Thời nhỏ ở Vương Phủ, Nguyễn đã mê đọc ‘Ðôi Bạn’ của Nhất Linh. Mê vì văn chương và những mộng đời chớm nở. Với hình ảnh Dũng và Loan trong đó. Trong khung cảnh ngôi nhà mái ngói, ao vườn, cây trái và bóng nắng trên thềm gạch xưa, hình bóng của Dũng và Loan ẩn hiện với những tâm tình thật đẹp.

Hôm nay nhân buổi trời vào Xuân xin được cùng các tác giả đương thời ôn lại.

Nhà văn Nguyễn Công Khanh trong “Ðọc Lại Ðôi Bạn” đã viết về Dũng và Loan như  sau: “Họ cùng hiểu nhau, cùng yêu nhau, tình yêu của họ lúc xa, lúc gần dù cho tới một buổi chiều cuối cùng chia tay trên đồi cỏ may, hai người vẫn thấy tình yêu của họ sao mà nghiêm trọng đến nỗi không ai dám nói cho nhau biết. Dù Dũng biết rằng đây có thể là lần cuối, chàng có thể ngồi cạnh Loan bên bờ giếng khơi, có thể ngửi được mùi quê hương nồng ấm trong cơn gió đưa thoảng lên từ dưới cánh đồng lúa chín xa, có thể nhìn thấy những con châu chấu xanh, những con cào cào cánh xanh đỏ của thời thơ ấu bay qua trước mặt rồi lẫn vào đám cỏ xanh. Ngay cả đến Loan, nàng cũng biết rằng sắp phải xa Dũng, dù biết rằng Dũng ra đi chắc gì đã thoát được như một số bạn của chàng. biết rằng, chắc gì đã ngày gặp nhau, và ngày mai thì Dũng đã ở một nơi nào đó nàng chỉ có thể tưởng tượng nghe tiếng vó ngựa mơ hồ và hình ảnh Dũng bạt vào cảnh núi rừng biên giới mịt mù xa xăm…”

Trong khi đó tác giả Hoàng Yên Lưu đi sâu vào phân tích.

Tác phẩm gồm ba phần, một bố cục khá cổ điển mà chúng ta thường gặp trong tác phẩm của Nhất Linh từ Ðoạn tuyệt (như đã trình bày) tới Giòng sông Thanh Thủy (Giòng sông Thanh Thủy-Chi bộ hai người-Vọng quốc).

Phần một: Giới thiệu hai nhân vật chính: Dũng xuất thân từ một gia đình quyền quý, là con một quan Tuần, một viên tuần phủ bất chấp thủ đoạn để giàu sang và danh vọng. Bản thân chàng là một thanh niên tâm huyết, chán nản với hoàn cảnh đại gia đình phong kiến (ông Tuần có tới ba vợ) và tham ô, nên có xu hướng thoát ly để làm cách mạng. Bên cạnh Dũng, nhưng trong môi trường trong sạch, là Loan. Loan là con gái ông bà Hai, hàng xóm của Dũng. Ông Hai là bạn học cũ của cha Dũng nhưng là nhà nho thất chí, thất thế, sống cuộc sống đạm bạc và thanh bần. Dũng-Loan là đôi bạn từ nhỏ và khi lớn lên tình cảm giữa hai người càng ngày càng gắn bó nhưng vẫn chỉ là tình câm vì họ thừa biết hoàn cảnh của họ khó lòng kết hợp vì không môn đăng hộ đối.

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Hơn nữa, Dũng là thanh niên có lý tưởng, bỏ học, kết bạn với những chàng trai tâm huyết như Thái, Tạo và Trúc, nói theo Thế lữ là chàng muốn ‘đem chí bình sinh dãi nắng mưa’, nên khó lòng chấp nhận một cuộc đời bình thản, vô vị có vợ đẹp con khôn. Còn Loan do cha mẹ xếp đặt đã có hôn ước với Thân, một thanh niên tầm thường con nhà giàu ở ấp Thái Hà. Loan dù yêu Dũng tha thiết, và là một cô gái được theo tân học nhưng vì chữ hiếu khó lòng cãi lời cha mẹ chạy theo một cuộc tình mà kết quả chỉ có trong mộng ảo. Tình yêu giữa đôi trai gái này có thể nói “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, ẩn sau tình bạn nên duy trì được sự thanh khiết, tương kính và cao thượng.

Tác phẩm Đôi Bạn 

Phần hai: Cuộc xung đột nội tâm của Dũng gia tăng. Chấp nhận cuộc sống tầm thường trong ao tù trưởng giả hay vùng vẫy theo tiếng gọi của non sông như Dũng ngẫm nghĩ: “Khổ nhất là bắt buộc sống trong cảnh giàu sang ích kỷ mà lại có óc cách mệnh, hay tự bắt buộc phải sống một đời cách mệnh mà thật tình thâm tâm chỉ lại thích giàu sang. Chỉ khổ khi nào đã sống một đời không hòa nhịp với tâm trí…” Bản thân Dũng có mặc cảm: Tôi chỉ thấy sự giàu sang của tôi, của cả nhà tôi… như là một cái nhục. Tôi thấy thế nên tôi mới đau khổ.

Nhưng thoát ly gia đình không phải là việc dễ dàng và tương lai sẽ ra sao như chàng trai từng nghĩ: “Phải sống một đời ngang trái nhưng chàng không có đủ can đảm thoát ly; mà thoát ly rồi cái đời tương lai của chàng sẽ đại khái như đời của Thái và Tạo, hai cảnh đời mà trước kia mới nghĩ đến chàng đã cảm thấy buồn nản vô cùng”.

Trong khi ấy, hoàn cảnh bên ngoài thúc giục phải chọn lựa, ông Tuần, cha chàng, ép chàng lấy vợ, lấy Khánh, một cô gái nhà giàu xinh đẹp, con quan Thượng Ðặng. Chàng không thể từ chối và cũng không thể chấp nhận vì chán đại gia đình và cũng vì đã yêu Loan.

Bà Hai, thân mẫu của Loan, không phản đối việc Loan yêu Dũng nhưng bà thừa biết Loan không thể làm dâu nhà ông Tuần vì gia đình bà kém cạnh họ rất xa. Tuy nhiên, bà có niềm an ủi với viễn ảnh Loan sẽ về làm dâu bà Phán Lợi và đủ sung sướng một đời. Loan cũng bối rối và đau buồn vì áp lực từ cha mẹ, từ cảnh nghèo và vô cùng tuyệt vọng vì cuộc tình không có tương lai nhưng nàng thông cảm nỗi khổ tâm của người bạn tình trong cuộc tình câm nín.

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Phần ba: Khi xung đột đã đến đỉnh điểm. Tâm lý Dũng căng thẳng, chàng đi tới quyết định: chỉ có từ bỏ gia đình theo gương của Thái và Tạo (những người bạn của Dũng đã chết vì lý tưởng) mới có thể hóa giải được cuộc xung đột nội tâm. Thế là Dũng theo bạn là Trúc bỏ ra đi. Chuyến ra đi của Dũng trong truyện cũng chỉ là chuyến giang hồ như Thế Lữ từng viết khi cảm đề Ðoạn tuyệt:

Non nước đang chờ gót lãng du

Ðâu đây vẳng tiếng hát chinh phu

Nhưng Nhất Linh bóng gió nói tới ước vọng của Trúc và Dũng là sẽ vượt biên giới phía bắc sang Tàu và có thể sẽ sang Nga.

Tính chất lãng mạn trong Ðôi Bạn còn ở kết thúc câu chuyện. Kẻ ra đi thông cảm với người ở lại. Kẻ ở lại thông cảm với kẻ ra đi. Cả hai lấy chữ hy sinh làm đầu, lấy lý tưởng làm trọng và chuyển đau thương trong lòng ra nỗi nhớ nhung làm bất tử cuộc tình đầu như Thế Lữ cảm đề:

Năm năm theo tiếng gọi lên đường

Tóc lộng tơi bời gió bốn phương

Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại

Ðể hồn mơ tới bạn quê hương.

Ðôi Bạn là một truyện tình được viết với một nghệ thuật rất cao:

– Tác phẩm không trông cậy vào cốt truyện ly kỳ, tình tiết lâm ly để lôi cuốn người đọc như loại tiểu thuyết tình trước đó kiểu Tuyết hồng lệ sử, Vân lan nhật ký (Từ Trẩm Á), Lan và Hữu (Nhượng Tống). Nhất Linh cũng không triết lý về ái tình như Lê Văn Trương, mà tốn nhiều bút mực tả cảm xúc tinh tế, những diễn biến tâm lý của đôi lứa trong một cuộc tình đơn sơ, câm nín nhưng chân thật. Có thể nói Ðôi Bạn là một thiên tâm lý ái tình xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Ðọc Ðôi Bạn độc giả ít nhiều bắt gặp cảm xúc của chính mình khi dấn thân vào mối tình đầu.

Nhất Linh đã tận dụng thuật dùng cảnh để tả tình. Những cảnh rất đơn sơ nhưng khắc họa tình cảm của nhân vật.

Nhà văn Nhất Linh

Cử chỉ bộc lộ yêu đương của nhân vật không hề sỗ sàng và cũng chẳng phức tạp mà nhiều khi chỉ một cái liếc mắt, một câu nói vô tình, bỏ lửng cũng đủ giãi bày những gì tận đáy lòng. Ta hãy đọc đoạn sau đây mà chính Nhất Linh sau này đọc lại Ðôi Bạn đã tỏ ra đắc ý và dẫn chứng trong tác phẩm Viết và đọc tiểu thuyết viết trong thập niên 60, thì thấy cảnh và tình, tình và ngôn ngữ-cử chỉ đã kết hợp như thế nào khi đôi bạn đang yêu có cơ hội gần nhau:

Xem thêm:   Rừng-Kinh Dương Vương. qua tranh và văn

“Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo nghe như tiếng biển xa đều đều không ngớt. Dũng có cái cảm tưởng rằng cái tiếng ấy đã có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trên lá thông.

Không nghe thấy tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen lánh của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội vàng nhắm mắt lại làm như ngủ; song biết Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau… Tình yêu hai người vốn đã có từ trước nhưng sao cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế; không có gì cả mà sao Dũng lại như vừa thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tấm ái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, bắt đầu từ phút vừa qua.

Quả tim chàng đập mạnh nhưng lòng chàng thốt nhiên yên tĩnh lạ thường. Khoảng trời ở giữa chàng và Loan hình như không còn nữa, cao lên và rộng mênh mông; chắc không bao giờ Dũng quên được hình dáng một đám mây trắng ngay lúc đó, đang thong thả bay ngang qua, một sự hiển hiện sáng đẹp, linh động trôi êm nhẹ trong sự yên tĩnh của bầu trời và lòng chàng.

Loan nói: Anh yên lặng mà nghe tiếng thông reo… anh có nghe thấy không?

Dũng đáp: Từ nãy tôi vẫn nghe và nghe thấy rõ lắm…”

Thời gian lớp lớp trôi qua. Những giấc mộng đầu đời không thành hiện thực nhưng để lại mùi hương thơm kỳ ảo. Sau này Nguyễn còn đọc thêm Bướm Trắng, Hai Buổi Chiều Vàng, Dòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh. Nhưng Ðôi Bạn vẫn là cuốn sách mình yêu quý nhất. Ah! Les premières fleurs qu’elles sont parfumées (Paul Verlaine).

NGUYỄN & BẠN HỮU