Những ngày cuối tháng 5 này, Nguyễn Ðức Sơn đang nằm bệnh. Bên cạnh ông là thi phẩm THƠ VÀ ÐÁ do Phương Bối con gái ông và Ðào Nguyên Dạ Thảo hợp lực xuất bản như quà tặng cho ông trước lúc ra đi. Cũng trong lòng tưởng nhớ ấy, hôm nay một lần nữa chúng ta nhận định về Nguyễn Ðức Sơn một tài năng thi ca của thời đại.

Trước năm 1975, giới văn học miền Nam đã xếp thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn là một trong 3 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng, Nguyễn Ðức Sơn, Phạm Công Thiện. Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn cũng là một cột trụ thi ca của miền Nam: Bùi Giáng, Nguyễn Ðức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn, bút hiệu Sao Trên Rừng, gốc Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ, Ninh Thuận (Phan Rang). Ông từng theo học tại Ðại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trước năm 1975, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn nổi tiếng: Những Bài Tình Ðầu, Ðêm Nguyệt Ðộng, Mộng Du, Cái Chuồng Khỉ, Cát Bụi Mệt Mỏi … Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm in ấn và phát hành.

Nguyễn Ðức Sơn cùng gia đình hiện cư ngụ tại Phương Bối Am, Blao-Lâm Ðồng. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.

Bửu Ý trong một tự truyện đăng trên Văn năm 1973 đã viết về Sơn là “hình ảnh của con tê giác, từ tính tình đến cách ăn nói, dáng đi, Húc bừa về phía trước không kể thiệt hơn, không tính hậu quả. Thêm thù và bớt bạn. Ðơn độc quắt queo. Dã man nghiệt ngã. Chỉ thong dong ở chốn không người: rừng và biển.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Ðúng vậy. Nguyễn Ðức Sơn đến giữa đời và văn chương trong dáng vẻ và hành xử quái dị. Thường ông ăn mặc rất bụi, thế nhưng có khi lại khoác áo lam thầy chùa hoặc diện đồ lớn. Nhà văn Nguyễn Ðình Toàn viết trong Bông Hồng Tạ Ơn: Rất nhiều người đọc đã sửng sốt khi đọc Những Bài Tình Ðầu của ông. Trên bìa trước và bìa sau của tập thơ, ông đã cho in đầy những lời ‘tuyên bố huênh hoang’, ‘quát tháo hung dữ’, ‘khoa trương về những tác phẩm ngợp mắt’ của mình, xỉ vả tất cả những ai, bất luận ‘già, trẻ, đực, cái’, muốn lợi dụng tài năng của ông.

Và Nguyễn Ðình Toàn đưa ra nhận định: …thơ tình của ông làm người ta kinh ngạc. Thay vì “làm học trò không có sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (Ðinh Hùng), chẳng hạn, chàng trai mới lớn trong thơ Nguyễn Ðức Sơn giấu trong cặp “chiếc băng vệ sinh” nhặt được ở đâu đó ngoài đường. Người đàn bà, người nữ, xuất hiện trong thơ Nguyễn Ðức Sơn, không mặt mũi, nhan sắc, trước tầm nhìn (cứ gọi là tình cờ) của chàng trai mới lớn, ngồi xuống và “em chưa đái mà hồn anh đã ướt”.

Và Nguyễn Ðức Sơn gọi đó là “Vũng nước thánh”. Ông cũng nhắc lại vũng nước ấy trong Ðêm Nguyệt Ðộng:

không biết trong mơ em còn mắc cỡ

một đêm vàng rúng động giấc thanh tân

dưới chăn chiếu thiên nhiên lồ lộ mở

em đái dầm ướt sẫm cả trần gian

Còn ai ngông và quái dị hơn Nguyễn Ðức Sơn khi ông có ý định lên trời phóng uế:

tôi định một ngày nào đó thật thảnh thơi

leo lên trời

ỉa

Thật ra, đằng sau cái ngông, cái tục và sự quái dị người ta nhìn thấy một con người khác của Nguyễn Ðức Sơn. Ông đến với thiên nhiên và đôi khi hòa đồng với thiên nhiên, như trong bài Mang Mang sau đây

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

“… tôi về lắng cả buổi chiều

nghe chim ăn trái rụng đều như kinh

còn một mình hỏi một mình

có chăng hồn với dáng hình là hai

từng trưa nằm nghỉ đất dài

phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên”…

Võ Phiến từng nhận định: Thiên nhiên trong thơ ông là những cái gì cụ thể: con nai vú dài rung rinh, vài “chú dã tràng” bu quanh khi ông giả vờ chết trên bờ biển v.v. Ông nói rất nhiều đến sông mưa, biển hoang, cồn lạnh, nhất là đến cái bãi biển trên đó ông làm nhiều trò lạ, nhưng không bao giờ nói bằng giọng hờ hững; ông động đến cái gì là y như cảm quan ông tràn ngập vì cái ấy, từ đám mây bạc bay giữa trời trong lúc ông nằm giả chết trên cát mà cứ ngỡ mây phiêu phiêu kia đang đưa mình “về cõi tuyệt vời mai sau”…

Mặt khác, thơ Nguyễn Ðức Sơn có khi biến dạng thành những viên sỏi, những tảng đá vô tri vô cảm, để phạm thánh, để nguyền rủa xã hội. Vừa thơ mộng vừa quái dị, ông đùa cợt với đời sống và đôi khi lắng sâu trong cảm xúc siêu hình.

Như trong thi phẩm THƠ VÀ ÐÁ của ông mà chúng ta đang bàn đến.

Theo lời giới thiệu, đây là “Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường.”

Với lời tựa của Tuệ Sỹ, tập thơ in với ba ngôn ngữ: Việt – Anh – Nhật. Người dịch sang tiếng Anh là Nguyễn Phước Nguyên. Giáo sư Bùi Chí Trung dịch sang tiếng Nhật. Người  biên tập là Ðào Nguyên Dạ Thảo.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã nhận định về tính cách nghịch lý trong thơ Sơn “… Tôi không thể nói gì về thơ Sơn, cũng không thể nói gì về bi kịch tồn sinh ấy.  Bởi, đời sống thực của Sơn là những chuỗi nghịch lý của thương và ghét, yêu và hận. 

Ðọc thơ Sơn, như người điên mất trí nhớ ném từng viên sỏi vào hồ nước để nhìn những đợt sóng lăn tăn. Tôi thật vô cảm với những chữ thơ khô khan như sỏi đá tri, tự bộc lộ thơ thành đá, đá thành thơ, hay thơ là đá, đá thơ.  Sỏi đá tri thì chìm xuống đáy nước, và những gợn sóng nhấp nhô trên mặt nước gợi hứng cho cảm xúc lãng mạn một cách phù phiếm…” (Trích Tựa của Tuệ Sỹ)

Nhìn chung, THƠ VÀ ÐÁ gồm phần lớn những bài hai chữ, giống như bài Cây Bông – đụ mẹ/cây bông/hắn không/lao động/ai trồng/chật chỗ…– mà Nguyễn Ðức Sơn từng gọi là Vè.

Cầm tập thơ trên tay, ta thấy đúng là một “tuyệt phẩm chưa từng có với những bài thơ dị thường của một thi sĩ dị thường” như Lời Giới Thiệu đã ghi. Sau đây, mời độc giả đọc một hai bài tiêu biểu.

NGUYỄN & BẠN HỮU


THƠ NHẬP

 

Trăm kinh

Ngàn thuyết

Ðá khuyết

Hồn ta

Trăng tà

Thơ nhập

 

THƠ VÀ ĐÁ

 

Ðá hát

Ngàn thâu

Tóc râu

Ta nhịp

 

Thơ hát

Ðá át

Hồn sa

Bát ngát

 

ĐÁ VÀ THƠ

 

Khuya lao xá

Thơ gọi đá

Ðá gọi thơ

Khối ung mờ

Thiên vạn cổ

NĐS