Nhờ công cuộc thuộc địa hóa của phương Tây, Việt Nam lần đầu tiên sau hàng ngàn năm đã chính thức được cắt rời khỏi vòng lệ thuộc Trung Hoa trong 70 năm nếu tính từ Hiệp Ước Patenôtre năm 1884. Nhưng, dân tộc Việt bắt đầu phải quay ngược trở lại khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam cướp chính quyền vào năm 1945. Tuy nhiên, thời điểm quyết định nhất trong cuộc lội ngược này là năm 1949 khi Ðảng Cộng Sản thắng Quốc Dân Ðảng tại Trung Hoa. Chiến thắng này đã tạo một cơ hội lịch sử, khác nhau, cho hai lãnh tụ cộng sản hai nước. Với Hồ Chí Minh là mở ra đường sống cho bản thân và đảng của ông ta trong cuộc đối đầu «trứng chọi đá» với người Pháp và lực lượng Quốc Gia Việt Nam. Với Mao Trạch Ðông là cơ hội ngàn vàng cho giấc mộng đế vương thống trị thế giới có thể thực hiện qua một chính quyền đàn em tại phương Nam.

Dưới sự chỉ đạo và viện trợ của Mao, Hồ và đảng của ông ta đã thoát hiểm rồi dựng chính quyền độc tài toàn trị cộng sản, lần lượt trên miền Bắc rồi toàn Việt Nam cho tới cuối thập niên 1980 – khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu suy sụp. Sự sụp đổ này, cùng với «bài học» do Ðặng Tiểu Bình dạy cho Ðảng Cộng Sản Việt Nam vào năm 1979, lẽ ra phải là cơ may cho dân tộc thoát khỏi gông cùm cộng sản cùng bóng đêm Trung Hoa. Song, các hậu duệ-học trò của Hồ lại tự quay lại nộp mình cho Ðảng Cộng Sản Trung Hoa. Năm 1990, bốn mươi năm sau chuyến đi bí mật của Hồ tới Bắc Kinh, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng lén lút sang Thành Ðô gặp lãnh đạo cộng sản Trung Hoa để xin nối lại quan hệ giữa hai đảng.

Từ đó tới nay Ðảng Cộng Sản Trung Hoa đã tiến được những bước dài trong việc thôn tính, khống chế Việt Nam giống như lời than vụng trộm của ông quan cộng sản, cố Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch : «Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Tháng Bảy 2021, Ðảng Cộng sản Trung Hoa rầm rộ kỷ niệm sinh nhật tròn 100 tuổi. Tập Cận Bình, Tổng bí thư Ðảng, kiêm Chủ tịch nước (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) có bài diễn văn đầy cao ngạo, tự đắc dân tộc chủ nghĩa, ngầm đe dọa cả thế giới dân chủ.

Nhân dịp này chúng ta cùng xem một thực trạng của cái Ðảng (quan thầy của Ðảng Cộng Sản Việt Nam) đã ảnh hưởng tới số phận của nước chúng ta trong hơn 70 năm qua.

Hiến Pháp hiện hành của Trung Hoa Cộng Sản (Tàu Cộng) có Ðiều 1 tại Chương 1, theo bản dịch Anh ngữ của Quốc Vụ Viện Tàu Cộng, quy định như sau:

The People’s Republic of China is a socialist state under the people’s democratic dictatorship led by the working class and based on the alliance of workers and peasants.

The socialist system is the basic system of the People’s Republic of China. Disruption of the socialist system by any organization or individual is prohibited.

(Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một Nhà nước xã hội chủ nghĩa độc tài dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo dựa trên nền tảng liên minh giữa công nhân và nông dân.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa là hệ thống nền tảng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Cấm mọi tổ chức, mọi cá nhân xâm hại tới hệ thống xã hội chủ nghĩa.)

Tuy nhiên, theo một thống kê, năm 2019 Ðảng Tàu Cộng có 91.94 triệu đảng viên chiếm 6.6 % dân số, trong đó cả hai thành phần công nhân lẫn nông dân chỉ chiếm 34.8% trong khi thành phần đã trải qua đại học và giới tư thương chiếm tới 50.7%. Sự thay đổi thành phần trong Ðảng trên thực tế ngược hẳn với lý tưởng cộng sản và chống lại Ðiều 1 của Hiến Pháp là kết quả tất yếu của công cuộc chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch nhà nước xã hội chủ nghĩa sang kinh doanh tự do theo xu thế thị trường tư bản chủ nghĩa từ thập niên 1980. Ðể vượt qua di sản thảm kịch của Mao về kinh tế, cũng là để cứu cho quyền lực của Ðảng trước viễn cảnh đen tối, Ðặng Tiểu Bình và các thế hệ tiếp nối đã phải áp dụng mô hình kinh tế theo chủ thuyết tự do (liberalism) của phương Tây-tư bản chủ nghĩa-đã từng bị người cộng sản cho là đối địch, hủ bại. Kể từ đó Ðảng Tàu Cộng liên tục phủ dụ giới trí thức và tầng lớp tư thương – những nguồn lực, động lực không thể bác bỏ khi muốn nền kinh tế tự do tăng trưởng tối đa. Nhưng phải cần tới hơn hai thập niên Ðảng Tàu Cộng mới công khai thừa nhận vai trò của hai giới vừa nói. Tại Ðại hội 16 của Ðảng diễn ra vào tháng Mười Một 2002, Giang Trạch Dân và các lãnh đạo đã nói với công chúng về sự tôn trọng giới doanh nhân tự do cùng hai giới khác là công nhân và trí thức qua cái gọi là “học thuyết ba đại diện”. Thông điệp này có ý nghĩa Ðảng quyết định mở rộng cửa cho giới tư thương vào Ðảng, đi cùng với đội ngũ cầm quyền độc tài (dân chủ nhân dân).

Xem thêm:   Bánh ít lá gai

Tuy nhiên, trên lĩnh vực kinh tế, Ðảng Tàu Cộng vẫn cố kiểm soát nền kinh tế bằng cách duy trì một trọng lượng ảnh hưởng bằng mọi giá cho khối doanh nghiệp nhà nước (chiếm khoảng 30% tổng sản lượng kinh tế). Riêng về chính trị, Ðảng Tàu Cộng luôn nhất quán duy trì kiểm soát toàn trị lên toàn xã hội. Cương lĩnh sửa đổi của Ðảng năm 2017, dưới thời Tập Cận Bình, nhấn mạnh: «Tất cả đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, dù đó là tổ chức của Ðảng, là chính quyền, là quân đội, là xã hội dân sự, trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục ở tất cả mọi nơi.» («Tout doit être placé sous la direction du Parti, que ce soit les organisations du Parti, le gouvernement, l’armée, la société civile, les secteurs culturel et éducatif, et où que l’on se trouve»; «The Party exercise overall leadership over all areas of endeavor in every part of the country» – theo các bản dịch của Tân Hoa Xã). Cũng dưới thời Tập Cận Bình, sự thâm nhập và kiểm soát của Ðảng tiếp tục tăng cường vào khu vực tư nhân nội địa, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và các xí nghiệp, tổ chức Tàu Cộng đầu tư ra nước ngoài. Theo Neil Thomas, năm 2020, có tới 92% các doanh nghiệp TOP 500 của Tàu Cộng có chi bộ Ðảng. Các chi bộ này có chức năng như cơ quan mật thám nhằm kiểm soát và điều hướng giai tầng trung lưu trở thành nhóm người tuân phục Ðảng.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Song, những biểu hiện khinh bỉ chính quyền gần đây của một vài doanh nhân thành đạt như Jack Ma hay Ren Zhiqiang cho thấy tham vọng của Ðảng Tàu Cộng muốn biến con người tự lập thành nô lệ, dù là nô lệ cao cấp, không hoàn toàn dễ dàng. Lịch sử phát triển của các xã hội dân chủ phương Tây cho thấy giới trung lưu tự lập là một trong những động lực quan trọng trong các biến chuyển xã hội, chính trị theo hướng tự do, dân chủ.

Nếu lấy mốc năm 1978 khi Ðặng Tiểu Bình tuyên bố cải cách thì chỉ chưa tới 30 năm sau khi cầm quyền, Ðảng Tàu Cộng đã phải chấp nhận đa nguyên, tự do trong kinh tế. Nhưng cần bao nhiêu năm để Ðảng Tàu Cộng chấp nhận tự do trong chính trị? Chưa thấy học giả uyên bác nào trả lời được câu hỏi này. Nhưng có một quy luật phổ biến là con người luôn hướng tới tự do, đặc biệt khi người ta được thảnh thơi về mưu sinh và lại được tiếp xúc với các tư tưởng khai phóng như Mạnh Ðức Tư Cưu (Montesquieu), Hưu Mô (Hume), Lư Thoa (Rousseau), Khang Ðức (Kant) hay Kiệt Phi Tốn (Jefferson).

PHS (07/07/2021)