Nguyễn Trường Trung Huy, còn được gọi là Huyvespa, một người trẻ hiện ở trong nước, rất yêu quý văn học Miền Nam trước 1975 và ra công sưu tập lưu trữ nhiều tài liệu quý của thời kỳ này. Đặc biệt NT Trung Huy yêu văn Mai Thảo. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của anh về nhà văn này. NGUYỄN & BẠN HỮU 

Mỗi năm dịp Tết đều đọc lại Mai Thảo thời hải-ngoại/ thời Sổ Tay Mai Thảo – và cũng là một “thể loại” tôi rất ưa thích ở ông – đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn chưa thấy chán & chưa thấy… cũ. Ông khai sinh “thể loại” Sổ Tay, biến mình thành Sổ Tay (danh xưng ở ngôi thứ nhất: Sổ Tay ăn Tết Bolsa, Sổ Tay tưởng tiếc…) ở một vùng trời khác không phải Việt Nam, chính cái cách ly & diệu vợi ấy là một chất xúc tác mạnh mẽ đủ khiến bùng lên trong ông rất nhiều hình ảnh rực rỡ rất-Việt-Nam; và cũng rất Mai-Thảo ở cách dùng chữ, cách gieo vần ngay cả trong văn xuôi, những gì ông viết ra không quá lớn lao, chỉ là những hành trình, những con đường qua lại hàng ngày, những gương mặt quen thân của 20 năm văn học miền Nam, những người viết mới, những người ở lại…những viết ra tràn đầy những ân tình & những thâm ân.

Ðã là một Mai Thảo rất “Sáng Tạo” & “Nghệ Thuật” sung mãn với loạt truyện tình, tuỳ bút… ngất ngây “cũng đủ lãng quên đời” thời trước 1975, cho đến sau này ở biển ngoài: dựng lại một bàn viết lữ thứ và đến những năm cuối đời ông lại bày dựng một cõi văn chương khác: cõi không! – “Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ…” (Ông cắt nghĩa về quyển thơ đầu tiên – duy nhất – cuối cùng của mình như thế). Nơi đâu và thời nào ông cũng chọn/ lập cho mình một “thế đứng” riêng, một thế đứng vững chãi đủ gầy dựng & tụ họp những vàng son …

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðọc Mai Thảo là khi thấy cái đẹp của tiếng Việt được dậy hương, những đoá hoa ẩn tàng của ngôn ngữ Việt được bung nở, những nhịp điệu uyển chuyển lả lướt của tính thơ/ nhạc điệu… trong văn được “trình diễn” một cách bất ngờ & ngoạn mục.

Và với Sổ Tay Văn hải ngoại cũng không là ngoại lệ, ông biến những thứ thường nhật, đơn giản… thành một điển lễ trời ban, với những điều hiển nhiên nhỏ bé xảy ra hàng ngày trong một đời lưu vong đã dẫn lối cho ông đi ngược về quá khứ, đi ngược về Việt Nam, nhiều khi đi ngược lại về trong tiền kiếp; ông biến những điều nhỏ bé thành những suy tưởng và trao cho độc giả những chiêm nghiệm thú vị khởi đi từ những điều (tưởng chừng) bé nhỏ ấy.

Văn Mai Thảo chính là một thứ kinh đọc để lòng hiền lại…!

Những ngày đầu năm, hãy cùng yêu lại một lần nữa cái đẹp, cái hiền & cái hay của những Nguyên Ðán Việt Nam qua những Sổ Tay Mai Thảo…:

“Từ tháng Giêng cỏ non đến tháng Chạp mưa gió. Sự trải rộng có một tên gọi âm lịch riêng biệt. Sự trải rộng còn có với nó một con số mà hết thảy mọi người không thể nào không tự biết tới. Ðó là bạn và tôi thêm một tuổi, tuổi đá hoặc tuổi vàng. Và chị và anh cũng vậy, tuổi hoa hay tuổi ngọc, đều thêm một tuổi trời nữa vào cái số tuổi của đời ta. Như nhà thơ Nguyễn Khuyến tuổi già mình hạt lệ như sương.

Mai Thảo – nguồn Người Việt

Cái thêm ấy, như một sự thật, khi thấy nó tới, thường vô cùng cảm khái. Do nơi, vậy là ta đã chân cứng đá mềm đi thêm một quãng đường nhân thế…Cái thêm ấy còn cho ta thấy đời ta hệt như sự chuyển luân của bốn mùa. Bạn đang ở đầu Xuân hay tôi đang giữa Hạ. Chị mới lãng đãng mùa Thu hay anh đã tàn tạ mùa Ðông. Thấy rõ cái thêm ấy là rất tốt và rất cần. Nó vừa là một đáp số, vừa là một chiếu sáng. Nó quy định cho cái tư thế, cái vị thế hiện giờ của đời ta so với trước sau. Rằng ta còn chói lọi bình minh hay đã tím thẫm hoàng hôn. Rằng nhân thế như một triền núi và ta còn ở bên này hay đã bên kia triền núi…

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Trên địa hình nào chúng ta đã vấp ngã và đã té xuống. Ở cảnh thổ nào chúng ta lại đứng lên được và lại dũng cảm lên đường. Thấy ta, thấy là như thế. Thấy từ số tuổi, số tuổi vừa thêm, với Nguyên Ðán tới. Thấy trên đầu ta vẫn cao vút một trời xanh tin tưởng hay đã là những dải mây tối đen của một ngờ vực đã dâng đầy. Cuối cùng là mỗi tuổi thêm giống hệt như một tấm gương soi. Tấm gương “quân bất kiến cao đường minh kính” ở một lời thơ Lý Bạch. Tấm gương cho thấy những tóc xanh, cho thấy những tóc bạc. Cho thấy những tăng cường. Cho thấy những hủy hoại. Cho thấy hình hài bên ngoài. Cho thấy tâm thế bên trong. Cho thấy trước sau, cho thấy bây giờ. Như thế từ một tầm cao mới, mỗi Nguyên Ðán nhìn về 12 tháng đã đi vào quá khứ…”(Văn hải ngoại – Giai phẩm Xuân Quý Dậu 1993)

“Nguyên Ðán. Mai vàng trong sân. Nêu trồng trước ngõ. Xác pháo trên đầu thềm. Mưa tơ ngoài hàng giậu. Nguyên Ðán. Anh tống cựu và tôi nghênh tân. Thế quyền song thủ hổ bác nhịp nhàng, tả chưởng đẩy bắn Cái Cũ vào một đáy tầng quá khứ, hữu chưởng đón tiếp Cái Mới vào đầy ắp hơi thở và lồng ngực. Và hơi thở là trời Xuân trong vắt và lồng ngực là mùa Xuân anh đào. Nguyên Ðán. Ngày Mùng Một mới. Mới lắm lắm, như ngày khai thiên trái đất. Ngày Mùng Hai mới. Mới vô chừng, như thêm một tuổi mà thêm cũng là bớt, cộng chính là trừ, tuổi không làm già người, tuổi làm thanh xuân lại, anh thấy anh cỏ non chị thấy mình lộc mới, vầng trăng Nguyên Tiêu nghìn tuổi cũng vầng trăng thơ ấu, chúng ta cùng để chỏm, chúng ta cùng tuổi thơ… Nhưng Nguyên Ðán không chỉ là mưa tơ và nắng lụa. Cũng không chỉ là tiếng thở dài. Cũng không chỉ là những hạt lệ. Nó còn là một chân trời mới. Xanh biếc. Như trùng khơi mênh mông hiện ra sau một hẻm núi. Nó còn là một lên đường. Cho những bước chân tháng Giêng. Một xuống núi…” (Văn hải ngoại – Giai phẩm Xuân Kỷ Tỵ 1989)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Mùng 2 Tết Canh Tý

NTTH