Nhà văn Nguyễn Thụy Long (1938-2009) là một cây bút nổi tiếng trong nền văn học tự do Việt Nam. Người ta vẫn nói nếu viết kiểu “giang hồ”, Sài Gòn không thể không nhắc đến Duyên Anh và Nguyễn Thụy Long. Sau 1975, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thụy Long là một chuỗi khổ lụy triền miên. Không hiểu sao, trong hoàn cảnh đó ông vẫn cho ra nhiều tác phẩm mô tả đầy đủ cuộc đời mình và chung quanh.

Nguyễn Thụy Long kể lại như sau trong bài Tựa cuốn Hồi Ký của mình: “Tôi viết trên căn gác cũ ở căn nhà xưa của tôi ở ấp Ðông Ba Gia Ðịnh. Nay là khu giải tỏa Rạch Miễu. Tôi đã ở đó từ hơn bốn chục năm nay, từ ngày khởi nghiệp viết văn làm báo tuổi còn trẻ măng, đến nay tôi đã là một lão già hơi lẩm cẩm, ưa giận hờn, cáu kỉnh lo chuyện trời sập. Nhà tôi thuộc khu giải tỏa, chắc chắn sẽ bị ủi sập, căn gác kia phải được kéo đổ. Vì lo chuyện trời sập mà sau nhiều năm gác bút nay tôi lại cầm bút lên viết hồi ký “trối già” trên căn gác bút. Cầm cây bút lên bây giờ nặng nề lắm, nhất là viết hồi ký. Hồi ký tất nhiên nằm trong một đời người. Ðời tôi, một người viết văn, sống bằng nghề viết cả nửa đời người ở trên quê hương mình. Một đời cầm bút của tôi, tôi chưa hề viết nổi một truyện ngắn, truyện dài trữ tình nào. Cái chất trong văn chương của tôi từ xưa tới nay vẫn là những bão táp cuộc đời, đời sống. Nay viết hồi ký, hẳn nhiên là hồi ký của tôi, đời tôi. Tôi nhặt ra những mẩu đời sống của mình hẳn nhiên chẳng mấy đẹp đẽ. Viết hồi ký, là sự thật, không thể hư cấu để đánh bóng cho đẹp đẽ, đọc lên nghe du dương cho tâm hồn bay bổng. Không có điều đó trong tập hồi ký này. Tôi giới hạn tập hồi ký này từ năm 1975 đến hôm nay, cuối năm 1997. Viết tất nhiên có người đọc đến bị ngộ nhận, tôi không muốn hồi ký của mình mang màu sắc chính trị. Ngộ nhận đến bị xuyên tạc không mấy xa. Tôi hiểu điều đó, vẫn cố tránh khi viết. Ðể nói rõ hơn, tôi chỉ muốn nói đến con người, vấn đề nhân bản. Trong đời sống và quanh bằng hữu, tốt, xấu, đau khổ hay vui cười. Hoặc đau khổ quá mà bật ra tiếng cười. Từ xưa đến nay tính chất của tôi vẫn là tưng tửng trong đời sống. Theo chủ nghĩa Mackênô (tức là Mặc kệ nó). Muốn đến đâu thì đến.”

Nguyễn Thụy Long

Hồi Ký Viết Trên Gác Bút như ta biết, được viết từ năm 1997 từ căn gác nơi ông ở Gia Ðịnh, được nhà Văn Nghệ ở Cali xuất bản năm 1999. Theo nhà xuất bản, đây mới là 2 tập đầu trong bộ hồi ký nhiều tập.

Ðiều ghi nhận đầu tiên là giọng văn trong “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút” điềm tĩnh, đúng là của một người đã cao tuổi và nhìn lại đời mình, một cách điềm tĩnh lạnh lùng nhưng đầy lôi cuốn.

Trong tập hồi ký, bạn đọc sẽ thấy lại hình ảnh của nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam trong thời nhà nước CSVN bủa lưới vây bắt — của Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Hồ Thành Ðức, Hoàng Hải Thủy, Phạm Ðình Chương… — nghĩa là cả chuyện tù, chuyện thất nghiệp, chuyện loay hoay trong một xã hội mất định hướng, và cả sau này tới thời nhà nước cởi mở, đón mừng Việt Kiều…

Tập hồi ký viết rất buồn, cũng hệt như chuyện nước mình. (theo Việt Báo)

Trước hết, tác giả Nguyễn Thụy Long kể về những đổ vỡ của gia đình mình:

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

“Vợ tôi, người vợ đã có một thời đầu gối tay ấp của tôi, lấy nhau vì tình. Quả nhiên dũng cảm đến độ “tàn bạo”. Nàng quất tôi tơi bời tá lả. Rụng như lá mùa thu… Tôi thua sau trận bị bôi tro trát trấu vào mặt, bị ỉa lên đầu. Nhưng ỉa lên đầu của cải tôi trong căn nhà này. Tôi tự an ủi, cũng chẳng sao, tôi có phải ra đi con tôi cũng hưởng. Bây giờ thì tôi biết con tôi chẳng hưởng gì, chúng bị bỏ trong viện mồ côi cho mấy bà sơ đói rách trách nhiệm. Nhưng đầy tình người bác ái. Ðó là sự thật. Sau phiên tòa, bị cáo (tôi) được tự bào chữa, cũng là nói lời cuối cùng. Lời nói bây giờ yếu xìu, không hiệu quả. Tôi nói như thế này:

– Tôi lấy vợ do hai bên cùng ưng thuận, có tí ti tình yêu. Vợ tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với ông chú là công chức bưu điện. Sau này bà ta là con nuôi ông Chu Tử, chủ nhiệm tờ báo Sống. Chúng tôi lấy nhau, thời gian đó tôi đang làm ký giả cho báo Sống. Việc chúng tôi lấy nhau cũng do ông Chu Tử giúp đỡ. Vợ tôi chưa từng có của cải hay đồng xu teng hồi môn mang về. Gia đình tôi có tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, kẻ ăn người làm cũng do một bàn tay tôi gây dựng, bằng công việc làm của tôi, nghề cầm bút. Bây giờ khép tội tôi là kẻ ăn cắp tiền bạc thì tôi ăn cắp của ai? Các ông các bà hãy nhìn xem bộ quần áo bà ta đang mặc trên người cũng do tiền tôi mua sắm..

Còn nguyên nhân tôi lộn xộn đòi ly dị không phải mới có đây, có từ khi miền Nam này còn thịnh trị, quân đội Mỹ còn ở miền Nam kia. Người vợ tôi có mộng đi ra nước ngoài để mở tầm mắt nhìn thế giới, nhìn văn minh loài người không phải người Việt Nam. Vợ tôi đưa ra một đề nghị mà người chồng Việt Nam nào cũng phải thất kinh. Bắt chồng phải ly dị, để làm hôn thú với ngoại kiều, chẳng biết một anh lính Mỹ, anh Tây hay anh thợ điện Phi Luật Tân nào đó. Ðể ra đi hợp pháp. Dĩ nhiên tôi không thể chấp nhận đề nghị đó, một đề nghị tàn nhẫn, vô nhân đạo, cạn tàu ráo máng, bôi cứt vào mặt chồng. Thuở đó miền Nam này việc đi lấy Mỹ, lấy ngoại kiều là điều không tốt đẹp gì, một việc bần cùng bất đắc dĩ, việc làm vì hoàn cảnh. Gia đình tôi không đến đỗi ở trong hoàn cảnh đó. Ông Chu Tử, chủ nhiệm của tôi, người bố nuôi của vợ tôi, ông là nhà văn, tâm hồn phóng khoáng. Ông phải la vào mặt tôi:

– Anh nên nhớ rằng người ta lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về cho đi làm đĩ. Nếu anh chiều theo ý cô ấy, tôi không biết anh là con người gì. Anh bôi cứt vào mặt anh, vào liêm sỉ của anh mà sống được à? Chuyện này không thể được!

Ngày 30-4 dịp may đến. Quân miền Nam bại trận. Gia đình tôi trốn đi mà đi không thoát. Hôm nay tôi còn ngồi đây… Tôi biết còn nhiều hoàn cảnh bi thảm khác, hơn hoàn cảnh của tôi nhiều mà người ta vẫn còn chịu đựng được. Tôi linh cảm thấy sắp có những chuyện xấu tồi tệ xảy ra cho tôi. Tôi sẵn sàng đón nhận nó.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Tôi trở thành một tên ngoan cố, ngụy biện. Tôi bị điệu lên phường rồi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Tôi không gặp hai đứa con tôi. Nhưng tôi cố nhẫn nại chịu đựng, rồi cũng có ngày nhìn lại được chúng. Tôi chỉ không ngờ khi nhìn lại hai đứa trẻ trong hoàn cảnh thảm hại như thế. Trong ai oán, trong nước mắt.

Tôi ngồi mãi ở thềm nhà xưa nhìn lên cây thập tự trên tháp chuông nhà thờ Tân Ðịnh. Bộ quần áo cải tạo bạc màu có nhiều miếng vá vụng về, cái túi xách nghèo nàn chứa vài món đồ kỷ niệm con con, lương thực không còn đến một củ khoai. Tôi nhớ con, nhớ những người bạn tù còn ở trong trại, giờ này kẻng đã đánh vang, tất cả đã phải vào lán trại. Niềm vui cuối cùng của kẻ tù tội được ngồi bên nhau. Có lẽ bạn tôi đang nghĩ đến tôi, tôi mang những lời nhắn nhe về cho gia đình họ. Những đứa trẻ xa lạ, con bạn tôi gọi tôi bằng chú hoặc bác. Còn con tôi, chúng ở phương trời nào? Bây giờ cuối năm hơi lành lạnh.

Trong căn nhà của tôi có tiếng đàn bà:

– Con ra xem ai ngồi ngoài cửa kia!

Có tiếng mở cửa sắt, rồi một cái đầu cô gái ló ra hỏi tôi:

– Ngồi chi vậy, đi đi, không có gì đâu.

Thân phận tôi bị hạ thấp xuống thêm một bậc nữa. Tôi giải thích làm gì, tôi đứng dậy và uể oải đi. Bà Tàu, hàng xóm nhà tôi, nhìn tôi, có lẽ nhận ra, bà ta lên tiếng:

– Ông về đó à, sao gầy ốm thế, cô ấy đi rồi, bây giờ nhà ông có chủ khác.

– Cám ơn, tôi biết cả, tôi chỉ về nhìn lại căn nhà xưa một lần cuối.

– Mời ông vào nhà tôi uống ly nước.

– Xin cảm ơn!

Nhiều năm sau tôi không về lại căn nhà xưa, con đường quen thuộc xưa. Tôi giữ tiếng reo cười của con tôi vang mãi trong đầu tôi, tôi không muốn tiếng cười trong sáng ấy lẫn trong những lời rủa sả cay nghiệt của cuộc đời.

Tôi thất thểu đi trên con đường Nguyễn Phi Khanh, dời xa dần ngôi nhà mang số 100. Ngôi nhà mà trước đây nổi tiếng Ô Mai Mơ Bắc Việt. Con đường cũng nổi tiếng theo là con đường ô mai cho lứa tuổi mộng mơ, mà một thời nhà văn Duyên Anh đã phong cho nó qua những tác phẩm trong sáng viết cho tuổi thơ ngọc ngà. Bây giờ chính anh ta cũng đang nằm trong trại học tập cải tạo, trại Gia Trung. Chúng tôi biết tin nhau qua những buổi được đi thăm nuôi.

Ði hết con đường Nguyễn Phi Khanh, băng qua ngã tư Trần Quang Khải, tôi đi vào đường Trần Khắc Chân. Leo qua hai cây cầu gỗ bắc ngang kinh Nhiêu Lộc xuống cù lao địa phận ấp Ðông Ba, nay là Phường 6 quận Phú Nhuận. Tôi trở về ngôi nhà xưa thuở đầu đời. Nay mẹ tôi đang sống. Trời tối mịt tôi mới về đến nhà. Mẹ tôi mừng rỡ:

– Mẹ biết con về, hôm qua mẹ đi họp người ta nói con được tha, chỉ về trong nay mai. Ngày hôm nay mắt mẹ nháy nhiều.

Mẹ tôi vét thùng gạo, toan nấu cho tôi một chút cơm. Nhưng tôi từ chối, tôi xin mẹ tôi đi thăm hàng xóm, những người đã gửi cho tôi nải chuối, củ khoai hoặc tán đường trong những lần mẹ tôi đi thăm nuôi tôi trong trại học tập cải tạo.

Sau đây là trang Nguyễn Thụy Long viết về đời sống gia đình, tình yêu của một số văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày đổi đời:

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

“Nguyễn Nghiệp Nhượng, chồng của ca sĩ Hồng Vân phải ký tên vào đơn xin ly dị với vợ, không ký cũng không được. Hồng Vân có một người chồng cán bộ khác, cũng làm văn hóa văn nghệ gì đó, so với Nguyễn Nghiệp Nhượng bây giờ, thằng thợ ngồi sửa xe đạp lề đường thì một trời một vực. Buổi trưa tôi thấy thằng cu Bi, con của Nhượng và Hồng Vân, mang đồ ăn ra cho bố. Mở ngăn gà-men ra tôi thấy mấy củ khoai luộc, loại lương thực bán ở tổ dân phố, củ khoai nào cũng bị sâu ăn đắng nghét đến hai phần ba.

Ngồi ở dốc cầu Bông, tôi nhìn thấy người vợ đầu gối tay ấp của tôi, ngồi sau xe của một thằng Tây lai mặt đầy trứng cá chở đi. Nàng làm thủ tục kết hôn, dĩ nhiên nàng được xuất cảnh ra đi theo chồng diện con lai.

Bên cạnh người ngồi lề đường là một quán cóc bán mấy thứ rượu, đồ mồi lèo tèo và chắc chắn là những thứ hạng bét. Buổi sáng tôi bán được mấy cái bù loong kiếm được mấy hào.

Tôi mua được một xị rượu cùng uống giải sầu. Nhượng góp một con cá khô nướng làm mồi đưa cay.

Tôi nhạy cảm nên muốn uống rượu rồi khóc như diễn viên điện ảnh Huy Cường. Nhưng khi nhìn mặt Nhượng sắc lại. Ðôi mắt dõi dõi nhìn xuống giòng kinh Nhiêu Lộc đục ngầu, bốc mùi hôi thối đến lợm giọng.

Tôi và Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với nhau những câu vô nghĩa.

– Tao không bao giờ tắm ở con kinh này.

– Tao gác bút, tạm thời gác bút.

– Ðúng thôi, mày nên làm phụ tá đặc biệt cho tao để kiếm khoai sống qua ngày. Chưa biết sửa xe thì mày giữ nhiệm vụ bơm xe, bỏ tí sức lao động ra, mỗi chiếc bánh xe cũng được một hào đấy, rồi học vá xe, từ vá tay đến vá ép mấy hồi… Máy móc xe đạp cũng đơn giản thôi, khó nhất là rút căm xe đạp.

Tôi rất phục Nguyễn Nghiệp Nhượng vì anh ta có năng khiếu khoa học kỹ thuật về xe đạp. Hồi xưa tôi đã thấy anh ta tháo tung cả chiếc máy chữ lau dầu rồi sửa chữa tốt lại. Thì ngày nay cái xe đạp, xe honda cũ rích có nhằm nhò gì.

– Tao gác bút!

– Ai cho mày viết văn mà chẳng gác. Coi chừng bị đếm lịch. Học lấy một nghề mà kiếm ăn, không phải nuôi vợ con thì nuôi mẹ già mày. Tao có phúc hơn mày vì còn được nuôi mẹ nuôi con. Thôi câm miệng đi rồi uống rượu. Ngồi trên con kinh nước đen này chẳng nên thơ tí nào.

– Ừ thì câm nhưng tao là thằng Trâu nước lội dưới kinh nước đen.

– Tốt, tốt. Nhưng rượu chưa đủ đâu. A, mày nghe gì về Dương Nghiễm Mậu không?

– Nó ở tù, mới ra, bây giờ nó làm nghề sơn mài. Ngồi uống cà phê cứ có ba người là nó đứng dậy biến, nó cảnh giác cao như sống trong thời Thương Ưởng phò Tần Hiến Công thuở Ðông Chu Liệt Quốc.

– Phải thôi, nhưng mình cũng nên câm miệng lại. Trâu nước, tao biết mày có bệnh vạ miệng. Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy…”

Hồi Ký Viết Trên Gác Bút còn phản ảnh nhiều mẩu đời, nhiều hoàn cảnh đen tối, bi thảm, cười ra nước mắt xảy ra dưới thời Cộng Sản toàn trị. Nó đúng là một xã hội không phải của người nữa.

N& BH