trên mặt nước biển hoặc sông suốt vài giờ đồng hồ như nằm nghỉ mát mà không bị làm sao hết, không cảm thấy mệt.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Lúc nhỏ, ngoại tôi dạy bọn tôi tắm bằng cách múc nước rửa chân tay mặt mũi, gội đầu. Rồi nhúng nước vỗ vỗ lên ngực, lên chân. Sau đó mới xối nước lên toàn bộ thân mình để tắm là công đoạn cuối cùng. Ngoại tôi nói nước chứa trong lu lạnh, phải làm vậy để thân thể quen dần với cái lạnh của nước rồi mới xối lên mình, nếu xối nước lạnh bất ngờ sẽ bị cảm lạnh. Cho đến lúc chính tôi thò tay xuống nước sông, nước biển ở Seattle, ở Nam Cali thì tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Sông, hồ, biển ở Mỹ rất  đẹp, rất trong, rất sạch, rất hấp dẫn, nhìn thấy là muốn nhảy xuống bơi lập tức… nhưng tôi không thể nào nhảy xuống bơi được như ở Việt Nam, bởi vì nước quá lạnh. Tôi đã cẩn thận “làm nóng” 10 phút trên bờ, rồi nhẹ nhàng thả mình từ từ xuống nước. Nước lạnh thiệt là khủng khiếp như muốn đông cứng tôi thành nước đá. Tôi phải cố gắng vung tay vung chân bơi với tốc độ nhanh nhứt, mạnh nhứt liên tục để cơ thể sản sinh ra nhiệt tự giữ ấm, mà chỉ cố gắng 15 phút thì quá mệt. Tôi bèn lật ngửa ra nằm dài trên mặt nước kiểu người bơi lội ở Việt Nam vẫn thường nằm nghỉ mệt trong nước. Ðầu tôi vừa chạm đụng mặt nước thì phải giật bắn người dựng đứng trở lên vì tôi cảm thấy da đầu như có hàng trăm mũi kim lạnh buốt đâm xuyên qua. Tôi vội vàng bơi tấp vô rồi leo thẳng lên bờ. Kể từ lần đó, tôi không xuống nước ở Nam Cali bơi lần nào nữa.

Tôi thật sự rất bất ngờ khi đọc tin nhà chức trách thành phố Lake Havasu (tiểu bang Arizona) tìm thấy tử thi ông Michael Dean Phan (47 tuổi, gốc Việt) dưới hồ Lake Havasu. Ông Michael Dean Phan là cư dân của thành phố Garden Grove, quận Cam. Các nhân chứng nói rằng họ nhìn thấy ông Michael Dean Phan “từng nhảy từ trên thuyền xuống hồ Lake Havasu để bơi lội.” “Lần cuối cùng ông được thấy còn sống là đang bơi tại mạn bắc hồ Lake Havasu trong công viên thành phố Lake Havasu, ngày thứ Bảy.” Nhà chức trách cũng cho biết dưới nước có những thân cây khá lớn. Qua hôm sau (Chúa Nhật, ngày 9 Tháng Mười) thợ lặn mới tìm thấy thi thể ông Phan ở độ sâu 32 feet (9.75 mét) gần mạn bắc của hồ Lake Havasu.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Nếu quý độc giả biết bơi và đã từng tắm ao, tắm sông ở Việt Nam, thì quý độc giả đều biết rằng khi chúng ta từ trên cao nhảy xuống nước, thân thể chúng ta chỉ chìm xuống một độ sâu khoảng 2 hoặc 3 yards thì một lực đẩy từ dưới nước đẩy chúng ta bắn vọt lên khỏi mặt nước. Muốn lặn sâu hơn, kéo dài thời gian lặn hơn, chúng ta phải làm động tác giống như chúi xuống “đào hang” trong nước để đẩy thân mình xuống sâu hơn, nhưng vẫn không thể nào xuống sâu hơn 4 yards, trừ phi chúng ta có sử dụng dụng cụ của thợ lặn. Tiểu bang Arizona ở vị trí địa lý thuộc vùng thời tiết lạnh, lạnh hơn tiểu bang Cali nhiều. Tôi cho rằng ông Phan đã bị “sốc nhiệt” khi nhảy từ trên cao xuống nước.

Ông Fenton Auston Dee III nhìn thấy cô em gái đang rời khỏi cầu tàu Huntington Beach Pier; Sunday, Oct 23, 2022 (OC Register Daily)

Theo các tài liệu Y khoa, “Khi cơ thể thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt. Ðây tình trạng cực kỳ nguy hiểm và thể gây tử vong. Dấu hiệu chứng sốc nhiệt thường gặp gồm  nhịp tim nhanh, thở nhanh và nông, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi, dễ bị kích thích, lú lẫn hoặc bất tỉnh, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, đau đầu, buồn nôn, ngất xỉu…

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Ngày Chúa Nhật, 23 Tháng Mười, 2022, nhật báo The Orange County Register cho biết: Ông Fenton Auston Dee III, 43 tuổi, cư dân thành phố Norwalk, quận Los Angeles cũng đã “chết vì nước” tại cầu câu cá thành phố biển Huntington Beach, mà nguyên nhân khiến ông Fenton Auston Dee III hy sinh thật thương tâm và đáng kính trọng. Các nhân chứng nói rằng người phụ nữ là em gái của ông Fenton Auston Dee III đã leo qua thành cầu tàu và nhảy xuống. Ông Fenton Auston Dee III cũng nhảy xuống để cố gắng giúp cô em đang vùng vẫy tuyệt vọng trong làn nước lạnh. Những người chơi trượt nước đã cứu cả hai anh em lên bờ, gọi xe cấp cứu. Cô em gái được cứu sống nhưng ông Fenton Auston Dee III thì không cứu được. Nhà chức trách thành phố Huntington Beach nói rằng cuối tuần rồi biển Nam California động mạnh, sóng cao 6 đến 8 foot (2.5 mét) nước xoáy rất dữ dội. Tuy nhiên, dù biển không động thì nhảy từ cầu tàu cao 40 tới 45 feet xuống biển là hành động nguy hiểm nên thành phố Huntington Beach đã ra lệnh cấm. Cộng thêm yếu tố biển động, sóng lớn, nước xoáy làm cho việc cứu hộ trở nên khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Tôi không biết ông Fenton Auston Dee III có biết bơi hay không? Ông bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong, hay ông không biết bơi nhưng liều mạng vì tình anh em ruột thịt? Bức ảnh tình cờ chụp được khoảnh khắc cô em gái rời khỏi cầu tàu rơi xuống nước và ông Fenton Auston Dee III đứng trên cầu tàu la to, hốt hoảng. Bộ quần áo dài ông đang mặc, đôi giày to ông đang mang, là những thứ sau khi ông rơi xuống nước chúng sẽ nhanh chóng kéo ông chìm xuống.

Thể thao dưới nước là một thú đam mê của nhiều người. Cho dù biết bơi lội giỏi thì tốt nhứt chúng ta đừng bao giờ nhảy từ trên cao xuống nước. Nên làm những động tác “hâm nóng” thân thể rồi “nhập thủy” một cách từ từ để không bị sốc nhiệt thì sẽ bảo đảm an toàn.

TPT