21 năm trước Hội Văn Hoá Khoa Học ở Houston đứng ra tổ chức một chương trình nhạc giao hưởng mang tên Nước Non Ngàn Dặm với nhạc sĩ Lê văn Khoa và dàn đại hoà tấu Houston Symphony Orchestra. Ngày 11/11/2018 Hội một lần nữa mang đến cho cộng đồng hải ngoại một đêm nhạc xem ra còn quy mô hơn lần đầu. 

nuoc-non-ngan-dam5

Toàn cảnh sân khấu Dunham Theater trong bài nhạc kết thúc chương trình. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Vào thời điểm 1997, Nước Non Ngàn Dặm là một dự án có tầm vóc lớn với ngân sách hơn $80,000 (trị giá thời bấy giờ); thính đường Jones Hall chật ních với 1,500 khán giả Mỹ Việt. Cách đây vài năm, trong một lần ghé thăm Houston, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, khi ấy đã trên 80 tuổi, có dịp nói chuyện với một số anh chị em thân hữu tại đây và ngỏ ý muốn làm một chương trình Nước Non Ngàn Dặm thứ nhì. Sau khi bàn thảo và được sự đồng thuận của hội viên, HVHKH đã nhận lời tổ chức. Lần này ban nhạc được mời là Houston Civic Symphony (HCS), một dàn đại hoà tấu 80 người từng cộng tác với Hội trong chương trình nhạc Cung Tiến hồi năm 2002. Thêm vào đó còn có Ban Hợp Xướng Việt gồm khoảng 70 ca viên ưu tú chọn lọc từ các ca đoàn của giáo xứ La Vang, cộng với ca đoàn Chân Lý của các Sơ thuộc dòng nữ tu Ða Minh gần 30 người, cả hai đều do nhạc sĩ Viễn Phương điều khiển. Có lẽ đây là chương trình nhạc giao hưởng của người Việt hải ngoại lớn nhất, tính tới ngày hôm nay.

nuoc-non-ngan-dam6

Ca sĩ Bích Vân với nhạc phẩm “Mơ Về Quê Tôi” của Lê văn Khoa. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Theo lời cô Nguyễn Phúc Anh-Lan, trưởng ban Gây Quỹ, ngân sách lúc ban đầu chỉ chừng $50,000. Nhưng khi bắt tay vào việc hồi tháng 7 năm 2017, chi phí đã bất ngờ tăng cao hơn gần gấp đôi. Thế nên một đêm gây quỹ đặc biệt đã được tổ chức hồi tháng 9/2018 tại nhà hàng Kim Sơn, với sự bảo trợ nhiệt tình của anh chị Trí La chủ nhà hàng. Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm, trong vai trò Trưởng Ban Tổ Chức, đã cùng các thân hữu kêu gọi được một số thân hào nhân sĩ trong vùng nhận lời làm nhà tài trợ chủ lực cho chương trình. Những nhà mạnh thường quân mệnh danh Platinum Member (mỗi người đóng góp $5,000) đã giúp BTC quyên góp được gần phân nửa ngân sách cần thiết. Riêng nhà hàng Kim Sơn không những đã tham gia bằng Platinum Membership mà còn cung cấp thức ăn miễn phí cho ca đoàn trong mấy tháng tập dượt. Bravo anh chị Trí La!

nuoc-non-ngan-dam

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân, ca sĩ Ngọc Hà, cùng với Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm trước giờ trình diễn. ảnh: ianbui/TRẺ

Tất cả những điều nói trên là minh chứng cho lòng quý mến mà cộng đồng người Việt ở Houston dành cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Những cống hiến của ông cho nghệ thuật nước nhà trước 1975, và cho cộng đồng hải ngoại nhiều năm sau đó, thật sự đáng được vinh danh và phổ biến đến quần chúng. Ngoài việc sáng tác và hoà âm phối khí nhạc Việt, Lê Văn Khoa còn là một nhiếp ảnh gia tên tuổi từng đoạt nhiều giải thưởng thời VNCH. Một số ảnh của ông hiện đang tham dự một cuộc triển lãm nghệ thuật Á Ðông tại bảo tàng nghệ thuật Baltimore Museum of Art.

nuoc-non-ngan-dam8

“Hẹn Một Ngày Về” của Lê Văn Khoa kết thúc chương trình với hơn 150 ca sĩ và nhạc sĩ trên sân khấu Dunham Theater. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Riêng về mảng âm nhạc, Lê Văn Khoa là người có công giới thiệu dân ca và nhạc Việt đến với công chúng khắp thế giới. Ông quan niệm muốn người khác hiểu mình ta nên dùng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Và theo ông thì nhạc giao hưởng Tây Phương là phương tiện đắc lực để đạt mục đích đó. Vì vậy ông đã hoà âm phối khí hàng mấy trăm bài dân ca và nhạc Việt cho các dàn nhạc Tây Phương, gồm có cả nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng v.v.

nuoc-non-ngan-dam4

Hội viên HVHKH bán sách và CD của NS Lê Văn Khoa ngoài sảnh đường Dunham Theater của Houston Baptist University. ảnh: ianbui/TRẺ

Cho chương trình NNND2, Lê Văn Khoa đã trao Dr Brian Runnels – nhạc trưởng Houston Civic Symphony, một xấp giấy nhạc (musical score) gần 30,000 trang. Vì các nhạc sĩ Mỹ không quen thuộc với nhạc Việt, ông và Dr Runnels phải làm việc chặt chẽ sát sườn trong nhiều tháng trời – khi thì trao đổi qua email hay điện thoại viễn liên, lúc thì gặp tận mặt. Mỗi khi cần phải sửa đổi gì là ông phải viết và in lại hàng trăm trang nhạc khác nhau cho các nhạc cụ và nhạc sĩ.

Xem thêm:   Beetlejuice

_h1

Nhưng kết quả của công lao cực nhọc đó là một đêm nhạc giao hưởng độc đáo cho 1,200 khán giả cả Việt lẫn Mỹ, với những nhạc phẩm cổ điển bất hủ như: “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy (ca sĩ Bích Vân); “Hương Xưa”của Cung Tiến (Teresa Mai); “Hải Ngoại Thương Ca”của Nguyễn Văn Ðông (Thiên Tôn); “Chiều Tím”của Ðan Thọ (Ban Tam Ca Mai-Ngọc-Thủy); “Hòn Vọng Phu 3”của Lê Thương (Ban Hợp Xướng Việt)… Thêm vào đó là một số bài dân ca như “Trăng Rằm”, “Lý Ngựa Ô”, “Se Chỉ Luồn Kim”… với tiếng đàn tranh của Hải Yến, một nhạc sĩ dân nhạc hiện đang sống ở Houston. Ca đoàn nữ tu Chân Lý với bài “Tình Hoài Hương” của Phạm Duy cũng đã được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.

nuoc-non-ngan-dam7

Hải Yến trình tấu đàn tranh bản “Lý Ngựa Ô”. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Dĩ nhiên chương trình cũng có một số sáng tác của Lê Văn Khoa như:  “Bình Bán Vắn” mở màn, đây là một chương trong đại tác phẩm hoà tấu “Symphony Vietnam 1975” được ông soạn sau ngày ly hương; bài “Ngày Mai Chia Tay”, viết năm ông mới 23 tuổi khi đang nằm trên giường bệnh chờ chết vì bệnh lao (nhờ Trời ông đã không phải chia tay chúng ta sớm vậy). Ca từ bài này về sau đã được vợ ông là ca sĩ Ngọc Hà sửa lại cho lạc quan yêu đời hơn. Và cũng chính cô Ngọc Hà là người đã trình bày bản này trong NNND2. Chương trình kết thúc với bài “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Văn Khoa với Ban Hợp Xướng Việt. Tiếng hát của 70 ca viên hoà với tiếng nhạc của dàn đại hoà tấu tạo nên một rừng âm thanh rất là hạp nhĩ.

nuoc-non-ngan-dam9

Thiên Tôn trong bài “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Mặc dù NNND2 có một số trục trặc kỹ thuật đáng tiếc và vài tiết mục hơi bị dài khiến BTC phải chạy nước rút vào đoạn cuối, nhưng những lỗi đó xem ra không đáng kể so với tầm vóc và nội dung của chương trình nói chung. Rất vui là NNND2 đã thành công mỹ mãn, không lỗ vốn, thậm chí còn dư ra chút đỉnh sẽ được dùng cho một số sinh hoạt cho thanh thiếu niên trong vùng.

_h2

MC Nguyễn Ngọc Bảo và Trần Nhật Thùy Elena

Anh Nguyễn Ngọc Bảo, sáng lập viên Hội Văn Hoá Khoa Học đồng thời là MC cho chương trình, cho biết từ khi bắt tay vào việc cho đến đêm trình diễn, BTC đã mất tổng cộng 18 tháng chuẩn bị. Về mặt marketing, các tờ báo, đài radio/TV địa phương đã yểm trợ hết mình bằng cách cho đăng quảng cáo và thông tin miễn phí trong ba tháng, tính luôn nhiều talk show phỏng vấn đại diện BTC. Ðây cũng là lần đầu tiên vé chỉ được bán trên Web chứ không bán ngoài chợ như xưa.

nuoc-non-ngan-dam1

Ca đoàn Chân Lý với các nữ tu Dòng Đa Minh trong bài “Tình Hoài Hương”. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Khi tôi hỏi nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại sao ông lại chọn Houston để làm chương trình này mà không làm ở Cali nơi có đông đảo người Việt, ông đã thẳng thắn trả lời rằng bởi ông tin chỉ có HVHKH và cộng đồng người Việt ở Houston mới có đủ nhân lực, tài lực, khả năng và kinh nghiệm tổ chức để cáng đáng công việc này. Mà quả thật là như vậy. Tuy người viết đã từng xem không biết bao nhiêu chương trình nhạc hoà tấu, từng được nghe không biết bao nhiêu ca đoàn Mỹ trình diễn, kể cả tại những thính đường lớn như Carnegie Hall ở New York, nhưng khi bản quốc ca VNCH quen thuộc trổi lên trong tiếng đàn tiếng trống của một dàn orchestra lớn, nó đã mang lại một cảm giác hết sức khó tả. Xúc động nhất là phút mặc niệm với bản nhạc “Hồn Tử Sĩ” – tiếng kèn solo trumpet da diết làm nổi da gà.

nuoc-non-ngan-dam2

Nhạc sĩ nhận bằng vinh danh “Ngày Lê Văn Khoa” do thị trưởng Houston ký ban tặng. ảnh: Minh-Thu/HVHKH

Xin cảm ơn anh chị em trong HVHKH, xin cảm tạ những vị mạnh thường quân cùng tất cả các thiện nguyện viên. Trên hết, xin chúc mừng nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã biết “chọn mặt gửi vàng”. Mong rằng, như lời ông phát biểu trong buổi tiệc khao mừng chiến thắng, chúng ta sẽ có dịp “làm một Nước Non Ngàn Dặm 3 còn hay hơn hai lần trước. Nhưng… hy vọng tui không phải chờ 21 năm nữa!”

nuoc-non-ngan-dam3

Tác giả gặp gỡ nhạc sĩ sau chương trình. ảnh: ianbui/TRẺ

Ian Bui

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Dallas, TX