Thành phố lớn thứ nhì của Tân Tây Lan, Wellington không những là thủ đô và trung tâm quyền lực mà còn nổi tiếng với những sinh hoạt văn hoá, kỹ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Mời các bạn cùng tôi đi dạo một vòng thành phố cảng này.

Wellington nhìn từ Kelburne (nguồn: Cable Car Museum)

Wellington Cable Car. Một trong những sinh hoạt du ngoạn lý thú nhất trong phố là nhảy xe cáp từ bến Lambton Quay leo lên Kelburne. Thuở xưa, vào cuối thế kỷ 19, Kelburne có đại học Victoria nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống vịnh. Không những phong cảnh hữu tình, Kelburne còn là khu đất vàng. Một tay đại gia bất động sản đã nhanh trí bỏ tiền đầu tư, giúp thành phố xây hệ thống xe kéo bằng dây cáp cho người ta lên xuống dễ dàng hơn, tất nhiên không ngoài mục đích kinh doanh đất đai nhà cửa. Với chiều dài 612m và độ cao 120m, xe cáp Wellington đã được cư dân hoan nghinh nhiệt liệt kể từ khi đưa vào hoạt động năm 1902.

 

 

 

Chiếc xe cáp đỏ nguyên thuỷ trong Bảo Tàng Viện Cable Car, hàng ghế bên hông xe hình răng cưa để người ngồi giữ thăng bằng khi xe leo dốc. (ảnh: ianbui /Trẻ)

Nhưng sang thập niên 70 một tai nạn suýt chết người đã xảy ra khiến thành phố ra lệnh dẹp bỏ xe cáp vì nguy hiểm. May thay vài tổ chức dân sự đã thuyết phục được thành phố cho phép phục hồi đường xe cáp với điều kiện chỉnh đốn cho hiện đại và an toàn hơn. Ngày nay du khách cũng như cư dân trong vùng có thể dùng cable car để lên đồi Kelburn thăm Vườn Bách Thảo, Viện Bảo Tàng Cable Car, Viện Khoa Học Thiên Văn… Ban đêm, những đoạn hầm của đường xe cáp được chiếu sáng bởi những ánh đèn LED rực rỡ; và từ trên đỉnh du khách có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của thành phố Wellington về đêm.

 

 

 

 

 

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Cái đình (wharenui) của người Maori (nguồn: wikimedia)

Bảo Tàng Viện New Zealand Te Papa. Hoàn toàn miễn phí, bảo tàng viện 6 tầng lầu này có rất nhiều thứ để xem, đi cả ngày không hết. Mỗi tầng lầu là cả một kho tàng nghệ thuật. Tầng trên cùng có cả một cái deck cho ta ngắm toàn cảnh vịnh Wellington. Tầng thứ tư dành riêng cho lịch sử người Maori, những thổ dân đầu tiên đặt chân đến New Zealand vào khoảng thế kỷ thứ 10-11 sau Công nguyên. Họ thuộc giống dân Polynesia, sanh sống trên các đảo vùng Thái Bình Dương. Họ giỏi nghề đi biển,  thích xăm mình, và hình như có liên hệ DNA với người Việt cổ.

Một trong những hiện vật quan trọng trong bảo tàng viện Te Papa là cái đình (wharenui) của người Maori. Nó là một căn nhà sàn lớn, có thể chứa cả trăm người, bằng gỗ và được chạm trổ tinh vi, cực đẹp. Năm 1840 Hiệp Ước Waitangi giữa các bộ lạc Maori và đại diện Nữ Hoàng Anh đã được ký kết trong một căn wharenui giống như vầy. Nếu như nước Mỹ có bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đánh dấu ngày Quốc Khánh, thì New Zealand có Hiệp Ước Waitangi. Nó dẫn đến việc New Zealand được sáp nhập vào đế quốc Anh nhưng vẫn cho phép người Maori quyền tự do cộng thêm một số quyền lợi kinh tế. Tuy ngày nay hiệp ước Waitangi vẫn còn nhiều điều bất cập, nhưng ngôn ngữ và văn hoá Maori vẫn là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày ở New Zealand. Ðây là một nét độc đáo của quốc gia tân tiến này.

Một trong sáu bức tượng lớn kể lại trận đánh Gallipoli. (ảnh: ianbui/Trẻ)

Gallipoli: Cuộc Chiến Lớn. Chiếm gần hết lầu 2, khu triển lãm này kể lại câu chuyện những người lính Tân Tây Lan tham dự Ðệ Nhất Thế Chiến. Công ty điện ảnh Weta Workshop – chuyên dàn dựng và chế tạo đạo cụ cho những phim lớn như “Lord of the Rings” – đã hợp tác với BTV Te Papa để thiết kế màn triển lãm vô cùng đồ sộ này. Những bức tượng lớn gấp 2.4 lần người thường trông thật đến độ người xem phải sững sờ. Nghe nói Weta đã tốn hơn 24,000 giờ đồng hồ để tạc các bức tượng này. Mỗi chi tiết đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, từ chiếc nút áo cho tới sợi dây giày – nhất nhất đều trung thực và chính xác đến mức khó tin.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Gần 3,000 binh sĩ Tân Tây Lan đã bỏ mình tại trận địa Gallipoli, trong số đó có rất nhiều người thổ dân Maori. Ðối với một nước nhỏ như New Zealand, đây là một con số tử vong quá lớn. Ðệ Nhất Thế Chiến được xem như sự kiện lịch sử quan trọng vì đó là lần đầu Tân Tây Lan được xem như thành viên thực thụ của cộng đồng thế giới, không còn là một quốc gia nhỏ bé xa xôi.

 

 

 

 

 

 

 

Quái vật Azog trong phim The Hobbitt tại Weta Cave (ảnh: ianbui/Trẻ)

Weta Cave. Ðây là nơi sản xuất ra vô số đạo cụ, vật liệu sân khấu, digital art cho các phim trường trong vùng, không những tại Tân Tây Lan mà còn cho cả Á Châu và Mỹ Châu. Nhờ Weta mà kỹ nghệ phim tại Wellington bùng nổ, dẫn đến biệt danh Wellywood.

Danh sách những bộ phim mà Weta có nhúng tay vào rất dài, nhưng nổi tiếng nhất phải nhắc đến “Avatar”, “King Kong”, “The Hobbitt”, “Lord of the Rings”… Du khách có thể mua vé tour Weta Cave để xem cách họ chế tạo các món đồ được dùng trong phim – từ robot cho đến kiếm cung, từ tay chân giả cho đến áo giáp thời Trung Cổ. Nhất nhất đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm giống y như thật nhưng phải thật gọn nhẹ để diễn viên có thể mặc cả ngày không mỏi. Họ tận dụng mọi vật liệu sẵn có, và dùng máy in 3D để làm ra đủ thứ.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Như đã nói ở trên, Weta đã góp phần làm các tượng người cho triển lãm Ðệ Nhất Thế Chiến tại Bảo Tàng Viện Te Papa ở Wellington. Ngoài ra họ còn là tác giả những con thú vật khổng lồ, các con quái đủ loại trong những bộ phim giả tưởng. Tuy ngày nay các nhà làm phim thường xuyên dùng computer graphics để kết cấu hình ảnh, nhưng muốn cho thật và đẹp họ vẫn cần đến các mô hình với đầy đủ chi tiết. Nếu bạn là fan của điện ảnh, nhất là những phim khoa học giả tưởng, bạn sẽ rất thích đi chuyến tour này. Chỉ tiếc một điều là vì lý do bản quyền nên Weta không được phép cho du khách chụp hình, chỉ một vài nơi là ta có thể chụp hình hoặc quay phim mà thôi.

 

 

 

Chớ dại mà bước vô đây nhá! (ảnh: ianbui/Trẻ)

Courtenay Road. Ðây là khu vực ăn uống, vui chơi giải trí ở Wellington. Nó nằm gần bờ biển, không xa lắm trung tâm thành phố, gần nhà hát lớn St James Theater với kiến trúc cổ xưa. Từ đây đi bộ ra Bảo Tàng Viện Te Papa rất gần. Trên con đường này đầy dẫy nhà hàng Tây Tàu Ấn Hàn Việt đủ thứ đủ kiểu, du khách tha hồ lựa chọn.

Trước khi khám phá ra con đường ẩm thực hấp dẫn này, người viết vì đói quá nên đã vào đại một quán Phở trên Lambton Quay mà căn cứ theo Yelp là rất “nhiều sao”. Bước vào quán, cái đầu tiên đập vào mắt là lá cờ đỏ sao vàng treo trên cao. Nghe cô bán hàng nói rặt giọng Hà Nội Mới, kẻ hèn này nghĩ thầm trong bụng: “Chắc là phở Bắc chính hiệu đây, biết đâu sẽ giống như Phở Gia Truyền…” Dè đâu hỡi ôi, nó vừa nhiều bột ngọt lại vừa mặn như muối, chả ra mùi phở gì ráo. Còn dĩa “rau thơm” thì chỉ có bụm giá và một đống xà lách tây (!!) Ðã vậy phở ở đây còn mắc kinh khủng: $16 NZ 1 tô (khoảng $12 US).

Trước khi vào thấy tấm bảng bên ngoài ghi hàng chữ “Un-phở-getable”, ăn xong mới hiểu ý nó nói gì:

Một lần thôi, đủ nhớ đời

Yelp kia cũng chứa những lời xạo ke!­­

IB

Wellington, NZ