Lý Ðông A, một nhân vật lịch sử, một nhà thơ, nhà văn hóa, một nhà cách mạng, người yêu nước… ông xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn ngủi như một ánh sao băng, mang khuôn mặt huyền thoại. Một lần nữa ta trở lại với nhân vật này và bài thơ Chính Khí Việt xuất sắc của ông.

Nhà thơ Viên Linh viết trên Khởi Hành

Lý Ðông A, hay Thái Dịch, hay X.Y., là bút hiệu. Hai chữ Ðông A theo sách báo nửa thế kỷ qua giải thích, là triết tự từ chữ Trần, vậy tên ông là Lý Trần, tên hai triều đại độc lập, tự chủ: hưng thịnh nhất trong Lịch Sử Ðất Nước. Ông họ Nguyễn, tên thật có nhiều phần là Hữu Thanh, mặc dù có vài chỗ khác nói là Huy Thanh, Văn Thanh, hay Ngọc Thanh.

Năm 1920 ra đời, chỉ được đi học hết tiểu học, năm 14 tuổi thi đậu Sơ học Pháp Việt, rồi ở nhà học chữ Nho với ông chú họ là ông Ðồ Ðạo. Sau được ông anh cả gửi lên Hà Nội, theo bậc Trung học ở một trường tư thục, và vào Chùa Quán Sứ nghe giảng kinh sách. Ở trường, học sinh Nguyễn Hữu Thanh không học theo chương trình, mà chỉ học những môn mình thích: như Sử học. Năm 1936: khai mở trí tuệ vượt bực (có người viết là được “linh quang thần nhập thể,” đọc rất nhanh, phát kiến hàm súc từ các văn bản thoáng qua mắt. Năm 1940: khởi nghĩa thất bại ở Lạng Sơn.

Nhà thơ Lý Đông A

Theo nguồn tin khác, rõ hơn, ông tham dự trận Lạng Sơn với Phục Quốc Quân, sau khi thất bại ông cùng một nhóm Phục Quốc Quân phiêu bạt sang Tàu rồi sinh hoạt với nhóm chiến sĩ quốc gia của cụ Nguyễn Hải Thần tại đây. Cụ đưa ông vào dạy tại trường quân sự Liễu Châu. Năm 1941- 1942: nghiên cứu tại Thư viện Liễu Châu, bắt đầu soạn thảo Ðại Việt Duy Dân Ðại cương Thảo án Quốc sách Toàn pho.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Lý Ðông A viết rất nhiều, đủ loại, những bài này phát tán cũng nhiều; không làm sao biết đích xác. Ngay nhân dáng ông cũng ít ai thấy, ngoài câu mô tả là “có dáng thư sinh nho nhã”.

VIÊN LINH

Tạp chí Khởi Hành số 170 Tháng 12.2010

Trên Trang Văn Học của Báo Trẻ

Qua những trang huyền sử vừa trích dẫn, ta thấy Lý Ðông A là một nhà tư tưởng có óc chiến lược đã lập thuyết Duy Dân xây dựng cơ sở nền tảng triết học cho cách mạng Việt Nam và nhân loại, lấy con người làm tiền đề triết học và cứu cánh của cách mạng. Theo Nguyễn Xuân Phước,  tư tưởng nhân bản của Lý Ðông A đã ảnh hưởng trên thuyết Nhân Vị của ông Ngô Ðình Nhu, tư tưởng dân tộc của Linh Mục Kim Ðịnh, trên giới trí thức như Nghiêm Xuân Hồng, Thái Lăng Nghiêm, Vũ Khắc Khoan, trên các vị lãnh đạo Phật Giáo như thầy Thích Quảng Ðộ, thầy Thích Ðức Nhuận và nhiều tầng lớp thanh niên miền Nam sau năm 1954.

Trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, các tác phẩm của Lý Ðông A bị cấm lưu hành tại miền Bắc. Riêng tại miền Nam, các tác phẩm sau đây được nhà xuất bản Gió Ðáy in lại và phát hành rộng rãi năm 1969 tại Sài Gòn, quan trọng hơn hết phải kể Huyết hoa, Ðạo trường ngâm, Việt sử thông luận…

TÀI LIỆU VĂN HỌC Jan 3. 2020

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Tôi sẽ không quên chút nào, cho dù sau này có bao nhiêu nắng của mùa Xuân tháng 5 đi nữa, tôi sẽ mãi nhớ buổi sáng tháng 5 của ngày mà tôi cảm như ẩn hiện mầu áo trắng khói sương Lý Ðông A, trong câu nói đầy hoài niệm của người bạn, ‘Thơ Ðông A toàn là về nước nhà, dân tộc, như Huyết Hoa, Ðạo Trường Ngâm… thế này, mà ngày trước không được đem vào chương trình giảng dạy ở trường học’. Chết năm 26 tuổi. Người bạn đọc nhỏ, giọng đầy cảm động, buổi Sát Thát chàm vai thề đầu mất / ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất / khi Cần Vương nhổ mặt lũ gian hùng…

Tôi thấy có tội và mắc cỡ về sự thiếu lưu tâm của mình về – Lý Ðông A (1921-1947) – Theo Wikipedia, ông là một nhà triết học, một học giả, một nhà cách mạng và chính trị gia. Và là một nhân vật còn nhiều tranh cãi trong lịch sử, văn sử Việt Nam, cũng như cái chết bí ẩn của ông tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình. Các tác phẩm của ông được nhà xuất bản Gió Ðáy phát hành tại miền Nam Việt Nam từ năm 1969. Tôi có người bạn ở Canada, có một giọng ngâm thơ tài hoa, Tôn Nữ Lệ Ba, chị tặng tôi một CD ngâm toàn thơ chính khí, trong đó có bài thơ của Lý Ðông A. Trên youtube.com/watch?v= IONID8mUAf0, tôi thấy dòng comment “Tổ quốc đang bị ngoại xâm, xin lắng nghe Chính Khí Việt.”

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Từng phím chữ như lời nghẹn, … nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc / sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc / non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao / đồng Ðống Ða xương người phơi man mác /… Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc / Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc / gió thê thê quất dậy hồn phục hưng / gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc /… Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng… (Chính Khí Việt, tập thơ Đạo Trường Ngâm)

Nắng sáng tháng 5 hôm ấy là mầu áo trắng huyền thọai của một nhà lý thuyết, nhà thơ, cũng là một chiến sĩ xông pha giữa trận đánh Pháp trên đồi Nga Mi…

NTKM

Chính khí Việt

 

Một ngày lạnh nước người không tri kỷ,

Ta vỗ án thét lời ca chính khí.

Ðông thê thê như gió thổi u hồn,

Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

 

Lòng sống chết buồn vui bừng nổi dậy,

Thoát lăm le như giục người chọn lấy,

Năm nghìn năm, làn máu bén dạt dào.

Sóng lớp lớp rượu ba tuần thuở ấy.

 

Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét.

Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét,

Gọi quá khứ vị lai những u hồn

Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết.

 

Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc,

Sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc.

Non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao,

Ðồng Ðống Ða xương người phơi man mác.

 

Buổi Sát Thát chàm vai thề đầu mất,

Ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất,

Khi Cần Vương nhổ mặt lũ gian hùng,

Lúc Cứu Quốc vòng bôn lao uất uất.

 

Thà làm ma nước Nam không vua Bắc,

Ðầu chẳng còn quyết không đương cắt tóc,

Lửa đốt mình không phụ nợ non sông

Dây thắt cổ cho tròn trung xã tắc.

 

Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết.

Những trung hồn xưa, nay, mai oanh liệt

Mở nguồn sống xưa, nay, mai nước nòi,

Muôn nghìn đời dạt dào chính khí Việt.

 

Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc,

Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc.

Gió thê thê quất dậy hồn phục hưng

Gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc.

 

Chính khí Việt là hồn gươm Vạn Thắng,

Sắt tôi với máu đào hun lửa nóng,

Và Ðại Việt muôn năm! Cả toàn dân

Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng.

LĐA

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Thica.net