Trong ký ức của tôi, hàng đường bát ở chợ Tam Giác Đà Nẵng vẫn luôn là một vùng kỷ niệm khó quên. Khoảng cuối thập niên 70, chợ Tam Giác Đà Nẵng một thời phồn thịnh với những chuyến hàng đậu đường từ Ga Đà Nẵng ra các tỉnh thành phía Bắc. Tên là chợ Tam Giác, đơn giản vì chợ nằm trên một rẻo đất hình tam giác. Một mặt là đường Ông ích Khiêm, một mặt đường Nguyễn Hoàng và tựa lưng vào một dãy bờ tường của Ga Đà Nẵng.

Hình ảnh chợ Tam Giác ĐN 

Chị là chị gái của đứa bạn thời Nữ trung học Hồng Ðức ÐN. Sau 1975 thì hai đứa chung cái trường đời: Chợ Tam Giác.

Chị có làn da ngăm ngăm, vóc người vừa phải. Ðôi mắt đen thẫm với nụ cười chúm chím, rất duyên. Chị luôn luôn mặc quần đen và áo bà ba màu sẫm. Tuy ít nói nhưng chị khá vui tánh, kiểu nghịch ngầm. Trong chợ mọi người đều gọi chị là: Chị Ba.

Chị Ba có gian hàng lớn đầu dãy. Chị là người có uy tín, tràn đầy kinh nghiệm. Bàn tay chị khi cầm cặp đường bát nhắp vào nhau nghe lộp cộp là chị biết đó là loại đường gì; nhìn bát đường từ cái khuôn bát chị biết ngay được nấu ở lò đường Tuý Loan hay Quế Sơn, Bà Rén, Ái Nghĩa. Có thể nói chị là Sư tỷ của ngành đường bát ở chợ Tam Giác Ðà Nẵng thời đó.

Không những thế, chị lại là người buôn bán rất tình nghĩa. Không chèn ép bạn hàng, không nói lớn tiếng, huống chi là gây gổ. Thời đó hàng đường bát ở chợ Tam Giác đa số người bán hàng là vợ các quân nhân chế độ trước. Hoàn cảnh giống nhau, chồng vào trại tù cải tạo, các bà các chị phải vừa buôn bán chăm con vừa lo tiếp tế cho chồng chờ ngày sum họp, những phụ nữ mới ra lăn lộn giữa chợ đời chẳng tí kinh nghiệm; chị không vì thế mà “ma cũ ăn hiếp ma mới”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Lúc xưa tôi cũng hay thắc mắc, nhan sắc và tài giỏi như chị, sao không thấy có … anh Ba? Thỉnh thoảng nghe một vài xì xào: chị có người yêu đi lính Cộng Hoà và đã mất tích trong chiến tranh, chị từ đó khép kín trái tim, không rung động với bất cứ chàng trai nào. Cái tin thêu dệt không kiểm chứng này khiến hình ảnh chị Ba thêm huyền thoại.

Chính thức, tôi được  biết là chị có một dưỡng tử, hồi đó chừng hơn 10 tuổi; chị gọi là Thằng Tí. Không biết sao, nhìn Tí rất giống chị, từ nước da ngăm và giống cả cái mũi thanh, đôi mắt đen sáng. Tí ngoan ngoãn lễ phép, biết vâng lời mẹ.

Chị Ba có thể nói là người chủ hàng uy tín nhất ở khu chợ này. Tất cả bạn hàng từ Huế vào đóng hàng đều “dính” vào gian hàng của chị trước tiên. Chỉ trừ khi hàng của chị không đủ cho nhu cầu của khách thì họ mới liếc mắt đến các gian hàng khác. Buôn bán khá giả, chị cho khách mua nợ, chở ra Huế bán xong đem vốn vào trả, mua lớp khác ra. Người bán người mua nương tựa nhau mà sống, kéo dài từ mùa nắng qua mùa mưa. Miền Trung bão lụt liên tục, tàu lửa ì à ì ạch… có khi trật đường ray, có khi tai nạn… chị sẵn sàng cho nợ gối đầu.

Xem thêm:   Một đời lan

Một chị bạn hàng lớn là chị Tiềm, vợ một thiếu tá ngày xưa đã có lần nói với tôi: “Tụi tôi ra đời làm ăn bằng hai bàn tay trắng, buôn bán với chị Ba, chúng tôi chỉ cần đem theo uy tín từ Huế vô là chị Ba nâng đỡ, kiếm cơm nuôi con, nuôi chồng, nuôi ba mạ chồng được.”

Tôi nhớ có một đợt, mưa bão dầm dề, mấy ngày không có chuyến tàu vào Ga Ðà Nẵng. Hàng hóa ứ đọng, mấy chị bạn hàng đề nghị tôi đại diện hàng Ðường đi Huế thu tiền nợ một chuyến. Chị Ba đã nhỏ nhẹ dặn tôi: “Em ra đó là để thu nợ, nhưng thấy hoàn cảnh người ta … khổ quá thì cũng nên nhẹ nhàng. Thời buổi, ai cũng khổ! Mình không nên dồn người ta vào bước đường cùng, nghe em”.

Câu nói của chị khiến tôi rất mủi lòng. Và quả thật, tôi đã đi ra Huế, lặn lội về những chợ nhỏ: Thừa Lưu, Hương Thủy, Truồi … thấy cảnh khổ của hầu hết bạn hàng; nghe có người ở chợ Tam Giác ra kiếm … nhiều người tất tả đội nón phất phơ đi trốn. Tôi ngậm ngùi, im lặng về tay không, tốn tiền xe… nhưng tôi không buồn mà đã ghi vào lòng một bài học tế nhị, nhân đạo từ lời dặn của chị Ba.

Đường bát Quảng Nam

-oOo-

Tôi rời quê hương không bao lâu thì khu chợ Tam Giác bị giải tỏa; hàng đường đậu bị xóa sổ, các chị bán hàng nơi đó chuyển sang nhiều ngành nghề khác.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Gần đây tôi liên lạc được lại với bạn Ngọc, Tôi hỏi thăm và biết chị cũng lãng nhiều, đó là điều không tránh khỏi. Tôi vẫn mong có dịp về Ðà Nẵng; ghé vào xóm nhỏ ở kiệt Nguyễn Duy Hiệu thăm chị một lần. Dù tôi biết, sau rất nhiều năm không liên lạc, và với tâm trí lãng đãng khói sương của một người phụ nữ gần 90, chị Ba sẽ không nhận ra tôi là ai nhưng cảm giác trong tôi khi nghĩ về chị lúc nào cũng ấm áp, nhẹ nhàng và nghiêm túc như tính cách của chị.

Không kịp nữa rồi. Sáng nay Thu Hạnh nhắn tin: Chị Ba mất cách đây mấy giờ nghe AT. Tôi nghe mà hụt hẫng.

Chị hưởng thọ 89.

Người như chị, sống nhẹ nhàng và ra đi thanh thản. Chị mang  về thế giới kia hình ảnh tiêu biểu của những người mẹ, người chị Việt Nam nhân hậu, chịu thương chịu khó, tấm gương và bài học về tình người trong thời khốn khổ, sau chiến tranh. Chị và tôi không bà con máu mủ ruột rà gì, chỉ là người dưng, nhưng… cuộc đời còn ý nghĩa biết bao khi đâu đó có những người dưng vẫn mãi mãi ngự trị trong trái tim chúng ta; khiến chúng ta ấm lòng khi nhắc đến.

Ngủ yên nhé chị Ba của Hàng Ðường Bát chợ Tam Giác Ðà Nẵng.

Nhớ chị vô cùng!

AT

Atlanta ngày 5/2/23