Đây không phải là ban nhạc The Beatles mà là bộ dĩa đôi “The Beatles” vừa mừng sinh nhật 50 tuổi. Một nhóm nhạc sĩ kỳ cựu đang đi tour trình diễn album này trong một chương trình mang tên “It Was Fifty Years Ago Today”. Những ai hâm mộ Beatles nếu có cơ hội rất nên đi xem!

Trên: Christopher Cross; Todd Rundgren; Micky Dolenz Dưới: Jason Scheff; Joey Molland; poster. nguồn: internet   

The Beatles” là tên chính thức, nhưng hầu như ai cũng gọi nó là the “white album” vì cái bìa trắng trơn, không có hình gì cả ngoài chữ “The Beatles” in nổi thật nhỏ và rất khó nhận ra. White Album thường được gọi là điểm khởi đầu cho hồi kết của ban nhạc Beatles. Khác với các album trước, nhất là dĩa “Sgt Pepper’s” ra hồi đầu năm 68 và được xem như tác phẩm kiệt xuất nhất của bốn chàng tứ quái từ Liverpool, White Album không có một chủ đề rõ rệt. Qua các bài nhạc ta nhận thấy các vết rạn nứt giữa các thành viên bắt đầu xuất hiện. Một nửa các bản nhạc trong album này không có đầy đủ John, Paul, George và Ringo. Có bài chỉ có hai người chơi hết mọi nhạc cụ; có bài chỉ có ba. Có lúc Ringo chịu không nổi, vứt hết mọi thứ và bỏ đi ra nước ngoài, khiến ba chàng còn lại phải năn nỉ quá trời.

Và dù là dĩa đôi nhưng rốt cuộc không có một dĩa đơn nào từ Album Trắng được phát hành. Cũng may là cùng trong thời gian Beatles thâu dĩa này họ đã hoàn tất hai bài và tung ra sớm trên dĩa nhỏ 45-tua, đó là bài “Hey Jude” và “Revolution”. Hai bài này ngày nay hầu như ai cũng (phải) biết. “Hey Jude” không những từng leo lên đến #1 trên Billboard mà ngày nay còn là bài encore cuối cùng trong live show của Paul McCartney và nhiều show “Beatles giả” khác – như nhạc kịch “Rain” trên Broadway chẳng hạn.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Sau khi làm xong “Sgt Pepper’s”, đầu tháng 3 năm 1968 John, Paul, George và Ringo cùng bạn gái và một số bạn bè bay sang Rishikesh, Ấn Ðộ, để dự một trại tĩnh tâm do giáo sĩ Yogi Maharishi Mahesh hướng dẫn. Mặc dù mục đích là để lánh xa bụi trần và chú tâm thiền định, nhưng John và Paul đã lợi dụng thời gian này để … viết nhạc. Chỉ trong vòng vài tuần lễ hai người đã soạn được vài chục ca khúc dài ngắn đủ kiểu, có những bài họ soạn riêng, có bài họ giúp nhau đồng soạn. George cũng dùng thời gian này để tu luyện ngón đàn sitar mà anh đã học từ người thầy và bạn là Ravi Shankar. Riêng Ringo thì đến Rishikesh chưa đầy hai tuần đã bỏ về trước vì … nuốt không nổi cà-ri Ấn Ðộ!

Paul McCartney, John Lennon, Maharishi Mahesh, George Harrison, Ringo Starr. (Internet)

Tháng 5, 1968 họ tụ tập tại nhà của George ở Esher, Anh Quốc. Tại đây  khoảng 40 bài nhạc mang từ Rishikesh về được đem ra chia sẻ và mổ xẻ. 26 bài trong số đó đã được thâu thử (demo), và đó là khởi điểm của album, khi ấy chưa có tên chính thức. Họ mướn khán phòng thâu Abbey Road Studio từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7 (tốn bộn tiền), nhưng phải đến tháng 10, 1968 mới hoàn tất.

Lần đầu tiên trong lịch sử ban nhạc, Lennon phá lệ và mang bạn gái của mình là Yoko Ono vào phòng thâu. Ðiều này đã làm những thành viên khác khó chịu. Nhưng rồi những người kia thỉnh thoảng cũng đem bạn gái hay vợ của mình vào. Sự hiện diện của người ngoài khiến họ mất đi phần nào sự tự nhiên và ngẫu hứng khi làm nhạc. Ðến như người phụ trách thu thanh lâu năm của Beatles cũng chịu không thấu; đang làm việc nửa chừng anh ta bỏ đi luôn không thèm trở lại.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Khác với các dĩa nhạc trước đó, White Album gom nhiều thể loại âm nhạc khác biệt vào trong một dĩa – country, rock, blues, jazz, pop, vaudeville, hillbilly, reggae, folk, ballad, heavy metal… Nghĩa là thứ gì cũng có, kể cả một bài “nhạc” mang tên “Revolution #9” dài gần 9 phút, gồm toàn những âm thanh hỗn độn chắp nối với nhau một cách tuỳ hứng, y như một bức tranh psychedellic hậu hiện đại; không ai hiểu nó muốn nói gì.

Beatles (Ringo, Paul, George, John) trong phòng thâu Abbey Road Studio, với producer George Martin (chống cằm) và Yoko Ono. nguồn: independent.co.uk

Nhiều người khuyên nhà sản xuất George Martin nên bỏ bài này ra và cắt bớt tổng thời lượng của album xuống vừa vặn hai mặt dĩa 33-tua thôi, nhưng ông không chịu. Thế là “Revolution #9” nghiễm nhiên trở thành một hiện tượng văn hoá của nhạc pop, mở ra một chân trời mới cho những nghệ sĩ thử nghiệm (avant-garde) về sau – trong việc này Yoko Ono là người có công lớn.

“It Was 50 Years Ago” cũng mở đầu chương trình bằng một trích đoạn từ “Revolution #9”. Show gồm có một số nhạc sĩ có liên quan đến ban Beatles như ca sĩ Mickey Dolenz của ban The Monkees cùng thời với Beatles – những ai từng lớn lên ở miền Nam trước 75 có thể đã xem qua The Monkees trên băng tần 11. Như ca sĩ Joey Molland của Badfinger, một ban nhạc cùng quê hương Liverpool được hãng dĩa Apple của Beatles ký hợp đồng và đích thân George Harrison làm producer. Như nhạc sĩ Todd Rundgren, người từng giúp George sản xuất dĩa cho Badfinger cũng như từng chơi nhiều năm với ban nhạc All-Starr Band của Ringo Starr. Thêm vào đó là Jason Scheff của ban Chicago và ca sĩ Christopher Cross đến từ thập niên 80. Nhờ được điều khiển bởi Joey Curatolo, nhà sản xuất vở “Rain” trên Broadway, nên chương trình tuy dài nhưng rất bài bản và chu đáo. Các bài nặng ký như “Helter Skelter”, “While My Guitar Gently Weeps” đều được khán giả (đa số cao tuổi) hưởng ứng hết mình.

Todd Rundgren nhập vai bài “Helter Skelter”. ảnh: Whitney Burr

Ðối với những ai thích nhạc của the Beatles, và nhất là thích dĩa White Album, thì chương trình này thật là một cơ hội hy hữu để nghe các bài nhạc vang tiếng một thời được làm sống lại bởi những nhạc sĩ rock lừng danh. Ngoài những bản nhạc quen thuộc như “Birthday”, “Back In The U.S.S.R”, “Blackbird”, “Ob-la-di, Ob-la-da”… ta còn được thưởng thức nhiều bài thuộc loại cực-hay-nhưng-ít-ai-chơi, như “Julia”, “Piggies”, “Savoy Truffle”…

Xem thêm:   Allen PAC

Chưa kể ta còn được cho nghe những bản top hit của các nhạc sĩ gạo cội kia – như “I’m A Believer” của The Monkees, “25 or 6 to 4” của Chicago, “Sailing” của Christopher Cross, “Hello, It’s Me” của Todd Rundgren v.v. Ðúng là mua một tặng … bốn!

Sau nửa thế kỷ nhìn lại, sự giản dị trong cách trình bày bìa Album Trắng, cùng với cái tựa “The Beatles” hết sức đơn sơ, hàm ẩn một triết lý sâu xa về âm nhạc nói riêng, và nghệ thuật nói chung, mà chắc chắn nhiều thế hệ sau vẫn sẽ thấy giá trị nếu họ cất công tìm. Và có lẽ đó là sự cống hiến lớn nhất, vô tình hay cố ý, của cuộc giao thoa văn hoá Ðông-Tây tại Rishikesh vào mùa Xuân 1968.

IB

Dallas