Khi đem công khai trước công chúng những chuyện xấu xa, khuyết điểm, sự giả dối của ai đó (mà đang được che đậy bằng vẻ tốt đẹp bề ngoài) người miền Nam nói là “bóc mẽ,” người miền Bắc gọi là “bóc phốt.” Chữ “mẽ” đồng nghĩa với “mã,” dùng chỉ vẻ tốt đẹp cố ý phô phang ra ngoài, nhưng lại giả tạo. Ai hay khoe, dân gian gọi là “khoe mẽ.” Chữ “phốt” đồng nghĩa với xấu xí, giả dối (thí dụ: bể phốt/ hầm chứa phân.)

Bảo Huân   

Vài năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam nâng tầm ngày Mùng 10 Tháng Ba là ngày giỗ tổ các vua Hùng lên quốc lễ, cho dân nghỉ làm việc dài hạn để “giỗ tổ” thì cũng dấy lên phong trào “bóc mẽ” các ông vua Hùng trong người Việt quốc nội, và “phong trào” được phát triển rầm rộ lan rộng trong giới người gốc Việt hải ngoại nhờ mạng xã hội. Người ta thi nhau vặn vẹo các “ông Hùng” sao sống dai thế, ăn gì mà ông nào cũng sống vài trăm năm? Tại sao người Việt Nam phải thờ cúng “ông Hùng” vì “ông Hùng” bất quá chỉ là tổ người Kinh chớ nào phải tổ của 53 dân tộc còn lại ở Việt Nam? Không được gọi là “vua Hùng” vì các “ông Hùng” chỉ là thủ lĩnh bộ lạc(?), Tại sao phải bắt toàn dân nghỉ việc để dâng hương, giỗ tổ “ông Hùng”? v.v. và v.v. rồi kết luận nên bỏ quách cái gọi là “giỗ tổ Hùng Vương” thì xã hội mới trở nên văn minh(?) Riêng câu hỏi cuối này hoàn toàn trớt quớt kiểu “giận cá chém thớt” bởi vì mọi người được quyền nghỉ ngơi trong những ngày “quốc lễ,” còn có đi “dâng hương” hay không là quyền cá nhân, chẳng có ai bắt buộc. Vấn đề ở đây là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng giỗ tổ để dẫn dắt dư luận, diễn cho công chúng thấy họ cũng là những người biết kính trên nhường dưới, biết thờ phụng tổ tiên, quan tâm quần chúng, chớ không phải vô thần, vô tổ tiên như xưa nay người ta vẫn nói. Nó cũng giống như nhà nước Việt cộng “nắm” giới ca nô nghệ sĩ để mị dân, ai vái lạy “thần tượng,” “idol” cứ vái lạy tự do, ai không vái thì thôi. Và các hoạt động “dâng hương” do nhà nước Việt cộng tổ chức quá phô trương, lãng phí nhưng tràn đầy chất gian dối. (Làm bánh chưng, bánh dày to đùng cúng tổ thì nhét xốp độn bên trong bánh, “đồng chí chủ tịch nước” thì vác cái vòng hoa tròn theo kiểu hoa đám tang đến “dâng hương” tổ, qua loa lấy lệ) làm dân cảm thấy khó chịu, nhưng thay vì phản đối nhà nước Việt cộng thì lại đòi tẩy chay “ông Hùng”(?)

Xem thêm:   Kẻ ngốc

Thực tế từ rất lâu rồi, nền giáo dục VNCH miền Nam hay sau này đều có phân biệt rõ ràng các khái niệm thần thoại, cổ tích, truyền thuyết. Trong ba loại văn học truyền miệng thì cổ tích (chuyện kể dân gian truyền miệng mang nhiều yếu tố thần kỳ, tượng trưng) thần thoại (chuyện kể dân gian về các vị thần hoặc các nhân vật anh hùng đã được thần thánh hoá) không được coi là một phần của lịch sử hình thành dân tộc. Riêng truyền thuyết (chuyện dân gian truyền miệng về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử, thường mang nhiều yếu tố thần kỳ) mới được đưa vô chương trình lịch sử để lý giải với người đời sau nguồn gốc của dân tộc mình từ đâu ra, chớ không có bằng chứng gì cụ thể. Theo một số tài liệu lịch sử thì bộ sách sử đầu tiên của Việt Nam là Ðại Việt Sử Ký do học giả Lê Văn Hưu đời Trần soạn ra, nhưng bộ sách này nay không còn. Như vậy, đòi hỏi sách sử Việt phải có ghi chép cụ thể về các “ông Hùng” là không thực hiện được vì thời các “ông Hùng” lấy đâu ra chữ viết, sách vở ghi chép, cũng chẳng có giáp cốt văn.

Việc tự gán cho tổ tiên dân tộc yếu tố thần thánh cũng không có gì lạ. Trên thế giới, những dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời đều sáng tạo ra những vị thần của họ để lý giải nguồn cội dân tộc. Người Ấn Ðộ có thần Brahma (sinh ra Manu là con người đầu tiên) người Ai Cập có thần Atum (các vua Pharaoh đều xưng là “Con trai của thần Atum”) các nước châu Âu theo văn hóa Hy-La có nữ thần Gaia (Terra) đại diện cho đất nặn ra vạn vật. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng họ là con cháu Thần Nông (có đầu giống đầu bò, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt, đuôi bọ cạp, chân rết) người Nhật Bản tự cho họ là con cháu nữ thần Mặt Trời (Thái Dương Thần Nữ) người Cao Câu Ly (Ðại Hàn, Triều Tiên ngày nay) cho rằng tổ tiên họ là một vị thần trên trời tên Hoàn Hùng giáng trần và con gấu (Hùng Nữ) được Hoàn Hùng cho biến làm người rồi trở thành vợ ông, sinh ra Ðàn Quân, là tổ tiên của người Cao Câu Ly.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

So với truyền thuyết của các dân tộc vừa liệt kê ở trên thì tộc Việt cổ nghĩ ra chuyện ông Sùng Lãm, ông Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, các vua Hùng cũng không có gì lạ. Cứ cho rằng là thời đó các “cụ” chỉ là tộc trưởng, tù trưởng hay bộ lạc trưởng thì có sao đâu. Thời đất rộng người thưa, thuộc hạ cấp dưới có bấy nhiêu người là quý lắm rồi. Chẳng phải đến đời nhà Lý thì lãnh thổ của Ðại Việt chỉ quanh quẩn trong khu vực Bắc bộ hay sao? Ờ, thì các “cụ Hùng” mỗi người sống vài trăm năm cũng có sao đâu. Các dân tộc khác trên thế giới họ cũng cho rằng tổ tiên của họ sống mãi ngàn năm và bây giờ vẫn còn ngồi chễm chệ trên trời, trên đỉnh Olympus mây bay khói tỏa hào quang rực rỡ quanh năm nữa kìa. Ðối với các vị thần thì muốn sống bao lâu cũng được hết, không cần thắc mắc khi mà các vị không quấy rối, không làm hại ai, không báo cô ai phải gồng mình gánh nợ. Ngay bây giờ, có “tủ lạnh,” í lộn, “lãnh tụ” được tuyên truyền “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” nằm ì ra đó báo cô ngân sách quốc gia mỗi năm tốn 284 tỷ 30 triệu đồng Hồ tệ, tương đương 12 triệu 349 ngàn Mỹ kim. (Số liệu từ Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội cộng sản Việt Nam.) Số tiền chi này tôi không biết đã tính luôn tiền mướn chuyên gia Nga qua Việt Nam “làm thuốc” (chữ dùng trong văn bản của nhà nước Việt cộng) ngâm hóa chất, bảo quản xác hay chưa. Cứ vậy mà nhân lên thì mấy chục năm dân Việt phải bỏ ra số tiền không nhỏ cho cái sự “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” quá tốn kém, nhưng chẳng thấy có được bao nhiêu người Việt quốc nội “bóc mẽ” nhân vật bị cho “sống mãi” này như hiện nay họ đang hùng hồn “bóc mẽ” các “ông Hùng.”

Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại buổi lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Khác với sự ồn ào, dư luận đả kích ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương ở quốc nội, người Việt quận Cam trầm lắng, như mọi khi, không quan tâm những trò diễn nhí nhố của nhà cầm quyền Việt cộng trước đền Hùng ở Phú Thọ, cũng không quan tâm đến “biển người” càng ngày càng mê tín dị đoan trước các đền chùa miếu mạo miền Bắc Việt Nam. Ðồng hương ở đây tổ chức các buổi dâng hương lên quốc tổ theo nhóm, theo đoàn, hội, một cách yên tĩnh và kín đáo nhưng không kém phần trang trọng, nhằm giúp cho các thế hệ sau không quên cội nguồn dân tộc. Tình hình dịch bệnh cũng làm nhiều đồng hương e ngại tụ tập đến chỗ đông người trong không gian kín. Năm nay, tôi không nghe Ban quản trị đền thờ Ðức Thánh Trần (đại lộ Bolsa) nhắc gì đến ngày tưởng niệm Quốc tổ Hùng Vương. Ðồng hương quận Cam cũng cầu nguyện tổ tiên 18 vua Hùng giữ gìn cho dân tộc Việt Nam được hạnh phúc, trường tồn.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

TPT