Chuyện đêm mưa bão

Nhóm bốn đứa chúng tôi, quen nhau trên đường vượt biên và thân thiết như chị em trong nhà ở trại tỵ nạn. Trong nhóm, chị Hảo chị Quyên bằng tuổi nhau, tức là cùng hơn tôi 2 tuổi, và đứa cuối cùng là nhỏ Hà thua tôi 2 tuổi.

Buổi chiều ngày ra khơi, được vài tiếng thì tàu chúng tôi bị mưa bão, máy thoát nước lại bị hư, nước bắt đầu tràn vào tàu, từ từ ngập qua mắt cá chân, chuyển lên gần đầu gối. Chị Quyên là người đầu tiên và duy nhất, đề nghị họp gấp với một chú lớn tuổi trong tàu, rồi chị đứng lên hô hào các thanh niên đàn ông phải thay phiên nhau lên boong tát nước, nếu không tàu sẽ bị chìm trong gió bão. Giữa âm thanh hỗn độn của mưa gió, máy tàu, và tiếng kêu la, tiếng đọc kinh, mà giọng của chị Quyên đứng ngay cửa hầm tàu nối lên boong tàu vẫn sang sảng mạnh mẽ, nhắc nhở các thanh niên trên boong tát nước, trong khi tất cả phụ nữ còn lại, trong đó có tôi, lả người, ói mửa, tàn tạ te tua như cọng bún thiu, không còn sức để làm bất cứ việc gì. Quá nửa đêm, mưa càng to hơn, máy bơm nước vẫn chưa sửa được, mỗi lần tàu nghiêng ngả theo sóng, nước biển nước mưa tràn xuống hầm, cả đám phụ nữ con nít lại rú lên vì lạnh và hoảng sợ. Lúc này mọi hành lý đều được quăng xuống biển cho tàu nhẹ bớt. Chị Quyên vẫn đứng kêu gào, chỉ huy mọi việc trên boong. Thỉnh thoảng nghỉ giải lao cho bớt khan tiếng, chị lại đi xuống hầm ngồi với chúng tôi. Chị thì thầm vào tai tôi:

– Loan! Cái phao của mày đem theo đâu rồi? Mày có quăng xuống biển không đó?

Tôi run run thều thào, nói không ra hơi:

– Dạ… còn… đây, em giấu… dưới áo, khi nào tàu chìm… thì thổi lên thôi!

Rồi chị lại tiếp tục đi lên boong, trông coi việc tát nước. Một lần sau, chị trở lại, kéo bốn đứa chụm đầu lại, đưa cho tôi một khúc gỗ, dặn dò rất nghiêm nghị và bí mật:

– Tao tranh thủ gỡ được thanh gỗ này trên boong, nếu tàu chìm, thì mày với Hà ôm lấy khúc gỗ này, nghe chưa?

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Tôi xúc động, rơm rớm nước mắt, rồi ngơ ngác hỏi:

– Thế còn chị và chị Hảo thì sao?

Bả trả lời tỉnh bơ:

– Thì tụi tao xài cái phao của mày chớ sao nữa! Bộ mày nghĩ mày còn sức thổi được cái phao à!!!

May mắn sao, tàu chúng tôi đã tai qua nạn khỏi, đúng nghĩa “sau cơn mưa trời lại sáng”, đến trưa hôm sau gió tạnh mây quang, đúng lúc máy bơm nước được sửa xong, và cuối cùng đưa chúng tôi qua bờ Thailand an toàn. Trong bốn năm trời ăn chung ngủ chung trong trại tỵ nạn, thỉnh thoảng chúng tôi ôn lại cái đêm mưa bão và nhắc lại chuyện chị Quyên “cho tôi khúc gỗ để lấy cái phao” là chị ấy cười giả lả, mắc cỡ:

– Quỷ sứ! Tụi bây nhớ dai như đỉa à!!

Bảo Huân

Bệnh “tâm thần”

Vừa nhập trại Panatnikhom chưa được một tuần thì chị Quyên đã nhanh chóng tìm được văn phòng “Mental Health” (người tỵ nạn đọc là Man Tai Heo, ám chỉ những ai bị…dở người). Tôi hỏi chị:

– Nơi đó dành cho “các nạn nhân trên đường vượt biển bị cướp bóc, hãm hiếp, hoảng loạn tinh thần, hoặc những ám ảnh khủng khiếp với chế độ cộng sản” nơi quê nhà, chị đến đó khám làm gì?

– Thì chị cũng có những ám ảnh trên biển mà!

– Ủa, tàu mình chỉ bị mưa bão, có chút hãi hùng, nhưng không hề bị những vụ khác…

– Cái đêm thức trắng tát nước trên tàu vẫn làm chị nhớ đến và mất ngủ đó cưng!

– Em tưởng chị mạnh mẽ lắm chớ! Ðứng cả đêm gào thét giữa biển, kêu gọi thanh niên tát nước, ai cũng ói mửa mật xanh mật vàng, mà chị có bị gì đâu nà!

– Thì lúc đó không còn lựa chọn nào khác, chị phải gồng mình, chẳng nghĩ suy gì hết á. Giờ nghĩ lại còn thấy ớn, té xuống biển là tiêu đời. Chị xin thề, không bao giờ đi vượt biên nữa!

Văn phòng này riêng biệt với Hospital của trại, do một bác sỹ thần kinh người Pháp, Dr. Hiegel phụ trách cùng với vài nhân viên Việt Nam. Cửa văn phòng luôn khép kín, hai cửa sổ luôn kéo rèm che, để bảo đảm sự riêng tư bệnh lý của bệnh nhân. Bệnh nhân phải uống thuốc ngay tại chỗ, nếu bệnh nhân không đến được thì sẽ có nhân viên mang thuốc đến tận nhà. Nàng Quyên hơi “nhõng nhẽo”, than nhức đầu, rồi nằm ở nhà. Người mang thuốc đến hàng ngày là anh Trinh, là người lanh lợi, vui vẻ, khéo ăn khéo nói. Khi anh đến, anh yêu cầu cả nhóm vẫn ở trong nhà, phụ anh ấy “tâm tình” với nàng Quyên, rồi chứng kiến anh ấy cho nàng uống thuốc.

Xem thêm:   Một đời lan

Mấy “bà tám” chung lô nhà thuở ấy mỗi khi thấy anh Trinh đeo túi thuốc đến nhà, được chúng tôi niềm nở chào đón, rồi kéo nhau chui vào nhà, đóng cửa kín mít, một con kiến cũng không lọt qua được, bí bí mật mật như chuyện “mờ ám”. Mấy bà tám tò mò lắm, nhưng chỉ biết nhìn nhau bàn tán:

– Cô nào trong bốn cô đó bị “tâm thần” vậy cà?!

Nhưng đâu dễ cạy miệng được chúng tôi. Thời gian sau đó, chứng kiến những chiều mưa chúng tôi nằm nghêu ngao hát đủ các loại nhạc, hoặc một buổi đẹp trời nổi hứng đi chụp hình, hoặc nửa đêm khuya vắng kéo nhau đi lang thang trong trại không ngủ được vì nhớ nhà, nhớ quê hương, các bà tự động kết luận, như đinh đóng cột rằng:

– Cả bốn cô ấy đều…không bình thường, thì phải?!

Ðiều không ai ngờ là chị Quyên và anh Trinh yêu nhau. Chúng tôi tự hỏi, lần nào mang thuốc đến cũng có đủ mặt cả nhóm, vậy họ yêu nhau khi nào, lúc nào, chả lẽ trong thuốc có… bùa mê?!

Yêu hay không yêu

Khi họ chính thức công khai yêu nhau thì chị Quyên cũng kết thúc chương trình chữa bệnh với văn phòng Mental Health (hoá ra thuốc…tình yêu hiệu nghiệm hơn!)

Ngày nào anh cũng “đóng đô” nhà chúng tôi, có khi còn được mời ăn cơm chung, rồi ngồi tâm tình với chị ấy cho đến giới nghiêm mới ra về. Nhưng có điều, cứ vài ba bữa lại thấy chị khóc, vì anh nóng tính, hay la mắng chị, và nhất là rất gia trưởng. Ðỉnh điểm là một ngày kia, anh nhờ chúng tôi nấu ăn làm giỗ cho ba anh. Bốn đứa cặm cụi nấu nướng, đến trưa anh ghé qua kiểm tra, có một món không vừa ý, anh ấy giận quá, bèn quay qua mắng chị Quyên, chị cúi đầu nước mắt rưng rưng. Tôi bực lắm, nếu đó không phải là buổi giỗ, không phải đến giờ khách đến đọc kinh, tôi dám… nổi cơn điên lắm á!

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Ðêm đó, bốn đứa nằm ngủ, chúng tôi xúm vào góp ý, tôi mạnh miệng nhất:

– Chẳng hiểu sao chị chưa bỏ anh ấy?! Em hả, em không đời nào lấy một người nóng nảy, gia trưởng như thế!

Góp ý vậy thôi, chớ chúng tôi đâu có quyền gì. Anh chị vẫn quen nhau, anh vẫn đến chơi nhà chúng tôi, vẫn được mời cơm, vẫn ra về khi còi giới nghiêm nổi lên, và dĩ nhiên, vẫn… la mắng chị ấy, (có khi còn la… nhiều hơn!)

Khoảng hơn một năm sau đó, trong một bữa cơm bốn đứa, chị cho biết, anh chị đã lo đầy đủ giấy tờ từ Việt Nam gửi qua, đã đem trình cho Cha xứ trại tỵ nạn, và sẽ có đám cưới tại trại do Cha Hậu và Cha Pierre đồng tế Thánh Lễ Hôn Phối.

Chúng tôi lại xúm vào chúc mừng chị, và tôi vẫn… mạnh miệng nhất đám:

– Chị nè, mặc dù anh ấy tính tình nóng nảy, nhưng bù lại chị biết nhường nhịn, anh ấy tuy có gia trưởng, nhưng căn bản là người tốt. Anh ấy còn biết xông xáo, năng động làm việc cho cộng đồng trại tỵ nạn, cũng đáng cho chị…nâng khăn sửa túi và gửi gắm cả cuộc đời.

Nghe tới đó, chị bỗng phì cười, “giăng” cả cơm ra ngoài, rồi nhìn tôi cười sặc sụa:

– Mày tưởng tao quên những gì mày đã từng nói về anh ấy hay sao, con nỡm?

Tôi cũng đang nhai miếng canh bí đỏ, suýt nữa cũng văng ra ngoài mâm. Tôi chu mỏ, liếc chị, và xài lại câu nói chị đã từng nói với tôi trong vụ “đưa miếng gỗ lấy cái phao”:

– Quỷ sứ! Nhớ dai như đỉa à!!

KL

Edmonton Tháng4 Đen 2022