Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ nổi tiếng của thời hiện đại được nhiều người yêu mến. Ý Nhi hiện ở trong nước còn Trần Mộng Tú thì đang ở Mỹ. Hai cuộc đời bị lịch sử ngăn cách. Trường hợp này có lẽ chỉ có trong văn học Việt Nam. Nhà phê bình văn học Liễu Trương đã nhìn vào hai cuộc đời đó, tìm ra nét đẹp của hai tâm hồn qua những cảm xúc và suy nghĩ trước thiên nhiên, kỷ niệm, tình yêu, chiến tranh, văn học nghệ thuật… Bài viết của Liễu Trương rất tinh tế và sâu sắc, qua đó ta cảm nhận được vẻ đẹp và khí hậu đặc thù của một thời đang qua và sắp qua. Sau đây chúng tôi xin đăng lại bài viết của Liễu Trương để lưu giữ những chứng tích văn học đặc thù của thời đại chúng ta. NGUYỄN & BẠN HỮU

LIỄU TRƯƠNG

(tiếp theo kỳ trước)

Tình yêu là chủ đề được đưa lên tuyệt đỉnh. Ðịnh mệnh an lành hay khắc nghiệt đều hiện rõ trong tình yêu.

Trong thơ của Ý Nhi, tình yêu được định mệnh an bài, êm đẹp cho những người yêu nhau:

Trong ánh chớp của phận số

Em đã kịp nhìn thấy anh

Trong vòng quay không ngừng nghỉ của phận số

Em đã dừng lại đúng nơi anh

ôi thời khắc huy hoàng.

 

Em đã mơ thấy anh trong đêm

Cho tới buổi mai

Rồi em mơ thấy anh khi em thổi cơm

khi em giặt giũ.

Em mơ thấy anh ngoài phố đông

qua những tán cây quen

qua những gương mặt người xa lạ.

Em mơ thấy anh khi em đọc sách

khi em cười vui

khi em hỏi ai đó một điều gì

trả lời ai đó một điều gì

khi em nói không

khi em nói có.

 

Em chẳng kể cùng ai giấc mơ của mình

bởi có ai mà hiểu thấu, ngoài anh

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

người cũng hoà nhập với cuộc đời này bằng một giấc mơ.

(Ý Nhi, Năm Lời Cho Bài Hát)

Trần Mộng Tú thì không được định mệnh ban cho sự may mắn, chiến tranh là một hung thần đã cướp đoạt hạnh phúc của người phụ nữ đang yêu:

Mùa mưa đang về giữa Sài Gòn

Con đường Tự Do vỡ oà bong bóng

 

Em đi dưới trời mưa

Em nhớ anh

Em khóc

 

Sao anh còn trẻ thế

Sao em còn trẻ thế

Sao tình yêu hai ta còn trẻ thế

Lại lăn vào

Một cuộc chiến già nua…

(Trần Mộng Tú, Buổi Trưa Sài Gòn)

nguồn tranmongtu.blogspot.com

Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam

Bỏ lại trên quê hương

Một mối tình

Một mối tình được gắn huy chương

Huy chương anh dũng bội tinh

Lấp lánh ngôi sao bạc

(Ngôi sao bạc trông xa

Giống như một hạt lệ)

Ôi mối tình của thi sĩ

Ðược gói thân yêu trong Quốc kỳ.

(Trần Mộng Tú, Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam)

Cả hai nhà thơ nữ đều trăn trở, khắc khoải, trước cái chết của con người.

Thơ của Ý Nhi nói nhiều về cái chết, Ý Nhi thấy Xuân Quỳnh trong chiêm bao, Ý Nhi đi viếng mộ Hàn Mặc Tử, thắp nén hương tiễn đưa danh họa Bùi Xuân Phái, rồi tưởng niệm một họa sĩ khác: Tưởng Niệm Họa Sĩ Nguyễn Sáng hoặc sáng tác một bài thơ mang tựa đề: Cái Chết Của Nhà Thơ. Lại có những cái chết bên trời Tây: cái chết của Ðônkisốt (Don Quichotte), cái chết của bác sĩ Zivago.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Khi nói về cái chết của những danh nhân, Ý Nhi lòng đầy khâm phục, kính cẩn, đồng thời giữ một khoảng cách với người đã khuất bóng, như bài thơ sau đây về Hàn Mặc Tử:

Viếng Mộ Hàn Mặc Tử

Bốn mươi năm trước

Hàn Mặc Tử dừng lại

chôn vùi nỗi đau đớn cùng cực của mình

giữa núi và biển.

 

Ai còn đi trên đường đời bốn mươi năm sau ông

còn có thể tuyệt vọng

còn có thể hạnh phúc

còn có thể kiếm tìm

còn có thể xuất hiện với một khuôn mặt mới

ai đem thơ làm trang sức

làm những nấc thang danh vọng.

 

Những câu thơ Hàn Mặc Tử

không có gì để tô vẽ

không biết đến ghẻ lạnh hay vồ vập

bốn mươi năm còn xanh ngời màu lá trúc

qua khuôn mặt người.

 

Giữa núi và biển

ông đã dừng lại

đó là sự lựa chọn của chính ông

hay là sự sắp đặt lạ kỳ của số phận.

(Ý Nhi, Qui Nhơn 1986)

Trong bài thơ khóc danh họa Bùi Xuân Phái sau đây, tác giả vẫn đầy lòng khâm phục, kính cẩn, nhưng khoảng cách giữa người chết và người sống ngắn lại, vì người quá cố là một người mà tác giả thân quen, mến mộ tài năng, câu thơ có giọng bùi ngùi, thương tiếc:

Khóc Bác Bùi Xuân Phái

 

Thưa Bác

cháu thắp nén hương này

xa Hà Nội hàng nghìn cây số

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

và xa bác biết chừng nào.

 

Hà Nội bao thăng trầm

phố Thuốc Bắc cũ xưa

đã ồn ào chợ búa

căn phòng nhỏ đã quá chừng chật chội

bác mãi giữ gìn một Hà Nội thanh cao

góc phố thưa người

ngói nâu buồn lặng lẽ.

 

Ðời bác bao thăng trầm

bao ngặt nghèo, buồn khổ

bác vẫn đem bức tranh mới nhất làm quà

vẫn đón bạn bè với chén rượu trên tay

vẫn nhẹ bước qua những phố mùa đông quạnh vắng.

 

Mùa đông này rồi sẽ quạnh vắng hơn

những phố dài Hà Nội

rồi sẽ chẳng có gì bù đắp nổi

một phần Hà Nội đã ra đi.

 

Thưa bác

từ rất xa

cháu xin thắp nén hương này.       

(Ý Nhi, tháng 7-1988)

Và khi những nhà nghệ sĩ cùng thế hệ đột ngột ra đi, mọi việc vẫn còn dang dở, Ý Nhi ngỡ ngàng, luyến tiếc:

Chưa kịp đọc hết cuốn sách anh gửi tặng

Chưa kịp hiểu hết bức tranh anh vẽ

Chưa kịp nói lời cám ơn

Sao anh lại ra đi  (…)

(Ý Nhi, Tiễn Biệt)

Câu Sao anh lại ra đi  lặp lại nhiều lần trong bài thơ như một điệp khúc là một tra vấn định mệnh.

Trong khi Ý Nhi có bài thơ: Cái Chết Của Nhà Thơ, tiết lộ sự cảm thông nhà thơ chỉ sau khi ông đã khuất bóng, thì Trần Mộng Tú có bài thơ Khi Thi Sĩ Chết, nói về di sản lớn lao người thi sĩ để lại cho đời.

(còn tiếp)