Việc làm vườn dạy cho Thư rất nhiều bài học.

Ðầu tiên là bài học của sự kiên nhẫn. Muốn cho hạt nảy mầm, cây con sống sót phải biết đợi cho đến khi đất ẩm, trời ấm, thời tiết thuận lợi mới được gieo. Một cái hạt bé xíu gieo vào đất xong rồi thì Thư lại phải học cách đợi cho nó lớn lên từng chút mỗi ngày, cho đến lúc ra lá, trổ bông. Thư không thể nào mang một cây roi ra vườn mà nạt cái hạt “lớn nhanh lên và trổ bông đi”.

Tiếp theo là bài học về tình yêu thương thực sự. Thiên nhiên đã dạy Thư biết yêu những cánh bướm đẹp xinh thì cũng phải biết thương luôn những con sâu xấu xí. Ðã yêu tiếng chim hót trong vườn thì cũng biết thôi không tức giận và căm ghét lũ chim quậy phá trái ngon.

Rồi Thư học được cách vượt qua thất bại. Một vài hạt gieo không nảy mầm không có nghĩa là Thư không biết trồng giống cây ấy. Một đám rau bị mưa gió chôn vùi không khiến Thư bỏ trống vạt đất, ngừng gieo hạt và thôi mơ về một bó rau xanh mướt, tươi non.

Thư cũng học được cách tha thứ cho lỗi lầm của chính mình. Một cây quý bị chết vì Thư không biết cách nuôi dưỡng, một lần tỉa lộn cành, một lần sơ ý làm hư trong lúc dọn vườn. Những lần như vậy khiến Thư hối hận và bực tức, tự trách mình vô duyên, hậu đậu. Nhưng Thư vẫn sẽ mua cây khác, lại chăm bón, lại gieo hạt và tự nhủ lần này sẽ khác, sẽ tốt hơn.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Và, Thư học được cách chấp nhận. Mảnh vườn đó, tất cả những việc Thư làm đều tốt nhất có thể trong khả năng và sự hiểu biết của Thư. Còn việc cây có trổ bông, kết hoa trái rực rỡ hay chỉ thưa thớt, èo uột, đều không khiến Thư quá kỳ vọng hay thất vọng. Vì, Thư vẫn sẽ vui vẻ ngắm nhìn, thưởng thức thành quả và chờ đợi mùa gieo trồng tiếp theo.

Bảo Huân

MM