Trời sanh ra em bốn cẳng hẳn hòi nhưng cuộc đời khó hiểu này bắt em đi bằng hai cẳng xong gọi em là bồ nhí. Thế gian có bao nhiêu con vật mắt trong, lông mềm, tiếng kêu nhỏ nhẻ, có con còn im ru bà rù, chẳng bao giờ lên tiếng mè nheo hoạnh họe chuyện gì như con thỏ chẳng hạn, thế mà chả ai nói: “Cha nội đó có thỏ!”, chỉ nghe “Cha nội đó có mèo!” Giải thích: “Vì mèo có vụ cạ cạ làm nũng mà mấy cô bồ nhí rất giỏi, thỏ không biết ẹo, cũng không biết cạ”.

Cái số em nó lạ lắm cơ, vừa nữ tính và bị cho là sử dụng nữ tính bất hợp pháp, nguy hiểm không thua gì bà chị họ hồ ly tinh lại vừa nam tính đến độ được phong là tiểu hổ, tức em họ Ông Ba Mươi.

Bồ nhí được yêu dấu hay quen lớn với chúa tể sơn lâm khiến thiên hạ phải nể mặt thì em đều bị bắt phải gánh cả thùng tội lỗi nhân gian. Những tội thường bị người Việt bêu riếu nhất gồm có:

  1. Mèo vẫn hoàn mèo, tức tội đánh chết cái nết không chừa. Ơ hay, con nào lại chẳng «hoàn» con nấy nhỉ, cớ sao chỉ có em bị điểm mặt? Em nghi con người bị em ám ảnh!
  2. Mèo khen mèo dài đuôi, tức tội «tự sướng». Tự sướng đây không phải Selfie mà tự sướng cái tôi to to là. Cái tôi ấy là cái đuôi trời sinh ra không con mèo nào không có, chỉ khác nhau độ ngắn dài, to nhỏ. Nó thích được mơn trớn bằng lời ngon lẽ ngọt. Chờ lâu hổng thấy ai vuốt thì nó tự vuốt lấy, đỡ ghiền.
  3. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, tức tội… tưởng bở. Khẩu khí ở đây cao ngất mà là khí sân hận, khí hăm he, khí… hãy đợi đấy.
  4. Mèo già hóa cáo, tức tội… khôn. Khôn đương nhiên có tội. Tội này đáng ghét đến độ bị ghép luôn vào với cáo, vốn là loài vật có tiếng gian xảo. Câu này tuy thừa nhận sự dày dặn, từng trải của mèo già nhưng mùi sân hận không thua «Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào».
  5. Mèo mù vớ cá rán, tức tội… hên. Hên cũng có tội. Thấy ghét đến độ bị dán luôn cho hình ảnh mèo mù tật nguyền.
  6. Ăn như mèo, tức tội ăn ít. Thời buổi lạm phát, ăn ít phải được trân quý mới phải. Huống chi, những căn bệnh thời đại như béo phì, tiểu đường, tim mạch … đều không khuyến khích ăn nhiều. Em đề nghị khi dùng câu này, người thời nay nên nói bằng giọng trìu mến, khen ngợi chứ đừng nhiếc móc như vẫn.
  7. Giấu như mèo giấu cứt, tức tội…giấu. Sự bực bội của người bị giấu điều người ấy muốn biết lên cao đến độ quên luôn ngôn ngữ lịch sự. Lạ thiệt, em thấy kín đáo là một đức tính, cớ chi thiên hạ phải hằn học dữ vậy hè? Chẳng phải người Mỹ thường nhắc nhở:«Curiosity killed the cat» đấy sao?
  8. Lèo nhèo như mèo vật đụn rơm, tức tội mè nheo. Câu này, hồi nhỏ nghe hoài, mỗi khi níu áo má xin tiền. Lớn lên, sếp thay má mắng em mỗi khi em ca bài con cá, than thở vật giá tăng mà lương hổng tăng.
  9. Mèo vào nhà thì khó (chó vào nhà thì sang), tức tội xúi quẩy. Ðời em hay dính líu đến con cún. Mấy tội đồng lõa như «Cứ như chó với mèo» (tội mất đoàn kết), «It’s raining cats and dogs» (tội… mưa lớn) không nói làm chi. Riêng cái tội xúi quẩy «Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang» này nó khiến em tủi thân muốn khóc. Câu thành ngữ đúc kết từ kinh nghiệm dân gian nào chẳng ai rõ, chỉ biết nó làm em hết sức khổ thân. Nhiều bữa chưa tỉnh ngủ, loạng choạng đi lộn qua sân nhà hàng xóm, em bị ăn chổi chà chạy trối chết. Con chó mộng du thì lại được vẫy vào, thưởng cho cục xương!
  10. (Chửi chó) mắng mèo, tức tội…chửi. Ai có nhu cầu chửi mà hổng dám chửi thẳng vô mặt người bị chửi, thì đã có bạn cún cùng em đây. Chưa hết, bác nào đang muốn hành hung ai mà ngán bị đấm lại thì cứ thượng cẳng chân «Ðá mèo quèo chó».
  11. Mèo chê mỡ, tức tội… chảnh. Bây giờ trong nước, người ta ưa nói «chảnh…chó». Ðấy, lại dính chó! Hóa ra chó cũng chảnh.
  12. (Chó treo) mèo đậy, tức tội trộm cắp. Bản tính Trời ban em thích mỡ mà lị. Bởi vậy mới có những câu «Như mèo thấy mỡ», «Mỡ treo miệng mèo», «Mèo chê mỡ!». Em mê mỡ và có người mê em lẫn mỡ nên mới… mèo mỡ?/… Người Việt nào chẳng biết «bản lai diện mục» này của em, vậy có mỡ thì phải lo đậy điệm thôi.
  13. Mèo mả gà đồng, tức tội lăng loàn rẻ tiền. Tội này thuộc loại tội đúp, đã lăng loàn còn rẻ tiền. Lăng loàn hạng sang không hiểu sao thành ngữ không đụng đến. Dù sao đi nữa, em thấy gánh đời cũng đỡ nặng vì có con gà đồng nó gánh cùng.
  14. Tiu nghỉu như mèo cắt tai, tức tội… trầm cảm. Câu này nghe là lạ. Không biết tai mèo có gì đại bổ mà phải đem đi cắt? Bị cắt tai đau thấu trời xanh, ngất xỉu luôn chứ tiu nghỉu gì! Bác nào chế ra câu này thừa ý ác nhưng thiếu khả năng so sánh, lại không biết làm thơ. Ðọc nguyên câu chẳng thấy chỗ nào ăn vần với chỗ nào!
  15. Buộc cổ mèo, treo cổ chó, tức tội bủn xỉn. Câu «Thắt lưng buộc bụng» diễn tả sự hà tiện hay ra phết nhưng nhiều người chưa bằng lòng, nhất định cứ phải lôi chó mèo ra hành hạ cho hả hê. Hơn thế nữa, họ chẳng chỉ dừng lại ở ý và lời mà đem chúng em ra treo thật và buộc ra trò. Nhưng treo, buộc không phải vì hà tiện, không muốn cho chúng em ăn mà vì họ muốn… ăn chúng em.
Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Người Việt ưa than: «Cái số con rệp!». Em thì em thấy con rệp có khổ sở  gì đâu so với em. Quý độc giả đọc bài xong xin nghĩ lại, chịu khó cải tổ thành ngữ, ca dao, tục ngữ, đem con khác ra thay em để em được phục hồi danh dự. Còn không thì khi muốn than thân trách phận, nên nói: «Cái số con mèo!» mới đúng.

Lèo nhèo vậy thôi, em biết không phải mèo nào cũng khổ như mão nào. Thành ngữ dính dáng đến em trong các ngôn ngữ khác cũng nhiều nhưng hình ảnh em không đến nỗi xấu xa lẫn xấu xí như trong tiếng Việt. Cơ mà hình ảnh thì có là gì so với thân phận.

Thân làm mèo Tây mèo Mỹ dù sao vẫn tốt số hơn mèo Ta. Mới đây, ở Pháp, có thằng cha quỡn quá hóa rồ, đem em ra vừa tùng xẻo vừa quay phim xong thảy lên mạng Snapchat lấy tiếng. Lấy được là cái chắc, tiếng man rợ. Ðem tiếng ấy vào tù gỡ lịch (mức phạt đề nghị : 5 năm tù và 75 ngàn Euros). Mấy bạn mèo ở Thái Bình, Hải Dương (Bắc Việt) nghe chuyện đều gào lên một tiếng Méo! Bọn tớ mỗi ngày bị lột lông, chặt đầu, mổ bụng, bằm da, lóc thịt hà rầm. Những người Việt «yêu» mèo vận dụng trí óc thông minh và bàn tay khéo léo để biến bọn tớ thành vô số món ăn, từ mèo hấp, mèo xào lăn, nộm mèo đến mèo thui, mèo xáo, mèo xào rau má, tiết canh mèo, lẩu mèo, mèo…giả cầy! Họ kháo nhau xơi miêu nhục bổ dưỡng, nên thuốc, gặp may,… rồi rủ nhau nhồm nhoàm từ sân đình, quán nhậu đến mâm giỗ, cỗ cưới.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Cả lũ mướp, mun, vàng, xiêm, nhị thể, tam thể chúng em vào lồng còn biết làm gì ngoài việc bảo nhau:

Kiếp sau nếu lại làm con mèo

Xin sang xứ khác cho đỡ teo

Mèo Việt, mèo Tàu eo ơi hẻo

Vuốt đây thẻo đấy, chẳng kịp meo.

HQ