Nhà thơ Võ Chân Cửu, một trong những gương mặt văn nghệ quen thuộc của Cao nguyên Miền Trung vừa qua đời tại Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào một ngày cuối tháng 12-2020, hưởng thọ 68 tuổi. Anh được bạn bè và nhiều độc giả tưởng nhớ. Nhiều người như Viết Hiền, Trần Trung Sáng đã viết về anh với lòng ưu ái.

Võ Chân Cửu tên thật là Văn Hưng, sinh năm 1952 tại thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Võ Chân Cửu đến với văn thơ từ khá sớm. Mới 13 -14 tuổi anh đã làm thơ và khoảng 18 tuổi đã có thơ đăng trên các tạp chí: Văn, Bách Khoa, Thời Tập, Chính Văn, Tư Tưởng, Khởi Hành… Năm 20 tuổi, anh đã trình làng Tinh Sương (Thi Ca – 1972), tập thơ đầu tay; tiếp đó là các tập Ðại Mộng (Nhị Khê – 1973), Trường ca Quảy Ðá Qua Ðồng (Tập san Thi Ca – 1975)…

Trước năm 1975, thơ Võ Chân Cửu đã được yêu thích, anh nổi tiếng trên thi đàn cùng với các bạn thơ: Vũ Hữu Ðịnh, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Bắc Sơn… Một số nhà phê bình văn học từng nhận xét: Trường thơ loạn của Bình Ðịnh để lại dấu ấn độc đáo trong nền thi ca đất Việt, với những tên tuổi: Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan… Và Võ Chân Cửu là người đã tiếp nối được nguồn mạch của trường thơ từ các thi nhân tiền bối, với những câu thơ đầy ám ảnh: “Ngã ba ngã bảy xe đi khuất/Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa/Tiếng ma thiên cổ vong u uất/Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa” (Sài Gòn); Và: “Sớm về phía mây tụ/ Chiều đến nơi mây tan/ Phải nơi này chốn cũ/ Trên mặt đất còn hoang/ Trời rộng đau gió hú/ Ôi hư không tràn lan”. (Vén mây); Hay: “Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi/Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro/Mười năm làng cũ không về/Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu” (Đăm đăm mây trắng)…

Làng cũ của Võ Chân Cửu là thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, nơi chôn nhau, cắt rốn của nhà thơ. Vùng đất này xuất hiện khá nhiều trong thơ Võ Chân Cửu, với những địa danh: Chợ Cách Thử, hòn Ðá Tượng, mả ông Năm… Hãy xem bức tranh quê qua ký ức của Võ Chân Cửu: “Cố hương đèo nối ba truông/Ðồn ma họp chợ bán buôn rộn ràng/Xưa theo chân mẹ về làng/Chỉ nghe gió thổi cát vàng mênh mông/Bây giờ xanh ngắt hư không/Trưa nằm nhắc chuyện viển vông nhớ nhà/Làng xưa vắng bóng người qua/Nổi trôi phố chợ lòng ta ngậm ngùi.” (Phố chợ).

Nhà thơ Võ Chân Cửu – nguồn Người Việt 

Và, đặc sắc nhất là bài Quê nhà,với những câu thơ đầy ám ảnh: “Ta thấy từ vạn cổ/Ta đi từ bến mê/Mang một linh hồn nhỏ/Vô minh đưa lối về/Trăng sao giăng mờ tỏ/Trên mặt đất u sầu/Nhà ai còn bỏ ngỏ/Tiếng buồn bay đêm thâu… Vầng trăng soi hư không/Chốn nào ta trở lại/Bước chân ngoài mênh mông/Nghe thấy đời xa mãi/ Mây bay từ thiên cổ/Cùng nhau trời đất tan/Ta một linh hồn nhỏ/Vơ vẩn miền Ðại Hoang”…

Sau 1975, Võ Chân Cửu cộng tác viết cho một số tờ báo với bút danh Hưng Văn. Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Võ Chân Cửu thôi làm báo chuyển lên định cư tại TX Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng. Tại đây, Võ Chân Cửu tập trung thời gian cho sáng tác, viết văn và nghiên cứu. Từ năm 1990 đến 2015, Võ Chân Cửu đã lần lượt cho xuất bản các tập sách: Ngã tư vắng trăng (Nhà xuất bản Trẻ -1990), Ngọn Gió (Nhà xuất bản  Văn học – 2011),  22 Tản Mạn, Theo Dấu Nhà Thơ , Vén Mây  (Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Sách Phương Nam xuất bản, phát hành vào các năm 2013, 2015, 2017)…

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ấn tượng thường gặp nhất khi đọc Võ Chân Cửu là các chùm thơ ngũ ngôn: “Sớm về phía mây tụ/ Chiều tới nơi mây tan/ Phải nơi này chốn cũ/ Trên mặt đất còn hoang/ Trời rộng đau gió hú/ Ôi hư không tràn lan” (Một Ngày Bộ Hành). Hoặc: “Rung mình lên thật nhẹ/ Mười lăm năm qua rồi/ Sương trắng ngập qua đồi/ Ngõ về như muốn ngợp/ Muốn gọi, chưa ra lời/ Bóng tà bay cái vụt” (Tà Huy). Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, một trong những người bạn thân của Võ Chân Cửu đã nhận định về thơ anh: “Tuổi mười tám đôi mươi đắm mình dạo chơi trong cõi tịch mịch của buổi tà huy, nhìn thấy và lắng nghe. Không kịp gọi thì “bóng tà bay cái vụt”. Nhạy cảm trong từng cái thấy cái nghe, hạt bụi cũng có linh hồn, cũng có dáng dấp sinh linh ngo ngoe quẫy đạp. Là ta đấy ư? Là em đấy ư? Lời chưa kịp gọi, chưa kịp hỏi, cái vụt của chớp nháy không gian thời gian kia đã chia biệt rồi! Tứ thơ thản nhiên, lạ lẫm, pha chút ngông cuồng của tuổi trẻ”. Còn GS Huỳnh Như Phương cho rằng: “Dù sao, trong văn cảnh miền Nam thời đó, Võ Chân Cửu dễ được xếp vào nhà thơ “viễn mơ”, căn cứ vào thi hứng, thi tứ và cả nhan đề tác phẩm của ông: Tinh sương, Ðại mộng, Tà huy, Bóng trăng ngàn, Ðường vô núi, Sáng thinh không, Ngã tư vầng trăng, Quẩy đá qua đồng, Chùa cổ bên sông… Con đường “viễn mơ” đó bao đời nay đã là một dòng lớn của thi ca Việt Nam. Ðâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Lương Vỵ nhớ đến thơ Thiền đời Lý – Trần khi đọc Một ngày bộ hành của Võ Chân Cửu”. Trong khi đó, Võ Chân Cửu cũng đã nêu rõ quan điểm của mình về thơ:”… Dù bắt nguồn từ khuynh hướng hay trường phái nào, tác phẩm văn chương, nhất là thơ ca cũng phải từ cảm xúc con người. Khi cảm xúc bị tác động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu. Ðó được gọi là Thơ. Như vậy, Thơ dùng biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người».

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhà thơ Võ Chân Cửu lâm trọng bệnh và qua đời ngày 23.12.2020. Khi nhận tin báo, tôi chợt nhớ đến câu thơ trong bài Tiếng hát của Võ Chân Cửu: “Tiếng ai hát dưới trời thiên cổ/Không có trăm năm, chẳng một ngày/ Ðằng đẵng nghìn năm, buồn cổ độ/ Ta về, nước lạnh bóng trời mây/Ai đi, khói cũng chìm trong mộ/Tiếng hát nhân gian rụng những ngày”…Xin vĩnh biệt nhà thơ Võ Chân Cửu – người con của miền Ðất Võ – Trời Văn. (theo VIẾT HIỀN)

nguồn Gió-O

Trong ký ức tôi, Võ Chân Cửu là một trong những nhà thơ trẻ xuất hiện khá đều đặn trên tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Bách Khoa… thời ấy, bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Tôn Nhan, Ðặng Tấn Tới, Phạm Chu Sa, Từ Hoài Tấn…

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài nhận xét về những tập sách này: “Nhờ có anh, một thời kỳ văn nghệ đa dạng, sôi động được sống lại trong hơi thở hôm nay, được lưu lại trong các trang sách chứa đầy những phận người, những tài hoa, không phải tan biến đi trong vết bụi mờ năm tháng”.  GS Huỳnh Như Phương cũng nói thêm: “Không dừng lại ở vai trò người chứng hay người cung cấp tư liệu về một thời văn học, nhưng Võ Chân Cửu cũng không đi quá xa trong những bình luận và đánh giá về các hiện tượng. Ông chỉ miêu tả những gì hiện ra trước ý thức văn nghệ của ông. Phần còn lại ông dành cho bạn đọc tự rút ra kết luận của mình. Chẳng phải vì ông sợ trách nhiệm mà có lẽ vì ông tin rằng bạn đọc có thước đo thẩm mỹ công minh của riêng họ”.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Vào năm 2017, tôi có cái duyên may mắn được Võ Chân Cửu viết lời tựa khi ấn hành tập truyện Những cuộc hẹn bên lề (Nxb Hội Nhà văn). Từ đó, mỗi lần về Ðà Nẵng anh luôn ghé thăm, vui chơi cùng nhóm bạn bè của tôi, hăm hở chia sẻ những dự định văn học mà anh đang tiến hành không mệt mỏi trong thời gian tới. Hồi tháng 7 trong năm vừa qua, nhân có chuyến đi điền dã các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi ghé thăm anh tại Bảo Lộc. Thấy anh đã gầy yếu khác xưa, nhưng vẫn sốt sắng, hướng dẫn đưa chúng tôi đi chỗ này, chỗ kia… Hỏi anh đau ốm ra sao, thì anh nói: “Lớn tuổi rồi, thỉnh thoảng cũng ốm đau lặt vặt, chứ không có chi nghiêm trọng. Tôi nghỉ ngơi vài tháng, khỏe sẽ xuống Ðà Nẵng chơi với anh em. Tôi còn mấy việc ở đó…”.  (theo TRẦN TRUNG SÁNG)

Ôi. Chỉ trong thời gian không đầy một năm chúng ta đã mất đi một số nhà thơ tài năng và độc đáo. Chân Phương, Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu. Nghĩ tới các bạn, buổi chiều nhìn mây trôi mà lòng xót xa.

NGUYỄN & BẠN HỮU