Do nhận công việc layout sách nên tôi được biết truyện dài BIỂN LỤA của nhà văn Hoàng Thị Bích Ti. Tác phẩm này in lần đầu năm 2007 bởi nhà xuất bản Văn Mới, California, nhưng tôi lại không có duyên biết đến. Và thật bất ngờ, tôi đã bị lôi cuốn theo dòng truyện, thế là một công hai việc, tôi thưởng thức trọn vẹn truyện dài “Biển Lụa.”

Ba nước ở Ðông Dương là Việt Nam, Lào, Cam Bốt sau khi làm thuộc địa của Pháp, đều trải qua sự cai trị của chủ nghĩa cộng sản. Chấm dứt chiến tranh, thân phận nữ giới của ba nước này là một “đại bi kịch”. Mãnh lực đồng tiền không những mua được mạng con người, còn hấp dẫn quyến rũ những cô gái nghèo nhẹ dạ, ham tiền, sẵn sàng đánh đổi thân xác thanh xuân để mong có được một cuộc sống vật chất huy hoàng. Cung cấp cho vở kịch đời những nỗi bi hài vô cùng tận.

Hoàng Thị Bích Ti may mắn đã được cùng gia đình ra đi, thoát khỏi đất nước khi người cộng sản thành công tiến chiếm miền Nam Việt Nam ngay từ những tháng ngày trong năm 1975. Sang Mỹ, cô được học hành đến nơi đến chốn, và còn là một nhà văn. Những thông tin bi thảm về số phận của những con người này đã được Hoàng Thị Bích Ti tạo dựng thành một truyện dài, tuy khiêm tốn về chiều dài câu chuyện. Và chỉ quy chiếu đặc biệt vào nạn buôn người, Mặc dù nhà văn thời văn minh không làm việc “văn tải đạo” như thời xa xưa của Ðông phương, tuy nhiên, những tác phẩm được trao giải văn chương, hầu hết đều dàn trải chứa chan tính nhân bản, là một sắc thái đặc thù của loài người.

“Biển Lụa” là truyện khiến tôi đọc như vậy. Hoàng Thị Bích Ti với Biển Lụa đã áp dụng một thủ pháp, một lối văn phong tuôn tràn cuồn cuộn như dòng sông phăng phăng phóng mình trong cơn bão táp đang cuồng nộ bất tận, con thuyền bị nó lùa đi vừa căng thẳng vừa bất ngờ trải qua những khúc khuỷu khi dòng nước vượt qua mà không biết sông sẽ đưa thuyền về đâu.

Xem thêm:   Một đời lan

Câu chuyện về cô gái tên Như Ý, cái tên người mẹ đặt và rất hãnh diện khoe với anh chàng Việt kiều tốt bụng đã biếu bà số tiền bù cho gánh bún bò lúc bà vấp té ngã đổ: “Như Ý là tâm Như Ý, là ngọc Như Ý…” Ðể rồi cái tên có dụng ý của tác giả hóa ra mai mỉa cuộc đời cô gái này, bởi vì tự cô đã chọn cho mình một “định mệnh” khi cha mẹ cô rơi vào cảnh nghèo khổ cạn kiệt. Từ đây, cuộc đời cô trở thành cô gái giang hồ, nói trắng trợn là sẽ trở thành cô gái điếm.

Cô đã phải trả giá mấy tháng trường vợ cho lão già cụt đôi chân là cha của gã đánh cá Ðài Loan. Nhưng rồi bà vợ hung dữ của hắn một hôm đồng ý cho một âm mưu chiếm đoạt bất chính.

Xin ghi lại vài đoạn thủ pháp của nhà văn diễn tả cảnh ngộ này, để thấy tài năng văn bút:

“Trăng. Trăng rằm. Trăng đổ những tia sáng vàng lênh láng xuống dòng sông. Nước lấp loáng. Người đàn ông ở cuối khoang thuyền đang múc những gàu trăng xối xuống thân thể hắn. Từng vạt nước lấp lánh. Loang loáng. Bóng hắn chập chờn trong ánh sáng. Ðẹp làm sao! … Gió lùa trên thân thể tôi. Người đàn ông nằm lên gió. Người đàn ông nằm lên tôi. Thân hình ướt sũng. Tôi ướt sũng. Cái bóng mát chập chờn ôm quấn lấy tôi. Như con lươn trôi lướt trên mặt bùn ướt. Như nước mát của dòng sông. Tôi rướn lên mời gọi. Mời gọi. Hai cánh tay chơi vơi, ôm quíu cả dòng sông. Hòa mình trong nhịp nước, tôi trôi. Trôi. Trôi. Bềnh bồng ra biển lụa…”

Hoàng Thị Bích Ti

Sau một thời gian do được vợ đồng tình cho hắn tìm mụn con trai với Như Ý cuối cùng cũng đi vào bế tắc. Họ vội vàng bán Như Ý cho bọn buôn người. Cô vui mừng tưởng thoát khỏi cảnh địa ngục, bất chấp sẽ trôi dạt về đâu, và rồi không ngờ từ đây phải bán thân trên xứ người.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Hoàng Thị Bích Ti không nhẫn tâm xô đẩy định mệnh nhân vật Như Ý vào con đường độc đạo bi đát. Xuất hiện bất ngờ một thanh niên Việt kiều từ Mỹ về VN mang theo một số xe lăn hiến tặng cho những người tàn phế mất đôi chân, điển hình như ba của Như Ý. Anh là người bất chợt nhìn thấy một bà quẩy gánh bún bò bán dạo ở Huế, chạy trốn khi công an đến ruồng, bị vấp té đổ tan nồi niêu, đã tốt bụng móc túi lấy trọn số tiền đang có biếu cho bà, mong bù lại gánh bún, giúp cho buổi cơm chiều hôm đó của gia đình này được ăn một bữa dạ yến. Và, cũng thật bất ngờ, một anh chàng thuộc loại “Mã Giám Sinh” người Việt gốc Hoa, tên Wang, đi đến chốn bán hoa, gặp nàng Như Ý, giữ kè kè nàng suốt 2 tuần, cuối cùng chuộc nàng ra khỏi động mãi dâm, mang nàng sang Hoa Kỳ, hưởng thụ được một thời gian sống trên nhung lụa bạc tiền, ngập tràn nhục dục. Tác giả cũng thơ mộng tặng cho Như Ý một chàng họa sĩ tên Khoa, dù chỉ là một anh chàng không đẹp trai. Chàng tỏ lời mơ ước kết hôn với nàng. Nàng âm thầm mua 7 bức tranh của chàng họa sĩ nghèo, chàng khám phá ra nàng là vị Mạnh Thường Quân, cảm thấy bị thương tổn, lánh mặt.

Giống như một định lý “ắt có và đủ”, bất ngờ của đoạn kết sẽ không hài lòng người đọc. Châu thân ngà ngọc của cô gái Như Ý nhiễm HIV. Trên đường về, chiều mờ tối. Một gã ngồi trong xe gọi khi nàng đi ngang, và sau khi kỳ kèo ngã giá 175 đô, nàng đồng ý không chút do dự, nuối tiếc. Câu chuyện đóng lại bằng cái kết mở đầy bi thương. Có thể, nàng muốn trả cho dứt cái nghiệp làm “đĩ thập thành” như nàng từng mỉa mai cuộc đời mình và cũng không có chút thương hại nào đối với kẻ mua dâm.

Xem thêm:   The good Samaritans

Biển Lụa tập trung vào thân phận của những cô gái điếm nên có ngôn ngữ diễn đạt những biểu tượng tính dục hay tình dục và khả dĩ của bộ phận sinh dục. Tác giả đã khéo để chữ nghĩa không mất tính văn chương, không khiêu dâm dù thượng cấp, thản nhiên nói về nó, không tránh né như thế giới văn chương dùng chữ “thanh” diễn về cái “tục.” Tôi tin rằng bạn đọc đứng đắn nhận chân rõ ràng tính văn chương của tác phẩm và cũng là bút pháp tài ba của tác giả.

Ngoài ra, cũng đừng thắc mắc thời gian tính trong truyện. Tác giả cứ tự do bay nhảy từ bối cảnh không gian hay thời gian này sang một không gian khác: từ hiện tại trở về mảng quá khứ nào đó, lại sang một không gian quá khứ khác, về lại một mảng không gian ở hiện tại gần, nhảy đến hiện tại đang là, rồi phóng ngược về một quá khứ thật xa. Thời gian là không khí của câu chuyện, không gian đôi khi lại là thời gian xảy ra những biến cố. Nghĩa là, tác giả không muốn bạn đọc phải bận tâm làm gì đến cái thời gian tính, trôi lăn theo dữ kiện đủ nín thở rồi!

Hai nhận xét trên là phong cách đặc biệt của truyện dài “Biển Lụa”. Thật ra người đọc bị cuốn chìm vào một “Biển lửa” thì đúng hơn. Tôi cảm thấy bị lạc lối chết trân trong một cánh rừng đang bốc cháy, chỗ này cháy, chỗ kia cháy, nhìn chỗ nào cũng cháy, không thấy có hướng để thoát thân, con thú bị vây hãm cất lên tiếng hú bi thương. Nhưng nếu bạn từng đọc truyện Harry Potter, bạn sẽ thấm thía, con phượng hoàng vụt hóa sinh bay lên từ lớp tro của chính ngọn lửa thiêu rụi nó vừa tàn. Ý tôi muốn nói rằng, ngọn lửa của câu chuyện vừa thành đống tro tàn thì vụt bay lên, hiển hiện một phượng hoàng xinh đẹp, một tác giả rực rỡ, đó là Hoàng Thị Bích Ti.

Lgt

(Little Saigon, ngày 16 tháng 11, 2020)

Liên lạc mua sách:

https://m.barnesandnoble.com/w/bien-lua-hoang-thibich-ti/1138411024?ean=9781666206159

Hoangthibichti@gmail.com