Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950. Đi lính năm 1968. Đến Hoa Kỳ năm 1984. Cao Học ngành Quản Trị Kinh Doanh. Làm việc trong ngành Tin Học tại California.

Bắt đầu viết từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org… Chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002). Đồng chủ trương tạp chí mạng Da Màu (2006). Chủ trương thư viện online Trên Kệ Sách (2008). Chủ trương Trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách (2011). Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng & Cây trên VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ)

Sách đã xuất bản: Tháp Ký Ức, nxb Văn, 1998; Đêm Oakland và Những Truyện Khác, nxb Văn, 2001

Phùng Nguyễn đột ngột ra đi ngày 17 tháng 11. 2015 để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè. Dưới đây là bài viết của Phan Xuân Sinh về tác phẩm của Phùng Nguyễn. Trang Văn Học xin đăng lại và cảm ơn nhà văn Phan Xuân Sinh. NGUYỄN & BẠN HỮU

Phan Xuân Sinh

Tôi đã đọc Phùng Nguyễn vài năm nay, rải rác trên các tạp chí văn nghệ hải ngoại, trên Văn Học Nghệ Thuật liên mạng. Tập truyện đầu tay của anh “Tháp Ký Ức” đã khẳng định Phùng Nguyễn có một bút pháp riêng rẽ, lối kết cấu và dựng truyện của anh cũng mới lạ. Nhưng mãi tới ngày 7.7.2001, tôi mới gặp được Phùng Nguyễn bằng con người thật của anh.

Trong chuyến viếng thăm California nhân ngày “Họp Mặt Liên Trường Ðà Nẵng”, chúng tôi muốn gặp một số anh chị em văn nghệ Quảng Nam của Santa Ana và vùng phụ cận. Ý kiến nầy được anh Thái Tú Hạp và Vương Trùng Dương tán thành và sắp đặt tại Café Artist trong đêm 7.7, nhưng quả thật những anh chị văn nghệ ngoài Quảng Nam cũng tới. Tôi gặp tác giả “Tháp Ký Ức” tại đây. Phùng Nguyễn vóc người trung bình, nhân dáng đúng là một nghệ sĩ. Ðược ngồi đối diện với anh trên bàn tiệc, tụi tôi cụng với nhau vài ly rượu và cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với nhau. Anh thẳng thắn và chơn chất. Anh cũng như tôi hối tiếc bữa tiệc rượu loãng quá và trang trọng quá. Ðúng ra chúng tôi chỉ cần rượu và cái tình của anh em đối với nhau, nhưng Café Artist bữa đó không được như vậy, vì khách ngoài vào quá nhiều. Anh em cảm thấy như có miếng xương mắc ngang cổ họng, nên đành phải ra bên ngoài.

Khi cái thú đã mất, thì ra bên ngoài cũng không thể nối lại được, nên chúng tôi ngồi nán lại chuyện trò vớ vẩn. Và cũng chính khi ngồi lại, tôi nhận được tập truyện “Ðêm Oakland và Những Truyện Khác” do Phùng Nguyễn tặng. Cầm quyển truyện trong tay, tôi mới bắt đầu quan sát Phùng Nguyễn. Giọng nói của anh không còn mang âm hưởng Quảng Nam, có lẽ anh rời quê hương lâu lắm. Nhưng cái bản chất của anh thì vẫn đặc lền Quảng Nam, anh phát biểu thẳng thắn, như sẵn sàng tranh cãi. Về khách sạn tôi mở tập truyện của anh tặng đọc trước khi ngủ, dự trù đọc một hai truyện nhưng lạ thay, tôi đọc hết quyển truyện lúc nào không hay. Cái gì đã hấp dẫn làm tôi phải đọc một mạch như vậy? Có lẽ là chất Quảng Nam mà tôi bắt gặp trong tác phẩm nầy, lời nói và cử chỉ của anh mà tôi đã gặp hôm nay, nó phảng phất giống hệt nhau như trong tác phẩm anh viết.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Ðêm Oakland và Những Truyện Khác của Phùng Nguyễn, do Văn xuất bản, năm 2001, gồm 16 truyện, mỗi truyện được ghi năm sáng tác ở cuối truyện, truyện viết từ năm 1995 (“Bước Hồi Sinh”),  1996 (“Chuyện Tình Kể Lại”), 1997 (“Khách Quen”), 1998 (“Chim Gáy Sau Vườn” “Cháy Lên Những Ngọn Ðồi Cỏ Khô” “Chuyện Thằng Bạn”), 1999 (“Văn Sĩ Ngại Ngần” “Cựu Chiến Binh” “Nhà Thơ” “Phía Bên Kia Ðường” “Tỏ Tình Với Bình Minh”), đến năm 2000 (“Ðêm Oakland. Câu Hỏi” “Bắt Hến ở Hồ Isabella” “Quan Hệ” “Bóng Phượng” “Dựng Truyện”). Nhưng các truyện không được tác giả xếp theo thứ tự năm sáng tác.

Ðọc truyện ta thấy được Phùng Nguyễn khi bắt đầu lớn lên thì cuộc chiến Việt Nam cũng bắt đầu leo thang (không nói, nhưng chúng ta cũng biết đó là những ngày đầu thập niên 1960). Những cuộc rong chơi của tuổi nhỏ trên cánh đồng quê không còn an toàn, những hầm chông mìn bẫy của phe bên kia đặt rải rác cốt để đốn ngã đối phương, nhưng cũng là mối lo âu cho các bà mẹ có con nhỏ. Những nghịch cảnh mà chiến tranh gây nên, xé nát mảnh đất thân yêu “ngày Quốc Gia, đêm Giải Phóng.” Những nạn nhân của cả hai phe (Hạnh của ông Hồ Luyện, Ủy Viên Hộ Tịch xã khi Quốc Gia kiểm soát nhưng cũng của thằng Kình khi Giải Phóng tới), hai nhân vật chẳng ra gì, cấu xé trên thân thể người con gái yếu đuối. Chúng ta thấy lại những trớ trêu của cuộc sống. Những nghiệt ngã thân phận hẩm hiu sống giữa gọng kềm của hai thế lực, những người dân vô tội chịu đựng búa rìu của cả hai bên, cắn răng bám lấy ruộng vườn.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Ta mơ hồ nhìn thấy lại Phú Bông, Ðiện Hồng của Ðiện Bàn Quảng Nam, những địa phương mà Phùng Nguyễn đề cập tới cũng mơ hồ. Có lẽ anh đã rời quá lâu nơi đó, nơi có con sông Cái đã bao lần tắm mát. Sông Cái, tôi giật mình với danh từ chỉ nơi chốn nầy, ngày xưa dân quê ngoài tôi không nói sông Thu Bồn, danh từ nầy dành cho người có học, tất cả họ chỉ nói là sông Cái. Thế mà Phùng Nguyễn đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn mấy chục năm, lại là người có học, mà cũng không quên danh xưng dân dã nầy, phục anh thật.

Trong đêm ở khách sạn, tôi cười khi đọc đến câu này “Ðêm về, tôi ngủ một giấc đã đời, tới trưa trờ trưa trật mới dậy…” Bà xã tôi ngồi dậy hỏi cười gì, thấy tôi đọc sách vẫn thường như vậy, nên bà nằm xuống ngủ lại. Vâng, đồng ý trong câu trên không có chất gì là Quảng Nam, nhưng người Quảng Nam thường hay nói như vậy. Tôi cũng xa nhà như Phùng Nguyễn, hơn 30 năm. Mỗi khi nghe ai đó trong Sài Gòn nói giọng đặc sệt Quảng Nam là tôi cảm thấy gần gũi và thương tiếng nói đó quá chừng. Không phải “mô, răng, chi, rứa” mới là Quảng Nam, mà ngay cái “nặng trịch” của nó trong âm hưởng tưởng tượng thôi đã thấy đáng yêu rồi. Trong giọng văn của Phùng Nguyễn có cái gì đó rất là Quảng Nam, rất gần gũi mà tôi không mô tả được.

Phần nhiều trong các truyện lấy bối cảnh từ Mỹ, nhưng Phùng Nguyễn thỉnh thoảng xen vào những hoài niệm về quê hương rất tự nhiên, mới lạ. Có lẽ cách dựng truyện của anh, cách mô tả, văn phong v.v. rất đặc biệt của Phùng Nguyễn thu hút người đọc. Cũng cái cảnh đi mót khoai sau mùa gặt hái trên cánh đồng miền quê, chẳng có củ khoai nào, chỉ nhặt lấy những rễ khoai u lên một cục có hình dáng củ khoai nhưng không phải là khoai, nhỏ thua ngón tay út, phủi đất bỏ vào miệng nhai rau ráu, ngọt lịm (dân Tam Kỳ ngày xưa bảo loại nầy là khoai chạt). Anh không nói cái cảnh mót khoai nầy ở đâu, nhưng ta cũng hình dung ra chỉ có Quảng Nam mới có cảnh nầy. Lại thêm món hến xào xúc bánh tráng, thiệt tình món nầy ngoài dân mình ra thì các vùng khác ăn không thấy gì ngon lắm. Thế mà dân mình thì hăm hở với món khoái khẩu nầy.

Phùng Nguyễn

“Cựu Chiến Binh, Nhà Thơ”, đây là truyện hoàn toàn Mỹ. Nhân vật, khung cảnh, suy nghĩ…Mỹ rặt. Nhưng cái “lý sự” trong truyện thì lại Quảng Nam. Khi Phùng Nguyễn viết truyện nầy anh không cố tình gửi gắm chút quê hương trong đó, không bộc lộ bản chất Quảng Nam, thế nhưng sao ta vẫn thấy Quảng Nam phảng phất trong cái lý sự của từng câu văn. Mới hay cái chất nầy đã thấm trong máu, trong thịt dù có che đậy cỡ nào thì nó cũng bộc lộ.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Sau khi đọc hết quyển truyện, dù Phùng Nguyễn không đề cập cụ thể tới những nhân danh hay địa danh ở Quảng Nam, thế nhưng nó lại đặc lền Quảng Nam trong truyện. “Ðêm Oakland và Những Truyện Khác” mới đọc có vẻ là Mỹ quá, thế mà trong đó nó chất chứa hơi hám mọi thứ của quê hương anh sinh ra và lớn lên. Giọng văn của anh cũng giống như giọng của ông Cửu Nhường (anh không cho ông nầy nói câu nào), nhưng tôi biết nếu ông Cửu Nhường mở miệng thì cũng đầy “lý sự” chắc mẩm, chân chất và cục mịch như hòn đất, củ khoai, không trau chuốt bóng bẩy, không làm dáng kiêu kỳ. Văn Phùng Nguyễn cũng vậy, không làm cho người đọc mất thì giờ suy nghĩ, mất thì giờ tra cứu. Nó rõ ràng như ban ngày, phơi giữa ánh sáng mặt trời nhưng nó cũng thâm trầm, sâu sắc. Quê chúng tôi những ông Nghè, ông Cửu, ông Trùm, hình như vùng nào cũng có, nên khi thấy cái chức vị đó tự nhiên tôi lại nghĩ ngay đến vùng đất của chúng tôi sinh ra.

Gấp tập truyện lại, tôi thấy lòng tôi âm ấm. Phùng Nguyễn đã đưa tôi về quê hương, rồi lại đưa tôi trở lại Mỹ. Lôi cuốn tôi trên những đoạn đường anh đã trải qua bằng một lối viết bình dị, sống động. Lâu lắm tôi mới được đọc một tập truyện ưng ý như thế nầy, trong đó có chút gì như ngang bướng thật dễ thương của Quảng Nam, ngắn gọn, châm chọc, tạo ra nét đặc thù của Phùng Nguyễn, con người đã ngồi trước mặt tôi. Tôi quý mến cái thật thà chân chất, lối nói chuyện không màu mè kiểu cách của anh, mặc dù chúng tôi chỉ mới gặp nhau thôi. Nhưng cũng đủ nói lên được cái thân tình mà anh đã dành cho những bằng hữu gần xa.

PXS