BÀI DỰ THI SỐ 29

Mặt trời không còn hỗn hào, rực lửa như những tháng vừa qua, giờ đây nhường chỗ cho những làn mây xám mờ dạo chơi cùng gió nhẹ, báo cho tôi biết tiết thu Houston đã trở về làm tôi chạnh nhớ đến phu quân đã ra đi đúng 1 năm tròn. Anh vĩnh biệt tôi trong năm 2021, mùa Covid nhưng Anh không chết vì Covid mà chết vì đột quỵ.

Năm 2021, Covid đã vơi đi phần nào nhưng lệnh ở bệnh viện Memorial,  Houston vẫn còn nghiêm ngặt, an ninh, chặt chẽ, người vô thăm bệnh nhân cũng chỉ từng người một. Nhưng trường hợp của tôi vì chồng cần mổ não cấp tốc (vì máu đã tràn hết bộ não) nên cần phải họp gia đình vợ và con cái để có sự quyết định cho cuộc sống của chồng tôi.

Tôi và các con (con riêng của chồng tôi), và chị Hai (vợ trước của Anh) cần thỏa thuận với bác sĩ qua màn hình video. Sự giải thích cặn kẽ, tận tình của bác sĩ, giúp chúng tôi có một quyết định chính xác là để cho Anh được cứu sống.

Anh nằm trong phòng đặc biệt, bao nhiêu sợi dây theo dõi mang đầy trên cơ thể, nằm bất động không biết gì, nhưng theo tôi có lẽ Anh vẫn còn nghe và hiểu được những lời nói chuyện nỉ non, nghẹn lòng, nên hai bên khóe mắt lệ chảy dài. Nhìn Anh yếu đuối, hiền hòa làm sao, lòng tôi như muốn chết theo từng dòng lệ của Anh.

Khoảng thời gian ngắn tôi vô bệnh viện thăm Anh, có câu chuyện nhỏ cười cùng nước mắt. Vì bệnh viện cấm không cho người thân ở lại đêm để an toàn trong mùa Covid lây lan, chỉ được vô thăm buổi sáng và chiều, còn lại để bệnh viện và y tá chăm sóc. Một buổi sáng nọ tôi nắm tay chị Hai (khi được sự đồng ý của bệnh viện cho 2 người vào thăm cùng lúc), tôi mừng quá chạy lẹ vô phòng thăm Anh (do mấy ngày tôi khóc nhiều, đôi mắt còn sưng húp, không còn để ý tứ chung quanh ) tôi chạy nhầm vào phòng người bệnh khác (người Mỹ trắng), tôi nắm lấy cánh tay người đó vuốt nhẹ nói, “Anh ơi, em và chị vô với Anh đây (do gương mặt đều bị gắn nhiều dây và ống thở oxy, mặt lại hơi to và giống Anh), nhưng sao thấy tay lại đầy lông lá, tôi vừa khóc vừa nói với chị, “Trời ơi chị, mới qua 1 đêm thôi họ chích cái thuốc gì mà hôm nay tay Anh đầy lông thế này hả chị”. Chị cũng nói, “ủa sao kỳ vậy em.” . Tôi nhìn kỹ lại khuôn mặt của người ấy, lúc này hơi nghi nghi, chạy ra cửa phòng nhìn lên số phòng thì ôi thôi, tôi đã nhầm phòng rồi, phòng Anh sát ngay bên cạnh. Tôi nắm tay chị kéo ra và nói “không phải chị ơi, phòng chồng mình sát ngay bên cạnh”.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Những ngày này, Anh nằm đó, im lặng đến đáng sợ, Anh yếu đi nhiều, bác sĩ cũng không mổ được vì Anh không còn sức.

Bảo Huân

Tôi đứng sát bên giường Anh khẽ hát bài Anh thích nhất. Ngày hôm sau Anh ra đi nhẹ nhàng, im lặng không lời trăn trối, bao nhiêu nét trần tục đã trôi đi, để lại hình ảnh không hồn đọng lại trong tôi se thắt lòng, quặn đau không tưởng nổi.

Tôi làm thủ tục đưa Anh vô nhà quàn, chao ôi, xác chồng tôi là người thứ 21 trong ngày hôm đó. Nhà quàn cho biết chưa có phòng để đưa Anh ra sớm cho thân nhân thăm viếng. Hơn 1 tuần trôi qua mới có phòng trống dành cho Anh. Tôi phải chấp nhận 1 cái hòm không vừa ý (chỉ còn 1 cái độc nhất), chị chủ nhà quàn nói “Hòm đã được tàu chuyển đến, nhưng chưa được nhận vào đâu em, em biết không năm 2020 Covid bùng phát dữ dội, 1 ngày nhà quàn chị tiếp nhận xác người chết vì Covid lên đến 40-50 người, mà tất cả những nhà quàn khác cũng không còn chỗ, hòm không có để đáp ứng kịp. Cung không đủ cầu, lò đốt cũng không kịp thở, không đủ nhân viên để đi nhận xác người”.

Tôi thầm nghĩ “nhà quàn mà đắt khách hơn cả nhà hàng”.

Cuộc thăm viếng, tiễn đưa cũng bị hạn chế, mọi người đến viếng đều đeo mask, không ai nói nhiều, im lặng, trao nhau ánh mắt chia buồn sâu lắng, không có cái nắm tay, vuốt vai an ủi. Nhìn Anh qua ảnh, lòng tôi rối bời, ngổn ngang bao lời muốn nói cùng Anh, nhiều kỷ niệm, vui buồn, cay đắng trong đời ào về như thác lũ.  Tôi nói với Anh, “Anh thật có phước lớn, ra đi như vậy còn hơn  thiên hạ nhiều, bao người chết không có hòm chôn, phải chôn theo tập thể, chỉ có bao nylon, quấn quanh người. Người thân không được nhận xác về để thấy mặt lần cuối, cũng không biết xác người thân mình chôn ở đâu”.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Trời ạ, Covid ra sao mà tàn phá khủng khiếp, không qua mổ xẻ, chảy máu, chỉ âm thầm len lỏi vào cơ thể người ngầm đục khoét, ngang nhiên thách đấu với bác sĩ và y tá mà lắm khi họ cũng phải đầu hàng bỏ cuộc. Lướt nhẹ trên facebook thấy toàn cầu người chết như rơm rạ, như cỏ khô cháy vì hạn hán, kẻ còn chút hơi thở khóc cho người tắt thở, đại loạn, hoang mang vô cùng. Từ các nước văn minh, các thành phố lớn, nhỏ, những nơi tận hang cùng, ngõ hẻm, miền núi đến đồng bằng đều hoang vắng, điêu tàn, có những cửa hàng bị đập phá (vì lợi dụng mùa Covid mà cướp giật). Hại người, cướp của, sự thật thấy rõ mà không làm gì được, không bóng người ra đường sinh hoạt, chỉ thấy bóng dáng những chiếc áo mưa nylon trùm kín mít đi tiếp tế cho người còn hơi thở, hoặc khuân vác những cái xác không hồn đi về miền cát lạnh. Vì Covid mà tôi thấy được tấm lòng thật giả của con người, mọi đẳng cấp.

Covid kinh khủng, đại náo toàn cầu, ống oxy và thuốc tây, các bài thuốc dân gian từ cỏ cây cũng không cứu giúp gì nhiều, bệnh nhân Covid chết nhanh, chết trong gang tấc, chết tức tưởi, chết oan nghiệt, chết nhiều không đếm xuể. Xác người chết trên toàn thế giới tính không chính xác nổi con số.

Xem thêm:   Pháp khí

Từ các nước văn minh như Mỹ, Âu Châu, đến các nước Á Châu, những vị lãnh đạo, anh em, đồng đội, bè bạn, gia đình thân quyến, đồng hương, con cháu, kịch sĩ, ca sĩ, thậm chí đến các bác sĩ, y tá, v.v. đều lần lượt bị Covid tàn sát, không thương tiếc, họ ra đi không lời nào vào phút lâm chung. Tôi không thể nào quên Covid mà tôi đã thấy, đã biết, một vết tích lịch sử không hề quên, cũng như chồng tôi không chết vì Covid mà chết trong mùa Covid cũng bị thiên hạ gán cho một cái chết vì bịnh Covid. Covid đã tạo ra bao sự khó khăn, cản trở cho người thân chia tay với một người rời xa trần thế để đi về cõi vĩnh hằng cuối cuộc đời người.

Tôi thật sự nghiêng mình cúi đầu cảm lạy những quý vị đã cứu sống những mạng người thoát qua cơn tử thần Covid trong tầm tay, trong gang tấc.

Covid, tôi không hề quên, không thể nào quên. Cầu xin thượng đế cho Covid rời xa toàn cầu, trả lại sự yên bình cho mọi miền đất nước để mọi người đều được sống vui – khỏe, sống yêu thương chan hòa hạnh phúc, vạn sự bình an.

RT

Houston, Texas