Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sinh năm 1959, tên thật là Trần Quang Đoàn. Ông là người gốc Huế, lại sống suốt thời niên thiếu ở Quảng Ngãi, lớn lên lập nghiệp tại Sài Gòn. Có thơ in báo từ trước năm 1975. Ông từng là nhà giáo, từng công tác tại báo Giáo dục và Thời đại trước khi lâm trọng bệnh. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990). Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991). Đoàn Vị Thượng cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc… là những gương mặt thơ nổi bật của Sài Gòn – TP.HCM trong những năm 1990. Nhiều người yêu mến dòng thơ Đoàn Vị Thượng. Thơ ông giọng điệu và tính riêng. Không phải thơ thiền, nhưng tinh thần Phật giáo lan tỏa khiến thơ ông có lúc như reo vui, đầy nhựa sống, nhưng vẫn lẩn khuất nỗi buồn phận người, với những lo lắng của đời thường. Sau đây xin giới thiệu bài viết của Lê Hoàng Tuấn Kiệt về thơ Đoàn Vị Thượng. NGUYỄN & BẠN HỮU

Lê Hoàng Tuấn Kiệt

Thi sĩ Ðoàn Vị Thượng vừa bước lên chuyến xe chạy về thiên cổ sau thời gian chống chọi với bệnh tật ngặt nghèo. Dẫu biết không sớm thì muộn người thi sĩ ấy cũng sẽ vĩnh viễn rời bỏ cõi nhân sinh này, song le khi tin dữ đến, những người yêu mến anh, trân quý thơ anh đều không khỏi sảng hoàng, tê điếng. Một “chuyến đi không hoãn được” (chữ của Tô Thùy Yên.)

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Cuối tháng 12 năm ngoái, lúc Ðoàn Vị Thượng đang trên giường bệnh, bạn bè anh đã chung tay thực hiện tập thơ Ðoàn Vị Thượng, tập họp những bài thơ xuyên suốt nhiều chặng đường đã qua, trong đó có những bài đã làm nên tên tuổi anh như: Xin Lỗi Em, Bụi Phấn, Lời Ru Của Thầy, Cuộc Lữ…

Tôi sở hữu hai ấn bản của tập thơ, một dành riêng cho bản thân, và một tặng cho đứa em yêu quý. Tôi cũng có viết đôi dòng về người thơ gốc Huế ấy, người đã sống thời niên thiếu ở vùng núi Ấn sông Trà, lớn lên chọn Sài Gòn lập nghiệp.

Đoàn Vị Thượng – nguồn vhsaigon 

Có thể Ðoàn Vị Thượng không thừa tài hoa tư tưởng để làm chuẩn mực cho ai đó học hỏi. Song le, anh không hề thiếu chất liệu nghệ thuật và bản ngã sáng tạo để phải vay mượn, cậy nhờ ai.

Anh viết nhiều thơ tình, với giọng điệu nhẹ nhàng, hồn nhiên, không dụng tâm đẽo gọt quá nhiều. Chẳng hạn, những câu trong bài Xin Lỗi Em:

Xin lỗi em, vì một lý do nào

Thềm nhà tôi vắng tiếng chân em bước

Thì lúc ấy – lối đi ngoài cổng trước

Tôi vẫn tin, cỏ chưa vội lấp đầy

Cỏ độ lượng cỏ cần biết rõ

Tôi có gì xúc phạm với em đây.

(trích “Xin Lỗi Em”, tr.56, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Hay bài Ví Dụ Ta Yêu Nhau, với những lời thật dễ thương, trong trẻo:

Ví dụ hai mình ra phố chơi

Vào quán cà phê kiếm chỗ ngồi

Nhạc ồn em nói nghe không rõ

Mình cúi vai gần như lứa đôi.

(trích “Ví Dụ Ta Yêu Nhau”, tr.49, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Tình yêu, đề tài muôn thủa của thi ca, người ta đã viết quá nhiều rồi. Làm thơ tình thì dễ, viết hay mới khó. Tôi thiết tưởng, nhiều người sẽ thú vị khi tìm đọc những bài thơ tình của chàng thi sĩ này.

Anh viết về Quảng Ngãi, nơi gắn bó suốt thời niên thiếu, với mảnh trăng gầy luyến thương, ăm ắp ký ức một thời:

Những tối nào xưa, trăng Quảng Ngãi

Lụt khắp đường đêm một ánh vàng

Ai biết bàn chân tôi mê mải

Cũng từ độ ấy sớm lang thang.

(trích “Mười Năm, Quảng Ngãi Và Trăng”, tr.67, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Anh còn viết về cố quận, về xứ Huế mộng mơ, về giọng Huế của Mạ, với những lời thắm thiết:

Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông

Ðến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt

Giọng Huế nghe còn một chút gì trong

Bao cay đắng pha vào chưa đục được.

(trích “Giọng Huế Của Mạ”, tr.73, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Đoàn Vị Thượng – nguồn tin viet 24h

Hay trong bài Những Ngày Trở Lại Huế, với niềm hoài cảm bùi ngùi:

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Huế nuôi tôi đến trẻ trai

Rồi tôi đem tuổi ấy xài vu vơ

Miền Nam cũng có sông hồ

Nhưng con nước lạc bến bờ tôi sinh.

(trích “Những Ngày Trở Lại Huế”, tr.71, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Anh còn viết về nghề giáo, về nghiệp bảng đen phấn trắng mà bản thân từng gắn bó:

Mỗi nghề có một lời ru

Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này

Lời ru của gió màu mây

Con sông của mẹ đường cày của cha.

(trích “Lời Ru Của Thầy”, tr.62, Đoàn Vị Thượng – Thơ, 2020)

Thời hoa mộng của tôi, lúc còn cắp sách đến trường hay đến lúc thầm thương trộm nhớ ai đó, đã biết và đọc nhiều tiếng thơ ấy. Mà tôi nghiệm ra, thứ gì gắn sâu với tuổi thơ, với những ngày niên thiếu, tuồng như không thể xí xóa. Ðọc thơ Ðoàn Vị Thượng, bao giờ tôi cũng thấy mình còn trẻ trai, còn thanh xuân bàng bạc…

Vài dòng ngắn ngủi, như nén nhang truy niệm, bái vọng anh hồn người thi sĩ vừa giã biệt cõi dương thế vốn vui ít buồn nhiều.

Mồng Năm Tết Tân Sửu

L.H.T.K

Nguồn: Trang nhà DuTử Lê