Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh. Ông Sinh ngày 9.10.1924 tại Châu Thành – Bến Tre, mất năm 2015.

Trang Thế Hy đã được giải thưởng văn học Nguyễn Ðình Chiểu (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; ông còn nổi tiếng với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.

Một nhà văn viết trên trang web Baomoi.com: Mang tiếng là người của báo, nhưng ông viết không nhiều, lâu lắm mới thấy xuất hiện một truyện ngắn, có truyện đăng tới hai, ba kỳ báo, nhưng nhiều người không gọi ông là nhà văn Trang Thế Hy, mà họ thường gọi là anh Tư Sâm, hay như chúng tôi hay gọi là chú Tư. Chú Tư có cách nói, điệu cười, dáng đi, kiểu đứng không có gì khác người, nhưng vẫn có cái gì đó thực sự nho nhã, nền nếp, khác biệt với những người khác. Sự khác biệt ấy không làm cho ông cách xa đám đông, tách biệt tập thể mà như một nốt luyến trong âm nhạc, nó làm giàu có đời sống vốn nhiều thanh điệu thường bủa vây chung quanh… Ông cẩn trọng và kỹ lưỡng trong từng hành động, lời nói và ngay cả việc làm. Bởi theo ông điều còn lại của nhà văn là tác phẩm, mà cái còn lại của tác phẩm là gì nếu không là ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ quyết định tác phẩm đó có sống được với thời gian, với bạn đọc hay không.”

Tháng 10/1992 Trang Thế Hy từ giã cõi phồn hoa, tuyên bố với mọi người là “để đi chỗ khác chơi”. Vậy sao? Ông từ giã bữa tiệc rượu thịt ê hề về ẩn cư ở Bến Tre nhưng vẫn nặng lòng với lớp nhà văn hậu sinh (trong nước) và những sinh hoạt của các hội đoàn địa phương.

Ông nói với bạn bè: “Những chỗ khác mà tôi gặp sau khi rời Sài Gòn không nhiều. Xét về mặt trải nghiệm, tôi cũng thu lượm được nhiều chất liệu để làm văn chương nhưng tôi không viết được gì thêm nhiều. Một phần do sức khỏe giảm sút. Mặt khác, bẩm sinh tuy có được tạo hóa nhểu cho vài giọt nhỏ năng khiếu nhưng bản thân tôi không phải là người có ý chí mạnh.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Còn đối với nghề văn, tôi thiếu sự đam mê, nên giai đoạn sau này cũng không viết được gì. Mới gần đây, trong một cuộc trò chuyện, có người khen tôi là người xả thân với văn chương, tôi phải đính chính liền. Tôi bảo, nếu ví văn chương là một người đẹp thì tôi là người tình chung thủy nhưng hờ hững, thiếu đam mê.”

Trang Thế Hy 

Nhà văn Hà Ðình Nguyên ghi lại cuộc gặp gỡ với Trang Thế Hy. Khi chúng tôi cùng phái đoàn đến tư gia của ông (khu phố 1, P.Phú Tân, TP.Bến Tre) thì đã thấy họa sĩ Lê Triều Ðiển và vợ ông (nhà thơ – họa sĩ Phạm Thị Quý), các nhà thơ: Ý Nhi, Trần Hữu Dũng, Lynh Bacardi, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tiến Văn, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, họa sĩ Vũ Hà Nam… đang quây quần ở đó. Sao cụ già 90 tuổi này có sức hấp dẫn đến vậy?

Nhớ hôm gặp ông Tư Sâm lần trước, ông ngồi bần thần nhìn ra vuông sân nhỏ, nơi có những con chim sẻ vụt sà xuống, nhảy nhót rồi bay đi. Ông nói: “Nhiều khi mơ ước được như mấy con chim nhỏ bé kia, mà cũng không được…”. Nghe ông nói mà cám cảnh. Vậy mà, sáng ngày 20.7 ấy, ông rất vui, chuyện vãn rất sôi nổi, và… đọc thơ tiếng Pháp ro ro. Một đồng nghiệp hỏi (để thử) chú có quan tâm đến những tài năng văn học hiện nay. Ông trầm ngâm giây lát rồi nói: “Gần đây có Nguyễn Ngọc Tư gọi tóc là “những sợi máu khô”, tôi cho đó là tài năng…”. Rồi ông đọc thơ của Bùi Giáng (sợ chúng tôi ghi không kịp, ông đọc chậm và nhắc chừng “xuống hàng”): “Con chim thì ta biết nó bay (xuống hàng). Con cá thì ta biết nó lội (xuống hàng). Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ (xuống hàng). Còn thơ là gì, ấy là điều ta không biết!”. Ông Tư Sâm còn trích dẫn câu danh ngôn (của một vị thánh Hồi giáo): “Con người chỉ mất hai năm để học nói nhưng phải mất đến hơn sáu mươi năm để học cách im lặng”, và giải thích thêm: “Học cách im lặng không phải là suốt đời im lặng. Học cách im lặng là để biết khi nào không thể im lặng”. Quả là một nhà văn rất kiệm lời của những lần gặp trước tan vèo đâu mất, trước mặt tôi bây giờ là một nhà hiền triết với những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Với người phụ trách mục này, Trang Thế Hy là một cái tên ở ngoài trí nhớ và sự quan tâm trong một thời gian dài. Trước 75, tôi có biết ông nhưng không đọc, nghĩ ông là nhà văn của bên kia, không sánh được với Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Tôi chỉ thật sự để ý tới Trang Thế Hy gần đây, khi nghe ca khúc Quán Bên Ðường của Phạm Duy phổ từ thơ ông, bài Ðắng và Ngọt còn có tựa đề là Cuộc Ðời. Ca khúc này nghe thật cảm động. Rồi Ðỗ Hồng Ngọc gởi cho bài ký “Thăm Nhà Văn Trang Thế Hy”, trong đó khắc ghi thật đậm nét bóng dáng và nhân cách của nhà văn Nam Bộ này. Từ đó, tôi thấy có cảm tình với Trang Thế Hy, để rồi tìm hiểu thêm qua bài viết của nhà thơ Ý Nhi có tựa đề “Nhà văn Trang Thế Hy, niềm hạnh phúc được trả bằng nhiều đau khổ”, đồng thời lục tìm lại bài thơ Cuộc Ðời. Ðiều khiến tôi thích và cảm thấy thoải mái là bài của Ðỗ Hồng Ngọc cũng như của Ý Nhi đều không nhắc gì đến việc Trang Thế Hy được giải thưởng “Nguyễn Ðình Chiểu” và có chân trong Hội Nhà Văn. Bài thơ Cuộc Ðời thật sự gây cho tôi những xúc động buồn thương và ngậm ngùi. Mở đầu, tác giả viết:

Ngày xưa tôi còn thơ

Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ

Tôi cùng em hai đứa

Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa

Tóc em chừa bánh bèo

Môi chưa hồng, da mét: con nhà nghèo!

Ðầu tôi còn hớt trọc

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Khét nắng hôi trâu, thèm đi học

Em cầm một củ khoai

Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai

Thứ khoai sùng lượm mót

Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.

Lời thơ mộc  mạc, bình dị. Thương nhất là những hình ảnh “tóc chừa bánh bèo”, “hớt trọc, khét nắng, hôi trâu”, “củ khoai sùng”,

Một tác phẩm của Trang Thế Hy

Tình yêu trẻ thơ ấy rồi tan mau, như bóng nắng trên sân. Chia tay, hai người đi theo những hướng khác, để rồi cuối cùng gặp lại nhau. Gặp lại nhau trong một lữ quán, nàng bây giờ bán hình hài nuôi thân, còn chàng dùng văn như một thứ cần câu cơm. Nàng mời chàng miếng bánh ngọt, nhưng ăn vào thấy đắng, không như củ khoai sùng nướng ngày xưa. Nàng nhìn chàng hỏi “anh cầm viết, vậy nghệ thuật là gì”. Chàng đáp:

“Mùi hôi nói mùi thơm

Cây bút cầm tay: cần câu cơm

Ðó em ơi ! Nghệ thuật :

Nhắm mắt quay lưng chào sự thật.”

Nghệ thuật mang khuôn mặt xấu xí vậy ư? Trang Thế Hy còn nói từ lâu mình đã quên nụ cười và cô bạn gái thì đã hết nước mắt để khóc. Và hai người bạn xưa hỏi nhau rằng buồn hay vui. Và câu đáp kết thúc:Ta cùng hỏi cuộc đời…

Trang Thế Hy, theo lời thuật của một nhà báo, rất yêu thơ Tagore và có một đoạn thơ cực hay, khác hẳn những lời mộc mạc, bình dị xưa nay của ông:

Ở nơi nào mà mọi con đường được vạch sẵn

Tôi đi lạc

Hãy nhìn trời xanh và biển khơi

Ðâu có lằn vạch nào

Tôi hỏi trái tim tôi

Có phải máu của mi có huyền năng làm cho đôi mắt nhìn thấy được lối đi ẩn khuất…”

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tổng hợp