Căn nhà của mẹ lúc nào cũng thơm mùi đồ ăn. Mùa nào thức ấy, mà đồ ăn nào phải mỹ vị cao lương, chỉ toàn là những món bình dị, dân dã hàng ngày. Nào cá rô chiên giòn ăn kèm rau luộc, nào bát canh cua đồng mát ruột những bữa trưa Hè.

Căn nhà của mẹ là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm. Những tấm hình, những cuốn sách cũ được sưu tầm, những lá thư được nhận đã từ lâu lắm.

Căn nhà của mẹ, nơi những lần con hỏng thi, mất việc, chạy ào lên gác, đóng cửa phòng, vùi mặt vào gối khóc thầm. Ðể rồi một lúc sau, bước chân mẹ khẽ khẽ đi lên, nhẹ gõ cửa, mẹ mang vào một món đồ ăn vặt. Nét mặt vẫn bình thản trước đôi mắt sưng mọng của con. “Ăn đi con, thua keo này, ta bày keo khác, lo gì”.

Căn nhà của mẹ, nơi chị em ngồi xuống làm hòa sau những lần xích mích, cãi cọ vì những bất đồng. Bên chiếc bàn cũ, mẹ chẳng khuyên răn, can dự  vào việc đứa đúng, đứa sai. Mẹ chỉ bắt đầu bằng những kỷ niệm buồn, vui đáng nhớ khi lũ con còn thơ dại. Ðể rồi một lúc sau, căn nhà lại rộn lên tiếng cười.

Căn nhà của mẹ là nơi lưu truyền những tin tức trong họ hàng. Bà này đang bệnh, ông nọ mới cất nhà. Cô kia mới lấy chồng, dì nọ mới sinh con. Bao giờ thì giỗ Tổ, ngày nào dời mộ các cụ… Ðể con cái dù có bận rộn  vẫn có một sợi dây kết nối vô hình dù rất nhỏ với họ hàng.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Trải qua bao mưa nắng, căn nhà của mẹ cũng trở nên cũ kỹ, rêu phong. Dấu vết của năm tháng in hằn lên từng bức tường, viên gạch. Nhưng căn nhà vẫn là nơi ấm áp, bình yên nhất mà con muốn trở về nương náu trước những giông bão của cuộc đời.

Một mùa Xuân nữa lại về. Ngồi trong căn nhà khác xa lơ xa lắc, cách căn nhà của mẹ nửa vòng trái đất, con lại ao ước được trở về căn nhà của mẹ, nơi có bánh chưng, dưa nén, có mùi hương trầm thơm ngát vào những sáng sớm mùa Xuân.

Bảo Huân

MM