LỜI GIỚI THIỆU:

Trong Bài 3, đăng kỳ vừa rồi, tác giả kể lại vở kịch “Ông Butterfly”  soạn giả gốc Trung Hoa David Henry Hwang, thực hiện trên sân khấu Nữu Ước, khi Hồ Điệp Tử biến thành…đàn ông.  Trong Bài 4 dưới đây, tác giả kết luận về hình ảnh “Ông Hồ Điệp Tử”  nước Mỹ, để tiếp tục trình bày hình ảnh phụ nữ gốc Á trên sân khấu nhạc kịch Hoa Kỳ.

LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21

Bài 4:

Nhìn lại hình ảnh phụ nữ gốc Á

trong văn chương và sân khấu nghệ thuật hiện đại

Âu Mỹ, thế kỷ 20

Tác phẩm  soạn giả Hwang (Ông Hồ Ðiệp Tử) là một chủ đề phức tạp, dấy lên các câu hỏi thật khó về cuộc sống, tình yêu, hận thù, tình dục, chính trị, và sự giao thoa giữa Ðông và Tây, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đàn ông với đàn ông.  Ðưa ra những câu hỏi rất khó giải đáp này, soạn giả Hwang tự kiến tạo lại “hội chứng Madam Butterfly” – một định kiến về phụ nữ châu Á – chỉ để thách thức và lên án nó.

Sau đó nữa thì kịch phẩm M. Butterfly của thập niên 1980 cũng được đem lên màn bạc Hollywood, với tài tử đẹp trai Jeremy Irons: thật ra chỉ làm cho khán giả nhớ đến và đối chiếu tính lãng mạn hoá qua hình ảnh con người đam mê và liên hệ mờ mịt đầy tính cách sương mù giữa phương Tây với Trung Cộng.  Vở “Ông Hồ Ðiệp Tử khác biệt hẳn tính chất nặng nề màu sắc chính trị của miền Nam quả địa cầu trong vở kịch “Kiss of a Spider Woman” (Nụ Hôn của Nàng Nhện), thập niên 1980, với tài tử lừng khừng William Hurt bên cạnh những bức tường của ngục tối. Kịch bản và phim “Nàng Nhện” được dựa trên một sản phẩm văn chương nổi tiếng của Châu Mỹ La-Tinh, đưa ra vấn đề đàn ông với đàn ông trong bối cảnh chính trị của ngục tù.

Ngay sau thành công  soạn giả Hwang, hình ảnh Madam Butterfly được nhắc lại, lần này bởi sân khấu West End của thủ phủ Luân Ðôn, và sân khấu Broadway  thành phố Nữu Ước.  Các nhà sản xuất và sáng tác không hề giấu diếm sự thật: cốt truyện của Miss Saigon được tái tạo từ vở “Hồ Ðiệp Tử,” Madam Butterfly,  nhạc gia Puccini.

Tài tử đẹp trai Jeremy Irons, trong vai nhà ngoại giao đã yêu nhầm một đực rựa trên sân khấu trong vai “Hồ Điệp Tử”.   

Thời gian, địa điểm và nhân vật đã được thay đổi. Butterfly, cánh bướm, bây giờ là cô gái bán “bar” của Sài Gòn trong thời điểm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Cảnh “tự vẫn” thương tâm và nổi tiếng toàn cầu trong tiếng hát nức nở của ca sĩ opera Maria Callas, bây giờ xảy ra một nơi nào đó, gần một trà điếm ở Bangkok.   Người yêu  định mệnh chia tay bây giờ là một anh chàng lính Mỹ GI điển trai, có lẽ nhạy cảm hơn, hát những ca khúc jazzy đẹp mượt mà về sự hỗn loạn và rối rắm  thành phố Saigon, gây ra do sự vô nghĩa chiến tranh đè nặng lên cuộc  sống chàng lính viễn chinh, và cũng bởi tình cảm âu yếm chàng dành cho một cô gái bán quán ngây thơ, trơ trọi giữa chợ đời, mà chàng đã đem lòng yêu mến, một buổi tối chàng bỏ trại lính đi uống rượu.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Nhưng kết cuộc thì vẫn là: chàng đã làm tan vỡ quả tim nàng con gái Việt Nam, trong giờ phút cuối cùng, và rồi nàng cũng đã đi đến cái chết thảm thương: tự vẫn để giao con lại cho chàng và người vợ Mỹ.

Mâu thuẫn chủng tộc chung quanh các vai đóng Miss Saigon làm cho nhạc kịch tăng thêm phần nổi tiếng. Hoặc là một nữ diễn viên-ca sĩ  Phi sẽ đóng vai một thiếu  nữ Việt Nam, hoặc là diễn viên phong cách Shakespeare người Anh Jonathan Pryce sẽ đóng vai nam người Mỹ, tất cả đã gây ra các cuộc tranh cãi trong cộng đồng nghệ thuật diễn viên người Mỹ gốc Á. Nhưng chúng ta không nên để cho những cuộc tranh cãi này làm xao nhãng vấn nạn thật sự — làm thế nào để một tác phẩm nhiều triệu đô la này miêu tả được nền văn hóa, lịch sử và con người  Việt Nam trên sân khấu Broadway một cách mẫn cảm, chính xác, tiêu biểu, và thể hiện.

Tài tử lừng khừng William Hurt trong phim “Nụ Hôn của Nàng Nhện”

Chắc chắn, nhạc kịch sẽ phải là một sản phẩm phương Tây cho một công chúng phương Tây, nhưng Việt Nam và người dân Việt — chuyện xảy ra ở Việt Nam — trở thành  cốt truyện, là chủ đề  tác phẩm!  Âm nhạc sẽ là âm hưởng Jazz, nhưng nhà soạn nhạc cũng đã cố gắng tìm một chút âm hưởng dân ca Việt qua vài nỗ lực sáng tác để đem lại phong cách Á đông cho phần nhạc. Chẳng có hàng chữ nào cho thấy  có cố vấn người Việt tham gia vào tác phẩm hay chu trình dựng kịch.  Một vài chữ tiếng Việt được quăng vào phần ca từ nhưng lại bị phát âm sai một cách thảm hại! Trang phục không mô tả chính xác hay tương ứng với y phục người Việt trong thập niên 1970, cho dù là trang phục của gái bán “bar” đi chăng nữa,  cả cảnh dàn dựng cho cốt truyện cũng vậy!

Xem thêm:   Nỗi buồn tháng Tư

Giá trị duy nhất và điểm son tôi tìm thấy ở tác phẩm – ngoài  phần nhạc Jazz, giai điệu và tiết điệu khá hay của nhạc thời trang, và cảnh “trực thăng” “hoành tráng,” cũng như cảnh “vĩ đại” của đoàn quân “đỏ” vào Saigon – chính là sự kiện nhà sản xuất Cameron McKintosh quyết định đưa ra những hình chiếu thật sự “đời thường” về trẻ em Việt Nam để mở đầu sân khấu. Có lẽ việc thu nhập hàng triệu triệu đô la từ đề tài mẹ Việt Nam đã khiến cho nhà sản xuất Miss Saigon xen vào nhạc kịch một phần trình bày ít ỏi nhằm nói lên lương tâm nhân loại, một “nhận thức có tính cách lương tâm xã hội” của tập đoàn sản xuất!

Thành công về mặt thương mại Miss Saigon nằm ở hình ảnh lãng mạn một người con gái bán quán bia rượu, chẳng khác chi một thứ nhà chứa trá hình như Truyện Kiều gần gũi với văn  hoá Việt Nam, nhưng lại có thêm hình ảnh Romeo là chàng lính đồng minh mà đảng cộng sản cho là kẻ thù dân tộc, một hình thức ngang trái éo le của kịch phẩm Shakespeare:  tình yêu cao thượng giữa hận thù truyền kiếp. Nàng Juliet xấu số nhà quê của Việt Nam phải cắt lìa nắm ruột, đem cho đứa con thân yêu, xa quê hương, bị bỏ rơi, nàng yêu nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu, và là nạn nhân một tên đàn ông phương Tây, như lính viễn chinh của thời Pháp thuộc.  Sự tán thưởng quần chúng đối với Miss Saigon còn bắt rễ sâu xa hơn từ cái “bắt mắt” của một sân khấu vĩ đại: lòng thán phục của khán giả địa phương về kỹ thuật dàn dựng rất điêu luyện, tạo dựng lại trên sân khấu một Sài Gòn hoảng loạn trong những ngày hấp hối. Ðể báo hiệu cuộc tháo chạy nhẫn tâm  người Mỹ: nhà sản xuất mang luôn một chiếc trực thăng lên sân khấu.

Nhạc kịch Miss Saigon: cô gái Việt Nam ôm con trên sân khấu Nữu Ước

Trong thực  chất, nhạc kịch Miss Saigon chỉ là một phiên bản khác, cũng vẫn là khả năng tưởng tượng phương Tây về câu chuyện huyền thoại mang bóng hình phụ nữ phương Ðông, mà phương Tây đã tạo nên qua âm nhạc Puccini trong quá khứ:  phủ phục, vị tha, dâng hiến và chịu đựng là điển hình cho  phụ nữ đang yêu của châu Á: –nạn nhân của tình trường khi Ðông và Tây yêu nhau. Như thế, Miss Saigon khẳng định lại thành  kiến đã lâu đời về phụ nữ châu Á, diễn tả từ sân khấu.

Ngày hôm nay, thế kỷ 21, vở nhạc kịch Miss Saigon đã lưu diễn, và vài bé gái Việt sinh trưởng ở Mỹ đã tách rời truyền thống cũ “xướng ca vô loài” bằng cách  học nhạc, học diễn xuất, làn hơi phong phú và với giọng Anh ngữ của bản xứ, đã thủ diễn vai chính vai  phụ trên sân khấu địa phương, cũng như tái diễn kịch bản này tại Nữu Ước.  Nhiều bé gái Việt lớn lên ở Mỹ đã bày tỏ sự tức tối về kịch bản này. Việc chống đối Miss Saigon ngày hôm nay không chỉ nằm ở khía cạnh chọn diễn viên, mà là ở một ấm ức văn hoá nào đó qua những bất bình được diễn tả trên mạng lưới, tiếng Việt cũng như tiếng Anh: nhiều người bất mãn đã không còn thấy cái đẹp của Miss Saigon như tôi đã thấy qua biểu tượng tình mẫu tử của những kẻ khốn cùng.  Bất mãn cũng không thay đổi thực thể, status quo, vì Miss Saigon vẫn nổi tiếng, được ăn khách trong giới khán giả của giải trí “thời thượng,” và sẽ tạo nên “sự nghiệp sân khấu ca hát Broadway cho các diễn viên-ca sĩ như trường hợp của nữ danh ca gốc Phi Luật Tân Lea Salonga.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu các soạn giả gốc Việt muốn cái gì khác hơn, thì họ có quyền tạo dựng bằng cách xây nghề nghiệp trong dòng chính, nhưng khi họ thành công, lấy trường hợp gần nhất của soạn giả Quý Nguyễn của vở kịch “rap” Vietgone, sản phẩm ấy cũng vẫn mang cái khung văn hóa của người Mỹ (nhạc “rap” và đầy rẫy ngôn ngữ chửi thề cùng với hình ảnh của nhục thể, dù rằng các cảnh trí được xây dựng ở thời điểm 1975 hay trong không khí gia đình Việt Nam, giữa người Việt với nhau: cha với con, mẹ với con, hay giữa tình nhân với nhau trong bối cảnh tâm lý của người di tản thế hệ thứ nhất: gia đình trung lưu của Việt Nam thời ấy có ai chửi thề hay diễn tả lộ liễu về tình dục như các diễn viên sân khấu như thế không?  Và sự thác loạn nhất thời giữa hai thể xác nam nữ, có thật chăng nữa, cũng sẽ không xảy ra ngang nhiên trước mặt mẹ già trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, mà sẽ phải là sự giấu diếm và che đậy??? Nói tóm lại, vở nhạc kịch Vietgone của soạn giả Quý Nguyễn có thực sự phản ảnh văn hoá Việt Nam thời 1975 hay không?  Tôi xin dành câu trả lời cho khán giả gốc Việt.

Hình ảnh vở kịch Vietgone của soạn giả gốc Việt Quý Nguyễn

Kỳ tới – Bài 5

Phụ nữ Á đông trong nghệ thuật trình diễn:

Màn bạc Hollywood