Tôi sinh ra ở một vùng quê bắt đầu của miền Trung, lại gần giáp với Đông Nam bộ, nên địa phương thổ nhưỡng cũng gần như lai tạp được mỗi vùng một chút, mỗi bên thể hiện một ít đặc trưng của mình. Vùng tôi ở vừa gần biển, vừa không quá xa núi, vừa có quốc lộ 1 chạy qua, lại cũng gần đường xe lửa; vừa có ruộng đồng xanh ngút mắt bên này đường, lại có động cát thoai thoải ở phía bên kia sông. Món ăn, phong vị ẩm thực cũng vậy, vừa như có vẻ thiếu thốn không có gì đặc biệt, nhưng cũng vừa có những món mà mới nghe tên phần nhiều người còn ngơ ngác. Ví như món canh chua nấu cá nục với lá me non dưới đây.

Mỗi dịp hè, dân biển quê tôi hay đưa lên chợ cá nục, loại cá vào mùa rộ, dễ đánh bắt được ở dọc vùng biển miền Trung này. Cá nục trắng bạc, béo, thơm thịt, mắt tươi trong, thịt căng tròn, phù hợp cho nhiều món ăn, lại cực dễ chế biến: chiên, kho, hấp… đều được cả. Mỗi khi đi chợ mua được cá nục tươi, mẹ tôi lại kêu hai anh em ra sau vườn kiếm lá me non hái vô nấu canh.

Quê tôi ở cây me mọc khá nhiều. Mảnh đất bắt đầu miền Trung nhiều nắng gió, cằn cỗi, cũng ít bóng cây xanh, nhưng bù lại những loài cây cứng cáp, có rễ cắm sâu như cây me lại hiên ngang sinh tồn khỏe khoắn. Bên cạnh những gốc me lớn sừng sững mà vòng tay tôi ngày đó ôm cũng không xuể, chuyên cung cấp trái cho các bà, các chị thu gom gọt vỏ, tách hạt ra để bán thì những hàng rào me nho nhỏ tươi xanh cao ngang tầm người cũng nhiều vô kể. Ðây chính là nơi anh em chúng tôi “hành nghề” theo yêu cầu của mẹ. Sau những cơn mưa nhẹ đầu hè, cũng là lúc hàng me thay lá để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới. Màu xanh non mơn mởn của lá me phủ khắp hai bên hàng rào, chồm cả ra đường. Mưa vừa dứt hạt, nền đất hãy còn ẩm ướt, nước mưa còn vương vãi những giọt tròn tròn trên lá, anh em tôi đã xách cái rổ vòng quanh hàng rào để tìm ngắt những đọt lá me non. Hai đứa chỉ chăm chú tìm ngắt những phần lá non, mẹ dặn không tham ngắt sâu vô phần cọng già, ăn sẽ xơ, chát miệng, không ngon. Chỉ chốc lát mà đã gần đầy rổ, anh em hí hửng đem về rửa sạch, để ráo, góp vào phần nguyên liệu chuẩn bị cho nồi canh cá nục lá me non của mẹ.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Rổ lá me ráo nước thì phần làm sạch cá của mẹ cũng vừa xong. Mẹ bắt tay vào bước đầu của việc nấu nướng: đun sôi nồi nước chuẩn bị làm canh. Củ hành đã bỏ rễ, rửa sạch, cắt lá riêng, được thằng em tôi hì hụi giã nhuyễn cùng với miếng ớt đỏ. Mẹ hay nói: độ cay của ớt trong món ăn sẽ kích thích vị giác, giúp ngon miệng hơn. Tuy nhiên, cũng đôi lúc vì chiều em tôi không thể ăn cay được, mẹ cũng chỉ kêu giã đúng một khúc ớt đủ cho nước có màu hơi đo đỏ, hoặc mẹ cũng chỉ cắt vài lát ớt cho vào nồi sau khi canh chín sẽ đỡ được vị cay hơn.

Nước sôi, mẹ bỏ hỗn hợp hành ớt ở trên vào nồi khuấy nhuyễn. Ðến khi nước sôi bùng lên, mới thả cá nục vào nấu cho bớt vị tanh và để chín cá hẳn. Mẹ đảo nhẹ nồi nước, châm vào đó chút đường, muối, nước mắm, nêm lại cho nồi canh thêm đậm đà. Cá nục thịt mềm, nhanh chín, nên chỉ cần canh thêm một chút thời gian nữa, tránh cá quá mềm, thịt sẽ nát ăn không ngon. Lá me được mẹ bỏ vào gần sau cùng. Ðể lá me ra hết chất chua, mẹ đã cẩn thận vò nhẹ rồi mới thả vào nồi. Dùng vá khuấy nhẹ cho lá me chín đều, không bị quá rục, mất màu xanh non đặc trưng của lá. Ðợi thêm khoảng một phút cho lá me chín, mẹ cắt trực tiếp phần lá hành khi nãy vào nồi canh, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp và múc ra tô lớn.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Tô canh cá nục lá me non mang đến vị chua thanh đạm của lá me quyện cùng với vị ngọt ngọt beo béo của cá nục. Gia vị được nêm nếm vừa ăn, thịt cá mềm, kèm với một chút chua chua trong miệng. Dọn bàn ăn, bao giờ tôi cũng lo thêm phần chén nước mắm sống, xắt ớt sẵn cho ba ăn cay thêm, vì trong nồi canh mẹ đã bớt phần ớt cho hai anh em rồi. Múc con cá nục ra dĩa, gắp một miếng cá chấm vào chén nước mắm ớt. Thịt cá béo lại đã thấm đẫm vị của lá me non, quyện thành vị thơm ngọt đặc biệt mà không món canh nào khác có được.

Tôi lên đại học, vòng vòng qua biết bao nhiêu quán ăn bình dân giữa đất Sài Gòn mà chưa bao giờ gặp lại món canh cá nục lá me non. Mặc dù thành phố cũng có những hàng me xanh ngát, ngoài chợ cũng thường xuyên có cá tươi sống nhưng chắc chưa ai nghĩ đến việc nấu canh với lá me. Canh chua ở vùng đất phương Nam này hầu như chỉ là nấu cá với thơm, cà chua, giá sống, ngổ, hoặc có me thì cũng chỉ là miếng me chín đã tách bỏ hạt, không dùng đến lá me non.

Món canh cá nục lá me non êm đềm vậy, thi vị dân dã vậy mà cũng đủ để làm những đứa con miền Trung xa quê mãi xao xuyến, nhớ nhung. Một ông anh đồng hương hiện sinh sống, làm việc trong Sài Gòn đã giật mình thảng thốt, ghi lại trong bài thơ từ năm 2007:

Xem thêm:   Cục sắt 2,000 năm

“Em có nhìn lên phía động Son

rẫy dưa xưa cũ mất hay còn?

mười hai mùa nắng anh xa biển

thèm canh cá nục lá me non!!!”

(Nguyễn Lam Ðiền)

Ðứa con xa quê “ngồi đếm mùa nhung nhớ”, đếm được tới mười hai mùa xa xứ, đọng lại trong đầu vẫn là cảm giác thèm canh cá nục lá me non.

Da diết!

NTB

(Nguồn ảnh: Đinh Thị Phương Thảo)