Xin thưa trước với độc giả – như là giới hạn không gian và thời gian bài viết: Tết xưa là Tết của MNVN thập niên 60 – 1975. Tết nay: Tết của người Việt hải ngoại và trong nước.

Bảo Huân

Tết ở quê tôi ngày xưa, dù là làng quê nghèo nhưng việc chuẩn bị diễn ra rộn ràng từ đầu tháng Chạp âm lịch khi thời tiết bắt đầu có mưa phùn và trời lành lạnh. Vài gia đình bắt đầu giẫy mả (tảo mộ), không rầm rộ và đồng loạt nhưng đây là việc làm mang tính truyền thống của ý thức nhớ ơn tổ tiên và mỗi gia đình/tộc họ có ngày riêng. Giẫy mả xong về nhà cúng tạ, quê tôi thường cúng bánh xèo hoặc mì Quảng từ bột xay bằng gạo lúa mới vừa thu sau vụ mùa tháng 10. Sau đó là lo đánh gốc tre phơi khô làm chất đốt nấu bánh tổ, bánh tét.

Những nhà “có của” dùng cả “ảng”(*) to giã lá bứa (**) pha nước lạnh để ngâm toàn bộ đồ khí tự trên gian thờ, ba ngày sau giã nát than lau chùi rồi phơi nắng. Việc tiếp theo là cắt bờ rào chè tàu trước nhà, giẫy cỏ lối đi, riêng nhà tôi thì cha tôi còn lấy phong pháo Ðiện Quang đem treo trên giàn bếp hoặc phơi trên nhánh dâu trước nhà để pháo nổ giòn khi đốt. Gạo, nếp, rau quả có sẵn trong nhà và vườn nhà, có gia đình còn tát ao bắt cá chứa sẵn trong thạp để dùng dần vì có lẽ người dân nặng lòng với câu tục ngữ “Sống sao thác vậy” nên mâm cúng Tết thường đầy đủ các món mà ông bà khi sinh thời ưa thích. Quê tôi xa chợ nên thịt heo thường mua của những “ông hàng phiên”, họ rủ nhau xẻ thịt heo gánh đi bán từng nhà. Có nhà còn chung nhau với hàng xóm và dù giàu hay nghèo, mỗi nhà đều mua thịt để ăn 3 ngày Tết. Ngày Tết là dịp để dân quê ăn bù khi cả năm thiếu thốn. Do vậy mới có câu ca dao: “Có đói cũng ba bữa Tết/ Có hết cũng ba bữa mùa”.

Càng gần đến ngày, nhà cửa làng xóm phong quang thoáng đãng, lòng người càng nôn nao rạo rực hơn và mong sớm đến ngày nhất – là lũ trẻ con. Chúng mong được cha mẹ đi chợ mua về các thứ đồ chơi như “lung tung”, “gà oác”, pháo hoa cải (***). Chúng mong đến sáng Mồng Một được diện áo quần mới đi chúc Tết bề trên trong họ hàng và thực tế, còn mong được ăn no, ăn ngon, thỏa thích vui chơi kể cả đi lượm pháo lép ở các nhà giàu mà không sợ quở mắng.

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Tết ngày xưa ở quê thường tập trung nhiều nhất vào việc cúng kiếng và thăm viếng họ hàng. Do đó, chuẩn bị bàn thờ, mâm cúng luôn tươm tất. Thường thì cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu vào chiều 30, cúng Trời Ðất còn gọi là hành khiển vào Giao thừa, cúng chính vào sáng Mồng Một, cúng sáng, trưa, tối cho đến chiều Mồng Ba thì cúng đưa ông bà. Nhiều địa phương phía Nam còn có tục lệ đi thắp nhang mộ phần tổ tiên nếu tập trung vào một nơi hoặc thắp nhang mộ những người thân gần nhất. Ngoài cúng trong nhà còn có mâm cúng ngoài trời mời âm hồn, cô hồn, các vong linh tiền khuất. Sau ba ngày: “Mồng Một Tết cha, Mồng Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy” thì được quyền vui chơi thỏa thích, coi hát bội, đánh bài chòi, thăm viếng bè bạn. . .

Sau 1975, MNVN đổi chủ, phần thì ruộng đất tập trung vào HTX, phần thì chống duy tâm, phần khác thì kinh tế hoạch định, dân càng nghèo đi nên xã hội kéo theo nhiều đổi thay. Tuy vậy, người dân vẫn đón Tết dù không bằng ngày trước. Một hiện tượng phổ biến là trong những năm “bao cấp”, lượng đèn nhang, vàng mã sản xuất và bán ra trên thị trường tăng nhiều. Có lẽ do khi con người không dựa vào sức mình để vươn lên thì họ nhờ đến . . . thần thánh! Ðến Tết, cán bộ có tem phiếu ra cửa hàng mua thịt, thường dân thì HTX nào có điều kiện mổ heo phân phối cho các gia đình với số lượng tượng trưng, mỗi gia đình tự lo liệu, mua sắm các thứ là chính. Việc đi chúc Tết vẫn duy trì nhưng không còn vui vẻ như trước. Trên đường làng không còn thấy nhiều màu sắc áo quần, không thấy những em bé tung tăng theo người lớn đi chúc Tết. Phải gần đến 15 năm sau, nhờ đổi mới, nhờ kinh tế thị trường, nhờ xoá bỏ kinh tế tập trung nên xã hội mới thay đổi dần dà.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Cũng sau 1975, người Việt bỏ đất nước vượt biên ngày càng đông và hình thành cộng đồng tỵ nạn xa xứ, những cộng đồng này có mặt ở cả Mỹ lẫn Châu Âu, số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào việc sắp xếp định cư của chính quyền sở tại. Ðiều đáng nói là dù thế nào, đến ngày Tết cổ truyền dân tộc, người Việt cũng tổ chức đón Tết như là để con cháu nhớ đến ông bà dù Âu Mỹ chỉ đón Giáng Sinh và Tết Dương lịch, ngày Tết Việt vẫn phải đi làm. Miền nam California có lẽ là nơi đông người Việt cư trú nhất, ở đó có quận Cam (Orange County), có khu Phước Lộc Thọ là nơi nhiều năm trước, mỗi lần Tết đến, người Việt tổ chức hội chợ, chợ hoa… bán sản vật của 3 miền. Các chợ VN trên khắp nước Mỹ bán bánh mứt từ tháng 11 âm lịch, từ giữa tháng Chạp bán bánh chưng bánh tét, dưa hành, kiệu. Ðiểm đặc biệt là tại trụ sở các cộng đoàn người Việt ở Mỹ làm lễ thượng kỳ VNCH vào ngày đầu năm và cũng không quên các họp mặt chúc Tết vào dịp tất niên lẫn tân niên. Các chợ VN ở nhiều tiểu bang nước Mỹ cũng thường đốt các dây pháo dài, năm nào cũng có các đoàn lân đi múa ở các chợ, chùa chiền và nhà thờ có người Việt sinh hoạt.

Khi internet du nhập vào VN, khi kinh tế ngày càng khá dần lên do chính sách kinh tế của nhà nước, do nguồn kiều hối của thân nhân từ ngoại quốc gửi về, do các nguồn vốn ODA của thế giới đổ vào VN, người Việt trong nước đón Tết tươm tất hơn. Tuy nhiên từ thành phố đến thôn quê, ở đâu cũng mất dần không khí rạo rực chuẩn bị Tết.

Chỉ cần ngày 30, dạo một vòng chợ (ở quê) hay một vòng siêu thị (ở phố) đã có thể sắm các món cúng, món ăn, món tiếp khách đầy đủ! Cảnh cả nhà lo vuốt nếp, ướp thịt, hông đậu xanh, lau lá, quây quần gói bánh chưng bánh tét và đặc biệt, ngồi chụm lửa, thay nước canh nồi bánh suốt đêm nay chỉ còn rải rác ở một ít nhà. Ðèn, nhang, nến cũng không còn chuẩn bị như xưa vì đa số đã thay bằng đồ điện, thậm chí pháo điện thay pháo thật.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Việc tiếp khách đến nhà thăm và chúc Tết ngày xưa khá trọng thể, hầu như người ta mời nhau những món mình sắm sửa nhưng sau này, đến thăm là lễ nghĩa, là xã giao, là đáp lễ, là nịnh nọt kiếm điểm của nhân viên đối với cấp trên với phong bì đỏ lì xì cho con cái hay cha mẹ chủ nhà nhiều hơn số tiền mừng tuổi (cho vui) như thông tục ngày xưa. . . Khách đến nhà không ung dung trò chuyện mà đến nơi, việc đầu tiên là xin phép chủ nhà thắp nhang bàn thờ, sau đó, có người uống vội ly nước trà, nói vài câu chúc Tết rồi đi, cho đủ nơi cần đến!.

Dù sao Tết  cũng còn là dịp để đoàn tụ gia đình, dù khó khăn cách mấy, mỗi cuối năm, người đi làm ăn xa cũng tìm cách về nhà, kể cả dắt díu vợ con về quê xa cả ngàn cây số, lại phải săn lùng mua vé, kể cả vé chợ đen. Qua một năm vất vả, bận rộn làm ăn, cuối năm có dịp nghỉ ngơi, nhìn lại mình, nhìn lại điều đã làm, điều chưa làm được từ làm ăn đến đối nhân xử thế và nếu có ý thức, sẽ biết định hướng cho năm sau. Tết cũng là dịp để người làm ăn không hanh thông năm trước, hy vọng và tin tưởng ở năm sau.

NHQ

Chú thích:

* Ảng là dụng cụ chứa nước ở quê làm bằng cát và xi măng có dung tích từ 60 lít – 400 lít.

** Lá bứa là lá của một loài cây thân gỗ, có vị chua, ngâm nước sẽ cho mội trường acid làm chất tẩy rửa.

*** Lung tung là một loại trống có vành tre, dán giấy màu, cắm cây bằng chiếc đũa ở giữa, khi dùng hai bàn tay lăn qua lăn lại cây, hai sợi chỉ gắn hạt đất sét khô sẽ tạo ra âm thanh như tiếng trống. Gà oác là một loại tò he tô màu lòe loẹt, thổi tạo ra tiếng. Pháo hoa cải làm bằng giấy quyến mỏng phủ màu, giữa rải thuốc pháo, ban đêm đốt và quay sẽ bắn ra tia lửa như hoa cải.